Biển Đông 27 năm sau cuộc hải chiến Trường Sa

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền biển đảo bước vào một giai đoạn mới khó khăn, phức tạp và quyết liệt.

Cách đây 27 năm, ngày 14/3/1988, tại khu vực các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa đã diễn ra cuộc hải chiến đẫm máu do hải quân Trung Quốc tấn công các tàu vận tải và lực lượng hải quân Việt Nam bảo vệ các cứ điểm này. Cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma của các chiến sĩ hải quân Việt Nam là quyết liệt nhất vì đảo đá này giữ vị trí quan trọng kiểm soát đường biển tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ đóng quân tại quần đảo Trường Sa. Hải quân Việt Nam đã mất ba tàu vận tải và 64 thủy binh Việt Nam đã hi sinh.

Cuộc hải chiến Trường Sa 1988 đã đi vào lịch sử ít nhất trên hai phương diện: Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử Biển Đông, Trung Quốc đã xác lập chỗ đứng tại quần đảo Trường Sa. Thứ hai, các cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam từ đất liền đã chuyển ra biển.

27 năm sau, Việt Nam và các nước liên quan đến cuộc xung đột Biển Đông đứng trước một thực tế nghiêm trọng mới: Trung Quốc đang ráo riết xây dựng, mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trên nền của các đảo đá họ chiếm đóng trái phép đầu năm 1988, như Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Gaven và cùng với các căn cứ tiềm năng ở Bãi Vành Khăn do Philippines kiểm soát mà Trung Quốc chiếm năm 1995 sẽ cho phép Trung Quốc tiến tới áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Các dự án cải tạo đảo và xây dựng quy mô lớn mà Trung Quốc tiến hành tại khu vực Trường Sa là chưa từng có tiền lệ quốc tế cũng như đối với Biển Đông.

Những cơ sở đó sẽ nâng cao khả năng phong tỏa các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đến các đảo và đá mà hai nước đang kiểm soát ở Trường Sa. Các đội tàu cá của Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở tiện ích trên các căn cứ hiện đại để tăng thời gian và mở rộng phạm vi hoạt động đánh bắt hải sản, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước giáp Biển Đông.

Các căn cứ liên hợp không – hải quân đang được Trung Quốc ráo riết xây dựng tại Trường Sa sẽ củng cố năng lực kiểm soát, cũng như cho phép Trung Quốc triển khai nhanh chóng và hùng hậu các tàu thuyền và máy bay quân sự, bán quân sự và giả dân sự đến khu vực phía nam và trung tâm Biển Đông.

Các liên hợp căn cứ ở Trường Sa sẽ gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc, gây trở ngại cho các hoạt động quân sự của Mỹ trên biển và trên không. Căn cứ không quân tại bãi Chữ Thập sẽ tăng khả năng răn đe đối với các nước Đông Nam Á hải đảo và đặt các căn cứ quân sự của nước Úc, trong đó có căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ ở Darwin, trong tầm hoạt động của máy bay ném bom chiến lược tầm trung. Nghiêm trọng hơn nữa, chúng tăng cường khả năng phong tỏa các tuyến đường biển trọng yếu ngang qua Biển Đông trong thời kỳ có xung đột ở khu vực và uy hiếp trong thời bình.

Trên cơ sở các liên hợp căn cứ Trường Sa, Trung Quốc có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Các hoạt động cải tạo bãi đá của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và thỏa thuận DOC 2002.

Trong một cuộc họp báo ngày 8/3 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ những phản đối của nước khác về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa. Vương Nghị đã không ngần ngại khẳng định Biển Đông là “nhà” và “sân” của Trung Quốc. Nguyên văn, Vương Nghị nói: “Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác đã xây dựng trái phép trong nhà của người khác. Và chúng tôi không chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng của chúng tôi”. Với tuyên bố như vậy, Trung Quốc càng bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Điều đáng tiếc, trong các nước liên quan đến Biển Đông, chỉ có Việt Nam, Philippines và Mỹ bày tỏ lập trường và lên tiếng phản đối.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền biển đảo bước vào một giai đoạn mới khó khăn, phức tạp và quyết liệt. Không thể có bất kỳ một chút mơ hồ và ảo tưởng nào!

Người bình luận

(Theo Tổ Quốc)

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Biển Đông 27 năm sau cuộc hải chiến Trường Sa”:

  1. Cái khó lớn nhất của Hải quân Trung Quốc là hình thành một chuỗi cung cấp hậu cần cho lực lượng tàu chiến hùng hậu của mình nếu chúng phải tác chiến xa căn cứ dài ngày. Ngay Hải quân hùng hậu của Mỹ nhiều khi vẫn cần sự trợ giúp hậu cần của các đồng minh. Nếu Trung Quốc xây dựng xong các chuỗi đảo nhân tạo tại Biển Đông, cái thế yếu của Hải quân TQ sẽ được khắc phục rất nhiều.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề