Trump: thiên tài chính trị hay chú hề?

Cuộc tranh luận truyền hình tối ngày 6 tháng 8 ở Hoa Kỳ của các ứng viên Đảng Cộng hòa không hề làm tan tành giấc mơ tổng thống của tỷ phú Donald Trump, 69 tuổi, mà chỉ khiến những ai không ưa ông ta thêm bực bội.

Chẳng những không ‘cải tà quy chính’, nhân vật thừa tai tiếng từ mấy chục năm qua còn không buông tha cả người phụ nữ chủ trì thảo luận.

Bà Megyn Kelly bị ông Donald Trump quạt thẳng cánh giữa con mắt của hàng triệu khán giả truyền hình và sự ngỡ ngàng của các ứng viên còn lại.

Báo chí hai bờ Đại Tây Dương sau cuộc tranh luận đã không ngưng tìm hiểu vì sao một người từng gọi phụ nữ là ‘heo mập’ vẫn còn được dân Mỹ ủng hộ.

Trang web vận động tranh cử cho ông Trump, ‘Vì một nước Mỹ vĩ đại’ (Make America Great Again) phấn chấn vì ông dẫn điểm so với các ứng viên tỏ ra đoan chính khác.

Ông Donald Trump, người có 4 tỷ USD, ba lần lấy vợ, toàn những cô thuộc ngành showbiz, được số phần trăm ủng hộ trên hẳn Jeb Bush và bỏ xa các ứng viên còn lại.

Và có vẻ như ông chẳng sợ gì tranh luận công khai.

Trước đó, Michael Barbaro trên New York Times viết về ‘hiện tượng Donald Trump’:

“Ông ta làm mọi người cáu giận, ông ta làm mọi người bực bội, và còn như đe dọa người ta, thậm chí cảnh cáo thẳng bà chủ trì hội luận rằng ông ta sẽ cho bà biết tay.

Chê những phụ nữ ông không ưa, Trump lại thích các hoa hậu, người mẫu

“Khi bị chất vấn vì sao ông ta hay có xu hướng ví những phụ nữ ông không ưa là “heo mập”, “lặc lè”, “động vật đáng tởm”, ông ta bác bỏ ngay rằng cả ông và cả nước Mỹ “không có thời gian cho những chuyện nói năng phải đạo”.

“Nhưng dù ông đã làm tung tóe cả sân chơi tranh cử của đảng Cộng hòa và lộ ra như điểm gây khó chịu cho chiến dịch vận động 2016, câu hỏi về ông Trump, vốn là nhà đầu tư địa ốc rồi thành ngôi sao truyền hình trực tuyến, rồi thành ứng viên, là liệu ông có thể dùng ngôn ngữ chừng mực và phong cách ngoại giao cho cuộc tranh luận truyền hình đêm thứ Năm vừa qua hay không.

Hoàn toàn không.”

Bài trên New York Times kết luận sau cuộc tranh luận:

“Ông Trump vẫn không thay đổi gì cả: cao ngạo, không hối lỗi và sắc nhọn.”

Nhưng không phải bây giờ ông Donald Trump mới ‘đổ đốn’ ra như thế.

Marie Brenner trên trang Vanity Fair từ năm 1990 đã mô tả ông Trump là người có cách nhìn thô bỉ, không chấp nhận được về phụ nữ.

Ông hay gọi phụ nữ, kể cả vợ cũ là ‘mông’ (piece of ass), và coi đó là lời khen.

Ông cũng gọi người di dân Mexico là ‘bọn hiếp dâm’ trong khi bị tố cáo thuê người nhập cư từ Ba Lan làm việc nhà và chỉ trả rẻ mạt, 1 đô la một giờ.

Ông xúc phạm Thượng nghị sỹ John McCain vì chê bai thành tích ngồi tù ở Hỏa Lò Hà Nội của người cựu phi công Mỹ.

Nhưng cứ tạm cho rằng ta có hiện tượng một người ‘nói thẳng nói thật’ tới mức bất lịch sự nhưng ẩn chứa những ý tưởng thiên tài cho nước Mỹ thì cũng cần xem nếu lên làm tổng thống, ông Trump có chính sách ngoại giao thế nào.

Dân chạy xe mô tô ủng hộ ông Donald Trump

Trong cuộc tranh luận trên Fox News, câu duy nhất có vẻ như là ‘chính sách đối ngoại’ của ông ta là “Tống cổ Iran, chiếm lại Iraq, lấy hết dầu của chúng nó”.

Không có gì mới.

Từ các năm 2011, 2013 ông đã nói như thế.

Nhưng làm thế nào để chiếm lại Iraq và lấy hết 143 tỷ thùng dầu của nước đó thì đến nay ông không tiết lộ.

Còn về hiện tượng biến đổi khí hậu, ông từng cho rằng chính không phải ai khác mà người Trung Quốc đã tạo dựng ra khái niệm ấm nóng khí quyển để hại ngành sản xuất của Mỹ.

Thật đơn giản, dễ hiểu, khỏi cần nghiên cứu gì tốn kém!

Dân tuý và phản đề

Hiện tượng như ông Trump cũng xảy ra ở nhiều nơi khác.

Đó là sự xuất hiện của những nhân vật ‘phản đề’.

Twitter của ông Trump đổ cho người Trung Quốc dựng ra khái niệm ấm nóng khí quyển

Dù khác nhau nhiều về tính cách, về phát ngôn, về hoạt động chính trị, tiểu sử, họ đều thu hút một phần không nhỏ dư luận bức bối với chính giới đang cầm quyền (the establishment) ở Mỹ cũng như Anh, Pháp, Ý…

Càng góc cạnh, càng ‘trái chiều’ họ càng được một phần công chúng cho là rất thật.

Họ thu hút người ủng hộ qua sợi dây cảm tính chứ không cần quá nhiều lý trí.

Tại Anh có ông Nigel Farage, bản thân có vợ người Đức nhưng luôn hô hào ngăn chặn di dân, thậm chí đòi Anh rút khỏi EU.

Đảng Ukip của ông thu hút hàng triệu phiếu cử tri hồi tổng tuyển cử tháng 5 vừa qua.

Ở Ba Lan trước đây có anh em Lech và Jaroslaw Kaczynski, và Slovakia có thủ tướng Vladimir Meciar.

Tại Ý, một nhân vật liên tiếp có tai tiếng là Silvio Berlusconi vẫn làm được thủ tướng nhiều lần.

Các scandal không đếm nổi cuối cùng đã khiến ông sụp đổ nhưng dân Ý vẫn chia làm hai nhóm ‘mến mộ’ và ‘kinh tởm’ ông.

Về mặt nào đó, ông Vladimir Putin cũng quyến rũ dân Nga qua cách lên gân, phô trương sức mạnh trần trụi và lời lẽ dân tộc chủ nghĩa.

Chỉ khác là ông đã cầm quyền rồi nên xây dựng hình ảnh ‘phản đề’ một mình chống lại cả Phương Tây.

Ở Hy Lạp, nhân vật cánh tả gốc cộng sản, thủ tướng trẻ Alexis Tsipras cũng có những lời lẽ chống Đức, vừa xin tiền vừa bài xích châu Âu để thu hút cử tri.

Điểm chung của họ là theo chủ nghĩa dân tuý (populism) như kẻ say hoặc giả say trong bữa tiệc trịnh trọng để nói toạc ra các nỗi niềm quan khách đều muốn xả nhưng không dám.

Trào lưu này đang gây điêu đứng cho phe trung tả và trung hữu ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Vì thế, dù có thể không đi đến đâu, ông Trump sẽ còn tạo ra câu chuyện trong suốt cuộc tranh cử tổng thống Mỹ từ nay đến gần hết năm sau.

Chính trị Mỹ xét cho cùng cũng là một show diễn và vai ‘hài giận dữ’ quả là phù hợp với nhà tỷ phú vốn nổi danh nhờ reality TV, đúng là ‘như thật’.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề