“Dù là 35 năm sống xa quê hương, dù cả năm tôi có ăn đồ ăn và sống lối sống phương Tây, tôi nhất định phải giữ lại cho mình trọn vẹn tinh thần của văn hóa nơi cội nguồn đã sinh ra tôi!”
Lần đầu một mình trở về Hà Nội – nơi tôi sinh ra, thật khó để diễn tả đúng cảm giác của mình, vừa lạ lẫm vừa có gì đó thật mơ hồ mà thân quen. Tôi cảm thấy như thể mình có lý do để thuộc về nơi này. (Thanh Loan, TP. HCM).
Tết năm 1978, đại gia đình 11 người chúng tôi gồm ông bà ngoại, ba mẹ, hai dì, ba anh em tôi và hai đứa em họ (một đứa còn nằm trong bụng dì tôi) khăn gói tha hương đi tìm cuộc sống mới. Chú bé là tôi khi ấy chưa từng biết gì về thế giới bên ngoài, không biết sẽ theo người lớn đi đâu, trí óc tôi chỉ hiện lên câu hỏi rất ngây ngô, không biết ở nơi đó, tôi có gặp lại những ngôi nhà, những người bạn giống như ở Việt Nam không?
Cuộc hành trình tha hương vất vả đó kéo dài tới hai năm, dài hơn và nhiều khó khăn hơn những gì ba mẹ tôi nghĩ, có những lúc tưởng chừng như vô vọng. Chúng tôi theo tàu lênh đênh trên biển rồi ghé vào một đảo hoang của Trung Quốc, dựng lều sống mấy tháng trời, rồi một con tàu khác tới đưa chúng tôi qua Hong Kong, ngày ba mẹ phải theo xe ra ngoài đi làm, tối về trại tị nạn suốt hơn một năm…
Trong chuyến tha hương, chồng của dì lớn tôi không chịu đi theo và không ai ngờ rằng từ đây, gia đình nhỏ của họ bị chia cắt mãi mãi. Sự thiếu thốn trên đường đi đã cướp đi sinh mạng dì tôi ngay sau khi sinh nở. Đây cũng là điều day dứt tâm can suốt đời ông bà ngoại và mẹ tôi, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần mẹ tôi bần thần nói: “Phải chi ngày ấy đừng rời bỏ Việt Nam… thì dì vẫn còn sống!”
Cuối mùa xuân năm 1980, cả gia đình tôi được bảo lãnh nhân đạo tới Calgary, Alberta, Canada. Ba mẹ tôi vẫn nghĩ mình sẽ đến một xứ sở giàu có và rất đông vui, tấp nập giống như Hong Kong. Nhưng rồi thế giới mới hiện ra trước mắt chúng tôi rất khác so với tưởng tượng. Nhà cửa thưa thớt, ít thấy bóng người, tuyết vẫn còn đọng lại vài nơi khiến đường xá khá bẩn. Một thế giới khác lạ về cảnh vật, con người, ngôn ngữ, cách ứng xử… khiến chúng tôi vô cùng bối rối.
Nhưng cái cảm giác bỡ ngỡ và hơi sốc ban đầu đó không được phép tồn tại lâu. Cả gia đình tôi gồm người già, người lớn và trẻ nhỏ buộc phải mau chóng tìm cách thích nghi với cuộc sống mới. Ba tôi đi làm ở xưởng gỗ, mẹ tôi làm xưởng may, rồi ban đêm hai người làm thêm dọn dẹp văn phòng… Vì không hiểu tiếng Anh, lúc ở chỗ làm, người ta nói gì ba mẹ cũng chỉ biết cười, nhưng lúc về nhà, nhiều lần mẹ tôi khóc vì lo mình làm sai ý người ta.
Ba anh em tôi sau hai năm gián đoạn học hành đã hăm hở đến trường, nhưng chúng tôi bị trêu cười vì không biết nói tiếng Anh. Tôi lao vào học tiếng Anh điên cuồng, mọi lúc mọi nơi. Đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng cầu nguyện, rồi một ngày tôi sẽ nói giỏi hơn những người đã cười tôi.
Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định. Tám anh em chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành và hấp thụ trọn vẹn nền văn minh, lối sống phương Tây. Tôi bắt đầu tìm lại quê hương mình, nơi mà ông bà ngoại đã đi xa của tôi không còn cơ hội trở về và ba mẹ tôi chưa một lần dẫn các con về thăm trong những năm tháng mưu sinh quay cuồng vất vả.
Khi lần đầu một mình trở về Hà Nội – nơi tôi sinh ra, thật khó để diễn tả đúng cảm giác của mình, vừa lạ lẫm vừa có gì đó thật mơ hồ mà thật thân quen, tôi cảm thấy như thể mình có lý do để thuộc về nơi này. Tôi tự hỏi, anh em chúng tôi – thế hệ người Việt thứ hai ở nơi này, không chịu nhiều đau thương, vất vả, không mang theo thật nhiều ký ức, không phải chịu đựng nỗi nhớ quê hương dai dẳng… như thế hệ ông bà, ba mẹ tôi, nhưng chúng tôi không hoàn toàn là người Canada. Chúng tôi sẽ giữ lại cho mình những gì trong phần con người Việt Nam – con người phương Đông khi sống ở thế giới phương Tây.
Lớn lên trong lòng xã hội phương Tây, tôi biết họ rất giỏi trong việc xây dựng một xã hội phát triển. Chính phủ đứng ra nhận trách nhiệm trông nom sức khỏe cho người già, nuôi dạy trẻ nhỏ, người trưởng thành thì yên tâm đi làm, đóng thuế, họ có cơ hội và bị thúc đẩy đóng góp hết sức mình cho xã hội. Nhưng cùng lúc đó cấu trúc gia đình lỏng lẻo đi, tình cảm giữa người thân dường như đơn giản đi.
Tôi nghĩ rằng người phương Đông giỏi hơn trong việc xây dựng một gia đình gắn bó, quan tâm lẫn nhau và luôn luôn nồng ấm. Tôi có thói quen hay ghé nhà ba mẹ, đơn giản chỉ để xem có thứ gì hỏng không hay ngồi nói chuyện trong lúc họ ăn tối. Khi về Việt Nam tôi mới nhận ra rằng, thói quen nhỏ đó bắt nguồn từ tình cảm gia đình sâu nặng theo kiểu người Phương Đông, chứ không phải chỉ nhờ giáo dục mà có được. Tôi yêu cái cách kính trọng người già và tạo ra thứ bậc trong gia đình Việt Nam. Tôi muốn giữ lại nó cho cả thế hệ con cái mình.
Một điều khiến tôi ngạc nhiên khi về Việt Nam là những người bạn thuở nhỏ rất nhiệt tình dành thời gian tiếp đón tôi, không khí gặp mặt nhanh chóng trở nên thân mật dù đã rất lâu không liên lạc và có quá nhiều thay đổi. Điều này không dễ gì có được ở nơi tôi đang sống. Tôi muốn học cách cư xử của người Việt Nam với những người tôi yêu quý.
35 năm sống xa quê hương là 35 cái Tết ba tôi giữ thói quen gói 70-80 cái bánh chưng để cúng ông bà và tặng người thân, bạn bè. Chúng tôi phải chế tạo một cái bếp gas riêng dưới garage để ông luộc bánh. Dù cả năm tôi có ăn đồ ăn và sống lối sống phương Tây, thì đến những ngày lễ, gia đình tôi phải ăn món của Việt Nam và sống trong không khí của phương Đông. Tôi nhất định phải giữ lại cho mình trọn vẹn tinh thần của văn hóa nơi cội nguồn đã sinh ra tôi!
Theo Dương Loan (ghi lại lời kể của chồng)/VnExpress
- Người Việt ở Biển Chết: Không phải cứ xuống nước là nổi
- Công dân Việt Nam ra nước ngoài: Cần biết cách tự bảo vệ mình
- Những gương mặt gốc Việt tỏa sáng trên sóng truyền hình nước ngoài
- Cộng đồng người Mỹ gốc châu Á: Tìm lại hay bỏ quên cội nguồn?
- Chàng trai Việt tạo dựng thương hiệu bánh mì trên đất Mỹ
- Bộ Chính trị kêu gọi người Việt ở nước ngoài xóa bỏ mặc cảm, định kiến
Trả lời