Bộ Chính trị kêu gọi người Việt ở nước ngoài xóa bỏ mặc cảm, định kiến

“Cần xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”, Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ.

Ngày 19/5, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng. “Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nâng cao, thực sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước sở tại; đồng thời góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước”, chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ.

Chỉ thị cũng chỉ ra việc thực hiện Nghị quyết 36 thời gian qua còn một số hạn chế như chậm ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hoá của dân tộc; một số người vẫn còn giữ thái độ định kiến, mặc cảm; một số ít còn có tư tưởng, hành động không phù hợp với lợi ích dân tộc.

Những hạn chế, bất cập trên, chủ yếu là do một số cơ quan Trung ương và địa phương nhận thức chưa thật sự đầy đủ, thống nhất về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; các cơ quan trực tiếp làm công tác này phối hợp chưa chặt chẽ, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bộ máy tổ chức, cán bộ và kinh phí cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ Chính trị cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải được tăng cường, để cộng đồng người Việt Nam phát triển vững mạnh, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Cần xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chỉ thị nêu rõ.

Bộ Chính trị cũng khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm.

Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

Những người có đủ điều kiện cũng sẽ sớm được cấp lại quốc tịch, tạo thuận lợi hơn nữa trong việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập cảnh, đầu tư, chuyển, nhận và sử dụng kiều hối. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị-xã hội lớn của đất nước.

Cơ chế, chính sách và pháp luật sẽ được rà soát, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Nhà nước cũng sẽ có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Sớm triển khai chương trình dạy tiếng Việt qua mạng phù hợp với từng địa bàn.

Các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ được chú ý bằng cách mở rộng vận động, tiếp xúc những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… và đẩy mạnh khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài có công với đất nước và công tác cộng đồng.

Trí Lê (Theo VnExpress)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề