Uy tín của Tổng thống Nga tăng vọt tại Irak nhờ chiến dịch Syria
Cho đến lúc này, chưa có thông tin nào về uy tín của Nga tại Syria sau khi Matxcơva can thiệp võ trang giúp chế độ Damas chống phong trào nổi dậy. Thế nhưng tại Irak, nước láng giềng của Syria, uy tín của Tổng thống Putin đã tăng lên vùn vụt, và nhiều người không che giấu hy vọng là Nga sẽ can thiệp vào nước họ để để giúp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, cũng hoành hành dữ dội tại nơi đây.

 Hãng tin Pháp AFP đã cử phóng viên đến Irak tìm hiểu về hiện tượng có thể gọi là « ái mộ Putin » đang bùng nổ, đặc biệt trong cộng đồng người Hồi giáo Shia chiếm đa số tại nước này. Tại thủ đô Bagdad, nhà báo của hãng tin Pháp đã có dịp tiếp xúc với một số fan mới của Tổng thống Nga và họ không hề che giấu hy vọng là được Nga giúp đỡ.

Họa sĩ Mohammed Karim Nhaya, chẳng hạn, vừa thêm những nét cuối cùng trên bức chân dung Putin mà ông đang thực hiện, vừa giải thích lý do vì sao ông muốn Nga can thiệp vào Irak: « Người Nga đã gặt hái được nhiều thành quả », trong lúc mà « Hoa Kỳ và các đồng minh đã oanh kích từ một năm nay mà không đi đến đâu cả ».

Theo AFP, cũng như họa sĩ Mohammed Karim Nhaya nhiều người Irak đang theo dõi rất sát tình hình chiến sự ở Syria, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chiếm được những mãng lãnh thổ lớn và tuyên bố thành lập một Vương quốc Hồi giáo mà một phần bao trùm lãnh thổ Irak.

Chiến dịch oanh kích của Mỹ và đồng minh từ một năm qua ở Irak đã giúp Quân đội Irak chiếm lại được một phần lãnh thổ bị mất vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng liên minh của Mỹ cũng đã vấp phải nhiều thất bại.

Chính vì vậy mà tại Irak, đặc biệt là trong hệ phái Hồi giáo Shia chiếm đa số tại nước này, nhiều người đã đánh giá là để tình hình thật sự chuyển biến, giải pháp hữu hiệu duy nhất và tốt nhất là cầu viện đến Nga, cho dù là theo phương Tây, chỉ có một phần nhỏ trong chiến dịch của Nga tại Syria là nhắm vào lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Một thanh niên thất nghiệp đã khẳng định với nhà báo AFP: « Chúng tôi không muốn một liên minh quốc tế, chúng tôi chỉ muốn duy nhất Nga mà thôi, và chúng tôi sẵn sàng cúng một con cừu » nếu Nga can thiệp tại Irak ».

Theo AFP, những người Irak thuộc diện trên nhìn Matxcơva – nước hỗ trợ mạnh mẽ cho Damas và Teheran, hai đối thủ, thậm chí từng là kẻ thù của Irak trước đây – là một đồng minh tự nhiên, chứ không phải là Mỹ đã chiếm đóng lãnh thổ Irak trong suốt 8 năm.

Trên các mạng xã hội, nhiều người còn bình chọn Tổng thống Nga làm công dân danh dự của Irak. Thạm chí còn được lưu hành một câu chuyện tiếu lâm theo đó họ Putin của Tổng thống Nga cho thấy rõ là ông là người gốc Irak.

Theo câu chuyện này, cha ông Putin là một người ở miền Nam Irak theo hệ phái Hồi giáo Shia. Ông bán tập hóa, và là người đã du nhập trái vả vào bán ở các chợ địa phương. Trong tiếng Ả rập, trái vả gọi là Tine, vì vậy cha của ông Putin có biệt danh là « Abu Tine ». Sau Thế chiến Thứ II, cha ông Putin qua Liên Xô định cư, kết hôn với « một cô gái Nga », và đặt tên cho con trai mình là Abdelamir. Tên này rất khó đọc theo tiếng Nga cho nên đã được đổi thành Vladimir.

Phong trào ái mộ Putin lan rộng đến nỗi mà trong thời gian gần đây, nó đã khuấy động chính trường Irak.

Hakim Al Zamili, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Nghị viện Irak, và là lãnh tụ một lực lượng dân quân Shia từng chiến đấu chống Mỹ trước đây, đã cho rằng Bagdad nên mời Nga oanh kích vào lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak.

Cho đến nay, Thủ tướng Haider Al Abadi, được phương Tây hậu thuẫn, vẫn tránh nói đến vấn đề này. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng cầu viện đến Nga. Mới đây, chính quyền của ông đã ký với Nga, Iran và Syria một thảo thuận thành lập một trung tâm tình báo chung tại Bagdad để đấu tranh hiệu quả chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề