Cộng đồng người Mỹ gốc châu Á: Tìm lại hay bỏ quên cội nguồn?

Một thế hệ người gốc Á sinh tại Mỹ bây giờ trở thành hiện tượng xã hội với thái độ khước từ gốc gác đến não lòng. Đó là một thực tế trong cái thế giới phẳng toàn cầu.

Hễ gặp nhau, họ đều tâm sự những câu chuyện tương tự. Mona Rahman 24 tuổi đã tìm được sự đồng cảm khi kể lại cho 5 người bạn quanh bàn ăn tối tại New York City về chuyện bố mẹ không bao giờ cho phép mình ngủ qua đêm ở nhà bạn. Grace Chang Lucarelli 32 tuổi cũng được nhiều ý kiến khi kể rằng “người ta chế nhạo tôi” chỉ bởi cô là một trong những người Mỹ gốc Á hiếm hoi tại thị trấn mình. Cộng đồng người Mỹ gốc Á tại vùng quê Texas, ngoại ô New Jersey, trung tâm New York, bang Virginia… cũng đều có tâm trạng tương tự. Họ là con cái của những người đến từ Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh, Đài Loan… Điểm chung ở họ – như nhận xét của Suzette Won Haas 31 tuổi (người Mỹ gốc Hàn Quốc) – là cảm giác trở thành cái gạch nối giữa người Á và người Mỹ trong cộng đồng Mỹ gốc Á.

Năm 1965, khi Tổng thống Lyndon B. Johnson ký Đạo luật Quốc tịch di dân và Đạo luật Quyền công dân ra đời, yếu tố phân biệt chủng tộc bị hủy bỏ. Định mức cho phép nhập cư dành cho mỗi nước cũng tăng. Đến năm 1980, hơn 190.000 người Ấn Độ (khoảng 90% tốt nghiệp đại học) đặt chân đến Mỹ; và khoảng 13.000 bác sĩ, dược sĩ, y tá Hàn Quốc cũng được nhận thẻ xanh. Trong khi đó, cộng đồng Philippines tại Mỹ tăng gấp 5, lên 500.000 người… Tuy nhiên, thế hệ người châu Á sau cột mốc 1965 khác rất nhiều so với người Do Thái, Ireland và Ý đến Mỹ trước đó. Dù nhanh chóng trở thành tầng lớp trung lưu (nhờ học vấn và tính cần cù), người châu Á lại gặp khó khăn trong hòa nhập, đặc biệt khi họ sống chủ yếu tại ngoại ô, nơi mà con cái họ (bây giờ ở độ tuổi 20-40) trưởng thành và đứng ở đường biên giữa hai ranh giới – giá trị truyền thống và văn hóa phương Tây. “Thế hệ sau 1965 thật sự khác biệt” – nhận xét của David Reimers, sử gia về di cư thuộc Đại học New York – “Tiến trình đồng hóa trở nên nhanh hơn nhiều”. Dù thế, nhiều người trong số họ lại có cảm giác mình chẳng thuộc về cộng đồng nào, như nhận định của Lee Chang-rae, tiểu thuyết gia Mỹ gốc Hàn Quốc, người từng viết về con đường hội nhập của thế hệ hậu 1965, theo cách “họ tạo ra chính họ”.

Thời thơ ấu trải qua tại Pennington (New Jersey), Fareha Ahmed từng mê mệt phim Hollywood và thích thú dự cuộc tuần hành Ngày độc lập Pakistan. Đến khi vào trung học, Ahmed bắt đầu chán văn hóa truyền thống. Thế là cô nhuộm “tóc xanh tóc vàng” và mang kính áp tròng để có “mắt xanh mắt đỏ”. Tại Đại học Villanova (Philadelphia), Ahmed nhận được đồng cảm từ bốn người bạn thuộc các nền văn hóa khác nhau, giúp cô “tạo ra sự cân bằng Đông – Tây”. Bây giờ 23 tuổi, Ahmed cùng các bạn học không thuộc gốc Á thích tổ chức tiệc đánh dấu ngày lễ Hồi giáo ‘Id al-Fitr vào tháng 11 và tiếp đó bù khú tiệc Giáng sinh – điều mà gia đình cô chưa bao giờ thực hiện.

Vấn đề ở chỗ người Mỹ gốc Á lúc nào cũng tự xem họ “mãi là người nước ngoài”, ít nhất cũng do đặc tính ngoại hình. Và bởi vậy, họ có tâm lý chối từ gốc gác như một mặc cảm khó giải thích. Mark Hong 31 tuổi chỉ cặp kè với đám bạn da trắng và “tôi không thích bất cứ gì liên quan châu Á bởi nó đại diện cho những thứ không hợp thời. Người châu Á gợi đến kungfu và làm việc tại các nhà hàng châu Á”. Việc người bố Hàn Quốc là là kỹ sư hãng Caterpillar không làm Mark Hong “nguôi ngoai” mặc cảm cội nguồn châu Á! Việc bị thường xuyên chọc ghẹo (một trực nghiệm phổ biến đối với bọn trẻ Mỹ gốc Á) cũng khiến tâm lý khước từ thêm phần nghiêm trọng – như nhận định của nhà xã hội học Mary Waters thuộc Đại học Harvard. Raymond Yang (28 tuổi, gốc Hoa) – một trong ba người gốc Á trong lớp 420 tại trường trung học ở East Northport (New York) – kể: “Tôi luôn có cảm giác mình nằm giữa những thế giới, đặc biệt hồi đi học phổ thông”. Một trong những thể hiện sự khước từ bản thể của những “cái gạch nối” là hiện tượng kết hôn với người khác màu da. Có đến 40% người Mỹ gốc Á từ 25-34 tuổi kết hôn với người khác sắc tộc, so với 12% người Mỹ gốc Phi trong cùng nhóm tuổi…

Tuy nhiên, thực trạng chưa đến mức quá chua xót và không phải tất cả hậu duệ gốc Á đều ngoảnh mặt với truyền thống. Tác động xã hội về sự phân biệt người Mỹ gốc Á luôn có những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực, tùy hoàn cảnh cụ thể. Năm lớp bốn, Akira Heshiki (trưởng thành tại Anchorage, Alaska) bỏ lớp tiếng Nhật bởi cô không cảm thấy mình là người Nhật. Cô rất khoái khi nghe các bạn cùng lớp nói: “Mình luôn không nghĩ rằng cậu là người Nhật”. Tuy nhiên, khi vào Đại học Reed, nơi hơn 10% sinh viên là dân Mỹ gốc Á, Akira Heshiki bắt đầu quý trọng giá trị cội nguồn.

Cùng hai bạn học, cô thành lập hiệp hội sinh viên gốc Á, tổ chức thảo luận các vấn đề liên quan Mỹ gốc Á, thực hiện chiến dịch phản đối những nhà máy bóc lột nhân công và tìm kiếm đồng thời bổ sung sách viết về chủ đề Mỹ gốc Á cho thư viện đại học. Akira Heshiki thậm chí bỏ cái tên tiếng Anh (“May”) mà bố mẹ đặt và thích dùng tên Nhật. Grayce Liu là một trường hợp khác. Trưởng thành tại Rancho Palos Verdes (California), Liu có thời chỉ hò hẹn với bọn con trai da trắng. Cô ghét nói tiếng Quan thoại, thứ ngôn ngữ mà bố mẹ cô xí xa xí xố ở nhà. Cô thêm chữ “y” vào tên để không giống tên hai cô gái gốc Á khác trong trường. Chẳng biết Liu rồi còn “lai Mỹ” đến mức nào, nếu ngày kia cô không đọc quyển Phúc lạc hội (từng được dựng thành phim) của Amy Tan. Giá trị cội rễ lại trở về với Liu. Cô đi học tiếng Hoa và ghi danh các khóa về lịch sử Trung Hoa tại Đại học California ở Santa Cruz. Hiện thời, Liu là diễn viên kiêm nhà sản xuất điện ảnh. Dự án mới nhất của cô là chương trình truyền hình thiếu nhi Bakaboo, được thực hiện nhằm dạy tiếng Quan thoại cho người Hoa sinh tại Mỹ…

Vũ Văn (Theo PetroTimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề