Philippines và Trung Quốc: Cuộc chiến của chàng tí hon và người khổng lồ trên Biển Đông

Trong khi các đối thủ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương thực hiện chiến thuật “đặt cược nhiều cửa” thì Philippines dường như đã đặt hầu hết số trứng chiến lược mình có vào trong chiếc giỏ pháp lý (không lấy gì làm chắc chắn).

Philippines đã có một động thái ngây thơ về mặt chiến lược khi (đầu tháng 10) quyết định tạm ngừng hoạt động sửa chữa và nâng cấp đường băng cũ trên đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pagasa), một trong những thực thể đất lớn nhất và giá trị nhất ở Biển Đông có thể được hưởng Vùng Đặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) rộng 200 hải lý. Đường băng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of Philippines) trong việc triển khai sức mạnh và bảo vệ yêu sách biển của nước này bên ngoài phạm vi lãnh hải.

Nhiều năm qua, không quân Philippines đã không được bổ sung dù chỉ một chiến đấu cơ hiện đại; Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ giao 12 máy bay huấn luyện chiến đấu FA 50 (trị giá 415,7 triệu USD) cho nước này những năm sắp tới. Trong khi đó, Hải quân Philippines từng bước củng cố hạm đội bé nhỏ, cũ kỹ của mình. Nhờ tầm nhìn chiến lược của nhà cố độc tài Philippines Ferdinand Marcos (1966-1986), người đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng các cấu trúc vững chắc có khả năng phòng thủ trên những thực thể tranh chấp ở Biển Đông, Philippines mới có thể thực thi chủ quyền liên tục và hiệu quả đối với đảo Thị Tứ, nơi hiện có cộng đồng dân cư sinh sống cùng một thị trưởng đứng đầu. Nhưng lợi thế này đang dần mất đi.

Manila đã cố gắng biện minh cho hành động gây tranh cãi đó bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng (tưởng là như vậy) của việc duy trì “nền tảng đạo đức cao” trong bối cảnh nước này đang tiến hành vụ kiện tại Tòa Trọng tài đặc biệt ở La-Hay chống lại yêu sách bành trướng trên biển của Trung Quốc, cũng như những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng EEZ 200 hải lý của Philippines. Tóm lại, Manila đã ưu tiên theo đuổi hành động pháp lý vốn dĩ không chắc chắn, thay vì đầu tư vào các cơ chế hữu hình, có thể thực sự bảo vệ những thực thể mà nước này hiện đang kiểm soát.

Trong khi đó, Manila và Washington cũng đang đối mặt với những trở ngại mới về chính trị và pháp lý trong việc thực thi Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA) mới được ký kết gần đây, nhằm mục tiêu củng cố quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Philippines trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Các bên yêu sách khác, như Việt Nam hay Đài Loan, cũng đã đẩy nhanh các nỗ lực củng cố chỗ đứng của mình ở mặt trận mới trên biển ở Châu Á. Ngay cả các quốc gia không phải là bên yêu sách, như Indonesia, cũng cải thiện năng lực để đối phó với những gì họ xem là “mối đe dọa thực sự” (từ Trung Quốc) đối với vùng biển của mình.

Sự ngây thơ chiến lược

Jay Batongbacal, một chuyên gia biển hàng đầu ở Philippines, gần đây có trao đổi với tôi rằng, vụ kiện của Philippines tại La-Hay, trái với quan điểm của một số quan chức Philippines, “không có gì là chắc chắn cả.” Trung Quốc nhất quyết phủ nhận thẩm quyền xét xử của bất kỳ cơ quan quốc tế nào đối với vấn đề liên quan đến chủ quyền và phân định lãnh thổ. Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh khăng khăng bác bỏ toàn bộ quá trình phân xử trọng tài và cáo buộc Philippines đã khơi mào một cuộc khủng hoảng không cần thiết bằng việc quốc tế hóa những gì mà Trung Quốc coi là tranh chấp là song phương, và những tranh chấp này cần được giải quyết chủ yếu thông qua các kênh ngoại giao.

Với việc Trung Quốc tẩy chay toàn bộ quá trình phân xử trọng tài, thậm chí từ chối làm rõ tọa độ chính xác của học thuyết “đường chín đoạn” đầy tai tiếng, việc Philippines liệu có thể trông đợi vào một phán quyết cuối cùng, nhanh chóng có lợi cho yêu sách của nước này ở Biển Đông vẫn là điều chưa rõ ràng. Ngay cả khi Philippines có được một kết quả pháp lý thuận lợi, Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ điều đó. Xét cho cùng, tòa trọng tài không phải để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến chủ quyền, đồng thời cũng không có một cơ chế thực thi phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng các phán quyết của tòa. Rốt cuộc, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát trên thực tế – thay vì về mặt pháp lý – khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc coi là sân sau tự nhiên của mình.

1

Bản đồ mô tả “đường chín đoạn” phi lý mà Trung Quốc tuyên bố dựa trên cái gọi là “chủ quyền trong quá khứ” của nước này.

Khả quan nhất thì một phán quyết thuận lợi của tòa cũng chỉ giúp củng cố “vụ kiện đạo đức” của Philippines chống lại một cường quốc biển đang trỗi dậy – Trung Quốc (cho đến nay, vẫn trụ vững trước các áp lực ngoại giao từ bên ngoài đối với các vấn đề nước này coi là “lợi ích cốt lõi”, từ các tranh chấp biển ở Tây Thái Bình Dương cho tới các phong trào chống Bắc Kinh ngày càng tăng ở Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan và Tây Tạng).

Tóm lại, chiến lược pháp lý của Philippines sẽ có ý nghĩa nếu là một phần trong chiến lược tổng thể để bảo vệ yêu sách biển của nước này trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hành động nhằm thay đổi nguyên trạng. Về mặt lý thuyết, sẽ là tốt nhất nếu Philippines chỉ dọa đưa vấn đề ra tòa – thay vì thực sự khởi kiện – để buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán, hoặc, có thể khởi kiện cùng các nước khác có cùng mục tiêu, chẳng hạn như Việt Nam. Tuy nhiên, hành động pháp lý trên thực tế đã trở thành vũ khí chính của Philippines chống lại Trung Quốc trong một tranh chấp biển ngày càng được quân sự hóa.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Philippines đã dần bị các đối thủ vượt qua ở những vùng biển tranh chấp. Giới lãnh đạo đáng lẽ nên [sớm] nhận ra các bước đi của Trung Quốc ở Biển Đông.” Nỗ lực hiện đại hoá đã không thể đối phó với những mối đe dọa mới xuất hiện trong vùng EEZ của Philippines, bởi theo ông Golez, các nguồn tài chính mới được phân bổ “[hướng đến] các hạng mục thứ yếu như thiết bị giao tiếp trường, thiết bị quan sát ban đêm, thay vì “mua sắm các hạng mục đắt tiền như máy bay chiến đấu đa chức năng và các tài sản của hải quân”, vốn rất quan trọng đối với nhiệm vụ phòng vệ biển.

Chạy đua với thời gian

Philippines đã tìm cách khắc phục các điểm yếu, bộc lộ rõ sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Đá Vành Khăn (Mischief Reef) – một thực thể mà Philippines cũng yêu sách – vào năm 1994, bằng việc mời quân đội Mỹ quay trở lại. Mỹ đã cắt giảm đáng kể sự hiện diện quân sự sau khi Hiệp định về Căn cứ Quân sự Mỹ-Philippines kết thúc vào năm 1991. Trung Quốc đã không bỏ phí thời gian nhanh chóng khai thác khoảng trống quyền lực tạm thời do Mỹ rút quân khỏi các căn cứ Subic và Clark ở Philippines. Tuy nhiên, chính quyền Obama đã từ chối làm rõ rằng liệu Washington có ứng cứu Philippines trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến với Trung Quốc ở các thực thể tranh chấp Biển Đông hay không.

Trong khi đó, hai nước đồng minh đang phải hết sức nỗ lực củng cố liên minh quân sự bởi những giới hạn trong hiến pháp Philippines về việc thiết lập căn cứ quân sự thường trú của Mỹ tại nước này khiến EDCA chưa thể được thực thi ngay lập tức. EDCA là một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng răn đe tối thiểu của Philippines chống lại các ý đồ trên biển của Trung Quốc.

Những ngày gần đây, quan hệ Mỹ-Philippines lại bị thử thách do làn sóng phẫn nộ của dân chúng trước vụ việc một lính thủy đánh bộ Mỹ bị cáo buộc giết một công dân Philippines. Vụ việc làm dấy lên mối quan ngại tồn tại nhiều năm về hành động phạm tội của các binh lính nước ngoài đóng quân ở Philippines. Các nhân vật và phong trào theo chủ nghĩa dân tộc đang phản đối mạnh mẽ những gì họ cho là vi phạm chủ quyền của Philippines bởi sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Philippines. Các thượng nghị sĩ hàng đầu như Miriam Defensor-Santiago đang kêu gọi hủy bỏ Hiệp định Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement – VFA), trong khi những thượng nghị sĩ khác kêu gọi xem xét lại thỏa thuận song phương này.

Quyền xét xử người phạm tội tiếp tục là một vấn đề chính trị nhạy cảm ở Philippines, bởi thỏa thuận VFA năm 1998 VFA quy định rằng nước sở tại không có toàn quyền xét xử các vụ án hình sự liên quan đến binh sĩ Mỹ. Binh sĩ bị cáo buộc giết người hiện đang bị chính quyền Mỹ giam giữ (trên tàu chiến USS Peleliu) tại Subic. Giới chức Mỹ đã tìm cách giảm nhẹ hậu quả chính trị từ vụ việc trên bằng việc hứa hẹn tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và kỹ lưỡng.

Với việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng – nước này đã xây dựng một đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm (Quần đảo Hoàng Sa) và một đường băng khác ở Đá Chữ Thập (Quần đảo Trường Sa) – và các bên tranh chấp khác, gồm cả Đài Loan, cũng đang củng cố các vị trí mà mình chiếm đóng. Ví dụ, Đài Loan đang xây dựng một cầu cảng trị giá 100 triệu USD ở Đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình), trên đảo này hiện có một đường băng quân sự được duy trì khá tốt. Cầu cảng mới, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2015, có đủ khả năng neo đậu các tàu tuần duyên và tàu khu trục lớn của hải quân. Đài Loan cũng đang nâng cấp đường băng để máy bay vận tải Hercules C-130 có thể cất hạ cánh, đồng thời đang hoàn thiện một dự án đầy tham vọng, đó là khảo sát toàn bộ Biển Đông thông qua hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. Điều này giúp Đài Loan có một bức tranh toàn diện hơn về thực trạng phát triển của các thực thể tranh chấp, cung cấp những thông tin tình báo giá trị khi xảy ra các sự vụ liên quan đến pháp lý và quân sự.

2

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cùa Việt Nam

Không giống như Philippines, hầu hết các bên yêu sách khác đều duy trì đối thoại cấp cao sâu rộng và thường xuyên với Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa có một cuộc đối thoại chính thức nào với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino, người sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Và cũng không có dấu hiệu cho thấy một sự kiện như vậy sẽ sớm xảy ra. Tuy nhiên, điều thú vị là Nhật Bản, đối tác chiến lược chính của Philippines, đã không ngừng thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Shinzo Abe và ông Tập. Các báo cáo cho rằng ông Abe đã đồng ý thừa nhận quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông có tranh chấp, để có được một cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Philippines sẽ thận trọng theo dõi cuộc gặp giữa ông Abe và ông Tập, bởi bất kỳ sự ấm lên nào trong quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á này có thể tác động đến nỗ lực của Philippines tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế để chống lại Trung Quốc.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan gần đây, Việt Nam đã triển khai một cuộc tấn công ngoại giao chủ động, mà đỉnh điểm là chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8 của Ủy viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai nước đã giảm đi, trong khi hai bên tìm cách củng cố các cơ chế quản lý khủng hoảng hiện có để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai. Quay trở lại năm 2012, Bộ Ngoại giao hai nước đã thiết lập một đường dây nóng, để có thể trao đổi hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề tranh chấp biển.

Trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam và Bộ Nông nghiệp của Trung Quốc cũng thiết lập một đường dây nóng để ngăn ngừa các rủi ro và tranh chấp liên quan đến nguồn lợi thủy sản. Gần đây nhất, theo các quan chức Việt Nam, hai nước cũng đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng hai bên.

Dựa trên những trao đổi gần đây với một nhà ngoại giao Việt Nam, có thể thấy rằng thách thức thực sự là việc triển khai hóa những cơ chế này nếu nổ ra một cuộc khủng hoảng thực tế: trong cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu giữa năm 2014, gây ra một làn sóng biểu tình quy mô lớn trên khắp Việt Nam và suýt đẩy hai nước đến bờ của một cuộc xung đột vũ trang, hai bên đã sử dụng khá hạn chế các đường dây nóng hiện có. Cần phải chờ xem đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng sẽ được sử dụng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như thế nào, nhưng rõ ràng Việt Nam đã cam kết sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao có thể để tránh xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Với việc Việt Nam gần đây tiếp nhận hai tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến do Nga chế tạo, nước này đã tăng cường khả năng răn đe tối thiểu của mình. Hà Nội cũng hoan nghênh quyết định của Washington nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí, điều này có thể giúp Việt Nam cải thiện năng lực chấp pháp dân sự của mình.

Do tính chất bành trướng của các yêu sách biển và các hoạt động tuần tra bán quân sự của Trung Quốc, Indonesia đã đẩy nhanh các nỗ lực chỉnh đốn lại chính sách biển của mình, đề xuất thành lập Cơ quan An ninh Biển (Bakamla), đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng để đưa Indonesia trở thành “một cường quốc biển toàn cầu.” Indonesia, gần đây đã công khai chỉ trích học thuyết “đường chín đoạn” của Trung Quốc, bày tỏ quan ngại về những động thái của Bắc Kinh gần quần đảo Natuna giàu hiđrôcácbon.

Tóm lại, một điều rõ ràng là những đối thủ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương đã thực hiện chiến thuật “đặt cược nhiều cửa” – phát triển nhanh chóng năng lực trên biển đồng thời khôn khéo duy trì các kênh ngoại giao quan trọng với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Trong khi đó, Philippines dường như đã đặt hầu hết số trứng chiến lược mình có vào trong duy nhất chiếc giỏ pháp lý (không lấy gì làm chắc chắn).

Tác giả Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Ateneo De Manila, và là cố vấn chính sách cho Hạ viện Philippines. Là một chuyên gia về các vấn đề địa chính trị và kinh tế của Châu Á, ông đã viết bài và trả lời phỏng vấn của Al Jazeera, Asia Times, BBC, Bloomberg, The New York Times, Wall Street Journal, The Huffington Post, The Diplomat, The National Interest, và USA TODAY, cùng những ấn phẩm quốc tế hàng đầu khác. Ông là tác giả của cuốn How Capitalism Failed the Arab World: The Economic Roots and Precarious Future of the Middle East Uprisings (Zed, London), và một cuốn sách sắp xuất bản The Philippines: The US, China, and the Struggle for Asia’s Pivot State (Zed, 2015). Bài viết đăng trên trang “National Interest” (ngày 23/10).

Nguồn bài viết: National Interest, Việt Báo


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề