Nước Nga thời Putin: Chủ nghĩa toàn trị phiên bản 2.0

Trong chuyên luận năm 1970 Lối thoát, Tiếng nói, và Lòng trung thành của mình, Albert Hirschman đã xem xét ba lựa chọn mà người ta có thể sử dụng để ứng phó với sự không hài lòng với các tổ chức, doanh nghiệp, và nhà nước: họ có thể bỏ đi, đòi hỏi thay đổi, hoặc nhượng bộ. Trong 45 năm từ khi xuất bản cuốn sách của mình, khuôn khổ phân tích của Hirschman đã được áp dụng một cách hữu ích trong một loạt các bối cảnh vô cùng rộng lớn. Cũng như vậy, việc sử dụng nó để hiểu được nền chính trị Nga hiện nay đem lại những góc nhìn sâu sắc quan trọng.

Trong năm 2011-2012, nhiều người dân Nga có giáo dục tốt, và tương đối giàu có, đã xuống đường đòi được dân chủ thực sự, hy vọng sử dụng “tiếng nói” của mình để thay đổi hệ thống từ bên trong. Nhưng Vladimir Putin, người từng nhận được lượng phiếu bầu lớn để trở lại nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, đã không lắng nghe; mà thay vào đó, ông gia tăng sự đàn áp.

Vì vậy, khi Putin xâm lược và thôn tính Crimea vào năm ngoái, những người bất đồng chính kiến công khai hoặc thầm lặng có hai lựa chọn còn lại: “thoát ra” (bằng cách di cư hoặc rút vào đời sống riêng tư) hoặc bày tỏ “lòng trung thành” (qua việc thể hiện sự phục tùng chủ động hoặc thụ động). Với tỷ lệ tán thành Putin thường xuyên vượt quá 80%, có vẻ như hầu hết người dân Nga đã lựa chọn giải pháp thứ hai (lòng trung thành).

Nhưng, rất giống thời Liên Xô, phần lớn bộ phận “trung thành” này gồm những người hoài nghi – chưa kể đến những người muốn rút lui khỏi đời sống công dân – những người buộc phải tranh luận về các vấn đề chính trị trong bếp hoặc trong các nhóm chuyện phiếm. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế và chính trị lại tạo ra các cộng đồng không chính thức để phát triển các đường hướng cho những cải cách khả dĩ trong trường hợp chế độ hiện tại sụp đổ.

Những tương đồng với thời Liên Xô khác cũng đang lộ diện. Càng ngày sự ủng hộ thụ động dành cho Putin và các chính sách của ông không còn đủ nữa; chế độ đòi hỏi biểu lộ sự chấp thuận toàn tâm toàn ý, trong khi lại áp đặt các quy tắc về hành vi được chính phủ chấp thuận.

Việc này gợi nhớ lại quan sát của nhà khoa học chính trị Zbigniew Brzezinski của Mỹ trong những năm 1950 rằng các chế độ toàn trị (ngược lại với các chế độ chuyên chế) áp đặt cả những cấm cản và mệnh lệnh lên người dân. Ellendea Proffer Teasley lặp lại quan điểm này trong cuốn hồi ký bằng tiếng Nga của bà “Brodsky Among Us” (Brodsky Trong Chúng ta),[1] nhận xét rằng các hệ thống độc tài toàn trị không những đòi hỏi sự phục tùng mà còn cả sự tham gia của người dân (vào các hoạt động do chính quyền tổ chức).

Sự bắt buộc này nghĩa là gì ở nước Nga đương đại? Chiếc ô-tô của bạn –một chiếc Mercedes của những người tương đối giàu có chẳng hạn – thì phải gắn một chiếc nơ kiểu Thánh George, một biểu tượng mới được tạo ra để tượng trưng cho chiến thắng của nước Nga trong Thế Chiến II. Bất cứ ai trong quân đội, các cơ quan an ninh mật, hoặc cơ quan thực thi pháp luật, không được đi du lịch nước ngoài, trong khi các giáo sư ở một số trường đại học công lập phải xin phép nếu muốn tham dự hội thảo và hội nghị ở nước ngoài. Các giáo viên phải đưa Crimea vào bản đồ nước Nga, và nhân viên của các công ty nhà nước có nghĩa vụ phải tham gia vào các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ.

Việc từ chối tuân theo các đòi hỏi như vậy có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, giống như ở thời Xô-viết. Như Proffer nhận xét, Brodsky đã cố gắng “nổi dậy chống lại nền văn hóa ‘chúng ta’”, tin rằng “một người không nghĩ cho chính mình, một người chỉ đi theo nhóm, là một phần cấu trúc xấu xa” của chế độ toàn trị – và ông bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1972. Putin cũng không hề dễ dãi hơn (so với chính quyền Liên Xô thời đó).

Cách đây mười lăm năm, khi tôi còn phụ trách một chuyên mục cho Izvestia, tờ báo hàng đầu của Nga hồi đó, tôi đã viết một bài báo so sánh hệ thống chính trị thời Putin với chế độ Mussolini ở Ý. Bài báo đã không được đăng – biên tập viên nghĩ rằng những tương đồng mà tôi đã nêu ra là quá gay gắt. Đáng tiếc là dự đoán của tôi đã tỏ ra chính xác: Putin đã dựng nên một phiên bản hiện đại của nhà nước kiểu nghiệp đoàn (corporatist state),[2] áp dụng hầu như toàn bộ công thức của Mussolini: “mọi thứ đều trong nhà nước; không gì ngoài nhà nước; không gì chống lại nhà nước.”

Mặc dù hiến pháp Nga trang bị cho hệ thống chính trị của mình tất cả các đặc điểm của dân chủ, chế độ của Putin lại thao túng và bóp méo chúng gần như không còn nhận ra được để củng cố quyền lực của mình. Nó sử dụng truyền thông như một công cụ tuyên truyền, dồn một số rất ít các cơ quan truyền thông độc lập tới bờ tuyệt chủng. Nó kiểm soát hầu hết các tổ chức xã hội dân sự, trong khi quy kết những tổ chức mà nó không kiểm soát được là các “tay chân của nước ngoài.”

Có thể trắng trợn nhất là việc nhà nước Nga dưới thời Putin đã ép buộc sự huy động chính trị của người dân, bằng cách coi việc ai không tham gia đồng nghĩa với chống đối chế độ. Trong bối cảnh này, lựa chọn “lối thoát” của Hirschman – ít nhất là dưới dạng “di cư nội bộ” – có thể không khả thi như vẻ bề ngoài vì rốt cuộc chế độ sẽ dễ dàng gán cho việc làm đó là một hành vi phản kháng.

Chắc chắn là người dân Nga vẫn giữ được quyền tự do rời bỏ đất nước, nghĩa là Putin đã không dựng nên được một nhà nước độc tài toàn trị hoàn toàn – ít nhất là chưa. Nhưng các tham vọng của chế độ này là không thể phủ nhận. Có lẽ cách tiếp cận của chế độ hiện hành tốt nhất có thể được mô tả như là “chủ nghĩa toàn trị lai ghép”.

Nhà lý luận chính trị Hannah Arendt đã viết, dưới các chế độ toàn trị, nhà nước là lực lượng duy nhất định hình nên điều kiện của xã hội. Putin có thể chưa đạt tới mức ấy, nhưng chắc chắn ông đang đi theo hướng đó. Và lịch sử mang lại những lý do tốt để cảnh giác với một đất nước mà ở đó lòng trung thành với chế độ là chọn lựa duy nhất.

Andrei Kolesnikov là một chuyên viên cao cấp và chủ nhiệm Chương trình Chính trị nội bộ và Các thể chế chính trị Nga tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow.

———————-

[1] Brodsky (1940-1996) là một nhà thơ người Nga. Các tác phẩm của ông bị chính quyên Liên Xô cho là “khiêu dâm và chống Liên Xô”, đồng thời ông bị kết án là “ăn bám xã hội”, bị tống vào trại tâm thần 2 lần. Năm 1972 ông bị trục xuất và cuối cùng đến định cư ở Mỹ. Năm 1987 ông được trao giải Nobel Văn học (NHĐ).

[2] Corporatism chỉ cách thức tổ chức xã hội thông qua các các nhóm lợi ích và tổ chức, đoàn thể lớn dựa trên mẫu số là lợi ích chung (NHĐ).

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Nước Nga thời Putin: Chủ nghĩa toàn trị phiên bản 2.0”:

  1. Nguyễn Hoàng Lân viết:

    Bài phân tích rất hay và sát thực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề