Lấp ló “NATO của Trung Đông”

“NATO của Trung Đông” là cách gọi của một số nhà phân tích đối với lực lượng quân sự chung của các nước A-rập đang được xúc tiến thành lập. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng quân sự chung mới đang ở giai đoạn manh nha này khó đạt được quy mô và vai trò như của NATO, chưa kể những tranh cãi về các tác động tiêu cực của việc xuất hiện một liên minh quân sự đối với khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều bạo lực và chia rẽ này…

Mới đây, Ngoại trưởng Ai Cập Xa-mê Su-cơ-ri (Sameh Shukri) cho biết, Liên đoàn A-rập (AL) đang tiến gần đến việc thành lập lực lượng quân sự chung của khối nhằm đem đến sự ổn định cho khu vực. Các cơ quan chuyên môn của khối này đang tiến hành các công việc cần thiết để có thể thành lập lực lượng quân sự chung trong vòng 4 tháng tới. Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, các quốc gia AL đã thống nhất việc thành lập một lực lượng quân sự chung tại một hội nghị cấp cao của khối diễn ra ở Ai Cập.

Sáng kiến thành lập lực lượng quân sự chung của khối A-rập được Ai Cập đề xuất trong bối cảnh Trung Đông đang vào thời điểm căng thẳng với hai cuộc xung đột lớn ở phía Bắc là cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở I-rắc và Xy-ri và cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi tại Y-ê-men ở phía Nam. Tình trạng bạo lực này có thể đẩy khu vực lâm vào một cuộc chiến toàn diện và khó có quốc gia nào ở khu vực dám nói rằng mình sẽ không bị tác động gì.

Lực lượng này dự kiến sẽ mang sứ mệnh tiên phong là can thiệp nhanh để đối phó với những thách thức tại các nước thành viên. Giới quan sát cho rằng, sứ mệnh đầu tiên của lực lượng sắp được thành lập này sẽ là một cuộc can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến hiện nay ở Y-ê-men. 4 nước A-rập là Li-bi, Y-ê-men, I-rắc và Xy-ri nhiều bất ổn khả năng sẽ dẫn đầu danh sách các nước thành viên cần có sự triển khai của lực lượng quân sự chung này.

Về thành phần tổ chức, nòng cốt của lực lượng quân sự chung A-rập này có thể sẽ là lực lượng đang tham gia chiến dịch không kích do A-rập Xê-út và các đồng minh vùng Vịnh thực hiện ở Y-ê-men nhằm tiêu diệt phiến quân Houthi, bảo vệ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Man-xua Ha-đi. Còn theo nhà phân tích chính trị Hít-sam Cát-xem (Hisham Kassem), khả năng chắc chắn quân đội có đông binh lính của Ai Cập sẽ là lực lượng chính trong đội quân hỗn hợp của thế giới A-rập. Có nhà phân tích còn phỏng đoán rằng, nếu được thành lập, lực lượng quân sự chung sẽ có mô hình tương tự như NATO.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những dự đoán dựa trên đánh giá tình hình thực tiễn ở khu vực của giới phân tích vì cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào được tiết lộ về tổ chức, cơ cấu của lực lượng quân sự chung của khối A-rập. Yêu cầu bảo vệ an ninh cho khu vực Trung Đông đã rõ ràng, nhưng làm thế nào để xúc tiến sáng kiến thành lập lực lượng quân sự chung thành hiện thực và quan trọng là làm sao để lực lượng này có thể chiến đấu trong những cuộc xung đột phức tạp lại là một thách thức không dễ vượt qua đối với khối A-rập. Nhà phân tích H.Cát-xem cho rằng, quân đội Ai Cập được thiết kế để chiến đấu chống lại những quân đội khác chứ không phải để chiến đấu chống lại các nhóm phiến quân. Khả năng phối hợp hành động giữa quân đội các nước A-rập cũng là một vấn đề vì những hạn chế đã được bộc lộ qua chiến dịch oanh kích Y-ê-men của liên minh quân sự tạm thời do A-rập Xê-út dẫn đầu vẫn không đẩy lui được các tay súng Houthi.

Không kể những trở ngại về mặt tổ chức hay năng lực, dù chưa thành lập nhưng lực lượng quân sự chung của khối A-rập đã chịu không ít hoài nghi về tính hiệu quả thực sự của nó. Do vậy, không phải tất cả các nước A-rập đều tán đồng với chủ trương đã được nhất trí của khối. Ngoại trưởng I-rắc, I-bra-him Giáp-pha-ri, phản đối chủ trương can thiệp vào nước khác ở khu vực cho dù đó là sự can thiệp của lực lượng quân sự chung của khối. Ông I.Giáp-pha-ri cảnh báo, can thiệp có thể làm cho các cuộc xung đột càng trở nên tệ hại hơn. Bởi thực tế là ngay trong nội bộ các nước A-rập cũng tồn tại những chia rẽ sâu sắc giữa nhóm người Xăn-ni về phe A-rập Xê-út và nhóm người Si-ai về phe I-ran. Có cái nhìn bi quan hơn, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập Áp-đu-la An Át-sa-an cho rằng, chính sự chia rẽ nói trên có thể làm cho thế giới A-rập không thể thành lập một quân đội chung.

Những quan ngại trên không phải không có lý khi nhìn vào cuộc nội chiến ở Y-ê-men hiện nay. Cuộc xung đột ở Y-ê-men chưa có dấu hiệu tốt hơn từ sau khi liên minh quân sự do A-rập Xê-út dẫn đầu phát động cuộc oanh kích tấn công phiến quân nổi dậy Houthi được cho là có I-ran đứng đằng sau hậu thuẫn. Ông An Át-sa-an cho rằng, can thiệp ở Y-ê-men không khác gì hành động tuyên chiến với I-ran, chỉ làm tình hình xung đột ở khu vực thêm rối ren.

Nhà phân tích H.Cát-xem cho rằng, để thành lập lực lượng quân sự chung cần phải được sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ và châu Âu. Có thể nhà phân tích này ám chỉ tới những hỗ trợ về mặt kỹ thuật, trang bị hay vũ khí của Mỹ và châu Âu cho lực lượng này. Tuy nhiên, triển vọng này cũng cần phải xem xét thận trọng trong bối cảnh Mỹ đã tỏ ra không mặn mà với ý tưởng thành lập lực lượng quân sự chung của khối A-rập ngay từ đầu. Oa-sinh-tơn cho rằng, việc thành lập một tổ chức tương tự NATO ở Trung Đông là một quyết định thiếu khôn ngoan vì bối cảnh ở Trung Đông hiện nay khác xa so với bối cảnh ở phương Tây khi NATO ra đời. Và quan trọng hơn, Mỹ cũng có mối quan ngại nếu các nước A-rập Hồi giáo Xăn-ni liên kết lại với nhau sẽ càng làm sự chia rẽ ở khu vực thêm trầm trọng vì quốc gia Hồi giáo I-ran khó có thể ngồi im.

Mặc dù vậy, vai trò quyết định chủ yếu trong việc thành lập lực lượng quân sự chung của khối A-rập vẫn là ở chính các nước thành viên trong khối. Theo nhà phân tích H.Cát-xem, kế hoạch có thể gặp trở ngại vì một số nước không chịu tham gia trong khi một số nước thành viên khác không có đủ khả năng quân sự. Nhưng chiến dịch “Bão táp quyết chiến” ở Y-ê-men của liên minh quân sự tạm thời do A-rập Xê-út lãnh đạo đã cho thấy khát vọng khẳng định vai trò trung tâm và tự quyết định vận mình của các nước A-rập. Các nhà lãnh đạo khu vực đã nhận ra rằng, họ có thể hành động một mình cùng sự ủng hộ của Mỹ chứ không phải là sự tham gia của Oa-sinh-tơn. Vì thế, liên minh tạm thời đó có thể sẽ là tiền đề cho một liên minh quân sự vững bền và lâu dài hơn nhằm ngăn chặn những nguy cơ và gìn giữ hòa bình cho khu vực, cho dù sẽ còn nhiều chông gai.

Vũ Văn (Theo Quân Đội Nhân dân)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề