Hy Lạp bắn phát súng chống chủ nghĩa thực dân mới

Thế giới đang ví von hành trình xin giảm nợ của Hy Lạp như cuộc hành trình gian khổ của chàng Odysses trong trường ca Homer, nhưng ở một khía cạnh khác, nó lại phần nào chỉ ra một hình thức chủ nghĩa thực dân mới đang tồn tại ở ngay chính Châu Âu.

Thế giới đang trải qua những ngày của các cuộc đàm phán ghê gớm nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Không hẹn mà gặp, một loạt các cuộc đàm phán có vai trò quyết định đến nhiều vấn đề lớn trên thế giới lại diễn ra một cách đồng loạt ở thời điểm hiện tại, từ cuộc đàm phán về kết thúc cuộc xung đột dài ngày và đẫm máu ở Ukraine đến cuộc đàm phán về việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Bài phát biểu đầy chất bi hùng của tân thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước quốc hội vào ngày Chủ Nhật đang thực sự gây được tiếng vang trên thế giới, và khiến nước Đức điên tiết hơn bao giờ hết. Trong một bài hùng biện được đánh giá là phát sinh từ tình trạng tuyệt vọng do sự lạnh nhạt trong thái độ và lời từ chối thẳng thừng của hầu hết các nước thành viên EU đối với yêu cầu giảm nợ từ phía Hy Lạp, tân thủ tướng Tsipras đã kêu gọi quốc hội không nản chí, và đưa ra yêu cầu đòi Đức phải bồi thường thiệt hại trong chiến tranh thế giới thứ II.

Các nhà lãnh đạo Đức đang sôi sục vì Hy Lạp đang nhắc lại quá khứ đen tối của nước Đức phát xít, còn thế giới thì đang hiểu rằng đó là một lời cáo buộc về một hình thức thực dân mới xuất phát từ phía Đức mà Hy Lạp đang là nạn nhân.

Quả thực, sự cứng rắn đến tàn nhẫn của lãnh đạo các nước thành viên EU khi thẳng thừng từ chối lời yêu cầu xin giảm nợ của Hy Lạp đang khiến cả thế giới sửng sốt. Chưa bao giờ EU lại đạt được một sự nhất trí cao đến thế đối với việc mà giới phân tích gọi là một sự cầm tù đối với Hy Lạp, khi kiên quyết không chấp nhận nới lỏng kiểm soát tài chính và chính sách thắt lưng buộc bụng đối với đất nước Nam Âu này, bất kể tình hình đang căng thẳng hơn bao giờ hết khi sự kiên nhẫn của người dân Hy Lạp có vẻ như đã đến giới hạn.

Những lời phát biểu và bình luận cay độc của các nhà lãnh đạo EU còn đang thổi bùng sự bất bình ở Hy Lạp hơn bao giờ hết, bộ trưởng tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố thẳng thừng “chúng ta phải bảo vệ các chủ nợ, bất cứ một sự thương xót nào đối với Hy Lạp cũng sẽ đem lại một tình trạng hỗn loạn đối với nền kinh tế chung của Châu Âu”.
Lời phát biểu của bộ trưởng tài chính Pháp cũng là thái độ chung của hầu hết các nhà lãnh đạo EU, khi họ đồng loạt coi Hy Lạp là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ công 2010 đã cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 tạo thành một cuộc khủng hoảng kép khiến cả Châu Âu chao đảo.

Nói cách khác, Hy Lạp phải chịu trách nhiệm cho tình trạng tồi tệ mà EU đang gặp phải. Bình luận về yêu cầu xin giảm nợ của Hy Lạp, thậm chí đã có nhà lãnh đạo EU ví von nền kinh tế Hy Lạp như một con nghiện, giảm nợ cho nó không khác gì cung cấp cho nó thêm thuốc. Đó cũng đang là sự ngờ vực mà EU đang trùm lên Hy Lạp, khi trong quá khứ nước này chưa từng có tiền lệ kiểm soát tốt các nguồn tài chính đi vay của mình, và chính việc không kiểm soát tốt các nguồn vay của mình đã khiến Hy Lạp lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công 2010.

Nhưng, các chuyên gia lại đang cho rằng, các nhà lãnh đạo EU – với sự hậu thuẫn của Đức – đang tỏ ra ngụy biện khi thể hiện sự nghi ngờ của mình. Hy Lạp đã kiểm soát tốt các khoản vay kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010 và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách thắt lưng buộc bụng mà EU áp đặt lên nước này trong suốt 5 năm qua, và chỉ đến khi những hậu quả thê thảm của chính sách ép buộc này vượt quá sức chịu đựng của người dân Hy Lạp khi gây ra các hậu quả kinh tế thê thảm, thì Hy Lạp mới yêu cầu giảm nợ như một cách để tránh cho kinh tế nước này rơi vào tình trạng đổ vỡ.

Khả năng cho một cuộc khủng hoảng nợ công khác nếu nới bớt kiểm soát tài chính và thắt lưng buộc bụng cho Hy Lạp ở thời điểm hiện tại là gần như không thể xảy ra. Trên thực tế, việc tiếp tục xiết chặt các kiểm soát tài chính đối với Hy Lạp của EU đang bị coi như một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới. Mượn cớ Hy Lạp cần phải thực hiện thắt lưng buộc bụng để cơ cấu lại nền kinh tế, các nước EU mà điển hình là Đức đang nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng thê thảm của người dân Hy Lạp ở thời điểm hiện tại: người vô gia cư đầy đường, các bếp ăn từ thiện đông nghịt, giới trẻ thất nghiệp đến gần 70% và người vượt biên rời khỏi Hy Lạp thì cứ ngày càng tăng lên.

Có chuyên gia đã phái thốt lên rằng người dân Hy Lạp hiện nay không khác gì người dân ở các nước thuộc địa trước đây, khi phải chịu tình cảnh khốn khổ nhất để gom góp tiền nộp cho các ông chủ nước ngoài, chỉ khác là trước đây dưới họng súng, còn ở thời điểm hiện tại thì dưới các thỏa thuận cho vay với cái tên mỹ miều là hỗ trợ tài chính.
Giới phân tích từ lâu đã chỉ ra rằng, một sự giảm nợ và nới bớt thắt chặt tiền tệ với Hy Lạp ở thời điểm hiện tại có thể vực dậy nền kinh tế đang ở mép vực khủng hoảng của nước này, và cho phép nước này thực hiện thanh toán nợ tốt hơn trong tương lai. Còn một khi Hy Lạp khủng hoảng, các khoản cho vay của các chủ nợ có thể sẽ bị xóa sạch hoàn toàn.

Vấn đề là các chủ nợ nước ngoài, điển hình là Đức khi đang đứng đầu danh sách chủ nợ của Hy Lạp, đang quá tham lam và bị tham lam che mờ mắt. Hy Lạp đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng: nếu như không giảm nợ cho Hy Lạp, thì Đức hãy thanh toán khoản bồi thường chiến tranh trong thế chiến 2. Nếu Đức muốn trở thành một nước thực dân kiểu mới, hãy thanh toán các khoản nợ của quá khứ thực dân trước đây đã vay.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề