Họp phụ huynh

Buổi tối lúc cả nhà ngồi ăn cơm chiều , như thường lệ mình hỏi bé Cún Ngân Giang, hôm nay học hành ra sao ? Ngân Giang uể oải trả lời , cũng bình thường . Mình hỏi , con được mấy điểm hôm nay ? Con nói , hôm nay không có điểm nào ạ, rồi nhân tiện con bảo , mẹ ơi. 11 giờ trưa thứ Bảy họp phụ huynh mẹ nhé .

Mình rất thích họp phụ huynh. Chắc các bạn mình cũng nhiều người thích đi họp phụ huynh. Có bạn mỗi năm không quản đường xá xa xôi , hơn nửa vòng trái đất, mấy chục giờ bay, lặn lội từ Sài gòn sang tận Toronto để đi họp phụ huynh. Mình hạnh phúc vì ở ngay gần con cái nên rất hiếm khi bỏ buổi họp phụ huynh nào suốt mười mấy năm nay. Chính xác hơn là chỉ khi bé Cún và Bảo Linh học cùng một trường phổ thông số 50 ở Kherson , các buổi họp phụ huynh trùng thời gian với nhau nên bố mẹ phải chia nhau họp , chứ mình chưa bao giờ vắng mặt vì lý do nào khác. Mình thích họp phụ huynh ( mặc dù mình rất trật tự, không bao giờ có ý kiến gì đặc biệt trong các cuộc họp) chỉ vì mình thích quan sát và suy ngẫm xem các bậc làm thầy , làm cha mẹ ở đất nước châu Âu này có điều gì khác với thầy cô cha mẹ người Việt ta. Sau rất nhiều buổi họp phụ huynh , ở nhiều trường khác nhau trong suốt thâm niên đi họp mười mấy năm của mình , mình rút ra kết luận rằng , ngoài lòng yêu thương con trẻ vô bờ của các bậc làm thầy , làm cha mẹ ở đâu cũng giống nhau,thì quan điểm về giáo dục và cách tiếp cận giáo dục ở nơi này quả có nhiều điều để thầy cô và bố mẹ Việt suy ngẫm .

Thường ở Ucraina mỗi năm học có chừng 4 đến 5 buổi họp phụ huynh: đầu năm học , giữa kỳ 1 , đầu kỳ 2 , giữa kỳ 2 và kết thúc năm học.Ngoài ra giáo viên chủ nhiệm cũng có thể tổ chức các buổi họp khác nếu có các vấn đề mang tính chất tập thể , còn thông thường giáo viên sẽ liên lạc hoặc gặp trực tiếp phụ huynh của từng học sinh để trao đổi riêng khi cá nhân học sinh có vấn đề đặc biệt.Tất nhiên mình may mắn vì Bảo Linh ( con gái đầu của mình ) là một đứa trẻ Việt mẫu mực ( theo tiêu chuẩn Việt nam ), nghĩa là ngoan , rất nghe lời mẹ và thầy cô giáo, chăm học tới mức không cần phải nhắc nhở , con cũng đủ thông minh để theo kịp chương trình học mà không bị vướng mắc nào. Nhưng rõ ràng rằng không phải đứa trẻ nào trong lớp cũng như vậy. Buổi họp đầu tiên khi các con vào lớp 1 chỉ để làm quen , giới thiệu chương trình học, cách thức đánh giá học sinh ( lớp 1 và học kỳ đầu của lớp 2 không chấm điểm ) thì không có gì nhiều để nói, nhưng các buổi họp sau mình thấy khá nhiều điều khác biệt với họp phụ huynh ở VN ta. Điều đầu tiên mình nhận ra rằng phụ huynh không bao giờ được nghe cô giáo đánh giá tồi về một học sinh nào đích danh ở các buổi họp. Các em học giỏi có thành tích cao , chăm ngoan , hoạt động tích cực thì được tuyên dương, nhưng các em cá biệt thì dường như không có , cô giáo đã trao đổi riêng với phụ huynh của em trước khi họp hoặc giữ phụ huynh đó lại sau cuộc họp. Điểm số của các em ( khi các em đã được chấm điểm ) đều được cô giáo trao cho từng phụ huynh bằng bảng điểm chép riêng.Vậy là không có học sinh nào , phụ huynh nào cảm thấy tổn thương dưới bất kỳ hình thức phê bình nào . Bố mẹ học sinh chỉ có thể biết cá tính hay học lực của học sinh cùng lớp con mình khi theo dõi các câu chuyện kể líu lo của các con về trường, về bạn.

Như vậy buổi họp chỉ thông báo các thành tích học tập của các em trong thời gian học , lưu ý những môn học nào phải chú trọng hơn , và nhắc nhở tinh thần kỷ luật ( cái món này thì lúc nào cũng dày đặc – đi học muộn , quần áo không đúng quy định , quên sách vở , nói chuyện riêng, không chịu ăn), đề nghị phụ huynh giúp các con làm bài tập về nhà, thảo luận vấn dề ngoại khóa , đóng góp quỹ ( tại Ucraina hiện nay , lương của giáo viên , tiền sưởi ấm , điện nước cho nhà trường là do ngân sách nhà nước chi trả, nhưng những sửa chữa nhỏ, trang bị trong nhà trường dựa vào quỹ do cha mẹ học sinh đóng góp ). Các phụ huynh cũng sẽ dựa vào phản ánh của các con mình , vào việc theo dõi chuyện học tập của con để thẳng thắn góp ý về các thầy cô giáo .

10944086_751821291568247_779810065_n

Hai mẹ con chị Hồng Giang và cháu Bảo Linh

Không hiếm những trường hợp cuộc góp ý có những vấn đề không giải quyết được giữa giáo viên và phụ huynh , phải dắt nhau lên gặp hiệu trưởng. Nhưng rồi các giáo viên vẫn dạy lớp đó và có sự điều chỉnh phù hợp hơn . Khi Bảo Linh bắt đầu đi học , mình chọn trường giảng dạy bằng tiếng Nga cho con với suy nghĩ rằng tiếng Ucraina là ngôn ngữ mình không biết, nên bước đầu mình không thể giúp con học được . Vì vậy khoảng ba năm đầu Bảo Linh khá vất vả môn tiếng Ucraina này, mặc dầu con rất cố gắng tự mày mò , đi hỏi hàng xóm… nhưng kết quả cũng không giỏi . Như nhiều cha mẹ Việt nam khác, chỉ yên tâm thấy con được điểm cao, mình khá day dứt khi điểm môn tiếng Ucraina của con chỉ đạt 6-7-8/12.

Mình gặp cô giáo chủ nhiệm , đề nghị cô giúp đỡ kèm thêm cho con môn tiếng Ucraina. Cô giáo tròn mắt nhìn mình và bảo, tôi thấy bé có vấn đề gì đâu, bé học bình thường mà , tại sao cứ nhất định phải đạt điểm tối đa. Không nên bắt trẻ con học nhiều quá, cần để cho các con có thời gian chơi và nghỉ ngơi chứ ! Bây giờ Bảo Linh đã tốt nghiệp huy chương vàng phổ thông trung học , trong kỳ thi đại học, môn tiếng Ucraina -môn thi bắt buộc cho tất cả các trường đại học, con đạt điểm gần như tối đa 198,5/200 thì mình mới thực sự ngộ ra rằng nhồi nhét kiến thức và buộc các con đạt điểm tối đa khi học không phải là phương án tốt nhất để có một nền tảng kiến thức vững vàng. Mình đã vô cùng cảm động khi trong buổi gặp gỡ cuối cùng, buổi lễ trao bằng tốt nghiệp ở trường phổ thông số 57 của Bảo Linh , khá nhiều thầy cô giáo tự đi tìm mình ( phần lớn mình chưa bao giờ gặp mặt ) bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn mình, một người mẹ đã tặng cho nhà trường và xã hội một bé như Bảo Linh. Mình nhận những lời cảm ơn này mà phân vân , không biết mình có xứng với nó không khi sản phẩm Bảo Linh là của chính các thầy cô, của nền giáo dục Ucraina đào tạo nên chứ đâu phải do mình .

Quay trở lại buổi họp phụ huynh cho Ngân Giang trưa thứ Bảy vừa rồi . Trường của Ngân Giang là Trường mỹ thuật phổ thông Shevchenco, một trong 4 trường phổ thông chuyên nghiệp đào tạo tài năng trẻ cho đất nước Ucraina từ khi các con bắt đầu học lớp 5.( thể thao , mỹ thuật , múa , âm nhạc ). Các con vừa phải học kiến thức phổ thông phổ cập, vừa phải rèn luyện và học các kỹ năng về chuyên môn nên cường độ học tập là kinh khủng. Mỗi ngày có 8 tiết học . Bắt đầu học thường là vào 9 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều . Cộng thêm hàng ngày các con có vô khối bài tập về nhà cho các môn học kiến thức cùng các môn học chuyên môn. Nói thật là cường độ học như vậy đôi khi mình cảm thấy nghẹt thở, quay cuồng và không biết Ngân Giang đã làm thế nào để có thể làm được hết bài. Hơn nữa Ngân Giang lại không phải là Bảo Linh , vốn là đứa trẻ rất chỉnh chu và chăm học. Ngân Giang giống tất cả các đứa trẻ bình thường , mải chơi và thích trò chơi điện tử . Vậy nên khi con gái báo về cuộc họp sắp đến , mình đã rất thận trọng thăm dò ngay con , liệu mẹ có phải xấu hổ về điều gì không ? Con gái cũng thận trọng trả lời, có lẽ không, con cũng không biết nữa vì có thể sẽ xuất hiện vài điểm xấu! Không phải là mười một điểm 1 như năm nào nữa chứ ? ( năm trước con gái không làm bài tập về nhà môn hội họa , hình họa và kết quả là có tới mười một điểm 1 kèm theo việc lờ đi không báo rằng cô giáo chuyên môn cần gặp mẹ- để đến khi mẹ gặp cô thì đã muộn, hai mẹ con phải chiến đấu hàng đêm đến hai ba giờ sáng để làm bù mà vẫn không kịp nộp đủ bài ). Ngân Giang chắc chắn, không ạ ! Mình đi họp chỉ với một niềm hãnh diện duy nhất , con mình chưa bao giờ trốn học .

Trong cuộc họp phụ huynh , cô giáo chủ nhiệm than thở về kết quả học các môn Hóa , Lý và Thể dục là các môn được sắp xếp thời khóa biểu vào ngày thứ bảy , đang trong tình trạng đặc biệt khủng hoảng. Cô yêu cầu học sinh không được bỏ học lan tràn ngày thứ bảy nữa . Mình thầm nghĩ , bọn trẻ này chắc trốn bố mẹ nghỉ học đây , nhưng thái độ của các bậc phụ huynh làm mình rất ngạc nhiên . Hóa ra là họ biết con họ tự ý nghỉ học . Họ kêu ca rằng với cường độ học như vậy thì đơn giản là con họ không thể chịu đựng được về thể chất . Cả lớp chỉ có mỗi Ngân Giang chưa bao giờ nghỉ học , còn lại tất cả đều có những buổi trốn học, thậm chí là các em ở ngay ký túc xá trong trường. Có em đã nghỉ tới hơn 80 tiết học. Vậy là cả một cuộc tranh luận diễn ra . Phụ huynh thậm chí còn đề nghị các thầy cô “phiên phiến “ cho các em , nhưng cô giáo kiên quyết giữ quan điểm của mình. Phải cố gắng , phải bằng cách nào đó vực các em lên về tinh thần học tập vì các vị hãy nhớ , các con của chúng ta không phải là những đứa trẻ bình thường , các con là những đứa trẻ tài năng ! Và nếu các em không thể tuân thủ chương trình học tập thì chẳng còn cách nào khác là phải chuyển trường ! Vậy là mình hài lòng với bảng điểm của Ngân Giang với phần lớn là 6-7-8/12 cùng với việc thấy con đường phía trước của con là một chặng gian lao dài dằng dặc . Rời cuộc họp , mình đứng vẩn vơ trước phòng trưng bày các maket kiến trúc của học sinh , chợt thấy công sức của những thầy cô giáo lớn lao đến thế nào từ khi từng bước nắm tay của các bé mới 9,10 tuổi dắt dìu, dạy dỗ , đấu tranh để có các họa sĩ , các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc sẽ làm nên những điều kỳ diệu mai này . Chợt thấy thương các thầy cô, với đồng lương bèo bọt , họ vẫn âm thầm làm việc hết lòng cho lợi ích của các con chúng ta.

Nguyễn Hồng Giang – Kiev- 28/1/2015


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề