‘Gà công nghiệp’ xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ Việt Nam

Nhưng nhìn lại kỹ năng sống của thanh, thiếu niên, nhiều người tỏ ra lo ngại trước nguy cơ sẽ có những thế hệ công dân tương lai không những “chẳng biết gì” mà còn có lối sống ích kỷ, vô tâm, thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình, dù họ có học hành giỏi giang, đỗ đạt. Đó là một thực trạng đáng báo động.

Ở lứa tuổi 30-40, có người chưa biết quét nhà, lau nhà; chưa biết tự tay giặt quần áo chứ chưa nói đến chuyện biết làm thịt một con gà. Bởi từ nhỏ, họ chưa phải làm những việc ấy bao giờ. Vì thế, bây giờ khá nhiều gia đình, khi bố mẹ ốm đau, con cái thuê người giúp việc chứ không hề biết cách chăm sóc. Càng ở lứa trẻ hơn thì việc không biết tự làm những công việc đơn giản càng tệ hơn.

Có phụ huynh kể rằng: “Con tôi là một đứa hoạt bát, khá lợi khẩu, giỏi công nghệ thông tin, am hiểu các vấn đề lịch sử – xã hội nhưng tôi khá bất ngờ khi con rất ngờ nghệch. Nó đi học thêm về, bị hỏng xe đạp dọc đường mà cứ đã dắt bộ chiếc xe về nhà suốt quãng đường hơn 1 km giữa trời nắng, trong khi túi có tiền. Nghĩa là khi hỏng xe, nó không biết cách tìm một hàng sửa xe gần nhất để sửa, hoặc gọi điện cho bố mẹ để hỏi cách xử lý”. Với trường hợp này, cậu bé đã hứng chịu ngay hậu quả “trời đày” trên nắng dưới nóng bởi cậu chưa quen xử lý tình huống bất trắc bao giờ.

Có gia đình ăn món gà luộc, sai đứa con trai 17 tuổi ra góc sân hái mấy cái lá chanh. Nhà chỉ có 4 loại cây mà cậu bé loay hoay một lúc rồi vào gãi đầu nói không biết đâu là cây chanh để hái. Rồi chuyện bọn trẻ không phân biệt được đâu là thịt gà, thịt ngan, thịt vịt và các loại rau xanh thì khá nhiều. Có hai nguyên nhân chính khiến chúng không biết là bố mẹ không bao giờ hướng dẫn cho con cái và chính bản thân chúng không bao giờ quan tâm, tìm hiểu đến những gì xung quanh mình.

Có một gia đình có con trai được suất học bổng du học nước ngoài mà vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nên hay không nên cho con đi. Vợ lấy lý do thương con đi du học nơi đất khách quê người khi chưa biết nấu cơm và giặt quần áo. Đúng là chuyện vô lý mà có thật. Không biết đến lúc ấy, người mẹ có nghĩ rằng, con không đi du học là thiệt thòi về quyền lợi; đồng thời, chính là hậu quả của việc mẹ quá nuông chiều con từ nhỏ để con đến tuổi trưởng thành mà chẳng biết làm gì.

Ngày nay, việc học hành của con trẻ là gánh nặng của các gia đình. Áp lực của học thêm luôn luôn đè nặng lên tâm lý học sinh. Phụ huynh nào cũng muốn con mình thành đạt nên chỉ tập trung cho con ăn và học. Hết giờ học chính khóa ở trường thì lại chạy ngược chạy xuôi đến các lớp học thêm và thuê gia sư về kèm cặp. Vì thế, đứa trẻ bị cuốn hút vào vòng xoáy học hành từ sáng đến đêm, không còn biết đến việc gì khác. Cơm bưng nước rót đến tận miệng, quần áo trút ra có người giặt; đi học có người đưa đón tận trường; có nhu cầu gì được đáp ứng ngay…Vì thế, đứa trẻ chẳng khác nào rô bốt. Chúng dành quá nhiều thời gian cho việc học kiến thức nên không còn thời gian học cách tự phục vụ bản thân. Nhiều gia đình có con đến tuổi trưởng thành mới giật mình nhận ra rằng, “cháu nó là học sinh giỏi đấy nhưng mà “tồ” lắm!”.

Cái sự “tồ”, “ngay ngô” hay “lớ ngớ” của bọn trẻ chính là thiếu kỹ năng sống. Càng những gia đình có điều kiện về kinh tế thì con cái càng được chiều chuộng nhiều và thiếu kỹ năng sống hơn. Quan điểm lệch lạc về giáo dục con của nhiều bậc cha mẹ là điều dễ nhận thấy. Rất nhiều bố mẹ đang làm mất đi các kỹ năng sống cơ bản của con bởi cách yêu thương sai lầm như làm hộ con, can thiệp vượt quá nhu cầu và mong muốn của con. Thế là tạo nên những thế hệ trẻ không biết làm gì, được bố mẹ lẽo đẽo chạy theo phục vụ mọi lúc, mọi nơi.

Mấy năm gần đây, ngành giáo dục đã đưa vào chương trình nội dung hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng đây mới chỉ là một phần nhỏ, chưa đạt hiệu quả cao. Bởi nhà trường không thể đáp ứng đầy đủ kỹ năng sống cho các em mà trước hết vẫn phải từ gia đình. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội nhận xét: “Dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn 3 không: không có cơ chế, không có biên chế giáo viên, không có cả thời gian để triển khai”.

Cũng có những tiết học kỹ năng sống, nhưng ở nhiều trường lại thực hiện theo cách để cho giáo viên mở tài liệu rồi “đọc- chép” cho học sinh, hết giờ là giáo viên ra khỏi lớp. Giáo viên không được đào tạo để thay đổi nhận thức và quan trọng là không có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng với đặc trưng của dạy kỹ năng sống. Có những kỹ năng không thể giáo dục theo kiểu “nhồi nhét”, mà học sinh chỉ có thể tự trang bị được cho mình thông qua cuộc sống trải nghiệm, đặc biệt là trong môi trường gia đình.

Giáo viên không phải là những những người được đào tạo chuyên về giáo dục kỹ năng sống và họ cũng không phải là nhà tâm lý, vì vậy, nếu hướng dẫn cho các em sẽ dễ theo chủ quan cá nhân, khó có thể ứng phó với các vấn đề cuộc sống. Chăm sóc, phục vụ bản thân và những người xung quanh là phải từ giáo dục gia đình. Còn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng hòa nhập với xã hội…là do nhà trường chịu trách nhiệm.

Vậy mà gia đình lại có cách giáo dục méo mó thì làm sao bọn trẻ có kỹ năng sống tốt được.

Sự “lơ ngơ” của học sinh nguy hiểm ở chỗ, nó không chỉ khiến các em chật vật trong quá trình hòa nhập với cộng đồng sau này mà còn biến các em thành những người vô tâm, ích kỷ, thờ ơ với cảm xúc của người khác. Cái gì các em cũng được người lớn lo cho hết rồi nên coi như bố mẹ phải có nghĩa vụ phục vụ mình. Bố mẹ vì thương con nên xem thái độ đó là chuyện nhỏ, đến khi nhân cách các con được định hình rồi thì không còn cơ hội sửa sai.

Nhiều phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia thừa nhận, trẻ em ngày nay không chỉ đoảng và vụng về trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn khá máy móc và thụ động khi đối mặt với những tình huống bất thường. Các kỳ tuyển sinh đại học, nhiều em đi nộp hay rút hồ sơ không dám tự đi một mình mà vẫn phải có bố mẹ đi cùng.

Chuyện một bà mẹ có con trai lấy vợ rồi, đêm tân hôn còn ngồi canh cửa phòng con đề phòng bất trắc cũng là chuyện vừa đáng thương vừa đáng trách. Lo cho con không từ một việc gì thì làm sao con trưởng thành được!

Báo động về lối sống ích kỷ đã là hồi chuông được gióng lên từ hàng chục năm nay. Nhưng thử hỏi, cứ cách dạy dỗ, học hành như hiện nay, cách giáo dục của nhà trường và gia đình như hiện nay thì làm sao có thể thay đổi được? “Nhân” sao “quả” vậy mà! Đã không ít gia đình gánh chịu hậu quả đau lòng vì đã chiều chuộng con cái quá mức.

Câu châm ngôn “Dạy con từ thở còn thơ” người xưa truyền lại là khuyên răn các bậc phụ huynh cách nuôi dạy con cái phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Không ai muốn con mình “lơ ngơ như gà công nghiệp” nhưng thực tế bây giờ, xã hội đang ngày càng có nhiều “gà công nghiệp” rồi mà gia đình là những lò sản xuất những lứa gà công nghiệp ấy!

Trí Lê (Theo NĂNG LƯỢNG MỚI)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề