HOÀI NIỆM LIÊN XÔ

LỜI GIỚI THIỆU

Hôm kia 25/12/2018 là đúng 27 năm ngày TT Liên Xô Mikhail Gorbachop tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và vali hạt nhân cho TT Nga Boris Yeltsin. Từ đó, Liên Bang Xô Viết đã chấm dứt sự tồn tại của mình và Liên Bang Nga là người kế thừa Liên Xô.

Tuy Liên Xô đã kết thúc hành trình lịch sử của mình, nhưng ký ức về Liên Xô hiện nay vẫn còn sâu đậm ở rất nhiều người Nga và người nhiều dân tộc khác (trong đó có khá nhiều người Việt Nam với các diễn đàn “Hoài niệm Liên Xô” của mình trên FB). Chúng ta hoàn toàn có thể nói về một “hội chứng hoài niệm Liên Xô”. Vì vậy, chúng tôi xin phép có đôi lời trao đổi về hoài niệm Liên Xô ở người Nga ngày nay và thử giải mã hiện tượng này.

Theo truyền thống đã có từ 1992, hàng năm vào giữa tháng 12, Trung tâm phân tích (khảo sát dư luận xã hội) Levada (Levada- center) thường tổ chức khảo sát dư luận xã hội đối với Liên Xô bằng câu hỏi: “Bạn có cảm thấy nuối tiếc vì Liên Xô sụp đổ không?”. Kết qua cuộc thăm dò năm 2018 vừa qua cho thấy, tỷ lệ người Nga muốn “quay lại thời Liên Xô” hiện là 66%, so với tỷ lệ này là 58% của năm 2017. Đồng thời, 60% số người được thăm dò tin, rằng sự sụp đổ của Liên Xô là có thể tránh được (năm 2017 tỷ lệ này là 52%).

Đây là tỷ lệ cao nhất trong vòng 15 năm nay. Đa số những người cảm thấy nuối tiếc về việc Liên Xô sụp đổ đều trên 55 tuổi. Tuy nhiên, các nhà xã hội học cũng ghi nhận sự gia tăng tình cảm hoài niệm Liên Xô đáng kể trong những người trẻ từ 18 đến 24 tuổi.

Hơn một nửa (52%) số người hoài niệm Liên Xô, bày tỏ sự tiếc nuối là vào năm 1991, một hệ thống kinh tế thống nhất đã bị phá hủy. Ngoài ra, 36% số người hoài niệm cho rằng, họ tiếc nuối Liên Xô vì đã bị mất đi điều quan trọng nhất: “tư cách công dân cường quốc vĩ đại”. Còn 31% số người hoài niệm nói rằng, việc Liên Xô sụp đổ đã làm gia tăng việc mất lòng tin và sự vô cảm tàn nhẫn với nhau ở Nga, cũng như trong không gian hậu Xô Viết.

Kết quả thăm dò nói trên được sự quan tâm chăm chú của các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị và xã hội học Nga. Vì theo tôi, có thể nói không ngoa rằng, gần đây ở Nga đã dần dần hình thành một hội chứng “hoài niệm Liên Xô”. Trên các phương tiện truyền thông và mạng Iternet diễn ra nhiều cuộc trao đổi với những ý kiến trái chiều khác nhau.

Nhìn chung, phần lớn các nhà bình luận chính trị xã hội Nga đều cho rằng, việc số lượng người người cảm thấy nuối tiếc một Liên Xô sụp đổ ngày càng gia tăng là một điều dễ hiểu. Đó là một “cộng hưởng” của những kỳ vọng đã bị đánh mất, với sự “mù mờ mơ hồ” trước đường đi nước bước của đất nước hiện nay và sự vỡ mộng ngày càng tăng của người Nga đối với giới thượng lưu tinh hoa.

Tôi xin phép giới thiệu một vài ý kiến đáng chú ý để giải mã hiện tượng này, trước hết là của GS Vladislav Inozemtsev, một nhà kinh tế và xã hội học Nga hàng đầu.

Sự “mù mờ mơ hồ” trước đường đi nước bước của nước Nga hiện nay, thể hiện ngay ở việc những người hoài niệm hối tiếc nhiều nhất (52%) là vào năm 1991, một hệ thống kinh tế thống nhất đã bị phá hủy.
Theo GS Inozemtsev, đây rõ ràng là một sự nhầm lẫn vì “không ai cảm nhận được sự thống nhất như vậy ngay cả trong thời Xô Viết, vì vậy bây giờ có gì để nuối tiếc”.

Ông Inozemtsev cho rằng, có một vài yếu tố liên quan đến những nguyên nhân, giải thích tại sao cuộc khảo sát thăm dò lại cho những kết quả như vậy.

MỘT THỜI GIAN ĐÃ MẤT

Theo ông, yếu tố đầu tiên và rõ ràng nhất, liên quan đến khía cạnh thuần túy tâm lý học về một “THỜI GIAN ĐÃ MẤT” của những người sinh ra, lớn lên và thậm chí trưởng thành ở Liên Xô. Những người thuộc nhóm trên 55 tuổ hiện đang già đi ở nước Nga. Sự tiếc nuối này nhiều khi chỉ đơn thuần là một tiếc nuối về một thời “thanh niên sôi nổi” đã qua, không mang nội hàm chính trị xã hội.

HOÀI NIỆM ĐẾ CHẾ VÀ Ý NIỆM DÂN TỘC

Yếu tố thứ hai, thể hiện một tâm thức rất quan trọng của người Nga cần được thấu hiểu nghiêm túc, mà theo ông Inozemtsev, có thể gọi là “HOÀI NIỆM ĐẾ CHẾ và Ý NIỆM DÂN TỘC”. Trong cuộc khảo sát của Trung tâm Levada, yếu tố này thể hiện ở tỷ lệ 36% người hoài niệm Liên Xô, những người cho rằng, họ bị mất đi điều quan trọng nhất: “tư cách công dân cường quốc vĩ đại”. Trong thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt đế quốc: Ottoman, Áo-Hung, Đức, Nhật, Anh, Pháp. Nhưng những công dân các quốc gia hậu duệ của những đế quốc này, như Đức, Nhật, Anh, Pháp và cả Áo-Hung đều không hề than thở nuối tiếc về các lãnh thổ đã mất, về sự “tư cách công dân cường quốc vĩ đại” mà họ từng có.

Đơn giản là vì trước khi trở thành đế quốc, các quốc gia này đã là những quốc gia dân tộc. Đặc điểm nổi bật của nhất quốc gia dân tộc, là việc xem quốc gia như một công cụ cực kỳ quan trọng trong việc thống nhất dân tộc về mặt kinh tế, xã hội và cả văn hóa (trước hết là ngôn ngữ).

Vì vậy, khi các đế quốc Áo-Hung, Đức, Nhật, Anh, Pháp sụp đổ, các dân tộc thừa kế di sản của những đế quốc này, đã có sẵn rất nhiều giá trị và thành tựu dân tộc khác để thay thế, để tự hào, giúp họ dễ dàng “quên đi” quá khứ và di sản đế quốc của mình. Điều này thậm chí đúng ngay với cả người Thổ Nhĩ Kỳ, người kế thừa chính của đế quốc Ottoman.

Nhưng trong trường hợp Đế quốc Nga, mọi sự lại hoàn toàn khác. Nước Nga trong nhiều thế kỷ (từ thời Ivan Hung Đế) được hình thành như một đế chế-quốc gia tiền dân tộc, và ngay lập tức bắt đầu bành trướng mạnh mẽ sang Phương Đông, thâu tóm nhiều quốc gia và lãnh thổ, mà nước Nga không thể “tiêu hóa” được. Một trong những lý do chính, là vì trước trở thành đế quốc, nước Nga chưa có những đặc điểm tối thiểu của một quốc gia dân tộc, xuất hiện trong thời phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Đó cũng là điểm yếu cốt lõi của Đế quốc Nga.

Cũng vì vậy mà trong Thế Chiến Thứ nhất, Đế quốc Nga nhanh chóng sụp đổ và nhà nước Liên Xô ra đời. Trong thời kỳ Xô Viết, thay cho dân tộc Nga người ta đã cố gắng tìm cách xây dựng một “cộng đồng Xô Viết”, mà theo định nghĩa là “cộng đồng lịch sử, xã hội và quốc tế của những người có một lãnh thổ, kinh tế, văn hóa xã hội chủ nghĩa, nhà nước công đoàn và mục tiêu chung – xây dựng chủ nghĩa cộng sản”.

Vì vậy, nguồn gốc của những bất cập trong nhận thức về bản sắc dân tộc, ý niệm quốc gia dân tộc ở Nga hiện nay, không phải xuất phát từ việc Đế quốc Nga sụp đổ, mà từ việc thiếu vắng ý niệm về một quốc gia dân tộc. Mặt khác, nước Nga đương thời cũng chẳng có thành tựu nào đáng kể, cốt lõi trong bất cứ lĩnh vực nào, khiến người Nga có thể tự hào, và có thể làm nền tảng cho sự hồi sinh tinh thần, bản sắc và việc đoàn kết dân tộc Nga.

Trong khi đó trên thế giới ngày nay, bản sắc dân tộc và ý niệm quốc gia dân tộc ngày càng có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, các nhà cầm quyền nước Nga hiện tại, đang tìm cách thay thế ý niệm quốc gia dân tộc Nga, bằng khái niệm “thế giới Nga” mờ nhạt hay một “chủ nghĩa Á-Âu” huyền thoại còn mờ nhạt hơn, những điều tuyệt đối không thể làm người Nga phấn khích và xúc động.

Điều đó chính là lý do tại sao, khác với người Pháp, Đức, Anh, Nhật …, người Nga lại hoài niệm đến thế đế chế Liên Xô, nơi các giá trị, niềm tự hào dân tộc được đồng nhất và “hòa trộn” với những giá trị đế chế. Đó cũng là một trong những lý do giải thích việc gia tăng tình cảm hoài niệm Liên Xô đáng kể trong những người trẻ từ 18-24 tuổi. Những người không sinh ra trong chế độ Xô Viết.

MONG MUỐN VĂN MINH TIẾN BỘ

Yếu tố thứ ba trong hội chứng “hoài niệm Liên Xô, theo ông Inozemtsev, có liên quan đến ý tưởng về SỰ TIẾN BỘ, mà người Nga hiện nay đang cảm nhận một cách mơ hồ. Yếu tố này cũng thể hiện ở tỷ lệ 36% số người hoài niệm Liên Xô, những người cho rằng, họ bị mất đi điều quan trọng nhất: “tư cách công dân cường quốc vĩ đại”. Phải nói rằng, Liên Xô ngày xưa dù không thể tạo cho người Nga có mức sống cao và nhiều tiện nghi cơ bản. Nhưng về nhiều phương diện, Liên Xô đã tạo nên một ấn tượng phát triển rất rõ rệt mạnh mẽ, khiến chúng ta dễ đồng nhất nó với sự vươn lên tiến bộ đúng chiều lịch sử.

Đồng thời, việc Liên Xô ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc, thường được tiếp nhận như là một cuộc đấu tranh hướng đến tự do. Còn chủ nghĩa quốc tế toàn thế giới, thường được coi là tương lai của toàn nhân loại. Các chuyến bay du hành vũ trụ và việc phát triển năng lượng hạt nhân, có đầy đủ cơ sở để coi là hiện thân của việc dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ.

Trong bối cảnh hiện tại, trong khi Châu Âu đang tiếp tục hợp nhất, thì nước Nga xung đột với Ukraina về các lãnh thổ. Trong khi thế giới được hưởng lợi từ sự hợp tác, gắn kết các nền văn hóa, thì nước Nga tôn vinh các giá trị truyền thống Chính Thống giáo của riêng mình. Trong khi auto điện bắt đầu lưu thông và trí tuệ nhân tạo phát triển khắp nơi trên thế giới, thì nước Nga vẫn trình diễn những auto điện “quá date” của tổ hợp công nghiệp Izhevsk. Đó cũng là một trong những lý do của việc gia tăng tình cảm hoài niệm Liên Xô đáng kể, trong những người trẻ từ 18-24 tuổi.

Trong thời làm tổng thống (2008-2012) của mình, Dmitri Medvedev đưa ra khẩu hiệu “hãy hội nhập vào thế giới”, nhưng thực tế làm được rất ít. Tuy nhiên năm 2009, cuộc thăm dò hoài niệm Liên Xô của Trung tâm Levada cho một kết quả khá bất ngờ thú vị. Lần đầu tiên (kể từ năm 2000) tỷ lệ người Nga muốn “quay lại thời Liên Xô” giảm từ 60% (2007) xuống còn 49%. Nghĩa là người Nga vẫn âm thầm mong muốn được đi đúng dòng chủ lưu nhân loại, muốn nước Nga là một quốc gia hiện đại. Rất tiếc là hiện nay, việc ngày càng nhiều người Nga hoài niệm Liên Xô cho thấy, hóa ra nước Nga tiến bộ và hiện đại nhất lại chính vào thời Liên Xô. Một sự thật đáng buồn.

MẤT LÒNG TIN VÀO CÔNG LÝ VÀ GIỚI TINH HOA

Yếu tố thứ tư, theo nhiều nhà bình luận chính trị xã hội Nga, chính là việc “ MẤT LÒNG TIN VÀO CÔNG LÝ VÀ GIỚI TINH HOA”. Có thể nói điều này thể hiện ngay ở việc nhiều người hoài niêm Liên Xô (31%) nhấn mạnh, rằng “việc Liên Xô sụp đổ đã làm gia tăng việc mất lòng tin và sự vô cảm tàn nhẫn với nhau ở Nga, cũng như trong không gian hậu Xô Viết”. Tuy nhiên đây là một sự thật không dễ dàng nhận biết, mà cần có một cái nhìn đi sâu vào bối cảnh lịch sử.

Nước Nga trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giờ là một xã hội tập thể đồng thuận dựa trên sự tin tưởng và thân thiện lẫn nhau. Đồng thời, nước Nga cũng chưa bao giờ là một xã hội dựa trên luật pháp và tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong một bối cảnh như vậy, phạm trù quan trọng nhất giúp mọi người có thể chấp nhận nhưng khó khăn vất vả và bất công trong cuộc sống là “công lý”(theo những cách hiểu khác nhau nhất về khái niệm này).

Nghĩa là người ta có thể cho phép mình hành động không theo luật nhà nước, nhưng “đúng luật đời”, và đây là một cách thức để người dân thích ứng với sự không hoàn hảo của xã hội và những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.

Nhà nước và xã hội Liên Xô ở giai đoạn cuối của mình, nói chung tương xứng với truyền thống này: đó là một xã hội có sự bất bình đẳng vừa phải, chính quyền rõ ràng đã thực sự chú ý đến việc đảm các nguyên tắc công bằng xã hội. Trong điều kiện không có các thiết chế dân chủ, nhà nước Liên Xô đã tạo được nhiều công cụ cần thiết để kiểm tra và điều tiết chính quyền ở các địa phương.

Ở nước Nga hiện đại, đối với những người lớn lên trong xã hội Liên Xô, điều làm họ bị shock nặng nhất có lẽ không phải là sự bất bình đẳng xã hội khủng khiếp, mà là mức độ bất công chưa từng có trong lịch sử nước Nga. Như chúng tôi đã trình bày trong bài “Giới tinh hoa Xô Viết và Nga hiện nay” ngày 26/10/2018, có thể nói: “ khác với tinh hoa Xô Viết, trong tầng lớp tinh hoa Nga hiện nay, có sự chuyển đổi tự do từ tiền bạc thành quyền lực và ngược lại. Đồng thời, tiền bạc và quyền lực có thể chuyển đổi thành chức vụ, phẩm hàm, quân hàm và danh hiệu, cũng như chức vụ, phẩm hàm, quân hàm có thể sinh ra tiền bạc”.

Vì vậy, giới tinh hoa Nga hiện tại không được dân chúng coi là xứng đáng với địa vị và sự giàu có của họ. Ngoài ra, thái độ thiếu quan tâm của chính quyền và “bất cần thách thức” của giới tinh hoa đối với người dân, ngày càng làm họ khó chịu hơn.

Trong bối cảnh đó, cuộc sống của tầng lớp quan chức đặc quyền Liên Xô (nomenklatura) ngày xưa, hiện đang gây cho người Nga thế kỷ 21 một huyễn tưởng, rằng tầng lớp này là hình mẫu lý tưởng của việc phục vụ người dân vô điều kiện, như những nhà tu hành (chẳng hạn, người Nga hiện nay rất thích truyền tụng nhau câu chuyện về tài sản cá nhân, mà Stalin để lại sau khi mất. “Gia tài” này gồm 2 chiếc áo khoác mùa Đông đã sờn và 2 đôi bốt đã sứt). Đó cũng là một trong những lý do của việc gia tăng tình cảm hoài niệm Liên Xô đáng kể trong những người trẻ từ 18-24 tuổi.

THAY CHO LỜI KẾT

Có thể nói ở mỗi người Nga trưởng thành đều có động cơ cá nhân của riêng mình để hoài niệm Liên Xô. Chẳng có lý do gì để mỉa mai hay coi thường, mà phải tôn trọng họ. Tuy nhiên, từ những điều đã đề cập đến ở trên, chúng ta thấy việc nhiều người Nga hiện nay hoài niệm Liên Xô là khá dễ hiểu và có thể lý giải được.

Việc hoài niệm “cháy bỏng” này, là sự kết hợp một loạt yếu tố bao gồm: những khát khao hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hậu Xô Viết đã bị “trôi” mất, sự không thoải mái (không được chào đón, bị coi thường) ở bên ngoài biên giới nước Nga, một cảm giác về việc đất nước đang chuyển động ngược chiều (ít nhất là khác thường ‘’lệch chuẩn”) so với các nước phát triển. Cuối cùng, một ý thức ngày càng gia tăng của người dân, về việc giới tinh hoa thượng lưu Nga đã phản bội người Nga, và sống trong một thế giới song song, hoàn toàn cách biệt với họ.

Theo GS Inozemsev, trong lịch sử các dân tộc và quốc gia khác, sự kết hợp của các yếu tố này sẽ nhanh chóng “đánh động và thức tỉnh” giới tinh hoa trí tuệ và quyền lực, bắt họ phải nhanh chóng tập hợp để thay đổi định hướng cho quốc gia. Một điều đã diễn ra từ kỷ nguyên Khai sáng ở Châu Âu cho đến thế kỷ 20, khi các chế độ chính trị cực đoan thắng thế.

Nhưng ở nước Nga hiện nay, khía cạnh tích cực của sự hoài niệm “quá khứ huy hoàng” hoàn toàn vắng bóng. Khát khao hoài niệm quá khứ không làm nảy sinh bất cứ giấc mơ nào về tương lai. Và đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại, và đáng báo động hơn rất nhiều, so với tất cả các mối quan tâm lo ngại thường được các chính trị gia và các nhà nghiên cứu chính trị xã hội đương đại Nga đề cập đến.

PS. Sự “mù mờ mơ hồ” trước đường đi nước bước của đất nước Nga hiện nay, thể hiện rõ ràng trong kết quả khảo sát của Trung tâm Levada tiến hành ngày 21/12/2018. Khi trả lời câu hỏi “Nước Nga có đi đúng hướng không?”, 45% số người Nga được hỏi tin rằng mọi thứ đang đi đúng hướng, 44% giữ ý kiến ngược lại. Còn 11% còn lại không thể trả lời rõ ràng câu hỏi.

Ngày 20/12/2018, tại cuộc họp báo online thường niên, trả lời câu hỏi của một phóng viên: “Nước Nga liệu có thể khôi phục lại [chế độ] xã hội chủ nghĩa không?”, “Trở lại [chủ nghĩa xã hội] là chuyện không thể”, Tổng thống Putin đáp. “Các yếu tố xã hội chủ nghĩa có thể hiện hữu trong kinh tế hay xã hội, nhưng điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ bế tắc, do phải tiêu tốn nhiều tiền của hơn”, ông Putin cho biết.

Chú thích: Trong băng rôn ở Hình 1 dưới đây là hàng chữ: “Chúng tôi chưa từng sống trong chế độ XHCN, nhưng chế độ XHCN sống trong tâm khảm chúng tôi.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

 

Trần Công Tâm (theo rbc.ru)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề