Euronews phỏng vấn Svetlana Aleksievich – Người đoạt Giải Nobel văn học năm 2015

Giải Nobel văn học năm nay được trao cho bà Svetlana Aleksievich, tác giả đầu tiên trong không gian tiếng Nga hậu Xô viết, nữ văn sĩ người Belarus viết bằng tiếng Nga. Chúng tôi (phóng viên báo Euronews Natalia Richardson-Vikulina) đã trò chuyện với bà về giải Nobel, về nữ phi công Nadejda Savchenko, và rộng hơn, về chiến tranh và về hòa bình.

timthumb

Nhà văn Belarus Svetlana Aleksievich là người gốc Ukraina

Natalia Richardson-Vikulina:
Xin chào bà Svetlana Aleksievich. Cám ơn bà đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Thế giới của bà đã thay đổi thế nào sau khi nhận giải?

Svetlana Aleksievich:
Vẫn còn sớm quá, tôi chưa kịp trải nghiệm hết tình cảnh này. Hiện có quá nhiều những cái… kiểu như nhịp độ không phải của mình, nhiều người mới, nhiều chuyến đi…

Natalia Richardson-Vikulina:
Nhưng bà có cảm thấy thay đổi quan điểm, trọng lượng lời phát biểu với xã hội chứ?

Svetlana Aleksievich:
Ồ, quan điểm của tôi thì không thay đổi gì cả, trước kia thế nào thì giờ vẫn vậy. Còn thì đúng vậy đấy, ví dụ như trong buổi họp báo đầu tiên khi người ta hỏi tôi về Ukraina, cô có nói là tôi cho rằng Ukraina đang bị chiếm đóng và nói chung là Putin đã gây ra cuộc nội chiến. Nội chiến nếu muốn có thể bị xảy ra ở bất cứ đâu. ở Belarus cũng có thể có, nếu người ta xúi giục người Ba lan với người Belarus. Cái đó có thể. Bất kỳ khi nào khác tôi cũng đều nói vậy và ngài Peskov (thư ký báo chí của Putin) chả thèm trả lời. Nhưng lần này thì lại trả lời, nói rằng bà Aleksievich không có đủ thông tin. Nhưng vấn đề là ngày nay, dù anh có đoạt đến 3 lần giải Nobel đi nữa thì những nhà cầm quyền cũng chả nghe lời chúng ta đâu. Thời này nó thế.

Natalia Richardson-Vikulina:
Thế còn ông Lukashenko phản ứng thế nào với việc nhận giải thưởng này

Svetlana Aleksievich:
Lúc cuối ngày ông ta có chúc mừng tôi – lúc đó là sau cả Gorbachop, sau cả tổng thống Đức và tổng thống Pháp. Lúc đó đang tiến hành bầu cử ông ấy, bầu cử tổng thống ở chỗ chúng tôi. Trong nước có rất nhiều các nhà quan sát quốc tế… Sau khi bầu cử xong, các quan sát viên về hết cả rồi, ông ta liền nói ngay là tôi đã làm ô uế cả đất nước mình. Chả có gì mới cả, vẫn như cũ thôi.

Natalia Richardson-Vikulina:
Việc trao giải thưởng cho bà thực tế là đã làm xã hội Nga nổ tung. Nhiều người Nga cho rằng bà được nhận giải chẳng qua vì quan điểm chống Putin. Bà có ngạc nhiên về chuyện này không, hay là dự đoán trước rồi?

Svetlana Aleksievich:
Không, thật lòng tôi không ngờ lại thế. Nhất là các nhà văn tôi không ngờ lại cũng thế. Tôi không nghĩ là xã hội Nga giờ lại bệnh hoạn đến mức ấy. Nhưng thực ra thì tất cả các nhà văn Nga được giải Nobel đều bị bôi nhọ ở trong nước mình. Cả Bunhin, cả Solnhejitsyn, cả Brodskyi cả Pasternak. Đáng phải ngạc nhiên quá đi chứ.

Natalia Richardson-Vikulina:
Có khi vấn đề không phải là Putin. Xã hội Nga phản ứng như vậy là vì bà đã nhấn vào chỗ đau của xã hội Nga và người Nga không thích thế chăng?

Svetlana Aleksievich:
Lý do thì nhiều lắm. Thứ nhất, tôi là người Belarus, đất nước bé nho mà ở Nga nhiều người không coi ra gì. Tiếng Belarus ư – Cái ấy mà là ngôn ngữ hả bà Svetlana? Quên đi, đó chỉ là tiếng Nga bị bóp méo thôi. Xã hội Nga, tôi có cảm giác như xã hội đó không chịu chấp nhận thế giới vào mình. Những thất bại ban đầu mà người ta bị vấp phải khi mới cải tổ làm người ta bị chối. Và thế là cả nước lại đóng cửa lại. Và cái từ “tự do” lại trở thành lời chê trách. Còn những gì Putin nói lại trở thành gần gũi thân quen hơn: “Nước Nga vĩ đại, xung quanh toàn là kẻ thù”. Những từ đó cứ như là lời hiệu triệu xưa kia ấy, lại tác động lên tâm trí của quần chúng. Thử nghĩ mà xem, làm sao có thể chỉ trong vòng mấy tháng bắt được những người anh em thân thích, Nga và Ukraina, chém giết nhau. Điều đó không thể tưởng tượng được. Trong khi mẹ tôi là người Ukraina, bố tôi người Belarus. Nhiều người khác cũng thế…

Natalia Richardson-Vikulina:
Thưa bà Svetlana, trong các tác phẩm của mình bà vẫn theo sát số phận của những con người trong thời Xô-viết và hậu Xô-viết. Bà nghĩ thế nào: việc những con người Xô-viết lại quay lại với nhà thờ có phải là quy luật logic hay không? Và liệu bây giờ có thể có được ranh giới rạch ròi giữa đức tin và tuyên truyền hay không?

Svetlana Aleksievich:
Tôi nghĩ là người dân đã sau khi cải tổ đã được giải phóng khỏi quyền lực của lý tưởng, lý tưởng rất mạnh. Nhưng dân tộc Nga đã quen sống trong một cơ thể dân tộc mạnh mẽ được hòa trộn với nhau rồi. Và thế là họ đến với nhà thờ. Thế đấy. Nhưng tôi biết là ở Nga có rất nhiều người tốt, trung thực. Nhưng cả họ cũng đi nhà thờ. Nhưng rồi không hiểu sao nhanh thế, chỉ trong vòng đâu đó có 10 năm thôi mà nhà thờ đúng nghĩa không còn nữa. Nhà thờ đã trở thành một phần của bộ máy tuyên truyền. Nhà thờ đã có móc ngoặc nào đó với chính quyền. Có thể nói tôi đã sững sờ khi nghe Tổng linh mục Chaplin, người phụ trách về quan hệ với xã hội nói: “Ơn Chúa, thế là đã chấm dứt những năm no đủ. Dân tộc Nga không cần cái đó, Chúng ta cần phải hy sinh, chúng ta cần phải chịu đựng đau khổ”. Thế nghĩa là cái gì? Thật là man rợ. Không còn gì để nói nữa.

Natalia Richardson-Vikulina:
Bà đã đấu tranh đòi trả tự do cho nữ phi công Ukraina Nadejda Savchenko hiện đang bị Nga cầm tù. Vậy đối với bà thì Nadejda có phải là biểu tượng của tự do và niềm tin cho Ukraina không?
Svetlana Aleksievich:
Đúng, cô ấy làm tôi sửng sốt. Ngay từ phút đầu tiên khi tôi nhìn thấy cô ấy. Không biết chị còn nhớ cái buổi hỏi cung đầu tiên và cô ta đã giữ vững khí phách như thế nào không nhỉ? Giữa đám đàn ông, tương đối là thô lỗ, cư xử một cách côn đồ với cô ấy. Vậy mà cô ấy vẫn thản nhiên: “Đúng, các ngừi có thể giết tôi, nhưng tôi vẫn nói cho các người biết – toàn thể nhân dân Ukraina đều chống lại các người”. Rất bình thản. Tôi rất thích cô ấy. Tôi đồ rằng họ cứ nghĩ là cái con đàn bà ấy thì làm được cái gì và định lợi dụng cô ấy vào mục đích gì đó của mình. Không ngờ lại gặp phải một Jeane d’Arc (nữ anh hùng người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm năm với Anh), một tính cách cực kỳ mạnh mẽ.

Natalia Richardson-Vikulina:
Bà nghĩ sao, liệu Ukraina có một tương lai châu Âu không?
Svetlana Aleksievich:
Tôi cho là có. Tôi mới đây có sang Ukraina, đến Viện Kiev-Mogilyansk, đến quàng trường Mai-đan, đến chỗ Bảo tàng tự phát, gặp những người cũng đến đó. Tôi nhìn thấy cả những người trẻ tuổi với gương mặt hừng hực khí thế, thấy được họ mong muốn sống trong một đất nước thay đổi khác đi thế nào. Tôi nghĩ rằng Ukraina sẽ là đất nước đầu tiên trong không gian hậu Xô-viết quyết định cắt rốn với nước Nga và lao vào một thế giới khác, lao vào châu Âu. Vấn đề khác là sẽ phải có đổ máu. Nga sẽ không để yên cho đi như vậy đâu. Nga sẽ là gì nữa nếu không có Ukraina. Thế thì còn gì là nước Nga trước kia nữa, nước Nga vĩ đại mà ở Nga người ta vẫn mơ tưởng. Thế cho nên Ukraina sẽ được tự do, nhưng mong sao ít đổ máu thôi.

Natalia Richardson-Vikulina:
Xin cám ơn bà.

Người dịch Đào Ngọc Trung

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề