Con gái nuôi người Việt – ‘điều ngẫu nhiên tuyệt diệu nhất’ của nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking

Ít ai biết rằng nhà vật lý Stephen Hawking – ‘người khổng lồ’ của thế kỷ 20 có một cô con gái nuôi Việt Nam và đối với ông, cô là “điều ngẫu nhiên tuyệt diệu nhất”.

Stephen Hawking là một nhà vật lý học nổi tiếng người Anh. Ông mắc phải chứng bệnh ALS khiến ông hầu như bị liệt toàn thân và chỉ giao tiếp qua một máy phát ra tiếng nói thông qua suy nghĩ của ông. Vào tháng 3 năm 1968, ông đã từng tham gia diễu hành với nhà văn Tariq Ali và diễn viên Vanessa Redgrave để lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Và có lẽ cơ duyên với Việt Nam của ông không dừng lại ở đó khi ông còn nhận nuôi một cô gái ở Việt Nam làm con gái đỡ đầu của mình.

Vào năm 1989, cha mẹ của cô bé Nguyễn Thị Thu Nhàn đã qua đời sau một vụ lật thuyền. Nhàn được đưa về làng trẻ em SOS Hà Nội và người anh của cô được nhận vào làng Birla ngay bên cạnh. Theo như quy định của tổ chức quốc tế SOS, mỗi tổ chức SOS ở các nước đều phải gửi thông tin và hình ảnh của những đứa trẻ không may mắn hiện đang sống ở làng SOS sở tại về trụ sở ở Viên, Áo. Những thông tin về các đứa trẻ sẽ được gửi ngẫu nhiên đến những người có mong muốn được nhận con nuôi và cô bé Nguyễn Thị Thu Nhàn đã ngẫu nhiên trở thành con gái nuôi của nhà bác học nổi tiếng Stephen Hawking.

Kỷ niệm lần đầu gặp mặt

Nhàn kể, giống như những cô bé, cậu bé khác trong làng đều được nhận làm con nuôi, cô cũng may mắn có được một người cha nuôi như thế. Đối với cô bé nhỏ mồ côi cha mẹ, đây là một sự động viên tinh thần rất lớn. Nhàn thường xuyên viết thư, gửi ảnh cho cha nuôi, kể cho ông nghe về chuyện học hành, cuộc sống trong làng với các bạn, với mẹ nuôi…

Dường như, mỗi bức thư với những câu chuyện hồn nhiên, vô tư của cô bé khiến nhà bác học xúc động và thôi thúc ông cùng vợ, bà Elaine Mason sang Việt Nam thăm con gái nuôi vào một ngày đông năm 1997.

Stephen Hawking biểu diễn điều khiển chiếc xe lăn chỉ với một nút bấm khiến các bạn nhỏ trong làng SOS reo hò vì thích thú

Stephen Hawking biểu diễn điều khiển chiếc xe lăn chỉ với một nút bấm khiến các bạn nhỏ trong làng SOS reo hò vì thích thú

Nhàn nhớ lại: “Mọi người nói, tôi thật may mắn khi một nhà bác học nổi tiếng như vậy nhận làm con nuôi, nhưng ban đầu tôi cũng thấy bình thường thôi. Vì các bạn trong làng ai cũng có bố mẹ đỡ đầu. Tuy nhiên, khi được gặp bố, thấy bố phải ngồi trên xe lăn, mọi hoạt động của bố rất khó khăn, nhưng bố vẫn luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan khiến tôi thấy thương bố lắm. Ông bị bệnh tật cướp đi sức sống cơ thể nhưng bù lại ông đầy nghị lực và giàu tình cảm. Tôi rất yêu và quý trọng bố.

Hôm bố đến làng chơi, ấn tượng đầu tiên của tôi là hình ảnh bố biểu diễn đi xe lăn cho lũ trẻ trong làng xem. Chiếc xe lăn được ông điều khiển tiến, lùi, quay, lắc chỉ bằng thao tác ấn nút. Tụi trẻ con chúng tôi đứng xung quanh vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, hò reo. Rất là vui!”

Stephen đến thăm làng trẻ em S.O.S, nơi cô con gái nuôi Thu Nhàn sinh sống và học tập năm 1997

Stephen đến thăm làng trẻ em S.O.S, nơi cô con gái nuôi Thu Nhàn sinh sống và học tập năm 1997

Dù không cử động được nhưng bố Stephen lúc nào cũng rất quan tâm tới Nhàn. Trong thời gian ở Việt Nam, ông thường cùng Nhàn dùng bữa do Nhàn và mẹ nuôi tự tay nấu, nói chuyện với cô qua thiết bị hỗ trợ đặc biệt. Rồi hai bố con cùng đi dạo phố phường Hà Nội. Miệng ông lúc nào cũng tươi cười, mặc dù ông luôn bị những cơn đau của chứng bệnh hành hạ. Đôi tay bị biến dạng vì liệt của ông thường nắm chặt bàn tay Nhàn rất lâu.

Stephen thích tà áo dài truyền thống của Việt Nam nên đã mua tặng Nhàn một chiếc áo dài của nhà may Ngân An. Trước khi về, ông còn tặng cô một bộ từ điển tiếng Anh để khuyến khích cô học.

Nhàn với chiếc áo dài Ngân An được bố Stephen tặng

Nhàn với chiếc áo dài Ngân An được bố Stephen tặng

Dù thời gian ông lưu lại Việt Nam rất ngắn (chỉ ba ngày), nhưng Nhàn cảm thấy, giữa cô và cha nuôi dường như có sợi dây vô hình gắn chặt. Khi tiễn ông ra sân bay về nước, cô bé không kìm được nước mắt. “Hai cha con mãi mới rời được nhau…”.

Qua Anh quốc gặp cha

Dường như lần gặp mặt ấy và những lá thư vẫn chưa nói hết được tình cảm của người cha và cô con gái nuôi Thu Nhàn. Tháng 7 năm 2000, cô gái lên đường sang Anh thăm cha nuôi. Và thời gian một tháng nơi đây đã khiến Nhàn cảm nhận được tình cha – con một cách trọn vẹn.

“Tôi nhớ, thời tiết bên Anh lúc đó rất lạnh. Lần đầu tiên xuất ngoại nên không thể tránh được những bỡ ngỡ. Nhưng rất may, tại sân bay mọi người đều biết mình là con nuôi của S.Hawking nên được giúp đỡ rất nhiều.”

Thu Nhàn sang Anh thăm bố mẹ nuôi vào năm 2002

Thu Nhàn sang Anh thăm bố mẹ nuôi vào năm 2002

Mẹ Elaine ra đón Nhàn ở sân bay, đưa cô về nhà, nơi cô thấy cha nuôi đang ngồi chờ trên xe lăn, đôi mắt ánh lên niềm vui. Ông đã nghỉ việc cả ngày để đợi con gái nuôi. Điều này khiến cô trào nước mắt.

Những ngày được sống bên bố Hawking là những ngày hạnh phúc không thể nào quên của Nhàn. Ông luôn gần gũi, quan tâm tới cô con gái nuôi. Ông rất tâm lý, biết cô xa nhà, lạ lẫm với môi trường mới, nên ông luôn cố gắng để cô có thể cảm nhận được một không khí gia đình thật sự.

“Khi được cùng sống trong gia đình của ông, tôi không bao giờ thấy ở ông một nhà khoa học nổi tiếng mà xa lạ. Bố khiến tôi cảm thấy ông giống như một người bố bình thường như bao người bố khác. Mỗi sáng thức dậy, tôi gặp bố trong phòng bếp, hôn lên má ông chào buổi sáng, và cả nhà ngồi ăn với nhau. Mẹ Elaine thường là người chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. Bố trò chuyện với tôi và không quên dặn mẹ đưa tôi đi chơi. Rồi ông đi làm.”

Nhàn với chiếc áo dài Ngân An được bố Stephen tặngNhàn cùng vợ chồng giáo sư và mẹ giáo sư tại Anh

Nhàn với chiếc áo dài Ngân An được bố Stephen tặngNhàn cùng vợ chồng giáo sư và mẹ giáo sư tại Anh

Sự chu đáo của ông còn được thể hiện khi biết cô thích ăn kẹo, mỗi lần đi làm về, ông không bao giờ quên mua cho cô một túi kẹo hình con giống.

Buổi tối, Stephen thường dành một tiếng để chơi game hoặc làm trắc nghiệm tiếng Anh với con gái nuôi. Ông cũng thường xuyên kiểm tra bài vở của cô ở trường (Nhàn theo học một khóa học tiếng Anh tại trường Oxford). Nhưng dù thế nào thì ông cũng luôn nhắc Nhàn đi ngủ lúc 9h tối. Ông bảo, đi ngủ sớm có lợi cho sức khỏe. Những lần như vậy, cô bé Nhàn hôn chúc bố ngủ ngon rồi ngoan ngoãn lên giường đi ngủ.

Hình ảnh Thu Nhàn khi sang Anh quốc thăm cha nuôi

Hình ảnh Thu Nhàn khi sang Anh quốc thăm cha nuôi

Stephen thường hay đi làm về muộn, có những hôm khi ông về, Nhàn đã lên giường đi ngủ từ lúc nào. Những lần như vậy, sáng hôm sau, khi thức dậy, Nhàn sẽ nghe thấy tiếng xe lách cách của ông đợi cô dưới cầu thang. Stephen sẽ chưa đi làm nếu chưa gặp con gái.

Những hôm không phải đi làm, cả gia đình thường hay đi chơi, đi bơi thuyền, đi mua sắm. Nhàn kể có một chi tiết rất thú vị là, mỗi khi mẹ Elaine mua quần áo cho cô, cô phải mặc thử để ông xem. Bộ nào ông thấy hợp, ông sẽ cười. Bộ nào ông không ưng, ông lắc đầu. Khi Nhàn sắp về Việt Nam, đích thân Stephen đưa cô đi mua quần áo, rồi tự tay chọn cho cô. Tất cả áo, váy ông chọn đều màu xanh.

Trong thời gian sống tại Anh, Nhàn được gặp những người bạn thân thiết của gia đình Hawking. Họ đều quý mến cô gái nhỏ ngoan ngoãn. Cô cũng rất gần gũi với mẹ ông, bà Isobel Hawking. Nhàn kể, cô thích những ngày nghỉ cả nhà tụ tập bên khu vườn cây cối xanh ngắt và nhiều hoa, cô xem mẹ Elaine vẽ tranh, anh Peter chơi billard (Peter là con trai riêng của Elaine) và trò chuyện với bố. Thỉnh thoảng, cô vào bếp trổ tài làm món nem – món ăn mà cô đã khiến mọi người rất thích.

Cô đã có thật nhiều kỷ niệm bên người cha nuôi giản dị đáng kính của mình

Cô đã có thật nhiều kỷ niệm bên người cha nuôi giản dị đáng kính của mình

“Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất và cảm động nhất là lần hai bố con ngồi nói chuyện với nhau, Stephen đã nói với cô rằng, tuy ông chọn cô làm con đỡ đầu hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng ông rất hạnh phúc về điều ngẫu nhiên này”.

“Cầu mong bố sớm bình phục!”

Giờ đây, Nhàn đang sống hạnh phúc cùng với chồng và 2 người con của mình. Kể từ khi có gia đình, việc liên lạc giữa cô và bố nuôi bị gián đoạn vì việc liên lạc bắt buộc phải thông qua làng SOS và nhà bác học đã ly dị người vợ thứ hai của mình, Elaine Mason.

Trước đó, Nhàn thường hay liên lạc với bà Elaine để biết về tình hình bố nuôi. Cô luôn trân trọng mỗi bức thư, hình ảnh và kỷ niệm giữa cô và bố nuôi, cũng như luôn sưu tầm những bài báo viết về ông. Khi biết tin ông không khỏe, cô rất lo lắng, đôi mắt rưng rưng, nhớ lời bố từng nói: “Lần sang Việt Nam, bố nói đây là lần đầu tiên, nhưng cũng có lẽ là lần cuối cùng bố sang được đây thăm con vì sức khỏe của bố giờ đã yếu lắm rồi!”.

hu Nhàn cùng với chồng và 2 người con của mình trong buổi ra mắt bộ phim "The Theory of Everything" kể về cuộc đời của nhà vật lý học Stephen Hawking ở Hà Nội

hu Nhàn cùng với chồng và 2 người con của mình trong buổi ra mắt bộ phim “The Theory of Everything” kể về cuộc đời của nhà vật lý học Stephen Hawking ở Hà Nội

Nhàn nói, do điều kiện gia đình không cho phép, cô không thể sang Anh thăm nom bố Stephen được. Nhưng cô nhất định sẽ gọi điện và gửi thư cho bố, gửi cả ảnh gia đình cho bố biết mặt 2 cháu của ông.

“Cầu mong bố sớm bình phục!”.

Trong trái tim của Nhàn, người bố nuôi nổi tiếng của mình đơn giản cũng giống như mọi người bố bình thường khác trên trái đất này với trái tim ấm áp, giản dị và tấm lòng yêu thương con gái vô hạn mà suốt đời này cô không thể nào quên được.

Lan Hương (Theo Ngày Nay)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề