Con đường tơ lụa mới, nước cờ nhiều đích khôn ngoan của Trung Quốc

Tác giả: nhà báo Nga  Arman Manusadjyan

Vừa mới đây, trước mắt các bạn, đã kết thúc nước cờ mười năm nhiều đích tinh ranh. Kết cục, nước Nga sẽ mất đi một nửa thế kỷ của sự thịnh vượng và khoảng hai nghìn tỷ đô la thu nhập trực tiếp và gián tiếp. Trung Quốc, đã quá mệt mỏi với những lời hứa vô tận và bản tính lưu manh của điện Kremlin, đã cho Nga ra rìa trong một dự án kinh tế lớn nhất của thế kỷ – con đường tơ lụa mới.

Vậy thì, thế nào là đường tơ lụa mới? Hàng năm Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu với trị giá khoảng 600-800 tỷ USD.  Những sản phẩm này cho đến gần đây đều phải chuyên chở bằng đường biển – mất khoảng 40 ngày. Chi phí cho vận tải và thời gian là rất lớn và đã làm cho sản phẩm của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh. Nếu tổ chức vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt hoặc đường bộ thì sẽ dễ dàng và có lợi hơn. Theo con đường này có thể chỉ mất 3-5 ngày. Nhưng có một trở ngại là thiếu đường giao thông thích hợp và qua nhiều biên giới giữa Trung Quốc và châu Âu. Qua mỗi biên giới đều mất phí và lệ phí để trả cho việc trung chuyển hàng hóa.

Mười năm trước đây, đồng chí Hồ Cẩm Đào, lúc đó là Tổng Bí thư của Trung Quốc, cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác tự đặt câu hỏi để thảo luận – làm thế nào để vận chuyển hàng hóa sang châu Âu bằng đường bộ và có thể tiết kiệm 50 tỷ $ cho mỗi năm?

Và họ đã  tìm ra ba giải pháp rõ ràng:

1) Giải pháp phức tạp  – Xây dựng các tuyến đường sắt và cảng  tại Kazakhstan, Turkmenistan, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, và bằng cách khó khăn, phức tạp này, trên lưng của bảy con tuần lộc, nộp tiền lệ phí cho bảy quốc gia để đến được châu Âu.

2) Giải pháp dễ dàng  – thỏa thuận với Nga để xây dựng các tuyến đường ở đó. Biên giới chỉ có một (Belarus không tính đến), phí vận chuyển chỉ có một. Rẻ, nhanh chóng và dễ dàng!

3) Giải pháp dễ nhất – xâm chiếm nước Nga và sẽ không phải trả tiền cho ai (câu chuyện đùa!).

Trước hết, các phái đoàn Trung Quốc đã đến Moscow. Tại điện Kremlin, các đồng chí Trung Quốc đã được đón nhận nồng nhiệt, chiêu đãi rượu vodka, trứng cá muối và thịt gà gô, và tiến hành đàm phán một cách thân mật: Hãy cùng nhau không chỉ xây dựng một con đường, chúng ta hãy cùng nhau chống lại Hoa kỳ – Kremlin  đưa ra đề nghị. Và phải nói rằng tại thời điểm này, giá dầu chỉ mới bắt đầu nhích lên, Sechin trên đà thành công đã khai sinh ra khái niệm về “Siêu cường năng lượng” (Zyuganov vào năm 1996 gọi nó là “một vật liệu phụ của các nước tư bản chủ nghĩa”, nhưng khi đó giá dầu mới chỉ có $10).

Nói tóm lại, điện Kremlin nghĩ rằng Chúa đã đem đến cho họ cơ hội: họ không chỉ điều khiển châu Âu bằng đường ống dẫn khí đốt, mà cả Trung Quốc cũng phải đến để cầu cạnh họ!

Người Trung Quốc đã cố gắng và kiên nhẫn giải thích với Kremlin rằng họ không muốn cãi nhau với Hoa Kỳ, họ chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế và phúc lợi của người dân của mình, rằng họ không có kế hoạch bắt Châu Á phải quỳ gối. Và nói chung họ khá hài lòng với vai trò dẫn đầu của Hoa Kỳ trên trường chính trị và văn hóa thế giới. Họ thậm chí đưa ra một nguyên nhân để giải thích rằng ngôn ngữ Trung Quốc và cách sống hầu như không thể hiểu được đối với người châu Âu, người Mỹ và người châu Phi, và do đó thế giới sẽ không bao giờ có một trung tâm kiểu như Hollywood của Trung Quốc và v.v.

Điện Kremlin nghĩ rằng người China đang tiến hành kế hoạch ngoại giao xảo quyệt theo kiểu Châu Á,  trên thực tế đó là một phần của một kế hoạch chính trị lớn hơn: họ không chỉ muốn xây dựng một con đường ở Siberia, mà còn tìm cách hơp thức hóa sự du nhập của 10-20 triệu người Trung Quốc, và từ đó sẽ tìm cách sáp nhập nước Nga. Kết cục, Kremli đã đưa ra một vài lời hứa mơ hồ với người Trung Quốc để tống tiễn họ về nước.

Sau đó, người Trung quốc đã đi tìm kiếm vận may của mình tại Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan. Và người Trung Quốc đã tìm thấy nó ở đó. Nazarbayev, theo tin cho biết, hầu như hàng đêm đích thân gọi đến Bắc Kinh để bàn bạc, tính toán, tìm các biện pháp tối ưu cho việc thực hiện dự án. Việc xây dựng cảng Atyrau được tăng tốc gấp đôi dưới sự giám sát trực tiếp của tổng thống Kazakhstan. Các chuyên gia Trung Quốc được  tăng cường mời đến tham gia vào việc đôn đốc, thi công và đóng góp công lớn trong việc hoàn thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều tương tự cũng xảy ra ở Azerbaijan và Uzbekistan.

Trong năm 2012, khi quan hệ với châu Âu và Mỹ cuối cùng đã bắt đầu xấu đi, và sự tăng trưởng kinh tế thì chậm lại, điện Kremlin cuối cùng đã nhận ra một điều là có một dòng tiền lớn –  và quan trọng nhất, không phụ thuộc vào giá thất thường của dầu mỏ – sẽ  bơi qua trước mũi của họ. Bây giờ Kremlin đã bắt đầu tìm hiểu tại Bắc Kinh – là liệu có thể bằng cách nào đó để được tích cực tham gia vào dự án con đường tơ lụa mới hay không? Phía Trung Quốc đã trả lời – điều đó có thể được, nhưng ban đầu các đồng chí hãy xây dựng một con đường bình thường từ Moscow sang Mãn Châu, sau đó chúng ta sẽ bàn tiếp. Điện Kremlin cho biết, chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng chúng tôi không có tiền, chúng ta hãy xây dựng theo cách cùng đầu tư – chúng tôi phải trả một nửa, còn các bạn – một nửa. Người Trung Quốc nói – tốt, được thôi, hãy xây dựng một dư toán chi phí của dự án, chúng ta sẽ xem xét. Kremlin chuẩn bị dự toán trong ba tháng, và khi chuyển đến Bắc Kinh, mới vỡ lẽ rằng – con đường sẽ ngốn chi phí 14 nghìn tỷ rúp. Vâng, tức là, Trung Quốc sẽ phải chi 7 nghìn tỷ rúp, còn thực tế Kremlin phải chi bao nhiêu thì chỉ có họ mới nắm được điều này, con đường được xây dựng trên lãnh thổ của họ mà. Người Trung Quốc, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng dự toán kỳ lạ này đã mỉm cười một cách dễ thương (sự hiếu khách của phương Đông, không nên đơn thuần là đấm ngay vào mặt đối tác), và lịch sự thông báo cho điện Kremlin rằng, theo tính toán của họ, đã có một sai lầm nhỏ – đấy  là toàn bộ đường chỉ có giá xây dựng hết 7 nghìn tỷ rúp, và phía Trung Quốc sẽ chi một nửa – 3,5 nghìn tỷ. Tại điện Kremlin, sau khi đã nhận được  câu trả lời của  phía Trung Quốc, báo cáo rằng, vâng, thực đáng tiếc, đã có một sai lầm – giá xây dựng con đường chỉ là 7 nghìn tỷ. Sau đó, điện Kremlin đã đề nghị Trung Quốc không phải xây dựng toàn bộ đường cao tốc từ Moscow đến Bắc Kinh nữa mà xây dựng chỉ một phần con đường Moscow-Kazan. Người Trung Quốc nói – tốt, được thôi, các bạn hãy chuẩn bị dự toán (và đến thời điểm này các con đường ở Kazakhstan và Uzbekistan đã được xây dựng, tất cả đã được xây dựng).

Điện Kremlin đã chuẩn bị một dự toán – hóa ra rằng đường cao tốc Moscow-Kazan sẽ có giá hơn một nghìn tỷ rúp. Trung Quốc đề nghị: được rồi, nhưng hãy để chúng tôi trực tiếp giám sát quá trình xây dựng, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, và số tiền này sẽ được chi tiêu tối ưu hơn… Liệu có nên kể tiếp rằng điện Kremli đã từ chối đề nghị đó hay không…

Bây giờ đã vào trung tuần tháng 12 năm 2015. Trung Quốc đã vận hành đoàn tầu đầu tiên của Con đường tơ lụa mới, bỏ qua nước Nga. Các nước Trung Á, Azerbaijan và Georgia nhờ đó đã có cơ hội làm giàu. Điện Kremlin thậm chí đến nay vẫn chưa bắt đầu xây dựng đại lộ Moscow-Kazan. Cùng lúc, ngay trong tuần này, giá dầu đã giảm xuống dưới $37 mỗi thùng.

Thật là tốt đẹp khi mà đất nước được những người có tầm nhìn xa và có thẩm quyền lãnh đạo, phải không các bạn!

Nguyễn Hoàng Lân theo rbc.ru/business


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Con đường tơ lụa mới, nước cờ nhiều đích khôn ngoan của Trung Quốc”:

  1. Cao Nam viết:

    Tư duy một số lãnh đạo vẫn còn đầy đố kị, con gà tức nhau tiếng gáy, con cho ghen nhau tiếng sủa, loài chim đua nhau tiếng hót; và Putin căm thù Mỹ vượt trội Nga, sằng sàng hy sinh nhiều giá trị Nga, con người Nga để khẳng định tham vọng. TQ cũng không kém, nhưng hiểu rõ nguồn lực hạn chế nên mới nằm im chờ thời, không số nổi như Putin. Do vậy, thế giới sẽ còn phức tạp, cuộc đấu tranh giữa thiện, ác; văn minh và lạc hậu còn dài hơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề