Chạy đua vào Nhà Trắng : Quan điểm tân bảo thủ trỗi dậy

Theo một số nhà quan sát, được AFP trích dẫn, lâu nay người ta tin rằng lực lượng tân bảo thủ Mỹ đã chết và đã bị chôn vùi do những hệ quả của cuộc chiến Irak, tuy nhiên luồng tư tưởng tân bảo thủ đang trỗi dậy mạnh trở lại, nhân cuộc tranh cử sơ bộ trong đảng Cộng hòa để chọn ứng viên chính thức cho cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ.

Trong gần một thập niên, phe tân bảo thủ – với các hình tượng tiêu biểu như nguyên Phó tổng thống Dick Cheney và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld – phải im tiếng. Mới đây, theo AFP, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ các ứng viên đảng Cộng hòa một lần nữa đưa ra một lập trường cứng rắn hơn. 17 ứng cử viên sơ bộ của đảng Cộng hòa lên án « sự yếu kém » của chính sách đối ngoại của Tổng thống đảng Dân chủ Obarack Obama.

Ted Cruz, một trong 17 ứng cử viên, trong cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa ngày 06/08, tuyên bố : « Chúng ta cần một thủ lĩnh quân sự có thể đương cự lại được với các kẻ thù của đất nước ». Tất cả các ứng viên nhất loạt tố cáo chính sách nửa vời của Barack Obama, để lại nhiều khoảng trống quyền lực trên thế giới, khiến Nga, Iran, Trung Quốc và các nhóm thánh chiến Hồi giáo sử dụng để bành trường thế lực.

Nhiều tên tuổi mất tích sau giai đoạn tám năm cầm quyền của George W. Bush (2001-2009) xuất hiện lại. Nổi bật có Jeb Bush, em trai của cựu Tổng thống Bush. Ứng viên đầy tiềm năng này đã nhờ đến các tư vấn của Paul Wolfowitz, nguyên là nhân vật số hai của Lầu Năm Góc (2001-2005), người rất ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Irak. Trong công luận Mỹ, di sản cuộc chiến Irak vẫn bị rất nhiều người coi là một chủ đề có thể khiến ứng cử viên Jeb Bush thất bại trong cuộc tranh cử. Tuy nhiên, thứ Ba 11/08 vừa qua, ứng cử viên này không ngần ngại tuyên bố : « việc hạ bệ Saddam Hussein cuối cùng rõ ràng là một việc làm tốt ».

Ứng cử viên Lindsey Graham cũng trở thành một người cổ vũ cho một cuộc can thiệp trên bộ của Hoa Kỳ vào Irak và Syria để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Về phần mình, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một ứng viên khác, đã chọn Jamie Fly – một cựu lãnh đạo an ninh quốc gia thời Bush – làm cố vấn. Năm 2012, ông Jamie Fly khẳng định – trong một cuốn sách – rằng Hoa Kỳ cần phải hành động cho một thay đổi chế độ tại Iran, với việc ném bom hàng loạt vào các cơ sở của chính quyền Teheran.

Lawrence Wilkerson, một thành viên đảng Cộng hòa theo xu hướng ôn hòa, nhận xét : các ứng viên sơ bộ đảng này cho rằng họ không thể giành được chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nếu không có được sự ủng hộ của 11-12% công dân Mỹ có quan điểm diều hâu. Theo cựu lãnh đạo một văn phòng của Bộ Ngoại giao Mỹ, thời Ngoại trưởng Colin Powell, có ba nhân tố khiến các ứng viên đảng Cộng hòa lựa chọn việc phô trương tư tưởng tân bảo thủ. Bên cạnh các tính toán chiến lược chính trị, hai nhân tố kia là quan điểm phân biệt chủng tộc ngự trị trong một bộ phận xã hội Mỹ, bên cạnh đó là việc nhiều người Mỹ khó chấp nhận quyền lực của Hoa Kỳ suy yếu phần nào trong thế giới hiện nay.

Trả lời AFP, ông Lawrence Wilkerson giải thích : Nhiều người Cộng hòa ghét thậm tệ Tổng thống đương nhiệm da màu.

Còn nhà nghiên cứu Mark Moyar của Foreign Policy Research Institut, một cơ sở thiên hữu, thì lên án chính sách đối ngoại của Barack Obama, mà theo ông chỉ là một chiến lược mang tính tình huống, nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng phát sinh. Mark Moyar nói rõ : « Những năm tháng cầm quyền của Obama đã mang lại cho các kẻ thù của nước Mỹ khá nhiều thời gian và không gian, để tập hợp được sức mạnh. Việc tự đặt vào thế thụ động và có những cử chỉ mang tính hoàn toàn biểu tượng, có thể khuyến khích các kẻ thù của chúng ta dám đưa ra những lời lẽ khiêu khích táo tợn, với hy vọng giành được nhiều cừu con trước khi người chăn cừu cảnh giác hơn tới kịp ».

Bất chấp chiến lược tân bảo thủ mỵ dân nói trên của các ứng viên, cựu giới chức Cộng hòa Lawrence Wilkerson vẫn hy vọng : một khi lên nắm quyền, những người như ông Jeb Bush hay Marco Rubico sẽ không áp dụng các tuyên bố « tân bảo thủ » mà họ từng rao giảng để thu hút cử tri trong chiến dịch tranh cử. Ông nói : « Một khi họ vấp phải thực tế, tôi hy vọng, họ sẽ trở lại với một đường lối có trách nhiệm ».

Trong số các ứng viên sơ bộ đảng Cộng hòa, nổi lên nhân vật Donald Trump, nhà tỷ phú 69 tuổi.

Trump đọ sức với Sanders tại New Hamsphir

Chính trường Mỹ ghi nhận một hiện tượng đặc biệt mới đây. Tại tiểu bang New Hamsphire, ứng viên đảng Cộng hòa Trump cùng với ứng viên đảng Dân chủ Bernie Sanders đột ngột trở thành hai ứng viên được đông người ủng hộ nhất, theo một số thăm dò dư luận.

New Hamsphier là nơi theo truyền thống thường mở đầu cho các cuộc tranh cử sơ bộ trong nội bộ các đảng để cử ứng viên Tổng thống chính thức.

Theo điều tra của Franklin Pierce, ông Donald Trump nhận được 18% ủng hộ, trong khi đó ứng viên Dân chủ Sanders được 44% ý định bầu, vượt cả ứng cử viên số một Hillary Clinton.

Chưa có một phân tích nào dự báo trước được cuộc đối đầu này.

Đây là hai ứng viên đối lập nhau về mọi mặt, theo một số quan sát. Đối mặt với ứng viên tỷ phú Trum đảng Cộng hòa là người chỉ trích quyết liệt giới nhà giàu. Ông Bernie Sanders là một tân binh trong chính trường, thậm chí là một người có quan điểm xã hội dân chủ, một tư tưởng mà đa số người Mỹ coi gần như là cộng sản. Tuy nhiên, tiếng nói của ông lại thu hút rất nhiều chú ý. Ngày chủ nhật vừa qua, có đến 28.000 người tới nghe diễn thuyết của ông tại Oregon (tây bắc nước Mỹ), và cũng gần bằng ngần ấy người tại Los Angeles ngày hôm sau, cao gấp năm lần cuộc diễn thuyết đông người tham dự nhất của bà Clinton từ đầu chương trình tranh cử tới nay. Sanders vốn là một thượng nghị sĩ độc lập, có lập trường lên án giới hữu sản, các bất bình đẳng và các nhóm đặc quyền hưởng lợi mờ ám từ các chương trình tranh cử.

Theo nhà chính trị học Wendy Schiller, đại học Brown, hai ứng viên đặc biệt này đã nói thay cho nhiều cử tri, đang tìm kiếm một cái gì đó thực sự khác biệt, khi mà có quá nhiều thất vọng đối với chính trị của nước Mỹ, kể cả bên tả, cũng như bên hữu. Nhiều cử tri không chấp nhận một cuộc đối đầu Bush-Clinton mới, và mong đợi những gương mặt mới.

Vẫn theo nhà chính trị học, gương mặt mới Sanders có thể sẽ buộc đảng Dân chủ phải tái khẳng định « sự gắn bó nhiều hơn đối với các giá trị căn bản của cánh tả », bao gồm những giá trị như trợ giúp những người dễ tổn thương, cải cách luật về tài trợ tranh cử, và mở rộng bảo hiểm y tế. Chính ứng viên Donald Trump cũng từng là một người ủng hộ quan điểm Dân chủ, khi ủng hộ Bill Clinton, đồng ý với quyền nạo phá thai, và một hình thức bảo hiểm y tế cho tất cả.

Chiến trường Irak của Jeb Bush và Hillary Clinton

Dù sao, đọ sức giữa Jeb Bush và Hillary Clinton vẫn là cuộc chiến chính. Theo nhiều thăm dò dư luận, trên tầm quốc gia, Hillary Clinton luôn vượt lên 35 điểm so với Sanders, ứng viên thứ hai của đảng Dân chủ.

AFP cho biết bà Clinton và ông Bush vừa có một chạm trán nảy lửa về vấn đề can thiệp của Hoa Kỳ tại Irak. Ứng viên Jeb Bush chất vấn vai trò của cựu Ngoại trưởng Mỹ tại Irak : Bà Clinton đã có mặt ở đâu trong suốt thời gian này ? với ghi nhận, cựu ngoại trưởng chỉ tới Irak một lần khi đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Jeb Bush cũng lên án chính sách chung của chính quyền Obama, cho phép tổ chức Nhà nước Hồi giáo nổi lên, khi rút quá sớm quân Mỹ khỏi Irak. Chủ đề Irak rất nhạy cảm và phức tạp cũng từng khiến Hillary Clinton mất điểm trước đây trong cuộc tranh cử sơ bộ Tổng thống hồi 2008, khi bà đối mặt với B. Obama. Hồi 2002, Hillary Clinton ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Irak, khi bà còn là thượng nghị sĩ, ngược lại với quan điểm chống của Obama.

Trong bài phát biểu tại California, Jeb Bush cho rằng Hoa Kỳ hiện tại phải có một chủ trương mang tính chất tấn công nhằm vào tổ chức EI, thay vì chỉ phản ứng lại, mỗi khi bị lấn sân. Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi cụ thể của Jake Sullivan, cố vấn chính trị đối ngoại của Hillary Clington, về việc : ngoài hoạt động huấn luyện và không kích, ông có sẵn sàng đưa quân tham chiến không ?

Jeb Bush trả lời : chúng tôi không loại trừ điều này, nếu điều đó là cần thiết, nhưng hiện tại đây không phải là điều cần thiết, không phải điều mà đồng minh của chúng ta yêu cầu, và không thuộc cam kết cơ bản của quân đội Mỹ. Ứng cử viên số một đảng Cộng hòa cũng chỉ dừng ở chỗ yêu cầu tăng cường trợ giúp cho việc hỗ trợ ngành an ninh Irak, ủng hộ nhiều hơn cho lực lượng Kurdistant trong cuộc chiến chống EI.

Iran mới thực sự là tranh chấp chính giữa Jeb Bush và Hillary Clinton. Ứng cử viên hàng đầu đảng Cộng hòa lên án thỏa thuận hạt nhân giữa chính phủ Obama với Iran. Jeb Bush cảnh báo, nếu Hạ viện không bác bỏ thỏa thuận này, thì chính ông sẽ làm điều đó, nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.

Nguồn RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề