Căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara thử thắt tử huyệt Moscow

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng, Ankara đã nhắm vào “tử huyệt” của Moscow: eo biển Bosphorus.

Theo đó, ngày 30/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc các tàu Nga phải đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua eo biển Bosphorus.

Bosphorus được coi là một trong những eo biển khó vượt qua nhất thế giới từ cả hai phía.

Cang thang Nga-Tho Nhi Ky: Ankara thu that tu huyet Moscow
Eo biển Bosphorus

Tuy nhiên, động thái nói trên cho thấy họ đang nắm được “tử huyệt” của Moscow bởi Hạm đội Biển Đen của Nga muốn tới Syria chỉ có một con đường độc đạo duy nhất là đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu; chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 – 124 m tính theo giữa luồng.

Eo biển này cũng nối liền biển Đen và biển Marmara, khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Ước tính mỗi năm có trên 50.000 lượt tàu qua lại giữa biển Marmara và biển Đen, bao gồm các tàu thương mại từ Bulgaria, Romania, Georgia và đặc biệt là các tàu chiến và tàu hậu cần thuộc Hạm đội biển Đen của Nga.

Do hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ, đây chính là yết hầu khống chế toàn bộ cửa ngõ ra vào biển Đen.

Nhờ địa thế cực kỳ hiểm yếu, nếu không được sự cho phép của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn không một loại tàu thuyền nào có thể đi qua khu vực này, bất chấp quốc gia đó sở hữu lực lượng hải quân mạnh đến đâu.

Ông Phúc Lai, thạc sĩ luật quốc tế, nhà nghiên cứu độc lập cho biết, lịch sử đã chứng kiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ 13 cuộc chiến tranh từ năm 1568 đến 1918, chỉ vì hai nước nằm trên đường tiến của nhau. Đặc biệt, nước Nga muốn có đường ra một vùng biển ấm ở phương Nam, buộc phải vượt qua “chốt chặn” Đế chế Ottoman.

Đế chế Nga, được đặt nền móng bởi Sa hoàng Pie Đệ nhất, còn mơ chiếm cả cặp eo biển Bosphorus và Dardanelles nhưng chưa bao giờ thành công.

Nước Nga Xô-viết và sau đó là Liên Xô, vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến hai eo biển này; không có nó, nước này chỉ còn có bờ biển phía Bắc dài dằng dặc nhưng đóng băng gần như quanh năm và bờ biển Viễn Đông quá xa xôi.

Năm 1936, Công ước Montreux được ký kết gồm các nước:  Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư, Italia nhằm duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển.

Theo Công ước này, trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Trong thời chiến, trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo.

Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ là bên tham chiến, tàu bè của các nước có chiến tranh với Thổ và cả những nước đồng minh với kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm đi lại.

Công ước có hiệu lực 20 năm, nhưng các nội dung bổ sung cho điều khoản hiệu lực về thời gian này là nếu không có nước nào có văn bản phản đối sau khi hết thời hạn 20 năm đó, Công ước tự động được gia hạn.

Trở lại sự kiện máy bay Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Ths Phúc Lai chỉ ra hai trường hợp:

Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám khóa eo biển vì còn tồn tại Công ước Montreux.

Thứ hai, tại sao Tổng thống Putin, dù rất tức giận, nhưng lại khá nhanh chóng tuyên bố sẽ không trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng hành động quân sự.

Một trong những nguyên tắc của pháp luật quốc tế là “không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Chưa biết máy bay Nga có xâm phạm không phận Thổ hay không, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm “đúng quy trình” khi cảnh báo Nga vài lần, rồi mới bắn hạ thật, tức là hành động bảo vệ chủ quyền.

Còn nếu đáp lại, Nga tuyên bố dùng hành động quân sự, thì đó không khác thì lời tuyên chiến.

Đó chính là cái cớ để Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với tàu bè Nga, biến Hạm đội Hắc Hải của Nga trở thành mớ thuyền lá tre đáng thương, đồng thời lực lượng quân sự Nga ở Syria cũng bị cắt rời với đất mẹ, chỉ còn đường hàng không.

Kịch bản trên chắc chắn là điều mà Nga không hề mong muốn, trong cuộc chơi này, rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm giữ trong tay nhiều lợi thế hơn.

An Nhiên (Tổng hợp)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề