Đái tháo đường (ĐTĐ – tiểu đường) xưa nay thường được “mặc định” là bệnh mãn tính của tuổi già.
Tuy nhiên, hiện bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa và các em có thể phải chịu cuộc sống tàn tật ngay từ lúc trẻ vì các biến chứng của bệnh.
Sai lầm từ các chế độ ăn
“Không chỉ trẻ em thành phố mà đã xuất hiện nhiều trẻ em ở vùng núi, nông thôn nhập viện vì các biến chứng nghiêm trọng do bệnh ĐTĐ” – BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc BV Nội tiết T.Ư nhận định.
Theo BS Phan Hướng Dương, 90% các ca bệnh ĐTĐ ở trẻ em là tuýp 1 – bệnh di truyền và mãn tính từ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhi bị ĐTĐ tuýp 2 – bệnh xưa nay chỉ người trên 45 tuổi mới mắc.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (Thiệu Yên, Thanh Hóa) vào Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong tình trạng người bị nhiều vết thâm tím mãi không khỏi, lại ngứa gãi thường xuyên. Tuy mới 13 tuổi nhưng em đã nặng hơn 70kg. Người nhà cho biết hồi nhỏ Hùng rất gầy nên gia đình đã mua nhiều loại sữa tăng cân cho Hùng uống.
Cũng nghĩ là đồ ngọt có lợi cho việc tăng cân nên gia đình để Hùng ăn thoải mái khiến em béo phì. Kiểm tra cho thấy chỉ số đường huyết của em lên đến 15mmol/l (trong khi chỉ số đường huyết của người khỏe mạnh chỉ 6-6,5mmol/l). Các biểu hiện ngứa ngáy, thâm tím mãi không khỏi cũng là dấu hiệu bệnh ĐTĐ đã nặng. Gia đình phải chuyển lên Bệnh viện Nội tiết T.Ư để điều trị.
Trước đó, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân nam mới 8 tuổi (trú tại Hà Nội) nhưng đã mắc bệnh ĐTĐ. Bệnh nhi này cao 1m41, nặng tới 58kg. Chỉ số đường huyết của bệnh nhi này lúc đói cũng gấp đôi người khỏe. Theo lời người nhà, bệnh nhi là con một gia đình khá giả, lúc sinh ra chỉ nặng 2,9kg nhưng do được chiều chuộng, ăn uống thả phanh nên cân nặng của em cứ lên vùn vụt.
Theo BS Dương, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhi tuổi từ 11-15 bị ĐTĐ, có em chỉ số đường huyết lên tới 20mmol/l.
Bài thuốc: Đi bộ 30 phút
GS.TS Trịnh Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết – ĐTĐ chia sẻ, ĐTĐ không gây tử vong tức thì, tuy nhiên là kẻ thù số 1 của chất lượng dân số. Nếu trẻ em bị mắc ĐTĐ mà không được phát hiện kịp thời có thể gặp nhiều biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch, bị khuyết tật do phải tháo bỏ chi…
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người bị cắt cụt chi do ĐTĐ. 1% người mù lòa trên toàn cầu cũng có thể do ĐTĐ, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận…
Trong khi đó, theo điều tra của BV Nội tiết T.Ư, tỷ lệ gia tăng người mắc ĐTĐ ở Việt Nam trong những năm qua rất đáng báo động. Chỉ trong 10 năm đã tăng 200% (từ 2,7% năm 2002 lên 5,4% năm 2012), cao gần gấp 8 lần so với sự báo của WHO (tăng 54% trong vòng 20 năm). Tuy nhiên, mới chỉ có 36,3% người bị ĐTĐ được phát hiện và chẩn đoán. Trong đó có 50% được khám và điều trị, 25% điều trị có hiệu quả…
Theo BS Dương, “bài thuốc” tốt nhất của ĐTĐ chỉ là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động. Nhiều bệnh nhi bị ĐTĐ do béo phì, các bác sĩ tư vấn yêu cầu gia đình giúp bệnh nhi giảm cân bằng cách giảm khẩu phần ăn, năng tập thể dục, vận động. Nhiều em sau 3-4 năm đã không phải dùng thuốc.
“Chỉ cần mỗi ngày ăn 3-5 suất rau và hoa quả (mỗi suất tương đương 80g), giảm đường và chất béo, đi bộ 30 phút là đã hạn chế được 40% số người bị mắc bệnh tiểu đường” – BS Dương nhấn mạnh.
Theo Dân Việt.
- Bút ký từ "nhà nguyện ": Bệnh nhân bị coronavirus ở Odessa điều trị như thế nào
- Năm cách để bảo vệ chống cúm thông dụng và viêm phổi cấp
- Các nhà khoa học: "cholesterol xấu " là một nguồn gốc của sự trường thọ
- Định luật: "Ăn bẩn sống lâu" được sáng tỏ
- Tập tư thế “trống lòng” chữa trĩ
- Bã café, xin đừng vội bỏ đi
Trả lời