Bấm còi bừa bãi – hành vi thiếu văn hóa phổ biến trên đường phố Việt Nam

Sở thích “giao tiếp” bằng còi, bấm còi bừa bãi bất chấp không gian, thời gian, tình huống, hoàn cảnh… theo thói quen “còi to cho vượt” đã trở thành câu chuyện muôn năm cũ ở Việt Nam, nói ra ai cũng biết, ai cũng ghét nhưng không phải ai cũng ý thức khi đưa tay bấm còi xe.

Từ lâu, còi xe được hầu hết các chủ phương tiện tham gia giao thông sử dụng nhằm hỗ trợ cho việc cảnh báo người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Việc sử dụng còi xe được nhiều người đánh giá là rất cần thiết. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực ấy, không ít người lại đang có thói quen “bấm còi vì quen tay”. Họ thi nhau bấm còi mọi lúc, mọi chỗ và thậm chí là vì lý do muốn khoe xem, còi của ai to hơn.
Đèn đỏ – bấm còi, đang lúc chờ tàu hỏa đi qua – bấm còi, muốn xin đường, xin rẽ hoặc leo xe lên vỉa hè cũng còi, bấm còi giữa lúc đêm muộn, ngay khi đi qua cổng bệnh viện, trường học… Những việc tưởng như chẳng ảnh hưởng đến ai nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của nhiều người xung quanh.

Câu chuyện về nạn còi xe bừa bãi không còn quá mới, thậm chí là việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực áp dụng các khung xử phạt hành chính, tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng còi xe có văn hóa, đến nay, “bản giao hưởng còi xe” ngày càng có âm lượng lớn hơn và biến thành món “đặc sản” mà dù muốn hay không, nhiều người vẫn bắt buộc phải nếm trải hàng ngày.

Đi đường ở Việt Nam, không thể không còi

Khi được hỏi về tác dụng của còi xe, hầu hết mọi người đều khẳng định, đó là một “món đồ phụ kiện” không thể thiếu khi tham gia giao thông. “Không còi thì làm sao mà đi được. Lúc đường đông như thế người ta cũng phải bóp còi chứ”, bà Nga (một tiểu thương bán hàng rong tại Hà Nội) cho biết.

“Tôi thấy còi xe thì vẫn nhường đường vì nghĩ chắc họ phải có chút việc gì đó nên mới bấm. Bản thân tôi khi muốn vượt lên trước, xin đường, tôi vẫn phải sử dụng đến còi xe”, anh Đức (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ.

Đồng tình với anh Đức, anh Lê Thanh Tùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, đi đường ở Việt Nam, không thể không sử dụng đến còi xe: “Mình thấy còi xe là vô cùng cần thiết và không thể thiếu khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Mình thường sử dụng còi xe ở những chỗ có nhiều người đi bộ, lúc đi qua khu vực trường học vào giờ tan tầm, đông đúc xe cộ hoặc chỗ đoạn giao nhau nguy hiểm, khu vực ngã tư, vòng xuyến” – anh Tùng tâm sự.

Trong khi đó, anh Sơn (một người tham gia giao thông khác) lại cho rằng, việc bấm còi là cần thiết vì nhiều con đường ở Việt Nam khá mấp mô, có những góc cua khuất và ý thức của một số người khi tham gia giao thông còn chưa cao. “Lấy ví dụ như những trường hợp có người bất ngờ chạy qua đường. Khi ấy, không muốn cũng phải bấm còi để nhắc nhở họ cẩn thận hơn”.

Vừa bấm và than

Khẳng định việc bấm còi là cần thiết nhưng nhiều người lại cho rằng, việc sử dụng còi xe ở Việt Nam đang bị lạm dụng và biến tướng thành một thói quen xấu khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh.

Thừa nhận bản thân vẫn hay sử dụng còi xe nhưng anh Lê Thanh Tùng lại cho rằng, việc bấm còi khi không thực sự cần thiết chỉ tạo ra tác dụng ngược, thậm chí gây hại cho người xung quanh. “Đó là cách hành xử thiếu ý thức, thể hiện sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm và tôn trọng người khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng, sức khỏe của người đi đường” – anh Tùng nhấn mạnh.

“Biểu hiện của việc vô ý thức chính là hành vi bấm còi khi dừng đèn đỏ hoặc khi đường đã quá đông, vốn chẳng còn chỗ để nhường mà vẫn cố bấm. Muốn rẽ cũng bấm còi thay vì đèn xi nhan, đi qua người già, trẻ em mà rồ ga, rú còi khiến người khác cảm thấy đinh tai, nhức óc thì họ mới thỏa mãn”, anh Tùng giải thích.

Theo lời anh Tùng, bản thân anh quê ở Thái Nguyên nhưng thường xuyên có việc phải lên Hà Nội, mỗi lần đi đường là một lần anh phải hứng chịu tiếng còi to nhức óc. Trong một lần bất cẩn, chính anh cũng đã từng trở thành nạn nhân của tiếng ồn do còi xe gây ra. “Hôm đó, mình đang đi đường thì xe tải đi sau rú ga, bấm còi rất to. Lúc đó, mình bị giật mình nên tay lái loạng choạng và ngã ra đường. Cú ngã khá đau nhưng rất may không gây nguy hiểm. Dù thế, mình vẫn thử đặt giả thiết là nếu lúc đó đường đông, xe đi phía sau không phanh kịp mà đâm vào mình thì sao. Khi đó thì trách nhiệm trước hết thuộc về ai?”, anh Tùng nói bằng giọng bức xúc.

Tiếng còi xe vốn đã có âm lượng lớn, khi lưu thông trên đường phố ồn ào (do tiếng của các động cơ phát ra), âm lượng của nó dường như được nhân lên gấp 2-3 lần, gây ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là nhóm đối tượng người già, phụ nữ và trẻ em. Ông Bùi Văn Thành (85 tuổi, Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi đi đường tôi thấy rất đau đầu vì còi xe. Có lúc đi trên xe buýt mà cũng còn phải giật mình vì phương tiện đang đưa đón mình rú còi kinh khủng quá”.

Quá bức xúc trước nạn bấm còi vô tội vạ của nhiều người, anh Đức khẳng định, “đó là hành vi của những kẻ thiếu văn hóa”. “Nhiều lúc đang trưa nắng mà người đi sau cứ bấm còi thì mình cũng thấy khá bức bối. Điều ấy vô tình làm gia tăng áp lực cho người tham gia giao thông”, anh Đức nói thêm.

“Bấm còi là cần thiết nhưng không có nghĩa là mọi người được tự do bấm loạn xạ mọi lúc, mọi chỗ. Bấm như thế thì chỉ làm cho người đi đường cũng khổ mà người đi trên xe cũng khổ”, ông Bùi Văn Thành (85 tuổi, Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ.

Nói về mong muốn của mình, anh Đức tâm sự: “Chỉ mong sao mọi người nêu cao “văn hóa ngón tay cái” chứ không phải bấm còi cho vui tay để rồi khiến người khác và chính mình trở thành nạn nhân của còi xe”. Tương tự, ông Thành cho rằng: “Tôi chỉ mong sao mọi người hãy bấm còi đúng lúc, đúng chỗ!”.

Vũ Văn (Theo TRÍ THỨC TRẺ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề