Bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới hứa đóng góp 1,8 tỉ đôla cho các cơ quan cứu trợ của Liên hiệp quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất thế giới kể từ Thế chiến thứ II.
Loan báo này được đưa ra hôm thứ Ba sau một hội nghị G7 bên lề Ðại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo của các nước Vùng Vịnh, và lãnh đạo của một số nước châu Âu đang đối phó với làn sóng người di cư và tị nạn vào nước họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier nói: “Tình trạng thiếu tiền ở các tổ chức cứu trợ thực sự rất nghiêm trọng. Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) và Chương trình Lương thực Thế giới thiếu 50 đến 60% ngân quỹ cần thiết.
Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm bảo đảm rằng tình hình sẽ không tiếp tục xấu hơn và chúng ta cần phải ra sức hỗ trợ và giúp cho các tổ chức cứu trợ và nhân đạo, cũng là giúp cho người tị nạn.”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe loan báo nước ông sẽ viện trợ 810 triệu đôla giúp người tị nạn Syria và Iraq, và hứa 750 triệu đôla hỗ trợ cho việc xây dựng hòa bình tại Trung Ðông và Châu Phi.
Thủ tướng Abe nói: “Chúng ta hãy cùng nhau đối phó với bất cứ thử thách nào, dưới mái nhà Liên hiệp quốc. Và mỗi một nước thành viên hãy đóng góp khả năng của mình cho nỗ lực đối phó thách thức này. Nhật Bản có truyền thống giúp xây dựng các quốc gia tại nhiều nơi. Chúng tôi có kinh nghiệm thúc đẩy phát triển các nguồn nhân lực, đóng góp hỗ trợ nhân đạo cao nhất của chúng tôi, và nêu cao quyền của phụ nữ. Hơn bao giờ hết, vào lúc này Nhật Bản mong muốn hào phóng đóng góp kinh nghiệm dồi dào đó.”
Liên hiệp quốc cho hay gần 515.000 người tị nạn đã dấn thân vào những chuyến vượt Ðịa trung hải đầy hiểm nguy để trốn chạy chiến tranh và nghèo đói ở Trung Ðông và Châu Phi kể từ đầu năm nay. 383.000 người đã đến được bờ biển Hy Lạp, và 129.000 người đến được Italia.
Cơ quan tị nạn nói rằng 3.000 người đã bỏ mạng hoặc mất tích trên đường vượt biển trên những tàu thuyền ọp ẹp chở quá tải.
(Theo Voa tiếng Việt)
Trả lời