4.500 di dân được cứu tại Địa Trung Hải

Lực lượng Tuần duyên Ý cho biết ngày thứ Bảy có hơn 4.500 người được cứu ở ngoài khơi bờ biển Libya, vào lúc biển lặng gây nên một làn sóng di dân đổ xô đến châu Âu trên những chiếc thuyền và những chiếc xà lan quá tải.

Một tuyên bố của tuần duyên nói rằng cơ quan này đã phối hợp 20 vụ cấp cứu, và xác một phụ nữ được tìm thấy trên một chiếc xuồng cao su. Các nhân viên cứu hộ Hy Lạp và các tàu thuyền của Đức, Croatia và Anh cùng với nhân viên của tổ chức y tế Bác sĩ Không Biên giới cũng tham dự việc cứu hộ,

Phối trí viên y tế khẩn cấp Simon Bur-roughs nói với Thông tấn xã Pháp: “Chúng tôi bắt đầu chuyến cứu hộ đầu tiên trước khi trời sáng. Chúng tôi cứu được hai thuyền gỗ và hai xuồng cao su.”

Ông cho biết thêm những người được cứu thuộc các quốc gia Eritrea, Nigeria, Somalia, Libya, Syria và Tây Phi.

Di dân tăng lên vào ngày thứ Bảy sau gần một tuần thời tiết xấu làm chậm lại làn sóng di dân bằng đường biển. Việc này cũng diễn ra giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục đối phó một cách khó khăn với phong trào di dân lớn nhất trên lục đia này kể từ Thế Chiến Thứ Hai.

Mặt khác, ngày thứ Bảy nước Áo đã đón tiếp hơn 10.000 di dân sau khi vào cuối ngày thứ Sáu, nhà cầm quyền Hungary thay đổi chiến thuật và bắt đầu chở hàng ngàn người di dân đến biên giới Áo.

Có khoảng 1.600 di dân trên những chiếc xe buýt do Hungary cung cấp đã tới thị trấn biên giới Heiligenkreus của Áo, tại đây họ đáp xe tới Vienna và Graz, thành phố lớn thứ nhì của Áo.

Cảnh sát trưởng địa phương, đại tá Manfred Tschank nói:

“Chúng tôi thấy những hình ảnh, và biết được tình hình tại những biên giới khác nơi di dân bị đối xử tàn tệ. Chúng tôi, cảnh sát Áo, được  quân đội Áo hỗ trợ, có khuynh hướng khác một ít. Chúng tôi nỗ lực làm mọi người bình tỉnh, chúng tôi cố gắng xây dựng một bầu không khí tin tưởng và cho tới nay chúng tôi đã thành công. Mọi người cảm thấy an toàn tại Áo hơn là tại các nước khác. Đây là lợi thế của chúng tôi nhưng cũng là điều thuận lợi của những người này.”

Các quan sát viên nói không có dấu hiệu ngăn chặn hầu hết những người tị nạn chiến tranh Syria đi bộ vượt qua Balkan, tìm kiếm hòa bình và an ninh tại bắc Âu và tây Âu.

Giữa lúc làm sóng người tiếp tục đi về hướng tây, một viên chức cao cấp Liên hiệp Châu Âu nói với các phóng viên là các nước Balkan cần được giúp đỡ tức thì để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Trong mục đích này, uỷ viên đặc trách vấn đề nới rộng Liên hiệp, ông Johan-nes Hahn nói ông đã đề nghị trợ cấp 1 tỉ đô la cho Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ của một chiến dịch thuyết phục các di dân và người tị nạn từ Syria và Iraq ở lại các nước gần đó.

Ngày thứ Bảy, người đứng đầu cơ quan  nhân đạo Liên hiệp quốc Stephen O’Brien đã đến thăm trại tị nạn Zaatari ở Jordan.

Tại đây ông ca ngợi Jordan và dân chúng nước này về sự rộng lượng và hỗ trợ cho những người cần đến. Ông nói những người trong trại tị nạn dường như chia làm hai giữa những người tìm cách định cư tại châu Âu và những người mong muốn được định cư gần nước họ.

Cuộc nội chiến Syria đã làm cho hơn 4 triệu người phải rời khỏi nước lánh nạn kể từ năm 2011 khi cuộc nổi dậy chống sự cai trị của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu.

Một nửa số người này đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hơn 1 triệu người tị nạn đang sống tại Libăng và gần 630.000 người khác tại Jordan.

Có hơn 400.000 người tị nạn, nhiều người đến từ Iraq và Syria đã vào châu Âu trong năm nay. Hàng ngàn người khác đã chết trong những chuyến đi này.

Theo Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề