Tự chủ ĐH:Học phí tăng, sinh viên nghèo có còn “giấc mơ” giảng đường?

Sinh viên nghèo sẽ gặp khó khăn khi các trường ĐH tự chủ về học phí. Còn những địa phương khó khăn cũng chưa thể đưa ra mức học phí cao.

Tự chủ ĐH là xu thế phát triển tất yếu của phát triển giáo dục mà các nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Ở Việt Nam, việc giao quyền tự chủ một phần về tài chính cho các trường ĐH công lập đã được thực hiện từ năm 2008. Hàng năm, Nhà nước vẫn phải cấp từ 30-40% tổng thu ngân sách của các trường để họ trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất. Việc giao quyền tự chủ tài chính một cách toàn diện mới chỉ thực hiện ở các trường ĐH Dân lập.

Chính sự chênh lệch lớn về mức học phí giữa trường ĐH công lập và Dân lập đã khiến cho nhiều trường ĐH Dân lập “than phiền” là có sự bất bình đẳng trong nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên. Một số trường cho biết không thể trụ vững vì các trường ĐH công lập với mức học phí thấp đã thu hút phần lớn sinh viên theo học.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều trường ĐH công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và được thu học phí giá thấp nhưng lại không phát huy hiệu quả trong đào tạo. Chất lượng giảng dạy ở nhiều trường không đảm bảo nên nguồn nhân lực được đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, cho xã hội và hội nhập với thế giới.

Chính từ những bất cập trên, tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 diễn ra vào trung tuần tháng 8/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các trường ĐH, CĐ công lập đã có sẵn lợi thế, tiềm lực về thời gian hoạt động, đất đai, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư cần mạnh dạn tự chủ về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo, đi kèm với đó là mức học phí. Gần đây, vào cuối tháng 10/2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017.

Nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành nhưng khi áp dụng thực hiện tại các trường ĐH, CĐ công lập không phải sẽ suôn sẻ. Bởi khi được giao quyền tự chủ một cách toàn diện, các trường sẽ phải tính toán rất kỹ để đảm bảo các khoản chi thường xuyên như: trả lương cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… Muốn duy trì ổn định các khoản kinh phí này cũng như mở rộng phương thức hoạt động, một trong những yếu tố quan trọng là các trường phải đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu trường ĐH nào không thu hút được sinh viên theo học thì trường đó không có kinh phí để duy trì hoạt động. Điều này có nghĩa là học phí đóng góp của sinh viên sẽ quyết định rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của một trường ĐH, CĐ.

Thế nhưng, không phải trường ĐH nào cũng có thể đề ra mức học phí như mong muốn. Bài toán mà các trường nghĩ đến là nếu thu học phí cao thì có thể sinh viên không theo học hoặc khó đảm bảo được chính sách học bổng, hỗ trợ cho những sinh viên nghèo đạt thành tích xuất sắc trong học tập khi mà nhà trường không có đủ nguồn thu từ học phí.

Giao quyền tự chủ phù hợp với điều kiện từng trường, từng địa phương

Là một trong 4 trường có uy tín, thương hiệu trong đào tạo, ĐH Ngoại thương được Chính phủ giao cho thí điểm tự chủ một cách toàn diện. Đây là điều mà nhà trường mong đợi từ nhiều năm nay và nếu được tự chủ học phí, trường đã có phương án hỗ trợ đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tập xuất sắc như trích phần trăm từ tiền học phí, lấy tiền lãi ngân hàng từ khoản thu học phí, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước…

Theo GS.TS Hoàng Văn Châu, trên thực tế, học phí tại các trường ĐH công lập trong nước rất thấp trong khi đó học phí tại trường ĐH Dân lập cao hơn nhiều.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực và thế giới, học phí của các trường ĐH công lập Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, việc các trường ĐH công lập tăng học phí gấp 2 hoặc 3 lần so với hiện nay sẽ không ảnh hưởng, gây xáo trộn lớn trong xã hội. Khi được tăng học phí, các trường có thể thực hiện theo lộ trình và phải chú ý đến yếu tố thị trường, cạnh tranh giữa các trường ĐH chứ không thể tăng nhanh một cách đột ngột. Ngoài ra, các trường phải có chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho sinh viên giỏi vào trường và những sinh viên giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn theo học.

Những trường ĐH nào có uy tín trong xã hội, có chất lượng giáo dục, khả năng quản lý tốt thì nên đề xuất với Bộ GD-ĐT tự chủ. Trong thời gian đầu, việc tự chủ ĐH nên thực hiện ở một vài trường có đề xuất và có tín nhiệm trong xã hội. Không thể trong một thời gian ngắn, tất cả các trường ĐH trên cả nước phải tự chủ. Sau khi tổng kết tiến trình tự chủ theo thí điểm, Chính phủ mới nên mở rộng tự chủ toàn diện cho các trường ĐH, CĐ.

Khi được tự chủ tài chính và quyết định mức học phí, các trường ĐH có thể trích ra số phần trăm từ nguồn thu của trường để trao học bổng và hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó. Việc chi thường xuyên trả lương cho giảng viên sẽ do hiệu trưởng quyết định. Khi đã có nguồn thu, lương của giảng viên có thể tăng gấp 2 đến 3 lần so với lương cơ bản của Nhà nước. Giảng viên nào giảng dạy tốt, có uy tín thì sẽ được hưởng mức lương tăng thêm.

Được tự chủ một cách toàn diện là “giấc mơ” của một số trường ĐH công lập có bề dày hoạt động, uy tín, thương hiệu về chất lượng đào tạo vì họ sẽ được quyền tự quyết trong mọi công tác đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, thậm chí là thu nhập của giảng viên cũng sẽ được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, những trường ĐH ở các vùng, miền khó khăn hoặc những trường không có mấy tên tuổi về thương hiệu, chất lượng giảng dạy lại tỏ ra dè dặt, lo ngại nếu thực hiện tự chủ toàn diện.

Phải đảm bảo chế độ chính sách cho con em gia đình khó khăn

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc, Việt Nam còn là một nước nghèo, đời sống của người dân ở từng khu vực, vùng miền có sự khác biệt nên Chính phủ không thể giao quyền tự chủ toàn diện và đột ngột cho tất cả các trường ĐH công lập.

Khi Chính phủ giao cho các trường ĐH tự chủ thì có thể thẩm định chất lượng, điều kiện giảng dạy của họ đến đâu để giao quyền tự chủ ở mức độ nào đó. Ví dụ như trường ĐH nào có chất lượng giảng dạy tốt, tự thu hút được nguồn lực xã hội thì có thể tự chủ 70% đến 100%. Trường ĐH nào phát triển mở mức bình thường thì có thể chỉ được tự chủ 50%. Việc giao quyền tự chủ các các trường công lập ở những vùng, miền khó khăn cần phải có lộ trình và thực hiện từng bước. Quá trình giao quyền tự chủ cũng phải đảm bảo chế độ chính sách cho con em gia đình khó khăn.

Ở nước ta, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với học sinh, sinh viên nghèo. Mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên nghèo hiện là 1,1 triệu đồng/người/tháng. Cho đến nay, đã có hàng vạn học sinh, sinh viên nghèo trên khắp cả nước được vay vốn để trang trải học tập.

Tuy nhiên, nếu như Chính phủ giao cho các trường ĐH công lập phải tự chủ toàn diện thì nghĩa là mức học phí sẽ phải tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay. Những trường chuyên ngành Khoa học tự nhiên, nông lâm, thủy sản chắc chắn mức học phí sẽ phải tăng cao hơn so với trường thuộc khối Khoa học xã hội. Dự kiến, có trường phải sẽ đưa ra mức học phí lên đến 25-30 triệu đồng/sinh viên/năm. Nếu với mức cho vay là 1,1 triệu đồng/sinh viên/tháng như hiện nay thì chắc chắn nhiều sinh viên nghèo sẽ không thể học ĐH.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách như tăng mức cho sinh viên nghèo vay vốn để trang trải tiền học phí ở một số trường ĐH đưa ra mức đóng cao. Khoản vay này sẽ do gia đình và sinh viên trả lại Nhà nước khi tốt nghiệp ĐH và đi làm.

Phân tầng, xếp hạng ĐH giúp sinh viên chọn trường phù hợp

Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH cũng là hướng tới cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho xã hội. Theo đó, không nhất thiết tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học ĐH mà có thể chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, những sinh viên có năng lực học tập xuất sắc nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn thì Chính phủ và các trường ĐH vẫn phải đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho em đó. Còn những học sinh nào mức học tập bình thường hoặc trung bình khá có thể lựa chọn trường phù hợp khi sắp tới, Bộ GD-ĐT phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Qua đó, sẽ có trường ĐH ở tốp đầu, tốp giữa hoặc ở mức trung bình. Như vậy, học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký vào trường nào phù hợp với sức học, khả năng tài chính của gia đình.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, từ nhiều năm nay, Việt Nam đang xảy ra tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Hàng năm, có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm trong khi đó đất nước lại thiếu lao động lành nghề, có kỹ năng tốt. Vì vậy, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ giúp cho xã hội biết được chất lượng giáo dục ở các trường đến đâu cũng như giảm tải được tình trạng học sinh cứ thích vào ĐH hơn là học nghề.

Để quá trình tự chủ ĐH có thể được thực hiện một cách minh bạch, khách quan thì nên có sự phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. PGS.TS Nguyễn Văn Bao cho rằng, việc phân tầng, xếp hạng các trường có thể được thực hiện bởi một cơ quan ngoài ngành Giáo dục.

Thông qua việc phân tầng, xếp hạng, các trường có thể quyết định được mức học phí cho trường của mình như thế nào và học sinh trước khi nộp hồ sơ vào đăng ký vào trường ĐH nào cũng có thể biết được mức học phí của trường định đăng ký có phù hợp với hoàn cảnh gia đình hay không.

Ở Việt Nam, việc tự chủ toàn diện cho các trường ĐH còn là điều khá mới mẻ nhưng ở nhiều nước đã thực hiện chủ trương này từ lâu và đã được xã hội đón nhận tích cực.

Theo VOV.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề