Trung Quốc và trật tự mới của Châu Á

Vai trò của đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế thế giới phải được nhìn nhận trong bối cảnh quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc trong trật tự quốc tế hiện tại, điều có lẽ là thách thức lớn nhất mà các nhà chiến lược về ngoại giao và quân sự đang phải đối mặt ngày nay. Hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, đồng thời cũng là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Sức mạnh kinh tế này cho phép Trung Quốc gây ảnh hưởng lên nhiều khu vực trên toàn cầu, nơi mà cách đây một thập kỷ sự hiện diện của Trung Quốc còn rất hạn chế.

Ví dụ ở châu Phi, Trung Quốc đang trở nên hết sức năng động và một mẫu hình hành vi của quốc gia này đã hình thành ở đây: Trung Quốc xây dựng mối quan hệ với các chính phủ bất chấp hồ sơ về nhân quyền của họ hay việc các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc có đang được áp dụng ở đây hay không với mục tiêu dài hạn là đảm bảo quyền tiếp cận độc quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trên thực tế, theo số liệu báo cáo, có khoảng 1 triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc ở khắp châu Phi. Đây là một phần của mô hình Chủ nghĩa đế quốc trọng thương mới mà Trung Quốc đang xúc tiến trong thế kỷ 21.

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giành được nguồn tài nguyên ở châu Phi bắt đầu vào những năm 1990 nhưng được đẩy mạnh sau khi Nhật Bản chấm dứt gói hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Trung Quốc vào năm 2008 – quyết định được đưa ra dựa trên tốc độ phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc và việc nước này gia tăng chi tiêu quốc phòng hơn là do sự cạnh tranh gia tang (giữa Trung Quốc và Nhật Bản) về tài nguyên. Sự thâm nhập của Trung Quốc vào châu Phi đặt ra thách thức đối với Nhật Bản vốn từ năm 1993 đã phối hợp để tổ chức Hội nghị quốc tế Tokyo về việc Phát triển châu Phi (TICAD) năm năm một lần. Diễn đàn này tìm cách không chỉ thảo luận và thông báo cho thế giới về nhu cầu kinh tế của châu Phi mà còn thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất cho vấn đề đầu tư và quan hệ thương mại.

Trong khi đó, Trung Quốc tổ chức diễn đàn về hợp tác Trung Quốc – Châu Phi kể từ năm 2000. Tại cuộc họp tháng 7 năm 2012, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đóng góp 20 tỷ USD để phát triển kinh tế của châu Phi trong ba năm.[1] Điều đáng lo ngại ở đây là những khoản đầu tư cụ thể của Trung Quốc đối với châu Phi không được thông báo rộng rãi. Hội nghị tại Bắc Kinh nhấn mạnh việc xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới, những liên minh mà Mỹ và các nước khác đã bắt đầu xem như là một hình thức đáng báo động của chủ nghĩa thực dân mới.

Những nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc về địa chính trị và tài chính không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển giàu tài nguyên. Trung Quốc cũng đã chủ động tiếp cận với Hy Lạp ngay từ trước khi Hy Lạp trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu. Công ty vận chuyển Đại Dương Trung Quốc (COSCO) đã giành được quyền vận hành bến tàu thứ hai tại Piraeus. Hợp đồng 35 năm được ký kết trong năm 2010 với số tiền 3,5 tỷ Euro, tương đương 4,7 tỷ USD. COSCO cũng đã mua một cơ sở tải hàng và một trung tâm đóng gói hàng hóa ở ngoại ô gần Piraeus.[2]

Trung Quốc cũng đã đóng vai trò lớn hơn ở Iceland, nơi nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng trầm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào tháng 4 năm 2013, Iceland trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc.[3] Trung Quốc cũng đã xây dựng một Đại sứ quán lớn tại thủ đô Reykjavik, một phần nhằm để giám sát việc vận tải của tàu thuyền và phát triển tài nguyên ở Bắc cực. Theo một báo cáo năm 2008 của Cục Địa chất Mỹ, 22% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên có thể khai thác được nhưng chưa được khám phá của thế giới hiện nằm tại Bắc Băng Dương.[4] Trung Quốc giành được vị trí quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013 và là một trong những quốc gia quan tâm nhiều đến tuyến đường biển phía bắc này, nơi đang trở nên dễ tiếp cận hơn do băng biển bị tan chảy bởi sự nóng lên toàn cầu.[5] Tàu chở hàng đầu tiên của Trung Quốc vượt qua khu vực đông bắc phía trên nước Nga đến châu Âu đã hoàn thành chuyến đi vào tháng 9 năm 2013.[6]

Đại bàng và Rồng

Tại Mỹ, sức mạnh của đồng tiền Trung Quốc ngày càng được cảm nhận rõ. Trung Quốc sở hữu ít nhất 1,3 ngàn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến an ninh tài chính Mỹ? Một ví dụ sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu được những quan ngại liên quan đến vấn đề này.

Vào tháng 6 năm 1997, Ryutaro Hashimoto, lúc đó là Thủ tướng Nhật Bản, đề cập đến khả năng Nhật Bản bán trái phiếu Mỹ trong khoảng thời gian ông thăm nước này. Ông cho biết Nhật Bản đã nghĩ đến việc bán lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ vì Mỹ không còn để tâm đến các nghĩa vụ liên quan đến vai trò đồng tiền dự trữ của đồng đô la. Ông nói việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất của Nhật Bản; một lựa chọn khác là bán trái phiếu và mua vàng.

Một ngày sau lời phát biểu, thị trường chứng khoán New York chịu mức giảm lớn nhất trong một thập kỷ. Dù một đồng minh như Nhật Bản có lẽ sẽ không bán trái phiếu chính phủ Mỹ đến mức độ đe dọa nền kinh tế Mỹ, nhưng những gì Trung Quốc sẽ làm gì với trái phiếu Mỹ lại ít rõ ràng hơn. Dù Trung Quốc không muốn giá trị tài sản của mình giảm đi nhưng điều này sẽ không quyết định chính sách của Trung Quốc nếu xảy ra các cuộc tranh chấp nghiêm trọng với Mỹ, ví dụ như đối với vấn đề Đài Loan. Trong tương lai, không khó để tưởng tượng rằng quan điểm người dân Trung Quốc sẽ là đòi hỏi nước mình sử dụng sức mạnh tài chính nếu bất đồng về cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trở nên nghiêm trọng.

Hiện tại, Trung Quốc dường như đang bảo vệ khoản dự trữ ngoại tệ của mình một cách khôn ngoan. Cơ cấu khoản dự trữ này tiếp tục phản ánh mối quan hệ giao thương của Trung Quốc, với việc đồng đô-la và Euro tiếp tục là những đồng tiền dự trữ chính của nước này. Trong khi đó, cơ cấu dự trữ của Trung Quốc không phản ánh thương mại của nó với Nhật Bản. Cho đến nay, lượng trái phiếu chính phủ Nhật Bản mà Trung Quốc mua không đáng kể, nhưng khả năng để Trung Quốc đạt được ảnh hưởng đối với Nhật Bản trong vấn đề này trong tương lai lại là có thật.

Trung Quốc không phải là quốc gia đang nổi dậy duy nhất có tham vọng đáng lo ngại. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin cũng dường như đang học theo Mỹ và thực hiện việc xoay trục sang Thái Bình Dương. Mục đích là tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của đất nước để đạt được ảnh hưởng đối với các nền kinh tế châu Á và thu hút đầu tư châu Á trong việc phát triển nguồn khoáng sản và năng lượng dồi dào chưa được khai thác của Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản đang phức tạp vì việc tranh chấp lãnh thổ từ lâu giữa hai nước đối với quần đảo Kuril. Đàm phán song phương không có tiến triến. Trong lúc Nga đang lo giải quyết việc chuyển đổi thể chế của mình từ chủ nghĩa cộng sản thì Nhật Bản đã xây dựng các nhà máy điện, nhà ở và vẫn đang tiếp tục cung cấp dịch vụ y tế cho người dân trên quần đảo. Tuy nhiên, gần đây Mat-xcơ-va cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn hơn đển quần đảo này. Năm 2010, Dmitry Medvedev với tư cách tổng thống Nga đã thực hiện chuyến công du lần đầu tiên đến thăm các hòn đảo. Trừ khi các tranh chấp này được giải quyết thì việc xúc tiến các dự án phát triển giữa Nhật Bản và Nga tại Siberia rất khó xảy ra. Putin đã chi hàng tỷ để cải tạo cảng Vladivostok, nhưng nếu không có bí quyết công nghệ và vốn từ Nhật Bản thì cảng này có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn là của Nga.

Trung Quốc và các thể chế tài chính quốc tế

Vị thế của Trung Quốc trong các thể chế tài chính quốc tế lớn (IFI), nhất là IMF, hiện không tương xứng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã đưa ra quyết định có tính toán là không gây ảnh hưởng đáng kể lên việc ra quyết định của IMF (mặc dù Trung Quốc đã can thiệp vào việc bổ nhiệm một người Trung Quốc – Zhu Min – làm phó Giám đốc điều hành của IMF).

Tuy nhiên, trong tương lai Trung Quốc có thể mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình nếu nó tiếp tục quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, sự đóng góp của Trung Quốc cho IMF đã tăng lên thành 6,4% nguồn vốn của tổ chức này, đứng thứ ba sau phần đóng góp của Hoa Kỳ (17,7%) và Nhật Bản (6,6%). Năm 2012, tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mexico, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng cam kết đóng góp nhiều hơn trong bối cảnh đang diễn ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu; tổng cam kết tài trợ của nhóm đã vượt 70 tỷ USD.[7] Thông qua việc này, các quốc gia có thị trường mới nổi này mong muốn đạt được tỉ lệ biểu quyết cao hơn và có vai trò lớn hơn trong IMF – những cải cách đã được thông qua trong năm 2010.

Nếu việc cải cách tỉ lệ bỏ phiếu được thực thi thì Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có quyền biểu quyết lớn thứ ba trong IMF (Ấn Độ, Brazil và Nga cũng sẽ đứng trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu IMF). Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận này và Quốc hội Mỹ đã trì hoãn vấn đề này suốt thời gian qua.

Do thay đổi trong tỉ lệ biểu quyết đang bị trì hoãn nên chưa thể tiến tới các bước tiếp theo của cuộc cải cách. Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho các dàn xếp hiện có, đặc biệt là ngân hàng BRICS. Ngân hàng phát triển mới này đang tìm cách hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển tại các quốc gia BRICS và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai, ví dụ bằng cách góp chung nguồn dự trữ ngoại tệ của mình. Mặc dù ngân hàng BRICS được kỳ vọng có thể giúp đặt nền tảng cho một kiến ​​trúc tài chính toàn cầu mới nhưng nó chỉ mới đạt được một vài tiến triển cho đến nay – lý do phần lớn là vì các quốc gia không đạt được thỏa thuận về các vấn đề chi tiết.

Nhìn chung, thách thức vẫn còn đó đối với Trung Quốc nếu nước này tìm cách vừa quốc tế hóa đồng tiền của mình, vừa tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong các thể chế tài chính quốc tế. Việc Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ như một công cụ địa chính trị như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Sự không minh bạch của Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải thận trọng.


 

 

 

[1] Ben Blanchard, ‘China strengthens Africa ties with $20 billion in loans’, Reuters, 19 July 2012.

[2] Yuriko Koike, ‘The great global bargain hunt’, Live Mint, 1 July 2012.

[3] Andrew Trotman, ‘Iceland first European country to sign free trade agreement with China’, The Telegraph, 15 April 2013.

[4] US Geological Survey Newsroom, ‘90 Billion Barrels of Oil and 1,670 Trillion Cubic Feet of Natural Gas Assessed in the Arctic’, 23

July 2008, http://www.usgs.gov/ newsroom/article.asp?ID=1980#.UnDx43DIbFA.

[5] Shiloh Rainwater, ‘Race to the North: China’s Arctic Strategy and Its Implications’, US Naval War College Review, vol. 66, no. 2, Spring 2013, pp. 62–82.

[6] Tom Mitchell and Richard Milne, ‘First Chinese cargo ship nears end of Northeast Passage transit’, Financial Times, 6 September 2013.

[7] Raymond Colitt, ‘BRICS to Announce IMF Contribution at G-20 Meeting, Brazil Says’, Bloomberg, 18 June 2012.


Yuriko Koike là thành viên Hạ viện và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. – See more Nguồn: Yuriko Koike (2013). “Chapter seven: The new shape of Asia”, Adelphi Series, 53:439, pp. 127-132.

Biên dịch: Trần Thị Hồng Nhung

Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề