Trung Quốc đặt thế giới vào sự đã rồi?

Việc “cải tạo”, “bồi đắp” của Trung Quốc ở Trường Sa khiến nhiều nước lo ngại về quyết tâm khẳng định các yêu sách của nước này ở Biển Đông, như Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 4/3 vừa qua đã bày tỏ mối quan ngại về “chiến thuật khiêu khích” cũng như hoạt động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông…

Theo các bức ảnh chụp từ vệ tinh do tạp chí IHS Jane’s đưa ra vào cuối tháng 2 vừa qua, người ta dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và mở rộng chuỗi đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, với tốc độ nhanh chóng bằng cách tạo dựng tại đây các đường băng, doanh trại quân sự hay bến cảng quy mô khá đồ sộ.

Các đảo đá mà Trung Quốc đang “cải tạo” gồm Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Xu Bi… đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực.

Việc “cải tạo”, “bồi đắp” của Trung Quốc ở Trường Sa khiến nhiều nước lo ngại về quyết tâm khẳng định các yêu sách của nước này ở Biển Đông, như Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 4/3 vừa qua đã bày tỏ mối quan ngại về “chiến thuật khiêu khích” cũng như hoạt động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông…

1. Ngay sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo đá chìm Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988, chính quyền Trung Quốc đã có ý định biến hòn đảo này thành một căn cứ quân sự trên Biển Đông nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 2010 họ mới tiến hành các động tác thăm dò thủy văn, địa chất.

Theo tờ The Guardian, thời điểm đó, một số tàu khảo sát của Trung Quốc ngụy trang dưới hình thức ghe đánh cá đã thả neo trên đảo Gạc Ma. Hình ảnh chụp từ máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ cho thấy các con tàu này có vẻ như “đang sửa chữa những hư hỏng nhỏ với những thợ lặn được trang bị khá hiện đại, lặn xuống đáy tàu” mà thực chất là họ khoan thử những mũi khoan đầu tiên.

Chả thế mà bà Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, Mỹ đã cho rằng “nhận xét về vấn đề Biển Đông của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton tại Hà Nội vào tháng 7-2010 không chỉ là những phát biểu ngẫu nhiên…”.

Trong suốt năm 2012, việc thăm dò diễn ra càng lúc càng gia tăng về số lượng. Lần này, ngoài những tàu đánh cá vỏ gỗ, Trung Quốc còn điều cả tàu sắt với danh nghĩa “hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển”.

Đầu năm 2013, lần đầu tiên Viện Nghiên cứu thuộc Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc đã cho công bố trên trang web của mình đề xuất “thiết kế một hòn đảo nhân tạo trên một rạn san hô trong vùng biển phía nam Trung Quốc”. Tuy không nói rõ rạn san hô ấy nằm ở vị trí nào nhưng Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ nhận định rằng “đảo nhân tạo” ấy rất có thể sẽ là tại Gạc Ma hoặc Ga Ven, Châu Viên hay Chữ Thập… Vẫn theo trang web của Viện Nghiên cứu thuộc Tổng công ty đóng tàu Trung Quốc, việc xây dựng đảo nhằm mục đích cung cấp dự trữ cho hậu cần nghề cá, đồng thời còn là nền tảng cho việc xây dựng những đảo khác sau này với chi phí rẻ hơn.

Đến giữa tháng 2/2013, Bộ Ngoại giao Philippines trưng ra những hình ảnh vệ tinh được chụp bởi cơ quan quốc phòng và không gian, cho thấy có một sự cải tạo lớn trên đảo Gạc Ma: Nhiều khu vực trên đảo được nạo vét để mở rộng rồi phun cát nhằm tăng diện tích bề mặt. Một số kết cấu bê tông khác cũng đang được hoàn thành.

Sau khi xem xét mọi yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế và đặc biệt là ngoại giao, đầu năm 2014, Trung Quốc bắt đầu công khai vận chuyển máy móc, vật liệu đến đảo Gạc Ma. Theo tạp chí chuyên về các lĩnh vực quân sự quốc phòng IHS Jane’s, ngày cũng như đêm, hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu và rất nhiều tàu chuyên dùng cần mẫn bơm một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma. Bên cạnh đó, các tàu phun bê tông đông kết nhanh cũng tiến hành gia cố một số vị trí ở dưới nước nhằm giúp các công trình trên đảo có thể chống chọi với những cơn bão lớn.

Theo Jin Canrong, giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, các đảo nhân tạo sẽ có kích thước gấp đôi căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ ở San Garcia nằm trong Ấn Độ Dương (44km2). Ông Jin cũng cho biết đề nghị xây dựng các hòn đảo nhân tạo đã được trình lên Chính phủ Trung Quốc và kết quả sẽ phụ thuộc vào tiến độ cải tạo đảo Gạc Ma. Jin nói: “Đó là một dự án rất phức tạp. Vì vậy chúng ta cần phải học hỏi những kinh nghiệm từ hòn đảo này”.

Để đánh lừa dư luận, Hồng Lỗi, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang nhiên ủng hộ cho những hành động bất hợp pháp bằng tuyên bố: “Việc cải tạo các rạn san hô là để phục vụ đời sống nhân dân trên đảo” mặc dù hàng trăm năm nay, đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam chưa hề có “nhân dân” sinh sống vì điều hiển nhiên rằng Gạc Ma chỉ là đảo chìm. Nó chỉ nổi lên khi thủy triều rút xuống!

2. Về mặt chiến lược, Gạc Ma có vị trí rất quan trọng với quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung. Nó là cái nút cổ chai giữa bãi đá Cô Lin, đảo Sinh Tồn, bãi đá Len Đao và các hòn đảo khác ở phía Bắc. Nằm rất gần với bờ biển Việt Nam, chỉ khoảng 250km về phía Đông, khi trở thành một căn cứ quân sự, Gạc Ma hoàn toàn có thể khống chế và ngăn chặn tàu bè đi qua khu vực này.

Khi bề mặt của đảo đã bắt đầu xuất hiện trên mặt nước, ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam hơn 200km (120 hải lý). Hành vi này đã xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển. Vẫn theo tờ IHS Jane’s, thì đây “có vẻ là đòn giương đông kích tây” nhằm thu hút sự chú ý của thế giới vào giàn khoan Hải Dương 981 mà không quan tâm đến những gì đang diễn ra trên đảo Gạc Ma!

Chỉ trong gần nửa năm, từ một rạn san hô chìm, chỉ nổi lên khi thủy triều rút xuống, Gạc Ma đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với kết cấu bê tông dành cho cảng nước sâu, một bến tàu lớn và một đường băng dài, đủ khả năng tiếp nhận máy bay phản lực chiến đấu, máy bay vận tải, chưa kể trong tương lai nó còn là căn cứ cho tàu ngầm. Bên cạnh đó là cơ sở hậu cần gồm kho chứa xăng dầu, thực phẩm, xưởng sửa chữa, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, hệ thống rađa thu thập thông tin tình báo, hệ thống liên lạc…

Hối hả bơm cát để mở rộng diện tích đảo.

Hối hả bơm cát để mở rộng diện tích đảo.

Theo kế hoạch được tiết lộ bởi các phương tiện truyền thông Trung Quốc, mục đích của nhà cầm quyền Trung Quốc là biến Gạc Ma thành một căn cứ quân sự “không thể đánh chìm” với chức năng kết hợp giữa không quân, hải quân, lính thủy đánh bộ, biến nó thành tiền đồn trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Theo tờ Daily News, việc xây dựng căn cứ không quân, hải quân trên đảo Gạc Ma sẽ tạo ra một bàn đạp nhằm mở rộng các hành động xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi hoàn thành, nó đủ khả năng giữ vai trò đầu cầu cho các cuộc tiến công bằng máy bay và tàu chiến. Nó giúp Trung Quốc khắc phục điểm yếu là các lực lượng sẽ không cần phải xuất phát từ đảo Hải Nam, nơi quá xa cho việc tiếp tế nhiên liệu – nhất là với máy bay, đồng thời giúp giảm nguy cơ bị đánh chặn giữa chừng. Nó cải thiện sự phối hợp giữa cung cấp và vận chuyển trong chiến đấu. Điều này sẽ khiến Trung Quốc có được sức mạnh đáng kể trong việc kiểm soát vùng biển, vùng trời.

Thứ hai, khi các đảo nhân tạo đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Trung Quốc sẽ biến thực tế này thành lợi thế trong các tuyên bố về thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng nhận dạng phòng không với các nước đang có tranh chấp như Việt Nam, Philippines…

Với những nước không xảy ra tranh chấp, vùng biển xung quanh đảo sẽ trở thành vùng “khai thác chung” với những điều kiện do Trung Quốc áp đặt. Theo tờ tạp chí Mirrow, điều này có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ biến những hòn đảo chìm, đảo hoang thành đảo có sự sống như các đảo tự nhiên khác, và Trung Quốc được quyền vẽ đường cơ sở, tuyên bố lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế như đã quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Vẫn theo tờ Mirrow, nếu điều đó xảy ra, chắc chắn họ sẽ từng bước thiết lập một cơ sở pháp lý mới nhằm vô hiệu hóa những khiếu nại của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Indonesia… về sự phi pháp của “đường lưỡi bò”.

3.Không chỉ dừng lại ở đảo Gạc Ma, ngày 21/11/2014, tạp chí IHS Jane’s tiếp tục công bố những bức ảnh vệ tinh chụp trong hai ngày 8/8 và 14/11/2014, trong đó Trung Quốc đang tiến hành xây dựng nhằm biến bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đã chiếm đóng trái phép thành một hòn đảo nhân tạo với một đường băng dài hơn 3.000 mét, rộng từ 200 – 300 mét, đủ khả năng tiếp nhận máy bay phản lực chiến đấu, máy bay vận tải cùng các hangar chứa máy bay.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy các tàu nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất nhằm tạo ra một cầu cảng ở phía đông bãi Chữ Thập, có thể tiếp nhận tàu chở dầu và các tàu chiến cỡ lớn khác. Sau khi hoàn thành, bãi đá Chữ Thập sẽ là hòn đảo lớn nhất mà họ xây dựng ở khu vực này. Vẫn theo IHS Jane’s, trước đây bãi đá Chữ Thập hoàn toàn chìm dưới mực nước biển, và khu vực có thể cư trú duy nhất chỉ là một tòa nhà bê tông do hải quân Trung Quốc xây dựng, được bảo vệ bởi một đơn vị quân đội Trung Quốc với súng phòng không, hệ thống phòng thủ chống người nhái cùng các thiết bị thông tin liên lạc.

Trước đó, báo chí Hồng Kông đã từng nhận định rằng Trung Quốc đang muốn biến đá Chữ Thập thành một “tàu sân bay không thể đánh chìm”. Bất chấp việc Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp trên Biển Đông ngừng mọi hoạt động làm thay đổi hiện trạng trong khu vực, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn chỉ đạo việc đào đắp một cách khẩn trương, đồng thời tuyên bố “thích xây gì thì xây”. IHS Jane’s cho rằng động thái này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng đáng kể tình hình căng thẳng tại vùng biển chiến lược này.

Ngày 21/11/2014, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Jeffrey Poole cho biết dự án cải tạo quy mô lớn tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một trong những dự án mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm có đủ diện tích để xây dựng một đường băng cho máy bay. “Đó điều mà họ đang hướng đến”, Trung tá Poole nói.

Đánh giá hành động của Trung Quốc, Bonnie Glaser, một cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là để “tạo ra một thực tế mới trên Biển Đông”. Tạp chí Kanwa Defense xuất bản tại Canada cảnh báo căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma sẽ giám sát hoạt động hải quân của Mỹ và các nước khác trong khu vực.

Giáo sư Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Gạc Ma chủ yếu nhằm thực hiện giấc mơ “đường chữ U” và mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.

Ông Storey nói thêm: “Theo tôi, đây là hành vi gây mất ổn định và vi phạm trắng trợn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký bởi Trung Quốc và ASEAN năm 2002”.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã bảo vệ mạnh mẽ hành động của mình trong việc cải tạo các bãi đá ngầm để biến nó thành đảo nhân tạo, đồng thời từ chối đàm phán trên cơ sở đa phương. Gần đây nhất, vào ngày 4/3, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, cho biết Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc dùng để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.

Theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, sự hội nhập của toàn khối Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra “bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào” trong khu vực. Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh “đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố không phù hợp với thực tế hoặc không phù hợp với vị trí của ông” về tình hình Biển Đông. Và rằng “Hiệp hội ASEAN không phải là một bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông”. Như vậy, bằng cách thực hiện chiến lược xé lẻ, Trung Quốc đang chọn từng cây đũa để bẻ thay vì phải đối đầu với cả khối ASEAN…

An Ninh Thế Giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề