Theo Kerry Brown, [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình đang tìm kiếm một trọng tâm mới cho quyền lực to lớn của ông. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho những nước láng giềng của Trung Quốc, cũng như toàn thế giới.
Vào giữa những năm 1990, sau khi trở lại Anh sau hai năm sống tại Trung Quốc, tôi đã làm việc cho một công ty nhỏ chuyên giao thương với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một vài tháng. Tôi có nhớ một cuộc họp, khi đó một đối tác đã khoe khoang về chuyện doanh thu của công ty trong năm vừa qua đã lớn đến mức nào. Một người đồng nghiệp nhìn anh ta chua chát và bảo rằng: “Doanh thu chỉ là hư vô, lợi nhuận mới là điều quan trọng duy nhất”. Công ty này đã phá sản sau đó hai năm – một thời gian sau khi tôi nghỉ việc, tôi xin bổ sung như vậy. Doanh thu của công ty thì vẫn cao, nhưng lợi nhuận thì chẳng có.
Những nhận định gần đây về quyền lực to lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tích lũy được đã gợi cho tôi nhớ lại cuộc trò chuyện ở trên. Quyền lực phần nào cũng giống doanh thu: có nhiều hay không không phải là điều quan trọng nhất. Giá trị thực sự của quyền lực nằm ở chỗ chúng được sử dụng như thế nào. Tại thời điểm này, chúng ta chỉ có thể cho rằng Tập Cận Bình, ẩn sau những vỏ bọc quyền uy dày đặc, rõ ràng biết cách sử dụng dạng “mềm” của quyền lực. Ông nói và hành xử như một người đầy quyền lực, ông có vô số những chức danh đầy ảnh hưởng. Ông có động lực để tiến thêm, và ông vẫn còn đang ở trong giai đoạn “trăng mật” (khoảng thời gian đầu sau khi một lãnh đạo mới nắm quyền và vẫn còn được đa số ủng hộ mạnh mẽ – ND).
Nhưng tất cả những điều trên cũng đúng với một bậc thầy về sử dụng quyền lực mềm khác là cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ông cũng từng có gần như mọi thứ có thể mong muốn, từ các sứ mệnh được giao đến sự ủng hộ của quần chúng sau khi Công đảng giành được chính quyền vào năm 1997. Ông cũng biết cách nói chuyện và mang dáng vẻ thích hợp, mang đầy những hứa hẹn và sứ mệnh trong những ngày đầu. Và như bây giờ chúng ta đã biết, những việc mà ông dành những quyền lực của mình vào đều đáng thất vọng hoặc gây tranh cãi. Có lẽ người ta sẽ chỉ nhớ đến ông vì cuộc chiến tranh Iraq chứ không vì bất kỳ quyết định nào khác. Nếu có điều gì có thể làm ví dụ cảnh tỉnh về quyền lực to lớn bị lu mờ đến gần như con số không, thì đó chính là trường hợp của Tony Blair.
Ông Tập có thể muốn ngừng lại và suy nghĩ về điều này, vì ông đã đi tới thời điểm khó khăn trong giai đoạn lãnh đạo của mình. Trong số rất, rất nhiều nhiệm vụ mà chính phủ Trung Quốc đã tự đặt ra kể từ khi ông Tập nắm quyền, đâu mới là lĩnh vực mà ông thấy mình có thể thực sự đạt được kết quả đáng kể? Không chính phủ nào có thể đạt được một số lượng những thành quả thực sự có ý nghĩa nhiều hơn số đếm được trên đầu ngón tay, dù chính phủ đó có tài giỏi hay biết nhìn xa trông rộng đến cỡ nào. Vậy đâu là chỗ mà ông Tập có thể tập trung vào? Chắc hẳn là ông sẽ không chỉ tích trữ quyền lực rồi bỏ đó chứ?
Có hai chủ đề đã nổi lên mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Chủ đề đầu tiên là môi trường, vấn đề ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của người dân Trung Quốc đến mức làm họ không chỉ lo ngại mà còn giận giữ. Ông Tập đã làm nhiều người cả trong và ngoài Trung Quốc ngạc nhiên khi ông tham gia một thỏa thuận về biến đổi khí hậu với Hoa Kỳ vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên cam kết lượng khí thải của nước ông sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 (trước khi giảm xuống). Các doanh nghiệp nhà nước đang bị ép phải trở nên tuân thủ với các quy định bảo vệ môi trường hơn nhiều, dù làm vậy sẽ tăng thêm chi phí. Điều mà không ai có thể nghĩ tới trong quá khứ – đặt phanh hãm tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng – giờ lại là chuyện bình thường. Các vấn đề môi trường cũng chiếm phần lớn trong báo cáo của thủ tướng Lý Khắc Cường trước kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm 2015 hồi đầu tháng. Có vẻ như môi trường là một chủ đề mà chính quyền ông Tập sẵn sàng làm nhiều hơn là chỉ nói những câu từ hoa mỹ về nó.
Vấn đề thứ hai là giáo dục. Chính phủ kiên quyết muốn đầu tư nhiều hơn vào vốn con người, nâng cao các tiêu chuẩn nghiên cứu và triển khai, và đưa các tiêu chuẩn giáo dục cao hơn trở thành trọng tâm trong chính sách. Điều này là hợp lý bởi rất nhiều lý do, trong đó có nhu cầu vừa phải tạo ra một văn hóa đổi mới nhanh chóng, vừa phải chuyển sang một mô hình kinh tế tập trung vào ngành dịch vụ nhiều hơn. Do đó, môi trường và giáo dục là hai chiến trường lớn trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm đạt được cái mà những lãnh đạo gọi là “hiện đại toàn diện” trong những thập kỷ tiếp theo.
Nhưng cũng giống Blair và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, ông Tập có thể sẽ muốn tìm kiếm danh vọng thông qua lĩnh vực đối ngoại. Chẳng hạn, ông có thể quyết định rằng giải quyết rốt ráo vấn đề Đài Loan sẽ là thành tựu lịch sử vĩ đại của mình. Tham vọng kiểu như vậy sẽ là điều đáng ngại cho khu vực và cả thế giới, vì nó sẽ kích động thứ chủ nghĩa dân tộc u ám và cực đoan mà gần đây người ta đôi khi thấy xuất hiện ở người Trung Quốc. Lập trường diều hâu trong vấn đề Đài Loan và việc cố gắng tái thống nhất [Đài Loan với đại lục] theo một kiểu nào đó sẽ đưa Trung Quốc vào thế trực tiếp xung đột với người bảo vệ lớn của Đài Loan là Hoa Kỳ. Chỉ có sự kiêu căng ngạo mạn hay sự tuyệt vọng trước các vấn đề nội địa mới đẩy được ông Tập đến mức làm như vậy. Nhưng thế không có nghĩa là chúng ta không nên tự mãn mà cho rằng khả năng như vậy sẽ không xảy ra.
Dù quyền lực đã được thể hiện rõ rệt ra ngoài, song ông Tập phải nhận thức rằng mình cần phải tập trung vào thành tựu. Không doanh thu nữa; chỉ lợi nhuận thôi. Và điều này tạo ra cơ hội cho thế giới bên ngoài. Theo như ông và các đồng nghiệp luôn quả quyết, các vấn đề nội địa mới được ưu tiên, và những vấn đề này thì nhiều ghê gớm. Văn bản giải thích được đưa ra dưới tên ông Tập sau Hội nghị Trung ương Ba vào cuối năm 2013 đã đặt ra mười một lĩnh vực cốt lõi cần được chú ý, từ cải cách tài khóa và tương lai của các doanh nghiệp nhà nước cho đến an ninh quốc gia. Bất kỳ chính phủ nào đối mặt với bản danh sách này cũng sẽ phải hít một hơi sâu mà nghĩ xem nên bắt đầu từ đâu.
Và vì vậy, trong khi sự tự cao của Trung Quốc trong khu vực đã được theo dõi với con mắt đầy lo lắng, thì vẫn có một cảm giác rằng nước này có lẽ đang cảm thấy dễ bị tổn thương và có thể sẽ chấp nhận thương thảo các thỏa thuận. Và với việc mọi quyền lực dường như đang nằm trong tay ông Tập, thế giới bên ngoài chỉ có duy nhất một người để thương lượng. Việt Nam với vấn đề biên giới hàng hải, Ấn Độ với vấn đề biên giới trên bộ, cả khu vực với vấn đề môi trường tự nhiên – mỗi bên đều có thể dễ dàng đạt được những gì mình muốn nếu đưa ra được những lựa chọn thực tế. Như chuyên gia về đối ngoại M. Taylor Fravel đã chỉ ra trong cuốn Strong Borders, Secure Nation (Biên giới Vững mạnh, Quốc gia An toàn), cuốn sách ông viết về cách Trung Quốc giải quyết các tranh chấp biên giới kể từ năm 1949, có vẻ có một mô thức là khi gặp thách thức trong đối nội thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng thỏa hiệp với các nước láng giềng nhằm tạo cho mình an ninh và không gian yên ổn.
Do đó, chúng ta không nên diễn giải sai lệch những dấu hiệu bên ngoài về quyền lực của Trung Quốc cũng như ông Tập. Quốc gia này có thể trông hùng mạnh nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng những bất an to lớn vẫn còn tồn tại. Ông Tập với tư cách cá nhân, và Trung Quốc với tư cách quốc gia, vẫn có cảm giác phải chứng tỏ điều gì đó, và cả thế giới có thể góp phần vào mong muốn này. Trong quá trình đó, các quốc gia khác có thể đạt được kết quả cho cả mình và cho cả Trung Quốc, chừng nào họ có được cách tiếp cận công bằng và thực tế. Và điều đó, nói theo cách nói mà các phát ngôn viên chính phủ Bắc Kinh yêu chuộng, sẽ đưa đến một hệ quả tốt đẹp: hai bên cùng thắng. Hiện giờ thì chúng ta phải xem liệu ông Tập và giới chức đối ngoại của mình có được sự tưởng tượng bay bổng và lòng cam đảm để theo đuổi những cơ hội này hay không.
Kerry Brown là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney.
Nghiên cứu Quốc tế
Trả lời