Sa Hoàng Putin nghĩ gì?

Qua lời kể của những người quen biết và đã từng tiếp xúc Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần báo L’Obs phác họa chân dung của một trong những người kín tiếng nhất và quyền lực nhất thế giới.

Tổng thống Putin bị truyền thông ám ảnh, đặc biệt là truyền hình. Tác giả lật lại vụ « mất tích» bất ngờ và đầy bí ẩn của Tổng thống Putin kéo dài 10 ngày (06-16/03/15). 10 ngày chính trường Nga dường như dừng lại. Một nhà báo được điện Kremlin tin tưởng cho biết đây chỉ là một trong những cách điều khiển thông tin của ông Putin.

Tổng thống Nga quyết định « biến mất » để đánh lạc hướng ngôn luận sau vụ ám sát nhà đối lập Nemtsov ngày 27/02. Ông tranh thủ thời gian nghỉ ngơi này để tiêm một chút botox, vì mọi người đều biết bạn gái của Tổng thống Nga trẻ hơn ông rất nhiều. Nhưng lần đó chiến lược của ông suýt đi quá đà. Ông buộc phải nhanh chóng quay lại chính trường và tận dụng cơ hội Tổng thống Kirghizistan sang thăm con gái theo học trường ở Saint-Petersbourg để tổ chức một cuộc gặp gỡ chính thức.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ một buổi truyền hình do chính ông « đạo diễn » và nhận được tài trợ của ngân hàng của đảng Cộng sản thành phố Saint-Petersbourg, nơi một người bạn thân của Putin làm việc. Sau này, người bạn thân trên trở thành một trong những tỉ phú và sở hữu ngân hàng Rossia, được coi là ngân hàng bí mật của Putin và những người người bạn tỉ phú của ông. Ngân hàng này bị Hoa Kỳ trừng phạt từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina. Vào thời điểm đó, Putin, 39 tuổi, làm trợ lý cho Thị trưởng thành phố Saint-Petersbourg nhưng vẫn chưa rời KGB.

Trước ông Sobtchak, Putin sử dụng biện pháp của KGB, luôn tỏ ra khiêm nhường, lặng lẽ giải quyết khó khăn. Cứ thế, ông càng thêm mạnh, đồng thời cũng dính vào vài vụ tranh giành quyền lực. Thậm chí, ngay sau vụ tai tiếng bán kim loại quý đổi lương thực với Đức và vài triệu đô la biến mất một cách đáng nghi, ông tự kiểm điểm là có thiếu sót. Thế nhưng, Thị trưởng Sobtchak vẫn bảo vệ tới cùng và từ chối sa thải nhân viên tận tụy. Một nghị viên nhận định : « Nếu ông ấy (thị trưởng Saint-Petersbourg) nghe chúng tôi, lịch sử thế giới chắc chắn sẽ khác ».

Trong cuộc bầu cử năm 1996, Thị trưởng Sobtchak thua cuộc, Putin thất nghiệp. Ông được bạn bè giới thiệu cho Tổng thống Elsine. Vào điện Kremlin qua cánh cửa hẹp, bốn năm sau Putin trở thành Tổng thống Nga. Trong suốt thời gian làm việc dưới thời Tổng thống Elsine, Putin đã gây được lòng tin như một người đáng tin và minh bạch nhất.

Trong nhiệm kì đầu (2000-2004), ông tỏ ra khiêm nhường. Nhưng sau khi tái cử năm 2004, cảm thấy đủ mạnh và dạn dày, ông đổi chiến lược. Ông xem xét lại nền dân chủ mà chưa bao giờ ông tin vào, dừng mọi cải cách kinh tế mới và bắt đầu chia tài sản công cho bạn bè thời Saint-Petersbourg mà bắt đầu từ tập đoàn Gazprom. Đối với các nguyên thủ quốc gia, thời gian đầu ông tỏ ra thân thiệt. Sau này, ông giữ khoảng cách ngày càng khó vượt qua và làm mọi việc để « vượt mặt » các đồng nhiệm quốc tế.

Nhiều người đã từng chung bước từ thuở đầu trở nên lo lắng trước cách điều hành hiện nay của Tổng thống Nga. Một chuyên gia Pháp từng gặp gỡ Putin nhiều lần nhận xét : « Người Nga biết ơn ông ấy vì đã sáp nhập Crimée, nhưng không bị đánh lừa về cách điều hành đất nước. Với họ, thế là quá đủ. Có điều gì đó không ăn nhập giữa Putin và người dân… Vì thế mà tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không ra tranh cử nhiệm kì thứ tư, vào năm 2018 tới ».

Một nhà báo Nga, tường tận mọi việc diễn ra tại Kremlin đánh giá : « Theo thời gian, ông ấy rất tự tin. Từ giờ, ông ấy tin tưởng tuyệt đối vào chính bản thân. Ông ấy một mình điều hành chính phủ. Ông ấy nghĩ rằng nước Nga là mình và mình là nước Nga. Không một ai có thể đưa ra một quyết định quan trọng mà không được ông ấy phê duyệt. Nhóm làm việc thân cận của ông ấy, gồm sáu cựu sĩ quan của KGB, chỉ áp dụng những quyết định của Putin. Tình hình cực kì nguy hiểm ».

Theo tuần báo L’Obs


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề