Mỹ – Cuba: Quyết định “không bình thường”

Đây được đánh giá là “bước đi lịch sử” hướng tới việc kết thúc một lệnh cấm vận đã lỗi thời kéo dài nửa thế kỷ.

Ngày 17/12, Tổng thống Barack Obama có một công bố lịch sử là “bình thường hóa quan hệ với Cuba” và coi đây là “thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của Mỹ với Cuba trong 53 năm qua”.

Theo đó, hai nước sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán ngay lập tức để khôi phục lại quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán.

Tổng thống sẽ sử dụng quyền của mình để nới lỏng lệnh cấm du lịch tới Cuba; tăng giới hạn kiều hối cho công dân Cuba và các doanh nghiệp nhỏ từ 500USD lên 2.000USD mỗi quý; cho phép xuất khẩu vật liệu xây dựng, thiết bị nông nghiệp và các thiết bị viễn thông.

Chính quyền của ông Obama cũng đang chuẩn bị để loại bỏ Cuba khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Quyết định lịch sử này được đưa ra sau 18 tháng đàm phán bí mật ở Canada giữa các quan chức Mỹ và chính phủ của Raúl Castro, người thay thế anh trai Fidel làm Chủ tịch Cuba vào năm 2008.

Các cuộc đàm phán còn nhận được sự hậu thuẫn của Giáo hoàng Francis. Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm kéo dài 45 phút với Chủ tịch Raúl Castro.

Trong khi hai nước tìm cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một điều rõ ràng mà Chính phủ Mỹ và thế giới thừa nhận: các lệnh cấm vận không thể lật đổ được nhà nước Cuba dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Fidel Castros.

“Cô lập không giúp thúc đẩy nhân quyền ở Cuba, đó là chính sách chỉ có một mình Mỹ thực hiện trên thế giới. Tôi không tin chúng ta có thể tiếp tục làm điều tương tự trong 5 thập niên và mong đợi kết quả khác biệt”, Tổng thống Obama khẳng định.

Trong khi đó, dưới thời của Raúl Castro, Cuba có nhiều cải cách kinh tế, từng bước ổn định được xã hội. Nông dân cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã hiện nay chiếm khoảng một phần năm lực lượng lao động của kinh tế Cuba.

Chính sách cấm vận Cuba do Mỹ áp đặt từ năm 1962 cũng tạo ra mâu thuẫn với toàn bộ khu vực châu Mỹ Latin.

Tổng thống Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama vào tháng 4. Tại hội nghị này, Chủ tịch Cuba Castro cũng đã được mời tham dự.

Trong khi đó, chính quyền của anh em Castro cũng nhận thấy lý do cần phải xây dựng mối quan hệ gần gũi với Mỹ. Các nhà thờ đổ chuông và trường học tạm ngừng để ăn mừng tin Cuba bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Hàng chục năm qua, nền kinh tế của Cuba đã phải dựa nhiều vào các khoản trợ cấp từ Venezuela. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá dầu đã đẩy nền kinh tế của Venezuela vào một cuộc suy thoái sâu, khiến nước này mất khả năng viện trợ cho Cuba.

Mặc dù đã nhận được quy chế bình thường hoá nhưng chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba và phe Cộng hòa vẫn còn phản đối rầm rộ. Đảng Cộng hòa sẽ nắm Quốc hội lưỡng viện vào tháng 1/2015, đã báo trước là họ sẽ không bãi bỏ cấm vận Cuba.

Mặc dù vậy, ông Obama vẫn nhận được ủng hộ to lớn tại Hạ viện. Một ngày sau khi hai bên cùng loan báo quyết tâm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chính phủ của ông Obama cho biết sẵn sàng đón tiếp Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Trước đó, chính Tổng thống Obama cũng đã gợi lên khả năng đến thăm Cuba để khẳng định thêm sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia.

Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, lệnh cấm vận, được khởi xướng vào năm 1962 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là John Kennedy và được chính quyền Mỹ qua các nhiệm kỳ thực hiện kể từ đó cho đến nay, đã gây thiệt hại hơn 116 tỷ USD cho nền kinh tế Cuba.

Nếu tính theo sự sụt giá của đồng USD so với giá vàng thì con số này lên tới khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Mức thiệt hại trên không bao gồm những thiệt hại kinh tế từ các khoản tiền phạt nhằm vào Cuba và các quốc gia khác hay các công ty có quan hệ kinh doanh với Cuba.

Trong khi đó, theo CNN, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba cũng khiến kinh tế Mỹ thất thu 1,2 tỷ USD mỗi năm. Cuộc điều tra dư luận gần đây do CNN và Opinion Research Corp tiến hành cho thấy, 71% người Mỹ muốn dỡ bỏ cấm vận kéo dài gần 5 thập niên với Cuba và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này.

Trong tổng số 1.023 người Mỹ được hỏi qua điện thoại, 2/3 số này trả lời rằng chính quyền Washington nên cho phép công dân được tự do đến thăm Cuba. Từ nhiều năm qua, giới kinh doanh Mỹ đã tiến hành các chiến dịch vận động hậu trường để được phép xuất khẩu hàng hóa sang Cuba.

Các nhà kinh doanh Mỹ đã nhận thấy cơ hội làm ăn vô cùng to lớn ở Cuba và bất chấp các biện pháp cấm vận kinh tế của chính quyền Bush, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Cuba.

Chính vì vậy, giới kinh doanh Mỹ nóng lòng hơn ai hết với quyết định mở cửa hoàn toàn với thị trường Cuba. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sau khi bỏ lệnh cấm vận, ước tính xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Cuba đạt 4,3 tỷ USD mỗi năm, so với chưa đầy 360 triệu USD năm ngoái. Cuba có thể xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đạt 5,8 tỷ USD.

Theo DNSG.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề