IS muốn vẽ lại bản đồ Trung Đông

Liên tiếp các vụ tấn công tại Libya, Syria, Iraq, Tunisia hay mới đây nhất là nhằm vào một đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite tại Arập Xêút cho thấy, nhóm Hồi giáo cực đoan này đang vượt xa mục tiêu ban đầu. Nếu các lực lượng tại Iraq và liên quân quốc tế không phối hợp hiệu quả, cuộc chiến chống các nhóm cực đoan sẽ còn kéo dài, thậm chí sự lớn mạnh của IS còn làm thay đổi bản đồ khu vực Trung Đông và nhiều nước trên thế giới.

Gần một năm sau khi chiếm được thành phố chiến lược đầu tiên ở miền Bắc Iraq là Mosul, cờ đen của nhóm IS đã xuất hiện tại một thành phố chiến lược khác là Ramadi, cách thủ đô Baghdad khoảng 100km về phía tây, đe dọa đến sự an nguy của chính quyền trung ương.

Còn tại Syria, quốc gia đang chìm trong nội chiến, thành phố di tích Palmyra và trạm kiểm soát biên giới cuối cùng với Iraq cũng đã rơi vào tay IS.

Bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria, IS vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và nhiều nhà phân tích đã cảnh báo, IS đang trên đà hiện thực hóa mục tiêu về một Nhà nước Hồi giáo.

Chỉ trong gần một năm qua, tổ chức cực đoan này đã tập hợp được các nền tảng cần thiết của một nhà nước như lãnh thổ, quân đội, với nguồn tài chính mạnh từ dầu mỏ.

Ngay cả Chính phủ Mỹ mới đây cũng phải thừa nhận, vấn đề Nhà nước Hồi giáo không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earsnet, cho đến khi có thể xây dựng các lực lượng địa phương trên thực địa ở Syria và Iraq đủ sức chống lại IS trên chính đất nước của mình, thì đây sẽ vẫn là một thách thức khó khăn.

Kamal Habib, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phong trào Hồi giáo, nhận định: “IS đang đe dọa tình hình địa chính trị khu vực và sự bành trướng mà chúng có được là nhờ các khoảng trống an ninh tại những quốc gia bất ổn”. Ông chỉ ra rằng, các cuộc bạo loạn và xung đột nảy sinh sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập đã tạo ra “mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển của IS”.

Theo ông, “tổ chức khủng bố này đã được “thai nghén” trong một môi trường đầy bất ổn”, và rằng một số quốc gia thậm chí còn lợi dụng IS để khoét sâu thêm những rạn nứt trong khu vực đầy rẫy xung đột này nhằm phục vụ lợi ích của riêng mình.

Kamal Habib cũng cho rằng chính tình trạng thất học, thiếu hiểu biết, thất nghiệp tràn lan và sự thiếu lòng tin vào giới lãnh đạo là những nguyên nhân sâu xa khiến ngày càng có nhiều người trẻ tuổi gia nhập IS.

Theo Kamal Habib, IS là lực lượng thánh chiến Hồi giáo bảo thủ cực đoan, và chúng xây dựng quyền lực cho mình bằng cách chia rẽ người dân, thông qua chiến lược gồm 3 bước: làm suy yếu các quốc gia bất ổn; củng cố ảnh hưởng của tổ chức và cuối cùng là “hợp pháp hóa” sự tồn tại của tổ chức để củng cố tham vọng về một vương quốc Hồi giáo.

Đồng quan điểm với ông Kamal Habib, Talaat Musalam, một chuyên gia về an ninh và chiến lược, cho rằng IS tìm cách chia rẽ khu vực Arập, song chính nó lại đang bị Mỹ “lợi dụng” để đạt được các lợi ích riêng của mình trong khu vực.

Mỹ đang thay đổi chiến lược đối phó với IS sau khi lực lượng khủng bố này chuyển hướng hoạt động nhằm củng cố ảnh hưởng và bắt đầu hoạt động một cách độc lập, nhất là sau khi giành quyền kiểm soát nhiều nguồn trữ lượng dầu mỏ tại Iraq.

Ông Musalam nói: “IS đang triển khai những chiến lược tương tự những gì Mỹ đã làm để chia rẽ thế giới Arập”.

Theo ông Musalam, việc IS đã nắm quyền kiểm soát một nửa lãnh thổ Syria cùng nhiều thành phố của Iraq, tấn công khủng bố tại Arập Xêút và thậm chí đã vươn tới cả Yemen, Somali và Libya phản ánh một thực tế là “chúng ta đang đối mặt với một kế hoạch chia rẽ nhằm tái định hình bản đồ khu vực”.

Nguyên nhân của thực tế này một phần là do sự yếu kém của một số nước Arập và nguồn tài chính mà nhiều tổ chức Hồi giáo lớn tài trợ cho các lực lượng thánh chiến với tham vọng tìm lại ánh hào quang của Vương quốc Hồi giáo.

Các chuyên gia đều cho rằng, IS sẽ vẫn tồn tại trong vài năm tới và sẽ khó có thể bị tiêu diệt dễ dàng, thậm chí những bất ổn tiếp diễn trong khu vực ngày càng tạo thuận lợi cho IS phát triển.

Mặc dù loại trừ khả năng nhóm thánh chiến Hồi giáo này có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn một quốc gia nào đó, song giới phân tích nhận định lòng hận thù Mỹ và phương Tây đang là kim chỉ nam cho các hành động trả thù không có giới hạn của nhóm IS.

Hiện Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa khủng bố lớn chưa từng có từ nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Không chỉ dừng lại ở những nước hận thù, IS đang tìm kiếm cơ hội vươn rộng ra các khu vực khác trên thế giới. Theo nguồn tin an ninh, IS có thể đã vươn tới Đông Nam Á và Trung Quốc. Cơ quan An ninh Malaysia cho biết, đã nhận dạng được 4 nhóm khủng bố mới có cùng chí hướng với IS.

Có thể, cuối cùng các nhóm này sẽ tham gia lực lượng đánh chiếm các phần đất của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia để thành lập một “siêu” Nhà nước Hồi giáo độc lập, thống trị cả một phần của Đông Nam Á và không loại trừ cả các nhóm người thiểu số ở Trung Quốc.

Môi trường chính trị – an ninh của khu vực Trung Đông vốn đang bị khủng hoảng, bất ổn do biến động Mùa xuân Arập gây ra, nay lại trở nên bất ổn hơn nữa khi các hiện tượng cực đoan và sự cai trị cực đoan đang nổi lên mạnh mẽ như vậy.

Các mâu thuẫn trong khu vực chồng chéo nhau, các cuộc khủng hoảng nối đuôi nhau khiến sự chia rẽ trong khu vực và các nước liên quan gần như là một hằng số. Nếu IS tiếp tục bành trướng và định đặt một thể chế Califate, thì không chỉ khu vực Trung Đông bị thay đổi một cách sâu sắc mà môi trường an ninh thế giới cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Vũ Văn (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề