Nam Hàn gần đây đã đáp lại tuyên bố của Bắc Hàn về vụ thử bom khinh khí bằng cách cho bật lại bộ loa phóng thanh khổng lồ chĩa qua biên giới.
Đến lượt Bắc Hàn cũng bật lại bộ loa to không kém của họ.
Trong lúc cả thế giới tiếp tục điều tra liệu tuyên bố thử bom của Bắc Triều Tiên là có thật hay không và nên phản ứng thế nào, thì hai quốc gia Triều Tiên đang hò qua hét lại những gì với nhau?
Loa phát gì?
Từ phía Nam, mục tiêu là tuyên truyền – thuyết phục lính Bắc Hàn nghi ngờ thể chế của họ, và thậm chí, là đào ngũ.
Chương trình tuyên truyền lúc bật lúc không kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên, đã trở nên khéo léo hơn trong những năm gần đây.
Trong đó có bản tin thời tiết – khá hữu ích cho quân lính Bắc Hàn – tin tức từ cả hai miền Triều Tiên và tin nước ngoài, mà nếu họ không được nghe từ bộ loa ở biên giới thì chắc chẳng có thể tìm được từ đâu khác, và những cuộc thảo luận ủng hộ dân chủ, chủ nghĩa tư bản và cuộc sống ở Nam Hàn, và những bình luận kém ưa hơn về tham nhũng và quản lý yếu kém ở Bắc Hàn.
Dàn loa cũng ra rả nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) – bị cấm ở miền Bắc.
Những bài hát của nhóm nhạc nữ Apink, ca sỹ IU và nhóm nhạc nam Big Bang – trong đó có bài hát nổi tiếng Bang Bang Bang – cũng nằm trong danh mục nhạc tuyên truyền.
Chương trình loa phóng thanh của Bắc Hàn thì khó nhằn hơn – có lẽ là do chất lượng loa kém hơn – và toàn những lời lẽ đặc trưng lên án Seoul và đồng minh.
Tuyên truyền này có thể không mạnh mẽ lắm nhưng được cho là phần nào át đi tiếng loa từ miền Nam.
Phát mấy lần?
Một phát ngôn viên quân đội Nam Hàn cho biết, mỗi ngày nước này có hai buổi phát loa kéo dài từ hai đến sáu tiếng, ngày và đêm, vào những giờ không cố định.
Âm thanh lan truyền xa tới đâu còn tùy thuộc vào những yếu tố như địa hình, điều kiện thời tiết. Quân đội Nam Hàn nói những chương trình phát thanh này có thể nghe được từ khoảng cách 10 cây số qua biên giới vào ban ngày, và tới 24 cây số vào ban đêm.
Như thế, các nhóm lính Bắc Hàn có thể dễ dàng nghe được chương trình, và cả dân thường trong khu vực cũng có thể nghe thấy.
Hồi tháng 8/2015, khi phía Nam chớp nhoáng bật lại loa phóng thanh sau 11 năm tạm ngưng, quân đội cho biết có 11 điểm đặt loa, nhưng không xác nhận liệu con số này vẫn chính xác.
Địa điểm chính xác đặt những dàn loa này cũng không được công bố.
Một quan chức chính quyền Nam Hàn nói rằng phía Bắc có vẻ cũng đã tăng cường chiến dịch phát loa của họ, từ hai điểm lên “một vài điểm”.
“Trên thực tế, kế hoạch chống chương trình của miền Nam có vẻ dường như đến từ mỗi địa điểm mà chúng tôi bật loa,” một quan chức giấu tên nói với hãng tin Yonhap.
Vì sao Bắc Hàn khó chịu?
Bình Nhưỡng nói đang xem xét việc coi đây là hành động chiến tranh và đe dọa cho nổ sập các dàn loa. Nhưng ngoài những phản ứng nhạy cảm thông thường khi bị đe dọa và sỉ nhục, và bức xúc của họ có thể là do những chương trình tuyên truyền này phần nào có hiệu quả.
Văn hóa pop “làn sóng Hàn Quốc” không chỉ vượt qua ranh giới nhờ bộ loa – người hâm mộ Bắc Hàn cũng tuồn phim truyền hình và phim điện ảnh qua biên giới – theo Kim Yong hun, chủ tịch của Daily NK, báo mạng chuyên tin tức về Bắc Hàn với mạng lưới nguồn cung cấp tin từ trong nước cho biết.
“Sự phổ biến này dần len lỏi vào những người dân thường và đặc biệt được giới trẻ ưa chuộng. Lính tráng cũng không là ngoại lệ; các bài hát và chương trình văn hóa do phía Nam phát thanh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách những người lính nhìn vào thể chế Bắc Hàn.”
“Nghe những chương trình phát thanh kéo dài cả ngày lẫn đêm này có ảnh hưởng dần dần và sau đó có hiệu ứng biến đổi,” ông Kim Yong Hun nói. “Câu trả lời giận dữ của chính quyền Bắc Hàn là bằng chứng tích cực cho thấy mối đe dọa của những chương trình này đối với sự kiểm soát quyền lực của nước này.
Còn tiếp diễn bao lâu?
Không thể biết được.
Vào năm 2004, các chương trình phát thanh bị ngưng lại theo một phần của thỏa thuận Bắc – Nam. Seoul dọa sẽ lại tiếp tục vào năm 2010 – và chỉ dừng ở mức đặt lại dàn loa dọc biên giới, trước khi chuẩn bị phát thanh.
Cuối cùng thì họ cũng khởi động lại vào ngày 10/08/2015 – sau khi mìn đặt ở biên giới khiến hai quân nhân Nam Hàn bị tàn phế – nhưng chương trình đã ngừng ngay một tuần sau đó, do một thỏa thuận khác với Bắc Hàn nhằm giải quyết căng thẳng đang quay lại.
Một số người cho rằng những chương trình này gây khiêu khích một cách không cần thiết.
Ngoại trưởng Anh, Philip Hammond, trong chuyến thăm tới Nhật Bản gần đây, đã nói rằng phát thanh trở lại “chỉ đơn giản là đã trúng mồi câu”.
Nhưng những người ủng hộ chương trình cho rằng Bắc Hàn thấy khó chịu bởi chúng thực sự có hiệu quả, hay ít nhất, đây cũng là công cụ mặc cả qua lại trong đàm phán.
Còn cách tuyên truyền nào khác?
Nam Hàn còn có một chương trình phát thanh tên là “The Voice of Freedom” [Tiếng nói của Tự do], phát sóng vào miền Bắc bằng sóng radio.
Thính giả của chương trình ở Seoul thậm chí có thể dò bật sóng FM 107.3. Cũng giống như các chương trình bật trên loa, chương trình này đôi khi bị gián đoạn. Bắc Hàn cũng cố gắng làm nhiễu sóng.
Những tổ chức khác, như Unification Media Group cũng phát chương trình radio vào miền Bắc, mặc dù nội dung thường trung lập hơn những nỗ lực của quân đội.
Các nhóm khác, thường là do những người đào tẩu từ Bắc Hàn lập ra, dùng bóng bay cỡ lớn thả tờ rơi, băng đĩa DVD, thẻ nhớ USB và những tài liệu khác qua biên giới.
Người dân gần đó nói hành động này có thể khiến miền Bắc nổ súng, còn chính phủ Nam Hàn nói họ không thực sự ủng hộ cách này, nhưng cũng sẽ không ngăn chặn.
BBC
Trả lời