Giáo dục đại học Việt Nam thảm hại như vậy sao?

Báo chí gần đây dẫn lời một giáo sư ở Singapore nhận xét thực trạng giáo dục đại học Việt Nam nghe rất buồn: sinh viên ở thế kỷ 21, cơ sở vật chất ở thế kỷ thứ 19 và giảng viên thế kỷ thứ 20. Đánh giá ấy có vẻ gây sốc, thậm chí làm nhiều người bất bình.

Tuy nhiên, những gì “mắt thấy tai nghe” của một phụ huynh, một người từng tham gia thỉnh giảng chuyên ngành kinh tế vài năm tại một trường đại học, tôi lại thấy vị giáo sư nước láng giềng kia nói… không quá đáng.

Trước hết, về cơ sở vật chất, có thể nói từ giảng đường, phòng thí nghiệm đến thư viện, ký túc xá… của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta quá nghèo nàn. Nhất là ở khối trường dân lập, tư thục, hầu hết đi thuê mướn, chắp vá nhà cửa. Đó cũng là lý do vừa qua nhiều trường đua nhau mở chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng… không chỉ vì nhu cầu xã hội mà còn vì không cần đầu tư phòng thí nghiệm, máy móc, nhà xưởng thực hành, tức là cần rất ít vốn. Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh cả trăm sinh viên vây quanh một thiết bị thực hành tại một trường đại học lớn ở TPHCM. Vì tuyển quá nhiều học viên nhưng lại không có nhiều tiền mua sắm thiết bị nên chỉ số ít học viên có thể thực hành, đa phần phải “học chay” kiểu đứng nhìn. Vì thế một thợ điện tốt nghiệp hệ cao đẳng tại trường đại học này “tự thú”: “học ở trường để lấy bằng chứ chưa ra nghề được, phải học lỏm từ “tiền bối” vài năm mới mong kiếm cơm được”.

Tôi có anh bạn là tiến sĩ sử học vừa nghỉ hưu, năm tới mới chính thức đi dạy nhưng từ năm ngoái đã được một trường đại học dân lập trả lương 7 triệu đồng/tháng. Trên thực tế, để bảo đảm tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cơ hữu theo quy định, các trường đại học, cao đẳng tranh nhau mời người có sẵn học hàm, học vị. Có trường đại học mới “lên đời” từ cao đẳng mà trong thời gian ngắn đội ngũ này tăng từ số không lên số trăm, nhưng đa phần là “các cụ” nghỉ hưu từ hệ thống hành chính nhà nước. Dù đủ về số lượng giảng viên cao cấp nhưng với cách đối phó “ăn đong”, “mời gấp” kiểu ấy thì chất lượng giảng dạy thế nào ai cũng đoán được.

Người bạn khác vốn là kỹ sư một chuyên ngành kỹ thuật chẳng liên quan gì đến luật nhưng khi nghỉ hưu chị cũng trở thành giảng viên luật tại mấy trường đại học, cao đẳng.

Vì chuyện “lên đời” giảng viên kiểu thế này mà cơ sở 3 tại đồng bằng sông Hồng của một trường đại học lớn ở TPHCM bị học sinh địa phương “chê” là “bình mới rượu cũ”, không đăng ký thi vào. Nhiều giảng viên ở cơ sở này vốn là giáo viên dạy nghề cấp tỉnh! Đó là chưa nói đến tình trạng lực lượng đông đảo giảng viên công lập đang “tấp nập chạy sô” dạy thêm tại các trường dân lập, tư thục, chẳng còn thời gian, sức lực nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới. Có thể nói đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng nước ta tuy đông về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Việc còn thua xa người ta cũng là điều dễ hiểu!

Nước ta hiện có tới hơn 450 trường đại học, cao đẳng, không thể nói là ít. Trong trào lưu ồ ạt “lên đời” – nâng cấp từ trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học, từ chuyên ngành lên đa ngành trong khu vực công lập và nở rộ thành lập trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục với những danh xưng “nổ” kiểu “đại học quốc tế”, không thể phủ nhận sự thật giáo dục đại học nước ta đang ở trình độ rất thấp so với khu vực và thế giới.

Nghe nhận xét của đồng nghiệp nước ngoài rất cần có thái độ tự ái nhưng là tự ái để sửa mình, làm mới mình. Như thế may ra mới theo kịp thế giới, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực cho một nước Việt Nam công nghiệp hiện đại trong tương lai gần như kỳ vọng.

Trí Lê (Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề