Sau Thái Lan 100 năm, bị Campuchia vượt mặt

Từ ngôi vị thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, gần đây, Việt Nam bị một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Campuchia,… “vượt mặt” và nguy cơ dần thị trường. Chưa kể, chuyện làm thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam cũng gần giống Thái Lan cách đây cả… trăm năm trước.

 Mất dần thị trường vào tay đối thủ

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Với 4,1 triệu ha đất trồng lúa, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 53% diện tích. Năm 2014, tổng sản lượng lúa xuất khẩu đạt 45 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, thu về 2,93 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn dồn dập do sự cạnh tranh từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Campuachia,… Lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do chưa có thương hiệu. Chưa kể, gạo Việt Nam không đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%.

Thương hiệu gạo, gạo Việt, thị trường, xây dựng thương hiệu, Thái lan, xuất khẩu, Campuchia, cạnh tranh, thương-hiệu-gạo, gạo-Việt, mất-thị-trường, xây-dựng-thương-hiệu, Thái-Lan, xuất-khẩu, Campuchia, cạnh-tranh

100 năm trước Thái Lan đã bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo

Trước đây, gạo 25% và gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán khá cạnh tranh so với gạo của Thái Lan, Ấn Độ thì nay, giá đã xấp xỉ bằng nhau. Thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc rộng lớn cũng theo đà “tuột dốc” – ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn), cho biết.

“Từ 65% thị phần nhập khẩu gạo Trung Quốc những năm 2012-2013, song đến 2014 Việt Nam chỉ còn 53%, hết 4 tháng đầu năm nay là 47%. Đối thủ thế chân Việt Nam chính là Thái Lan, Campuchia và Pakistan”, ông Kiên nói.

Tại hội thảo mới đây về Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, do Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cũng thừa nhận, hiện chỉ vài phần trăm gạo Việt xuất khẩu có thương hiệu, còn lại chủ yếu xuất thô, giá trị thấp. Việc thiếu vắng thương hiệu khiến gạo xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn.

Đồng quan điểm, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) đánh giá, Việt Nam còn phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar và Mỹ. Áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng mà là duy trì uy tín, lòng tin của thị trường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách và quan trọng đối với việc phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.

Đi sau Thái Lan cả 100 năm

Trong khi đó, Thái Lan hiện có 250 thương hiệu quốc gia khác nhau cho các sản phẩm chất lượng từ trung bình đến cao. Gạo Thơm Thái Lan có lịch sử trên 100 năm.

Năm 1959, Thái Lan chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng gọi là Thai Hom Mali Rice, đồng thời, nước này còn xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo, 5 tiêu chuẩn cho Thai Hom Mali Rice, thúc đẩy an toàn thực phẩm, tiếp thị, xúc tiến thương mại.

Thương hiệu gạo, gạo Việt, thị trường, xây dựng thương hiệu, Thái lan, xuất khẩu, Campuchia, cạnh tranh, thương-hiệu-gạo, gạo-Việt, mất-thị-trường, xây-dựng-thương-hiệu, Thái-Lan, xuất-khẩu, Campuchia, cạnh-tranh
Trong khi đó, Việt Nam đến giờ vẫn chưa chọn được giống lúa nào để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

Theo TS. Pussadee Polsaram, Giám đốc Trung tâm chiến lược AEC (Thái Lan), có 5 tiêu chuẩn tạo sự khác biệt của gạo Thái, gồm: tiêu đề thương hiệu; tiêu chí về độ tinh khiết; mã vạch; nguồn gốc bao bì; logo, màu sắc, nhận diện đều thể hiện sự thống nhất.

Trong khi đó, tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/5/2015.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho rằng, lần đầu tiên có một đề án với ngành sản xuất rất quan trọng là lúa gạo, nhằm mục đích xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhìn nhận, chuyện bây giờ Việt Nam mới làm thương hiệu cho hạt gạo quốc gia như câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.

Không bàn đến chuyện làm thương hiệu sớm hay muộn, ông Lê Thanh Khiêm nhấn mạnh, muốn xây dựng được thương hiệu gạo cần giải quyết được khâu chọn giống, phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn đó; đặc biệt, phải thay đổi được tập quán sản xuất của người dân là pha trộn các loại gạo với nhau khiến chất lượng kém đi.

“Ở Thái Lan, họ tập trung vào một số giống nhất định nhưng đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa chọn được giống nào. Chúng ta có tới hàng 100 giống, nhưng thường chỉ sản xuất được trong một thời gian ngắn là bị thoái hóa”.

Từ đó, ông Khiêm đề xuất nên chọn lấy ba giống cơ bản để làm thương hiệu, như: Gạo đặc sản Việt Nam, gạo thơm Việt Nam, gạo chất lượng cao Việt Nam, từ đó có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá để làm lên thương hiệu gạo Việt.

Song, ông Khiêm cũng lưu ý rằng, để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia thì cần phải phát triển được thị trường vì chính thị trường mới nuôi được thương hiệu.

Và, để bước được ra thị trường thế giới, Việt Nam cần hướng tới nội địa trước, bởi thị trường này tiêu thụ tới 30-40% lượng gạo sản xuất ra. Hãy để người Việt Nam biết đến thương hiệu gạo của Việt Nam trước, từ đó mới tiến được ra thị trường các nước.

Theo vietnamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề