Đại gia nước ngoài rời bỏ Thái Lan… ồ ạt sang Việt Nam

Thời gian gần đây các đại gia Thái Lan liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Việt, chưa kể dòng đầu tư FDI của Thái Lan vào Việt Nam đang ngày một tăng lên.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chiến lược của Thái Lan…cũng lần lượt từ bỏ thị trường này và đi tìm những vùng đất mới.

Vừa rót vốn FDI, vừa thâu tóm doanh nghiệp Việt

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý I/2015, các nhà đầu tư Thái Lan đã rót gần 6, 8 tỷ USD vào Việt Nam, với tổng số 385 dự án. Thái Lan hiện đang vững chân trong top 10 các nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam.

Trong khi các nhà đầu tư FDI Thái Lan đã rót gần 6,8 tỷ USD vào Việt Nam thì hiện tại Việt Nam mới chỉ đầu tư sang Thái Lan với giá trị khoảng 9 triệu USD. Như vậy, tiềm năng kinh tế giữa hai nước còn rất lớn.

Thời gian qua, các đại gia Thái Lan đã liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Việt với giá trị thương vụ lên tới tỷ USD.

Giữa tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Đại diện truyền thông của Central Group cho biết việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Tổng giám đốc Central Group Việt Nam Philippe Broianigo sẽ kiêm chức này tại Nguyễn Kim, ông Nguyễn Văn Kim vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo Forbes Việt Nam số ra tháng 1/2015, trong thương vụ này, Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD.

Nguyễn Kim được thành lập năm 2001 và hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, chiếm thị phần bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm 2014, công ty đạt doanh số bán hàng hơn 8.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 352 tỷ đồng. Việc bán cổ phần bán lẻ này cũng được cho là nằm trong kế hoạch phát triển của Nguyễn Kim trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Trước đó, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan đã ngỏ ý muốn chi khoảng 40% cổ phần của Sabeco với mức giá được đưa ra là 80.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ThaiBev phải chi gần 1 tỷ USD nếu thương vụ thành công. Hiện Bộ Công Thương đang sở hữu 89,6% cổ phần của Sabeco và Heineken nắm giữ khoảng 5%. Vì Sabeco là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy, kết quả của thương vụ này sẽ do Thủ tướng Chính Phủ quyết định.

Được biết ThaiBev nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD.

Chính tỷ phú này cũng đứng đằng sau thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 879 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ này đã “đổ bể” khi một số cổ đông thiểu số của BJC phủ quyết. Tuy nhiên, tỷ phú Charoen vẫn quyết tâm theo đuổi việc mua lại Metro Việt Nam.

Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã chi mạnh tay và là nhà đầu tư chính vào Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội với giá trị lên tới 22 tỷ USD (lúc quy hoạch là 27 tỷ USD). Được biết dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội được thực hiện với quy mô diện tích khoảng 1.400 héc ta tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 ttỷ USD nhưng khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hàng loạt các thương vụ khác được nhà đầu tư Thái Lan thực hiện dồn dập. Đầu năm 2014,Tập đoàn Chairatchakarn Chairatchakarn (Bangkok) Co.,Ltd đã mua 1,44 triệu cp của CTCP Kỹ thuật & Ôtô Trường Long (mã HTL-HOSE), chiếm tỷ lệ 18% vốn.

Mới đây nhất, The Ton Poh Thailand Fund đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Cotec (CTD) kể từ ngày 25/3/2015 sau khi đã mua vào 2,5 triệu cổ phiếu CTD, tương ứng nắm giữ 5,92% vốn cổ phần của CTD.

Nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rời bỏ Thái Lan…Việt Nam có được hưởng lợi?

Công ty LG Electronics – nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới đã quyết định chuyển hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam trong năm 2015 với chi phí nhân công rẻ, dịch vụ vận tải thấp và nhiều ưu đãi khác.

Ông Nippon, Giám điều hành của LG Thái Lan cũng cho biết, mỗi năm LG sản xuất khoảng 600.000 tivi tại Thái Lan, với trị giá đạt khoảng 8 tỷ bant (tương đương 243 triệu USD).

Với ngành sản xuất ô tô, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết năm 2014 doanh số bán ô tô trong nước đạt 881.800 chiếc, giảm 34% so với năm 2013. Điều đáng nói đây là năm thứ 2 liên tiếp, doanh số bán ô tô suy giảm. Theo đó sản xuất ô tô của Thái Lan trong năm 2014 cũng chỉ còn 1,88 triệu chiếc.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam với sự tăng trưởng mạnh về tiêu thụ ô tô sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà sản xuất ô tô lớn hiện nay. Trong năm 2014, doanh số bán ô tô đã tăng lên 158.000 xe, tăng 43% so với năm 2013. Theo đánh giá các nhà sản xuất ô tô đang hướng đến Việt Nam, nơi có sức tiêu thụ lớn, đông dân, chi phí nhân công, vận tải thấp nên có thể mở rộng ra xuất khẩu.

Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại FTA, TPP, AEC…hơn nữa, Chính phủ Việt Nam có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, có nhiều ưu đãi nổi trội… Như vậy, cánh cửa đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được mở tung chứ không riêng gì với nhà đầu tư Thái Lan.

Một cuộc chơi bình đẳng cho các bên

Nói về xu hướng của các nhà đầu tư Thái Lan, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam có 4 lĩnh vực mong muốn được các nhà đầu tư Thái Lan chú tâm:

1. Khuyến khích liên quan đến kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ sở hạ tầng.
2. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
3. Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam: Thái Lan rất có thế mạnh trong công nghiệp phụ trợ, nên có thể giúp đỡ, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp Việt Nam
4. Nông nghiệp,công nghiệp chế biến: Thái Lan thế mạnh về nông nghiệp, trong khi đó đầu tư cho nông nghiệp chiếm 7%, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng để tăng cường hợp tác.

Nhận định về xu hướng các “ông lớn” Thái Lan lần lượt qua Việt Nam đầu tư, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành của HSBC tại Việt Nam vừa cho biết, trong 5 năm tới, các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của họ (sang các nước khác) do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề.

Trao đổi với PV bên lề cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam thâu tóm, đầu tư là một xu hướng hết sức bình thường.

Khi Việt Nam chấp nhận mở cửa, hội nhập sâu với thị trường thế giới thì không nên e ngại các nhà đầu tư nước ngoài. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư thì được cổ vũ trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam lại bị cho là tiêu cực. Theo đó, ông Cung cho rằng cần phải thay đổi lối suy nghĩ khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, phải khẳng định rằng Việt Nam có hấp dẫn thì nhà đầu tư nước ngoài rút hầu bao.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm thương hiệu, trường Đại học Thương Mại khi trao đổi với NDH cũng cho biết việc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Thái Lan nói riêng đầu tư vào Việt Nam là xu hướng tất yếu của hội nhập.

“Đừng quá bi quan về việc bán thương hiệu cho nước ngoài bởi chính doanh nghiệp Việt cũng đang đem tiền đầu tư sang Lào, Myanma, Campuchia…đây là cuộc cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp yếu sẽ bị đào thải”, ông Thịnh nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lại cho rằng các thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt phải hấp dẫn thì nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt đang kinh doanh tốt, quản lý hiệu quả. Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam họ đã có tính toán cả, doanh nghiệp Việt cũng có những toan tính riêng, trong cuộc chơi này cả hai bên cùng có lợi.

Người Đồng hành


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề