Daniel Nguyen: Làm hợp tác xã ở New Orleans

Hợp tác xã tên VEGGI, chuyên trồng rau xanh. Xã viên đều là người Việt di cư, chủ yếu sinh sống tại làng Versaille, phía Đông New Orleans (bang Louisiana – Hoa Kỳ). Một trong những thành viên sáng lập và hiện đảm đương vị trí giám đốc VEGGI là Daniel Nguyen, cũng mang trong mình dòng máu Việt. Trong chuyến về Việt Nam tháng 5.2015 ĐỂ GIAO LƯU TẠI các buổi chiếu phim “Làng Versailes” – Một bộ phim tài liệu xúc động về cộng đồng người Việt ở New Orleans cùng nhau vượt qua thách thức môi trường, Daniel Nguyen đã có cuộc trò chuyện với Người Đô Thị.

Hai thảm họa

Daniel Nguyen có tên tiếng Việt là Nguyễn Hoài Tiến, đến New Orleans để gia nhập MQVN Community Development Corporation. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với sứ mạng tái phát triển cộng đồng sau khi siêu bão Katrina đi qua năm 2005.

Thảm họa thiên tai để lại New Orleans một đống đổ nát, đến mức thị trưởng thành phố khi ấy là Ray Nagin cho phép cư dân quay trở lại để “nhìn và ra đi” (look and leave). Tuy nhiên, nhiều cư dân làng Versaille đã quyết định ở lại, bất chấp phần lớn vùng đất này vẫn chìm trong biển nước. Cộng đồng Versaille bị gạt ra ngoài trong kế hoạch tái thiết New Orleans.

Sử dụng quyền quyết định khẩn cấp, thị trưởng New Orleans cho mở một bãi rác cách Versailles vài dặm đường, gần con sông cung cấp nước tưới cho làng. Nguy cơ ô nhiễm khiến người dân biểu tình phản đối, chặn xe rác vào bãi. Sự đồng lòng của nhân dân đã buộc chính quyền phải lùi bước. Bãi rác bị xóa sổ. Cuộc đấu tranh kiên cường của dân làng Versaille gây tiếng vang lớn, được tái hiện trong bộ phim tài liệu “Làng Versaille” (A Village Called Versailles, đạo diễn S. Leo Chiang). Kết cục không có hậu xảy đến với ngài thị trưởng: năm 2014, Ray Nagin bị kết án 10 năm tù với tội danh tham nhũng trong thời gian lãnh đạo thành phố.

Vừa gượng dậy sau thảm họa thiên tai thì “nhân tai” ập đến New Orleans. Giàn khoan của hãng dầu khí BP phát nổ tháng 8.2010 khiến dầu tràn ra vịnh Mexico – ngư trường chủ yếu của cộng đồng người Việt tại New Orleans. Theo Daniel Nguyen, trung bình cứ ba người Việt ở New Orleans thì có một người ra biển mưu sinh. Lao động cơ bắp không đòi hỏi nhiều khả năng ngôn ngữ, vốn là hạn chế của thế hệ thứ nhất dù đã sống ở Mỹ hàng chục năm. Ngư trường ô nhiễm khiến nhiều gia đình mất kế sinh nhai. Quy trình đền bù khá phức tạp, dây dưa từ năm này qua năm khác do khó xác định được mức độ thiệt hại. Ngư dân lũ lượt bán tàu, tìm kế khác.

Đường vào hợp tác

Với chuyên môn nông nghiệp đô thị (urban farming), Daniel Nguyen đã giúp sinh kế cho dân chài mất việc sau vụ tràn dầu và kiến thiết khu dân cư. Theo đó, sản xuất rau xanh là một hướng đi phù hợp với năng lực của nông dân địa phương. Về thị trường, rau xanh là thực phẩm nhiều triển vọng tăng trưởng. Tăng hàm lượng rau xanh trong khẩu phần hằng ngày là lời khuyên của giới y khoa nhằm ngăn chặn và điều trị chứng béo phì. Chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến căn bệnh này tiêu tốn của người dân Mỹ khoảng 190 tỉ USD mỗi năm, chiếm 1/5 tổng chi phi cho dịch vụ y tế của nước này. Hiểm họa của căn bệnh này với sức khỏe cộng đồng là động cơ khiến phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Obama năm 2010 khởi xướng phong trào Hãy chuyển động (Let’s move) nhằm giảm chứng béo phì ở trẻ em.

Đầu ra cho rau xanh thoạt tiên chỉ gói gọn trong cộng đồng người Việt ở New Orleans, quy mô khoảng 14 ngàn người. Giá bán thấp, lời lãi chẳng bao nhiêu. Daniel Nguyen vận động nông dân trong làng vào hợp tác xã. Nhiều người nghi ngại. Phần vì Daniel còn quá trẻ. Phần khác, quan trọng hơn, là bản thân họ từng nếm trải không ít cay đắng từ mô hình kinh tế này trong những năm tháng ở quê nhà. “Vừa nhắc đến chữ hợp tác xã là nhiều người đã phản ứng!”, Daniel nhớ lại.

Đổi chiến thuật, Daniel thuyết phục nông dân cho nhận một phần rau, chở vào thành phố, bỏ mối cho các nhà hàng sẵn sàng trả giá cao hơn. Niềm tin được gầy dựng dần dần khi họ nhận lại toàn bộ tiền bán rau từ Daniel. Bên cạnh đó, chàng trai này phối hợp với một số nghiên cứu sinh tại Đại học John Hopkins và MIT thực hiện một nghiên cứu thị trường trong vòng tám tháng, từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ. Đấy cũng là cơ sở quan trọng để anh thuyết trình trước nông dân, vận động mọi người tham gia hợp tác xã.

“Mô hình này không liên quan đến chính quyền. Hợp tác xã là của các bác, do các bác làm chủ”, Daniel Nguyen nhắc lại lời khẳng định trong cuộc họp với nông dân. Vậy là VEGGI ra đời với hai mục tiêu gắn bó hữu cơ: Tạo sinh kế cho người nghèo và cung cấp rau xanh cho cộng đồng. Kinh phí ban đầu là 150 ngàn USD. Tổ chức Oxfam tài trợ một phần, còn lại do các thành viên đóng góp.

Khoảng 80% sản lượng rau của Hợp tác xã VEGGI cung ứng cho các nhà hàng ở Mỹ. Ảnh H.T

Khoảng 80% sản lượng rau của Hợp tác xã VEGGI cung ứng cho các nhà hàng ở Mỹ. Ảnh H.T

Cơ cấu đầu ra có sự thay đổi đáng kể từ khi hợp tác xã đi vào hoạt động. Khoảng 80% sản lượng rau cung ứng cho các nhà hàng. Hạn chế của nhóm khách hàng này là chủng loại, chỉ tiêu thụ năm loại rau. Nghĩa là chỉ cần một loại rau mất mùa, hợp tác xã đương nhiên mất 20% doanh thu từ nhóm khách hàng chiếm tỷ phần chi phối. Nhận dạng rủi ro này, ban điều hành hợp tác xã đã và đang nỗ lực phân tán “trứng vào nhiều giỏ”. Mở rộng kênh phân phối thông qua siêu thị là một lựa chọn. Dù giá bán thấp hơn nhà hàng nhưng bù lại, hợp tác xã giảm bớt chi phí vận chuyển và có cơ hội tăng sản lượng trong dài hạn.

Hướng ra thứ hai là khai thác khách hàng cá thể ủng hộ phong trào nông nghiệp vì cộng đồng. Phân khúc này có nhiều lợi ích. Thứ nhất là nhu cầu đa dạng. Thứ hai là họ đặt hàng theo mùa, đầu ra ổn định. Thứ ba là hợp tác xã được khách hàng ứng trước tiền tươi. Hiện nhóm khách hàng cá thể mới chiếm chưa đến 10% sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã.

Tuy nhiên, cơ cấu khách hàng không phải là thách thức lớn nhất của VEGGI. Vấn đề khiến ban lãnh đạo hợp tác xã đau đầu là quỹ đất. “Dù quy mô canh tác đã mở rộng hơn 10 lần (so với gần một hécta lúc khởi đầu cách nay bốn năm) nhưng vẫn chưa đáp ứng hết lượng cầu thị trường” – Daniel không giấu vẻ tiếc nuối.

Hiện VEGGI có 13 xã viên, độ tuổi từ 50 trở lên. Việc hợp tác xã chưa thu hút được lao động trẻ là bởi phần lớn thanh niên có xu hướng di cư, thường là qua con đường học vấn. “Rất hiếm thanh niên cam chịu ở lại làng”, Daniel cho biết. Thế nên việc Daniel rời quận Cam, một trong những miền đất hứa với cộng đồng người Việt, về “vùng trũng” Đông New Orleans cũng từng bị xem là bất thường. “Tôi thích ngành phát triển cộng đồng”, Daniel giải thích ngắn gọn, sau khi đề cập đến chương trình huấn luyện một vài người địa phương để thay thế vị trí của mình.

Chàng trai sinh năm 1988 này không giấu diếm ý định sẽ rời Versaille vào một ngày không xa sau hơn sáu năm gắn bó. Điểm đến tiếp theo? Chưa biết. Có nghĩ đến chuyện học tiếp? “Tôi từng nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở một số đại học Mỹ nhưng nhiều giáo sư lại khuyên tôi nên tiếp tục công việc thay vì lên giảng đường. Ở Việt Nam thì khác, bằng cấp rất được coi trọng”, Daniel Nguyen tỏ ra thích thú với phát hiện của mình.

Daniel Nguyen nói và viết tiếng Việt khá tốt. Khá bất ngờ là khả năng ngôn ngữ của anh không xuất phát từ môi trường gia đình. Cha mẹ anh chủ trương không dạy tiếng Việt để hướng con cái hội nhập hoàn toàn vào xã hội Mỹ. “Em gái tôi không nói được tiếng Việt. Còn tôi bắt đầu học tiếng Việt từ khi đến New Orleans với một du học sinh Việt Nam”, Daniel Nguyen chia sẻ. Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt tại New Orleans, Daniel Nguyen từng được truyền thông ở Mỹ gọi là “người hùng”, “nông dân hiện đại”…

Lan Hương (Theo Người Đô thị)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề