Chuyên gia Đức: Crimea là tấm gương phản ánh số phận nước Nga

Cuộc chiến ở Donbass hiện nay đang phản ánh việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng chuyên gia Đức Ingo Mannteufel cho rằng ta cũng có thể nhìn thấy tương lai chính trị của Nga qua tình hình trên bán đảo này.

Crimea có một vị trí đặc biệt đối với người Nga. Đơn giản chỉ vì gần như mỗi người dân Nga đều đã từng một lần đến nghỉ ngơi trên bán đảo ngập tràn nắng ấm này. Khí hậu dễ chịu của Crimea đã khiến nơi này trở thành điểm nghỉ dưỡng và hoài niệm đối với nền văn hóa Nga từ thế kỷ 19.

Trước kia các Sa hoàng Nga thường tận hưởng kỳ nghỉ hè ở đây. Thời Xô Viết, Crimea là khu nghỉ dưỡng lý tưởng nhất trong nước. Đầu thập niên 60, phần thưởng cho công sức lao động vất vả của hàng triệu người lao động Nga là những kỳ nghỉ trên bán đảo này. Và thậm chí sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine độc lập thì mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn khách Nga tiếp tục đến Crimea.

Người dân tập trung tuần hành ở trung tâm Moscow (Nga) ngày 2/3/2014 để thể hiện sự ủng hộ với người Crimea và Ukraine, và phản đối chính sách của chính quyền mới của Ukraine.

Người dân tập trung tuần hành ở trung tâm Moscow (Nga) ngày 2/3/2014 để thể hiện sự ủng hộ với người Crimea và Ukraine, và phản đối chính sách của chính quyền mới của Ukraine.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Nga cho rằng Crimea là “bán đảo của mình”. Và năm ngoái, ngày 18/3, khi Crimea “trở về Nga”, họ đã coi chuyện này là việc khôi phục lại tính đúng đắn lịch sử. Người Nga không ngần ngại ủng hộ Kremlin, rằng nhân dân khu vực này đã tự do bỏ phiếu lựa chọn sáp nhập vào Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý và Tổng thống Putin chỉ đơn thuần là giúp đỡ họ thực hiện mong muốn đó.

Người dân tập trung tuần hành ở trung tâm Moscow (Nga) ngày 2/3/2014 để thể hiện sự ủng hộ với người Crimea và Ukraine, và phản đối chính sách của chính quyền mới của Ukraine.

Tuy nhiên phương Tây lại cho rằng: Nga sáp nhập Crimea là vi phạm luật pháp quốc tế, thậm chí còn bỏ qua hiến pháp Ukraine vốn không cho phép tiến hành trưng cầu dân ý để tách khỏi đất nước. Và điều đó cũng coi thường cả những đàm phán song phương giữa Nga và Ukraine mà Nga đã nhiều lần công nhận tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine (bao gồm cả Crimea). Ngoài ra, xét từ quan điểm phương Tây, cuộc trưng cầu dân ý đó không thể hiện được mong muốn tự do của người dân Crimea.

Và cuộc trưng cầu dân ý đột ngột này không phải là kết quả của bất kỳ tranh luận chính trị thực sự nào. Câu hỏi được đưa ra trong lá phiếu không hề có ý định cho phép Crimea vẫn là một phần của Ukraine. Mọi tiến trình đều diễn ra dưới sự theo dõi của quân đội Nga có vũ trang, được gọi là “lực lượng tự vệ”.

Dù điều này có khó chịu đối với nhiều người Nga đến đâu chăng nữa thì các chính trị gia phương Tây sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp của việc Crimea sáp nhập vào Nga.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Hội nghị thượng đỉnh Minsk ngày 11/2.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Hội nghị thượng đỉnh Minsk ngày 11/2.

Trước các cuộc tàn sát ở Donbass và những nỗ lực ngoại giao nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk thì nhận định pháp lý về việc sáp nhập Crimea dường như không quá quan trọng. Tuy nhiên, vị thế của Crimea sẽ đè nặng lên quan hệ giữa phương Tây và Nga trong nhiều năm tới, dù cho Donbass có thể tìm được giải pháp ngoại giao hay không.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không thể và cũng sẽ không chấp nhận để các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị vi phạm. Hơn nữa, Tổng thống Putin giờ đây đã thẳng thắn hơn nữa khi thừa nhận vai trò quan trọng của Nga trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

Tóm lại, dù muốn dù không, Crimea đã trở thành biểu tượng của việc phá vỡ trật tự hòa bình và an ninh châu Âu. Căng thẳng trong quan hệ của Nga với các nước phương Tây chỉ có thể thực sự giảm khi vị thế hợp pháp của Crimea được giải quyết theo luật pháp quốc tế: bằng cách quay trở lại thuộc chủ quyền của Ukraine hoặc thông qua một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga mà lãnh đạo Ukraine tự nguyện từ chối quyền của mình đối với bán đảo này.

Cả hai phương án đó đến nay đều là ảo tưởng, đặc biệt là với chính sách hiện giờ của Tổng thống Putin. Theo đó, Nga phải thay đổi chính sách trong nước trước khi tìm thấy bất kỳ giải pháp nào được quốc tế công nhận đối với các vấn đề của Crimea. Vì vậy, Crimea là tấm gương phản ánh số phận của nước Nga. Bán đảo này đã thực sự trở thành một nơi đặc biệt với người Nga.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang tin DW của Đài truyền hình quốc tế DW (Đức), chuyên đưa các tin và bài phân tích về các nền văn hóa và con người trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc.

Huỳnh Linh (lược dịch, infonet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề