Chính phủ Hy Lạp trình Quốc hội thỏa thuận về gói cứu trợ lần ba
Tối hôm qua, 11/08/2015, văn bản thỏa thuận về kế hoạch trợ giúp Hy Lạp lần thứ ba đã được chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras chuyển tới Quốc hội để thảo luận và bỏ phiếu.

Dự luật này dày khoảng 400 trang, có tiêu đề « Phê chuẩn dự thảo thỏa thuận tài chính qua cơ chế Bình ổn của Châu Âu và các cải cách nhằm thực hiện thỏa thuận tài chính ».

Chiều hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp đã đề nghị Chủ tịch Nghị viện triệu tập một phiên họp toàn thể bất thường vào thứ Năm, 13/08 để thảo luận và bỏ phiếu dự luật này.

Dự luật bao gồm hàng chục biện pháp. Hy Lạp chỉ có thể nhận được các khoản cho vay cũng như hỗ trợ tài chính, tổng cộng lên tới 86 tỷ euro trong vòng 3 năm, nếu như Athens thực hiện các biện pháp nói trên.

Điều đáng chú ý là thỏa thuận đạt được giữa Hy Lạp và các chủ nợ không gây hứng khởi tại Châu Âu. Một số nước có phản ứng dè dặt, đặc biệt là Đức.

Thỏa thuận về kế hoạch trợ giúp Hy Lạp lần thứ ba cũng sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Bundestag – Nghị viện Đức.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :

Chúng tôi sẽ chú ý xem xét các kết quả này, trong những ngày tới. Chương trình mới sẽ được thực hiện trong vòng ba năm, chứ không phải trong ba ngày. Phản ứng trên đây của Quốc vụ khanh Đức Jens Spahn, ngày hôm qua, 11/08, thể hiện rõ sự dè dặt của Berlin. Hôm thứ Hai, 10/08, phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel đã cho rằng một thỏa thuận chặt chẽ vẫn tốt hơn một thỏa thuận được ký kết vội vàng.

Vì lý do chính trị nội bộ, Berlin đã có phản ứng như vậy, vì cần phải chứng minh với các dân biểu bảo thủ, cứng rắn, là Châu Âu đã không đàm phán vội vàng và hời hợt. Trên phương diện Châu Âu, Đức mong muốn là việc thực hiện kế hoạch trợ giúp thứ ba phải bảo đảm là Athens nghiêm chỉnh tôn trọng các cam kết cải cách.

Báo chí Đức tỏ ra lạc quan có chừng mực. Nhật báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine Zeitung cho rằng Hy Lạp có thể thực hiện được các cam kết. Các báo khác có bình luận dè dặt hơn, như chính phủ của ông Tsipras phải chứng minh được là các cải cách mà họ cam kết sẽ được thực hiện.

Cũng có những tiếng nói chỉ trích sự lưỡng lự của Berlin. Đài phát thanh WDR bình luận : Chính phủ dường như cần phải chấp nhận kế hoạch này thay vì lưỡng lự, ngăn cản và tự cô lập tại Châu Âu. Chúng ta sẽ không có lợi lộc gì với một Châu Âu đang bị xao xác với sự bất ổn ở phía nam. Trên kênh truyền hình ARD, bản tin tối 11/08 nhấn mạnh : Giới lãnh đạo chính trị cần phải chấm dứt xem xét Hy Lạp thuần túy dưới góc độ tính toán về ngân sách.

Theo RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề