Chiến lược an ninh quốc gia và thỏa thuận hòa bình Minsk

U-crai-na thông qua chiến lược an ninh quốc gia

Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng U-crai-na đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia đến năm 2020. Một trong những nhiệm vụ chính mà Ki-ép đề ra là thành lập hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia và quốc phòng mới có khả năng bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng U-crai-na, chiến lược nói trên dự kiến thực hiện trong vòng 5 năm tới những ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia, cũng như cải cách theo Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và Chiến lược phát triển bền vững “U-crai-na – 2020”. Nhiệm vụ chính trong chiến lược là thành lập hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia và quốc phòng mới có khả năng bảo đảm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ U-crai-na khỏi những mối đe dọa có thể xảy ra, bao gồm cả một cuộc xâm lược.

Ngoài ra, như tuyên bố của Tổng thống Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko), chiến lược này cần tính đến khả năng Ki-ép có thể trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cũng cho rằng U-crai-na cần tăng cường khả năng quốc phòng và xây dựng các lực lượng vũ trang hiện đại.

Trước đó, ngày 9-4, một bản dự thảo chiến lược an ninh quốc gia U-crai-na đã được đưa ra, trong đó đề cập tới một loạt nguy cơ như: Bị xâm lược, tham nhũng, hệ thống điều hành đất nước không hiệu quả, khủng hoảng kinh tế, nguồn tài chính quốc gia eo hẹp và mức sống của người dân giảm sút.

Chiến lược nói trên được đưa ra trong bối cảnh U-crai-na vừa đón nhận những thông tin “vừa mừng vừa lo” liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông nước này.

Bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được tại thủ đô Min-xcơ của Bê-la-rút vào tháng Hai vừa qua, khu vực miền Đông U-crai-na hiện hằng ngày vẫn phải chứng kiến các cuộc giao tranh không ngớt giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai. Tổng thống Pi-ốt Pô-rô-sen-cô mới đây cho biết, hiện ở miền Đông nước này vẫn còn hơn 40.000 lính thuộc phe ly khai, đồng thời cảnh báo việc gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực này. “Mối đe dọa về hành động quân sự quy mô lớn từ “các nhóm khủng bố” không chỉ vẫn tồn tại mà thậm chí còn gia tăng”, ông Pi-ốt Pô-rô-sen-cô nói trong cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng U-crai-na diễn ra ở Ki-ép ngày 6-5.

Bên cạnh đó, các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nhiều vùng của U-crai-na do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Được biết tại các khu vực này có hàng nghìn người cao tuổi đã bị cắt các dịch vụ công vì xung đột.

Tuy nhiên, không phải là không có những thông tin tích cực. Theo AFP, ngày 6-5 vừa qua, 4 nhóm làm việc theo từng vấn đề riêng rẽ (gồm kinh tế và khôi phục các công trình, hỗ trợ nhân đạo, chính trị và an ninh) trong khuôn khổ Nhóm tiếp xúc về giải quyết tình hình U-crai-na đã lần đầu tiên gặp nhau ở Bê-la-rút. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, một đại diện của Chính phủ U-crai-na cho rằng, đây là “bước đi nghiêm túc hướng tới giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột ở miền Đông U-crai-na, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm chấm dứt hoàn toàn tiếng súng.

Các bên gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông U-crai-na cũng cho rằng cuộc gặp mang tính xây dựng và mở ra hy vọng có thể tiếp tục tiến trình hòa bình một cách hiệu quả. Đại diện phía Cộng hòa nhân dân Đô-nhét-xcơ (Donetsk) tự xưng nhấn mạnh kết quả chính trong cuộc gặp nói trên là Ki-ép và hai CHND Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ (Lugansk) tự xưng đã bắt đầu đối thoại, đồng thời hy vọng các bên sẽ tiếp tục tiến trình này và đưa ra quyết định trên cơ sở thỏa hiệp.

Ukraine bác bỏ nguy cơ thỏa thuận hòa bình Minsk đổ vỡ

Xe quân sự Ukraine bị phá hủy trong cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở thành phố miền đông Metalist ngày 23/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xe quân sự Ukraine bị phá hủy trong cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở thành phố miền đông Metalist ngày 23/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo THX, ngày 7/5, quân đội Ukraine đã bác bỏ những mối nghi ngại của công chúng và giới truyền thông rằng thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được hồi tháng 2 vừa qua có nguy cơ đổ vỡ do các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trả lời họp báo, khi được hỏi liệu có nguy cơ thỏa thuận Minsk đổ vỡ hay không, Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko quả quyết thỏa thuận hòa bình vẫn đang có hiệu lực và việc sửa đổi hay dỡ bỏ không nằm trong nội dung thảo luận.

Ông nhấn mạnh: “Việc thực thi thỏa thuận Minsk vẫn được duy trì.”

Ông Lysenko cho biết thêm mặc dù lệnh ngừng bắn chưa được tuân thủ tuyệt đối song nó đã giúp giảm thiểu giao tranh, cũng như tiến hành các đợt trao đổi tù binh và rút một số vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực giới tuyến.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề