Bánh Tổ Hội An

Cứ mỗi độ xuân về tầm 20 tháng chạp là bánh tổ có bán ở chợ Hội An, đây là một loại bánh truyền thống đặc trưng cho ẩm thực Hội An nói riêng và người xứ Quảng nói chung. Cúng đưa ông Táo về trời không thể thiếu ổ bánh tổ, bày lên bàn thờ Tổ tiên ba ngày tết luôn phải có món bánh này .

Về nguồn gốc của loại bánh này thì có nhiều giả thiết khác nhau, trong bài này xin không đề cập tới, chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi bánh tổ luôn hiện hữu trong mỗi gia đình ở Hội An với hương vị đặc trưng không thể lẫn với các loại bánh khác.

Bánh tổ được làm từ nguyên liệu nếp, gạo, đường, mè, gừng. Cách thức chế biến thì chỉ ở các lò làm bánh truyền thống nắm giữ bí quyết, nhưng một điều nên nhớ là không hề đơn giản như trên các bài báo. Chúng ta có thể hiểu sơ qua cách chế biến theo một cách đơn giản như thế này. Bột nếp được lựa chọn từ loại nếp ngon nhất được phơi khô và xay nhuyễn. Đường và bột nếp, gạo được ‘sên’ thật kỹ, loại bỏ những tạp chất, thêm nước gừng tươi để tăng thêm hương vị cho bánh.

Hỗn hợp bột, đường được cho vào nước đánh cho thật nhuyễn, không vón cục, tiếp đấy được rót vào nài. Nài là 3 miếng lá chuối sếp chồng xéo lên nhau, bẻ lên hai góc và được ghim hai đầu bằng hai ghim tre nhỏ, nhìn nài bánh chẳng khác gì tổ chim, có lẽ vì thế mà người ta gọi là bánh tổ. Tất cả các nài đều đã được xếp trên vỉ tre, đặt trong thùng hấp, khi rót bột vào các nài phải thật đều tay, sao cho mỗi ổ bánh khoảng 500 gram bột.

Sau quá trình hấp thì lấy bánh ra, rắc lên mặt bánh một lớp mỏng mè rang thơm, hương vị của bánh sẽ đậm đà hơn nhiều và nhìn sẽ hấp dẫn hơn. Với loại bánh này có nhiều cách ăn khác nhau, có thể cắt thành từng miếng ra ăn ngay, lúc này bánh rất dẻo, dai, hương vị rất đậm đà. Thường ở Hội An bánh được đặt trên bàn thờ trong 3 ngày Tết đã khô đi, vì thế có thể nướng lên cho bánh mềm ra, mùi lá chuối khô cháy xen lẫn mùi đường thơm ngát cũng là điều khó cưỡng với những người sành ăn.

Có một cách ăn mà người Hội An thích nhất là cắt bánh ra từng lát mỏng rồi chiên vàng xém cạnh, lúc này lát bánh sẽ phồng lên, láng bóng và tỏa mùi thơm ngào ngạt rất đặc trưng một hương vị riêng biệt. Đặt lát bánh giữa hai miếng bánh tráng nướng giòn và thưởng thức với nước chè xanh thì không có gì thú bằng. Người ăn cảm nhận được cái ngọt thanh của đường, mùi thơm đặc biệt của nếp, beo béo của dầu, cay cay của gừng, chan chát của chè xanh. Đó là một hương vị đậm đà bản chất xứ Quảng .

Sau tết là những ngày hội xuân, du khách có thể thưởng thức món bánh tổ chiên vàng được bày bán trong chợ Hội An, hoặc được các bà, các chị đi bán rong với tiếng rao dài ngọt lựng ‘ Ai bánh tổ chiên đây…â….y’. Nhấm nháp một lát bánh như có cả hương vị phố cổ, hương vị quê hương thấm đẫm trong đó.

Hội An mùng 3 Tết
Lê Thắng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề