Tết nơi xứ tuyết

Tết là thời diểm sum họp đoàn viên của mọi gia đình Việt Nam, ngày mà với bất cứ ai cũng muốn ở bên cạnh những người thân yêu trong của mình, cùng nhau đón giao thừa, cùng đón xuân sang với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho nhau.

Những năm trước 90 vì tình hình kinh tế trong nước quá khó khăn, rất nhiều người đã phải tìm con đường xuất khẩu lao động ở nước ngoài đê mưu cầu cuộc sống. Tết đến là nỗi nhớ khắc khoải về gia đình, về quê hương, bạn bè…cứ dâng trào trong lòng người xa xứ.

Hồi đó chúng tôi làm việc ở Donetsk, thành phố công nghiệp nhưng đầy cây xanh vào mùa hè, mùa đông đến lá rụng hết, cây đứng trơ cành khẳng khiu trong những cơn bão tuyết và cái lạnh nhiều khi -30 đến -35 độ. Chính thời điểm đó thì Tết cũng cận kề, biết là thế nhưng công việc trong nhà máy thì không được nghỉ Tết như ở Việt Nam, ngày 30 Tết vẫn phải cày trong máy nhưng lòng dạ bồn chồn nghĩ về gia đình, quê hương, mong sao về còn kịp chuẩn bị bữa tiệc đón giao thừa tại ốp.

Trước Tết khoảng nửa tháng, Cộng ta thi nhau vào rừng mơ trước ốp, tay cưa , tay dao chọn những cành mơ đẹp nhất, ưng ý nhất đem về đốt gốc, cắm vào những hũ thủy tinh to mà trước đó đựng cà chua muối. Mấy bà trực ốp luôn miệng ‘’ Pa ché mu chúng mày chặt cây” nhưng mắt ánh lên cái nhìn cảm thông với những đứa trẻ tội nghiệp phải sống xa nhà, xa quê hương.

Trước tết vài ngày, chợ sẽ rất hiếm đầu lợn vì Cộng ta lùng sục mua về làm món giò thủ quốc hồn quốc túy của người Việt. giò được cuốn bằng ni-lon hoặc giấy báo rồi dùng dây cột chặt, nói chung là món dễ làm mà lại có hương vị tết Việt nên hầu như ai cũng làm, ai cũng thích nhấm nháp với rượu Vodka cay nồng đến mê hoặc. Rồi thì miến được làm từ bột khoai tây, phở từ bột với trứng. những gói gia vị như ngũ vị hương để dành cả năm nay được đem ra chế biến món ăn, đi đến tầng nào cũng thơm lừng mùi thịt xíu, gà rô ti, nem cuốn…hương vị chiều 30 tết là thế đấy. Mấy đứa thích pháo thì mua diêm về cậy bột ra rồi cuốn pháo, chẳng đợi đến giao thừa cứ được viên nào lại đem đốt, pháo cuốn toàn cỡ pháo đùng, thuốc diêm lại tốt nên nổ quả nào là các nàng đang chuẩn bị tết trong bếp giật mình ré um cả lên. Các bà trực ốp thì luôn miệng ‘’Man chic ki’’, tay thì đặt hờ lên tai để còn kịp bịt khi pháo nổ rồi.

Đúng 8 giờ Giao thừa tới, hầu như các phòng đều thắp hương, trên các giá gỗ được đặt thêm ít hoa quả, vài món ăn, rồi cả rượu, bia, hương cắm trong cốc 7k đựng đầy gạo. Mùi hương lan tỏa khắp cả ốp, giây phút thiêng liêng nhất của người Việt cũng là lúc tiếng khóc cứ lan tỏa từ phòng này đến phòng khác. Nhớ, nhớ đến nao lòng, nhớ cha mẹ, anh em, bạn bè, nhớ mùi hương, tiếng pháo đón giao thừa…Tất cả nỗi nhớ bao lâu được dồn nén nay mới được dịp giải tỏa trong chính thời khắc giao thừa, và cũng chính được khóc nên nỗi nhớ cũng nguôi ngoai đi.

Tiết mục khóc kết thúc là đến lúc tập trung liên hoan đón năm mới, ai cũng chúc nhau những gì tốt đẹp nhất cho năm mới. Ai có bạn Tây đều được mời tới, rồi ăn uống, khiêu vũ. Nhạc được mở hết công suất khắp các tầng, hết Modern Talking, Boney M rồi Alla Pugacheva, Sofia Rotaru…thay nhau quay cuồng, lả lướt. Rượu vodka uống tràn trề, bia uống thả phanh đến khoảng 2-3 giờ sáng thì Tây lẫn ta đều quắc cần câu lục tục giải tán. Hầu như tất cả đều say cho đến trưa mồng 1 Tết, thăm thú bạn bè các phòng, các tầng khác, và lại uống với nhau vài ly rồi lại say về phòng lăn ra ngủ. Sáng sớm mùng 2 Tết lục tục thức dậy vào nhà máy tiếp tục điệp khúc cày mà đầu óc vẫn ong ong, bước đi lảo đảo trong tuyết lạnh.

Tết của chúng tôi nơi xứ người thế đấy, giữa mùa đông giá băng nhưng vẫn có nhiều bạn bè cùng nhau chia sẻ nên tết cũng vơi đi nỗi nhớ nhà nhớ quê hương, cùng giúp nhau vượt qua bao khó khăn suốt 5 năm trời nơi đất khách quê người.

Lê Thắng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề