Chiến sự bùng nổ ở đất nước lớn thứ hai bán đảo Ả Rập – Cộng hòa Yemen, đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới tuần qua khi Saudi Arabia và Mỹ đứng về một phía trong hai bên tranh chấp. Thế khó của Mỹ trên chiến trường Yemen khiến nước này đang bị chỉ trích là “tiêu chuẩn kép”.\
Rạng sáng 26-3, các cuộc không kích của chiến dịch “Cơn bão quyết định” do liên minh các nước Ả Rập được Mỹ hỗ trợ thực hiện đã tấn công các cứ điểm của phe nổi dậy Houthi ở Yemen.
Chiến dịch có sự tham gia của ít nhất 150.000 binh sĩ của liên minh 10 nước “Bạn của Yemen” gồm: Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Morocco, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập, Pakistan, Jordan và Sudan, trong khi Mỹ tuyên bố thành lập một đơn vị phối hợp các hoạt động tình báo và quân sự.
Mọi sự bắt đầu thoát khỏi vòng kiểm soát từ ngày 22-1-2015, khi Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi và toàn bộ chính phủ từ chức.
“Nguyên nhân là do những biến cố diễn ra trong nước những ngày gần đây. Chúng tôi không muốn đất nước tan rã”, như đại diện chính quyền Yemen thông báo trên kênh truyền hình Al Arabia. Những “biến cố” đó là phe Hồi giáo đối lập Houthi sau khi giành được nhiều tỉnh ở phía tây đã tiến về thủ đô, chiếm một số vị trí quan trọng của Sanaa.
Rối ren mâu thuẫn bộ tộc, tôn giáo và địa chính trị
Mặc dù lịch sử Yemen đã có hàng nghìn năm, nhưng đất nước Yemen hiện đại tương đối trẻ, với biên giới mới được định hình vào thập niên 1990 sau khi bắc và nam Yemen chấm dứt chiến tranh và thống nhất thành một đất nước.
Bắc Yemen đã trở thành nước cộng hòa năm 1970 sau nhiều năm nội chiến giữa phe bảo hoàng và phe cộng hòa. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, được sự ủng hộ của Saudi Arabia, lên nắm quyền từ năm 1978, được xem là đã giúp cuộc thống nhất đất nước thành công năm 1990.
Tuy nhiên, dù nam Yemen đồng ý sáp nhập vào bắc Yemen, nội chiến vẫn lại bùng nổ với phần thắng nghiêng về quân của tổng thống Saleh. Bên ngoài những thành phố lớn của Yemen, các bộ tộc sở hữu vũ khí và tự quản theo truyền thống hơn là theo hiến pháp nhà nước, với các đội quân bộ tộc có phần lấn át quân đội quốc gia. Trong số này, Houthi là một trong những lực lượng dân quân mạnh nhất.
Phức tạp hơn là những mâu thuẫn tôn giáo. Đa số dân Yemen theo Hồi giáo nhưng chia rẽ giữa hai phái, phái Sunni và phái Shia Zaidi (chiếm 40% dân số Yemen), liên quan đến việc diễn giải về người kế thừa đấng tiên tri Mohammed.
Trong khi phái Shia Zaidi khẳng định người kế thừa phải là họ hàng của đấng tiên tri thì phái Sunni khẳng định vai trò này có thể do một trong các Caliph (giáo chủ phái Sunni) đảm nhận. Houthi là phe Hồi giáo Shia Zaidi ở bắc Yemen, sống gần các vùng biên giới. Houthi là tên của một lãnh đạo tinh thần phe Shia, cựu đại biểu nghị viện Yemen, đã bị cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình chống Israel và chống Mỹ năm 2004.
Chính quyền Yemen ra lệnh săn lùng Houthi dẫn tới hàng trăm cái chết của các tín đồ Shia, trong đó có lãnh đạo Houthi ngày 10-9-2004. Từ đó, phe ủng hộ Houthi nổi dậy chống lại quyền lực trung tâm Yemen, cáo buộc chính quyền Yemen hợp tác với Saudi Arabia, xem nhẹ các yêu cầu và truyền thống của các bộ tộc Zaidi.
Tuy nhiên, tổng thống Yemen đang lưu vong Mansour Hadi thì cáo buộc phe Houthi đang nhận sự ủng hộ của phe Hezbollah (cánh quân sự của người Hồi giáo Shia ở Lebanon) trong khi một số quan chức phương Tây khẳng định Iran đang tài trợ cho Houthi nhằm nắm quyền kiểm soát bờ biển Đỏ của Yemen.
Các cuộc nổi loạn kéo dài đến năm 2010 thì tạm yên với một thỏa thuận ngưng chiến giữa phe chính phủ và phái Houthi.
Nhưng hòa bình kéo dài không lâu, cho đến khi làn sóng “Mùa xuân Ả Rập” nổ ra, lật đổ tổng thống Saleh năm 2011 và đưa Mansour Hadi lên nắm quyền. Lý do chính thức của các cuộc biểu tình “Mùa xuân Ả Rập” là giá xăng tăng cao mà phe Houthi cáo buộc do chính quyền tham nhũng.
Theo Ngân hàng Thế giới, Yemen là một trong những nước Ả Rập nghèo nhất, với hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khó năm 2012, trong số đó tới 45% dân số bị đói hay đe dọa đói. Vì vậy cuộc biểu tình do Houthi khởi xướng chống tăng giá xăng nhanh chóng được người dân ủng hộ.
Đến lúc này, cơ số của quân Houthi đã lên tới 100.000 người. Chỉ trong một thời gian ngắn, những người biểu tình đã chiếm được nhiều tỉnh ở tây bắc Yemen, và đến ngày 21-9-2014 chiếm được một phần thủ đô Sanaa, nhiều tòa nhà chính phủ và đài phát thanh. Tổng thống Hadi buộc phải ký với phe Houthi một thỏa thuận, trao cho phái Houthi sáu ghế bộ trưởng trong chính phủ mới, nhưng phe nổi dậy đòi hỏi số ghế “bình đẳng” hơn.
Tháng 1-2015, tình hình cực kỳ căng thẳng khi phe nổi dậy đánh vào phủ tổng thống và tòa nhà chính phủ. Ngày 22-1, Tổng thống Hadi từ chức, chạy về quê nhà Aden và sau đó lưu vong sang Saudi Arabia.
Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS
Mọi việc trở nên phức tạp hơn nữa khi từ năm 2009, Yemen trở thành căn cứ quân sự cho các tay súng Al Qaeda. Sau khi các nhóm Hồi giáo Yemen và Saudi Arabia hợp nhất thành tổ chức Al Qaeda ở vịnh Ả Rập (AQAP), nhóm này đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu khủng bố Hồi giáo lớn nhất thế giới mà Mỹ cho là một trong các nhóm Al Qaeda nguy hiểm nhất. (Gia đình của Osama Bin Laden từng sống ở nam Yemen trước khi di cư sang Saudi Arabia).
Cuộc chiến của chính quyền Yemen chống lại AQAP đã được Mỹ tài trợ, với tổng cộng khoảng 500 triệu USD viện trợ quân sự được đưa đến Yemen qua các chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ năm 2009 đến nay, máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện ít nhất 100 cuộc tấn công vào các cứ điểm Al Qaeda ở Yemen (1).
Đặc biệt, tư tưởng của AQAP dựa trên tư tưởng của phái Hồi giáo Sunni nên cũng xung đột với phái Houthi. Houthi vì thế cũng là nhóm chiến đấu chống lại AQAP. Với quá nhiều nhóm phái đang kình chống nhau như thế: quân chính phủ, quân Houthi và AQAP, Yemen trở thành vùng đất của chủ nghĩa cực đoan.
Chiến trường của Iran và Saudi Arabia
Mặc dù phe Houthi luôn phủ nhận được Iran tài trợ, nhưng một thực tế là ngay sau khi Sanaa thất thủ, một trong các đại biểu Quốc hội Iran thân cận với giáo chủ Ali Khomenei đã vui mừng tuyên bố rằng “Sanaa là thủ đô thứ tư trong thế giới Ả Rập (sau Damask, Beirut và Baghdad) nằm trong tay Iran” (2).
Gần như cùng lúc, đại diện Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran Ali Shirazi cũng khẳng định: “Phái Houthi chẳng có gì khác Hezbollah. Họ chiến đấu chống lại kẻ thù Hồi giáo. Chúng tôi không chỉ ủng hộ họ mà cả các phong trào nhân dân ở Syria và Iraq”.
Yemen quan trọng với Iran còn bởi vị trí chiến lược của mình. Nằm ở mũi tây nam của vịnh Ả Rập, dọc tuyến đường vận chuyển biển nhộn nhịp từ Âu sang Á và ngược lại, mỗi ngày hàng triệu thùng dầu từ những nhà máy lọc dầu Saudi Arabia qua Yemen để đến các thị trường.
Đó cũng là nỗi lo của Saudi Arabia, nước trong một thời gian dài từng xem Yemen như sân sau. Không chỉ là nước giàu nhất khu vực, Saudi Arabia còn nắm trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, trong đó phần lớn dầu dự trữ nằm ở phía nam đất nước, gần biên giới với Yemen (dài 1.800km), dân cư chủ yếu là người Shia.
Mặc dù người Shia chiếm chưa tới 1/3 (ước tính 10-25% trong vương quốc Saudi Arabia có đa số dân theo phái Sunni – theo Wikipedia), nhưng trong hai năm 2011-2012 đã có những diễn biến “cơm không lành canh không ngọt” giữa hai phái Hồi giáo ở vương quốc dầu hỏa này. Những người Shia ở tỉnh phía đông Qatif đã dọa ly khai nếu quyền của người Shia tại đây không được tôn trọng và cải thiện tốt hơn.
Năm 2012, thủ lĩnh cuộc nổi dậy Nemer al Nemera bị bắt. Tháng 10-2014, Nemer al Nemera bị tuyên án tử hình, trong khi em trai ông ta bị bắt khi đưa tin về án tử này trên mạng xã hội.
Saudi Arabia lo sợ sẽ bị bao vây, từ phía bắc là các tay súng IS, từ phía nam là phe Shia được kiểm soát bởi đối thủ của Riyadh là Iran. Vì thế, nếu vùng phía đông bùng phát bạo lực và những người Shia ở đây trả đũa các cuộc trấn áp phe đối lập Nemer al Nemera, tình hình Saudi Arabia sẽ trở nên khó kiểm soát.
Bối cảnh tôn giáo, địa chính trị rối ren ở khu vực này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng Yemen chính là chiến trường của Iran và Saudi Arabia, mà kẻ được lợi nhất là IS trong khi người khó xử nhất là Mỹ! Hóa ra, Mỹ đang phải mang tiếng “tiêu chuẩn kép” (cáo buộc của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov) do đang đứng ở cả hai phía trong sự chia rẽ tôn giáo này (xem đồ họa).
Các liên minh ở trung đông
(*): Ở Syria, Mỹ đứng cùng phía với Iran chống lại nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS)
(**): Ở Iraq, Mỹ đứng cùng phía Iran trong cuộc chiến chống IS, ủng hộ chính quyền Baghdad với đa số là người Hồi giáo Shia
(***): Ở Yemen, Mỹ lại liên minh với Saudi Arabia chống lại phe nổi dậy Shia là Houthi. Còn đồng minh với Mỹ ở chiến trường Iraq và Syria là Iran thì lại đứng bên kia chiến tuyến, cùng phía với phe Hồi giáo Shia Houthi và lên án những cuộc không kích của liên minh Saudi Arabia với Mỹ.
Ngày 28-3, ngày thứ ba của cuộc không kích, cựu lãnh đạo Yemen Ali Abdullah Saleh đã kêu gọi hòa đàm và bầu cử dân chủ trong một tuyên bố 10 phút trên truyền hình.
Trước các đồn đoán rằng con trai trưởng của ông, cựu chỉ huy vệ binh quốc gia Ahmed, là ứng viên tiềm năng của ghế tổng thống Yemen tương lai, ông Saleh trấn an rằng không ai trong gia đình ông sẽ lên nắm quyền, nhưng mặt khác chính quyền tương lai cũng sẽ không có chỗ cho ông Hadi, dù Saudi Arabia và một số nước Ả Rập vẫn coi Hadi là tổng thống hợp pháp của Yemen.
Trong khi đó, từ nơi lưu vong Riyadh, ông Hadi đã gọi phái Houthi là “con rối của Iran”, thúc giục Saudi Arabia và các đồng minh “cứ tiếp tục đánh bom cho đến khi nào phái Houthi đầu hàng, rút khỏi các thành phố và giao nộp vũ khí” (3).
(1): www.nytimes.com/interactive/2015/03/26/world/middleeast/geography-of-chaos-in-yemen-maps.html
(2): lenta.ru/articles/2015/01/29/desert/
(3): www.nytimes.com/2015/03/29/world/middleeast/saudi-arabia-evacuates-diplomats-from-yemeni-city-as-houthi-advance-continues.html?_r=0
Tuổi trẻ
- Israel sẵn sàng tiêu diệt S-300 khi nó được sử dụng ở Syria
- Cú đánh vào Syria: Lầu năm góc tuyên bố tất cả các mục tiêu đều bị hủy diệt
- Trump: Nga phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và chịu trách nhiệm cho hành động của mình ở Crưm và Donbass
- Mỹ đặt Kremlin trước sự lựa chọn: hoặc là Hoa Kỳ hoặc Assad
- Mỹ gọi tuyên bố của Kremlin về việc không kích IS là "vớ vẩn".
- Cuộc chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: NATO không can thiệp, nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế
Trả lời