“Muốn phát tài chớ làm quan, đã làm quan mà có vợ con thân thích sống ở nước ngoài phải bị kiểm tra” dường như đã trở thành tiêu chí dùng người…
Kể từ khi “cơn bão” chống tham nhũng quét khắp các tỉnh thành Trung Quốc đến nay đã gây ra tình trạng thiếu hụt nhân tài chèo chống các địa phương, bộ ngành. Việc bổ nhiệm lãnh đạo cũng trở nên quan trọng và cấp bách không kém việc trừng trị tham quan hủ bại.
Kể từ kỳ họp lưỡng hội, cơ quan lập pháp – hội đồng nhân dân và cơ quan tư vấn hiệp thương chính trị – chính hiệp cấp tỉnh năm ngoái đến nay, theo thống kê của Đa Chiều chỉ tính riêng các vị trí Thường vụ tỉnh/thành ủy trực thuộc trung ương đã có hơn 30 vị trí thay đổi.
Ngoài ra có gần 40 vị trí tương đương cho đến giờ vẫn khuyết nhân sự vì các quan chức nắm giữ cương vị này bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng. Một số thì sắp đến tuổi nghỉ hưu. Tập Cận Bình sẽ đối phó với tình huống này ra sao để tránh rơi vào cảnh “tớ làm nhục mặt chủ, ngựa chết yểu trong chuồng”?
Đa Chiều cho rằng, có lúc tốc độ “tu bổ đê điều” không thể nào chạy kịp với tốc độ “lở đê”, tỉnh Sơn Tây là một ví dụ sống động trong chiến dịch chống tham nhũng, hủ bại. Sau cơn lốc chống tham nhũng quét qua năm ngoái, toàn bộ ban lãnh đạo tỉnh Sơn Tây chỉ còn lại mấy người.
Trong kỳ họp lưỡng hội trung ương tại Bắc Kinh tháng trước, Vương Nho Lâm, tân Bí thư Sơn Tây đã “khoe” với báo chí về công tác cán bộ trong việc lựa chọn 1 Bí thư huyện ủy: “Ban Tổ chức tỉnh ủy trực tiếp gặp 622 cán bộ địa phương này để hình thành danh sách từ cơ sở.
Những cán bộ cấp phó được cho là có uy tín thì chỉ trong nửa tháng cũng bị phát hiện liên quan đến tham nhũng. 1 người tự ứng cử, bỏ phiếu ở cơ sở không vấn đề gì và được nhiều người giới thiệu, kết quả chỉ 1 tháng sau cũng rụng nốt!”
Vương Nho Lâm mới nói chưa ráo miệng, quả nhiên thành phố Lã Lương và Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn Tây đã thay lãnh đạo mới. Mặc dù tốc độ thay thế cán bộ của ông Lâm nhanh như vậy, nhưng cho đến nay Sơn Tây vẫn còn 3 thành phố trực thuộc đang bỏ trống ghế Bí thư là Đại Đồng, Vận Thành và Hãn Châu.
Ngoài ra 10 huyện vẫn khuyết vị trí Bí thư và Chủ tịch huyện. Trong số 23 vị trí lãnh đạo đang khuyết ở Sơn Tây hiện nay, có 15 vị trí do lãnh đạo bị bắt vì tham nhũng, 8 vị trí khuyết do điều động nhân sự lấp vào các vị trí khác cũng khuyết do tham nhũng.
Câu chuyện thiếu hụt cán bộ lãnh đạo sau “cơn lốc” chống tham nhũng không chỉ riêng của Sơn Tây. Các tỉnh Giang Tây, Hải Nam cũng gặp tình trạng tương tự. Theo thống kê của Đa Chiều, tính đến nay có 10 tỉnh thành trực thuộc trung ương vẫn khuyết 1 vị trí lãnh đạo do tham nhũng, 2 tỉnh khuyết 2 ghế và Hải Nam, Giang Tây thì khuyết 3 ghế.
Đây toàn là những vị trí chủ chốt, nằm trong Thường vụ tỉnh/thành ủy, tổng cộng 21 người. Ngoài ra còn có 17 quan chức cấp tỉnh/thành/bộ/ngành trực thuộc trung ương sinh trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến tháng 6/1955 đã đến tuổi nghỉ hưu còn chưa có người thay thế. 38 vị trí này mới là Thường vụ tỉnh/thành ủy, còn chưa tính đến vị trí lãnh đạo là cấp phó của Hội đồng nhân dân, Chính hiệp.
Dư luận Trung Quốc ví von, “Vương Kỳ Sơn khai đao, Triệu Lạc Tế lao đao”. Ông Sơn là người phụ trách, đốc thúc chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn chưa từng có của Trung Quốc khiến ông Tế, Trưởng ban Tổ chức Trung ương xoay như chong chóng.
Đa Chiều cho rằng đấy không phải câu nói đùa cho vui khi chỉ trong 1 tháng gần đây, danh sách bãi miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ của Ban Tổ chức trung ương liên tục thay đổi, số liệu thay đổi gần nhất là ngày 11/4. Ngày này, Chúc Liệt Khắc – Bí thư tỉnh Thiểm Tây kiêm nhiệm Bí thư Chính pháp tỉnh, Vương Ngọc Cương – Thường vụ thành ủy Trùng Khánh thay Từ Hải Vinh kiêm nhiệm Bí thư khu ủy Vạn Châu…
Đa Chiều bình luận, vô hình chung “định luật Tô Xước” đang có xu hướng quay trở lại quan trường Trung Quốc. “Định luật Tô Xước” là chuyện thời Nam Bắc Triều, Vũ Văn Thái người lập ra cơ nghiệp nhà Bắc Chu hỏi mưu thần Tô Xước về đạo trị quốc. Vũ Văn Thái hỏi: “Lấy gì trị quốc?”, Tô Xước trả lời: “Dùng quan”. Thái hỏi tiếp, dùng quan thế nào, Xước đáp: “Dùng tham quan, chống tham quan”. Tập Cận Bình lấy gì để bình thiên hạ?
Chống tham nhũng “một cách vừa phải” có lợi ích rất lớn với người cầm quyền, chống tham nhũng chẳng qua là cái cớ và công cụ để chỉnh – trị những thuộc cấp không biết nghe lời, Đa Chiều bình luận.
Tờ báo này cho rằng, đó là lý do tại sao Triệu Khuông Dẫn – Thái tổ nhà Tống sau khi giành được thiên hạ thì cho thuộc cấp quan cao lộc hậu, vơ vét tiền tài. Người được thiên hạ khen là minh quân như Càn Long cũng cần Hòa Thân, mắt nhắm mắt mở trước hành vi tham nhũng của vị đại thần này.
Bàn về thuật dùng người của Tập Cận Bình, ngày 8/4 tờ Nhân Dân nhật báo có một bài khá dài do chính Tổng biên tập Dương Chấn Vũ đứng tên. Bài xã luận viết về câu chuyện dùng cán bộ với tựa đề: “Nghe gióng trống, biết tướng tài”. Trong bài xã luận này, Nhân Dân nhật báo nói cán bộ vừa phải biết làm việc, vừa phải biết “làm sạch”, vừa phải thanh liêm, lại vừa phải cần mẫn.
Còn bản thân ông Tập Cận Bình trong những lần phát biểu công khai về công tác cán bộ chỉ nói đơn giản: đức tài đầy đủ, không dập khuôn máy móc. Trong việc dùng người, Tập Cận bình yêu cầu kiên quyết không làm một cách đơn giản, chọn cán bộ bằng lá phiếu, phải dám dùng cán bộ trẻ, dám xông pha, có thành tích thực tế, trụ vững trước khó khăn thử thách, thanh liêm chính trực.
Đầu năm 2015 Tập Cận Bình huy động toàn bộ Bí thư huyện/khu ủy của 2800 địa phương về Trường Đảng trung ương để huấn thị. Ông cũng đích thân tham dự hội nghị của Ban Chính pháp trung ương và chỉ trích gay gắt quan chức tòa án, viện kiểm sát Thượng Hải mua dâm tập thể.
Đa Chiều kết luận, sau cơn bão chống tham nhũng, diện mạo quan trường Trung Quốc dường như rối loạn, nhân tài thiếu hụt nghiêm trọng nên việc dùng người của Tập Cận Bình khó tránh kiểu “ngũ hồ tứ hải”. Những tiêu chí về lý lịch, chuyên môn, dân tộc, giới tính không còn quan trọng nhiều, thậm chí bị phá vỡ.
“Muốn phát tài chớ làm quan, đã làm quan mà có vợ con thân thích sống ở nước ngoài phải bị kiểm tra” dường như đã trở thành tiêu chí dùng người của Tập Cận Bình hiện nay.
(GDVN)
Trả lời