Ngày 25/12/1991, Mikhail Gorbachev đã tuyên bố chấm dứt hoạt động của mình trên cương vị Tổng thống Liên bang Xô viết “vì những suy nghĩ mang tính nguyên tắc”. Và từ ngày 26/12/1991, tất cả các cơ quan quyền lực của Liên Xô đã thôi tồn tại như một thực thể mang tính luật pháp quốc tế.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và các nước Đông Âu là sự sụp đổ của các nhà nước cộng sản theo kiểu Liên Xô ở Đông Âu.
Những sự kiện này bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989 và tiếp tục ở Hungary, Đông Đức, Bungary, Tiệp Khắc, Romania. Một tính năng phổ biến cho hầu hết các sự phát triển này là việc sử dụng rộng rãi các chiến dịch của lực lượng đối lập chống lại chế độ độc đảng và góp phần gây áp lực với sự thay đổi . Romania là nước Đông Âu duy nhất lật đổ chế độ Cộng sản của mình bằng bạo lực.
Việc Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991 dẫn đến kết quả là Nga và 14 quốc gia tuyên bố độc lập của khỏi LiênXô: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, George, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina và Uzbekistan.
Người góp phần làm sụp đổ Liên Xô là Tổng Bí thư Liên bang Xô Viết và sau này là Tổng thống Liên bang Xô Viết Mikhain Gorbachev. Theo các nhà phân tích bản thân ông ta cũng là người yêu nước nhưng công cuộc cải tổ của ông giống như “đập tan ngôi nhà trong khi chưa có chỗ ở”.
Các nhà sử học luôn tỏ vẻ coi thường những người qui giản những hiện tượng phức tạp vào những nguyên nhân đơn lẻ. Liên Xô sụp đổ không phải vì có một anh hùng cụ thể nào, nhưng nếu tôi phải chọn một người có vai trò to lớn nhất thì đấy không phải là Reagan, chính sách của ông ta nói chung vẫn đi theo đường lối ngăn chặn truyền thống của Chiến tranh Lạnh mà các Tổng thống từ Truman đến Carter đã làm.
Thay vào đó kẻ đã làm đảo lộn lịch sử là Mikhail Gorbachev, một người đã trải qua tất cả các nấc thang thăng tiến của Đảng Cộng sản Liên Xô rồi bỗng nhiên quay hẳn sang hướng khác để trở thành nhà cải cách cấp tiến, rõ ràng là người có vai trò quan trọng hơn.
Bị tác động bởi thời kì “tan băng” ngắn ngủi do Khrushchev khởi xướng hồi những năm 1950, trước khi Reagan được bầu làm Tổng thống, Gorbachev đã nhận ra rằng Liên Xô là một hệ thống trì trệ, cần phải cải tổ gấp.
Gorbachev cũng đã làm một việc đáng gọi là dị giáo khi ông từ bỏ mục tiêu cách mạng thế giới và cuộc đấu tranh giai cấp trên bình diện quốc tế và chấp nhận “các giá trị nhân bản chung của loài người”. Nhưng quan trọng hơn là ông đã từ chối sử dụng lực lượng vũ trang hùng hậu có trong tay nhằm giữ cho Đảng quyền kiểm soát các nước Đông Âu, cũng như kiểm soát các nước cộng hoà có xu hướng dân tộc chủ nghĩa ngay trong lòng Liên Xô, điều mà những người tiền nhiệm của ông là Yuri Andropov và Konstantin Chernenko, nếu họ chưa kịp đi về thế giới bên kia, chắc chắn sẽ làm.
Nhưng cũng chẳng nên qui tất cả công trạng cho một mình Gorbachev. Liên Xô tan rã chủ yếu là do các nguyên nhân bên trong chứ không phải bên ngoài. Trong một bài báo viết vào năm 1947 trên tờ Foreign Affairs, George F. Kennan cho rằng “siêu cường Liên Xô cũng như chủ nghĩa tư bản đều mang trong lòng nó mầm mống của sự tan rã, nhưng mầm mống ở Liên Xô sẽ lớn nhanh hơn”. Đầu những năm 1950, mặc cho những lo lắng về các vụ thử hạt nhân của Liên Xô, mặc cho chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc và sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa McCarthy, James B. Conant, Hiệu trưởng Đại học Harvard (Harvard University President) đã tiên đoán rằng khoảng năm 1980 “sự phi lí và hệ thống tĩnh tại của Liên Xô sẽ làm cho nó ngừng hẳn”. Kể ra ông cũng không sai nhiều lắm.
Năm 1989, nhân dân Đông Âu đã nhận thức được rằng họ phải tự đứng lên giành lấy quyền tự do. Người ta phải mang mạng sống của mình ra để kiểm tra giới hạn của học thuyết mới của Gorbachev (các nước cộng sản khác có thể “đi theo con đường của mình”) và đã phát hiện ra rằng học thuyết của Gorbachev đã hoàn toàn thay thế cho lí luận của Brezhnev, tức là cái lí luận biện hộ cho việc đưa quân can thiệp, không cho các nước đào thoát khỏi “cộng đồng xã hội chủ nghĩa”. Những người tuần hành ở thành phố Leipzig vào tháng 10 năm đó không thể nào biết được họ có tránh khỏi số phận của những người biểu tình ở Thiên An Môn mấy tháng trước đó hay không. Nhiều nhà lãnh đạo Đông Đức lúc đó sẵn sàng làm theo các đồng chí Trung Quốc!
Gorbachev còn nhận ra sự phi lí của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Đến giữa những năm 1980 các siêu cường đã sở hữu tổng cộng hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân. Ông hiểu rằng có thể đưa ra những đề nghị hấp dẫn để khởi đầu đàm phán về hạn chế vũ khí, cho phép thực hiện việc giám sát tại chỗ hay trao đổi về tên lửa tầm trung mà không ảnh hưởng đến vũ khí đánh chặn chiến lược của Liên Xô.
Như vậy là cuộc chạy đua vũ trang trong những năm 1980 không làm cho Liên Xô sụp đổ. Nền kinh tế Liên Xô, vì nhiều lí do khác nhau, đã bị thối rữa ngay từ bên trong. Những ưu tiên sai lầm của Điện Kremlin – giữ một bộ máy quân sự khổng lồ trong khi nền kinh tế và đời sống nhân dân thua xa phương Tây – là một tác nhân làm cho đế chế Liên Xô tan rã. Nhưng những ưu tiên như thế đã diễn ra hàng chục năm rồi. Bước ngoặt diễn ra không phải dưới thời Reagan mà là do những ý muốn điên rồ của Stalin ngay sau Chiến tranh Thế giới II. Mặc dù đất nước còn bị tàn phá ngổn ngang, lãnh tụ quyết định xây dựng kho vũ khí hạt nhân và giành danh hiệu siêu cường. Từ đó trở đi lực lượng vũ trang luôn luôn nhận được những thứ tốt nhất và đã làm biến dạng nền kinh tế.
Việc chú mục vào quân sự còn làm cho người ta đánh giá sai vai trò của quyền lực “mềm” trong việc lật nhào nhà nước Xôviết. Hàng ngàn tỉ dollar mà phương Tây chi cho vũ khí và chiến lược ngăn chặn cuối cùng lại hoá ra không quan trọng bằng lối sống phương Tây, tức là lĩnh vực chẳng có liên quan gì đến chính sách quốc gia – nhạc, phim ảnh, thời trang (quần bò xanh), hàng tiêu dùng, “Coca-Cola hoá” – và một tương lai tự do hơn, giầu có hơn, no đủ hơn. Lối sống phương Tây, nhờ đài phát thanh, TV, Hollywood, văn học samizdat, máy fax v.v… bắt đầu thâm nhập vào thế giới cộng sản, tạo ra một trường hấp dẫn mới. Tôi không bao giờ quên sự háo hức của các thanh niên Nga khi họ giở tờ tạp chí Time mà tôi mang theo trong chuyến đi đến đó vào những năm 1980, tôi cũng không thể quên hình ảnh người dân Moskva ăn bánh Big Mac trong cửa hàng McDonald đầu tiên mở tại quảng trường Pushkin.
Xin hãy hỏi ngay Pavel Palazchenko, một phiên dịch viên hói đầu và có ria mép, ngồi cạnh Reagan và Gorbachev mỗi khi họ gặp nhau. Trong những năm 1960 ông học ở một trường đại học ngoại ngữ danh tiếng ở Moskva. Sau này ông viết trong cuốn hồi kí xuất bản hồi năm 1997, cuốn hồi kí rất hay nhưng ít được chú ý, rằng “hệ tư tưởng ngu xuẩn đến mức không làm cho người ta cười được”. Để giải trí, ông cùng bạn bè góp tiền mua rượu và mời các bạn gái uống say (lúc đó rượu còn rẻ). “Và chúng tôi nghe Beatles”, ông nói.
“Chúng tôi thuộc những bài hát đó… Tôi có giọng thế này phần lớn là nhờ Beatles chứ không phải thày giáo dạy phát âm đâu. Nhưng tôi và những người bạn đồng trang lứa của mình còn nợ họ một vài thứ nữa. Trong những năm đen tối dưới thới Brezhnev (1964-1982) họ không chỉ là nhạc giải trí. Họ đã giúp chúng tôi tạo ra thế giới của riêng mình, một thế giới khác hẳn với thế giới chán phèo và vô nghĩa của những nghi lễ càng ngày càng giống thời Stalin hơn… Tôi tin rằng thời đó ít người trong chúng tôi tìm được hứng khởi nhờ các tác phẩm của Andrei Sakharov (một nhà vật lí và bất đồng chính kiến nổi tiếng) vì chúng tôi chưa đủ sức hiểu được tư tưởng của ông. Beatles đã giúp chúng tôi lặng lẽ chia tay ‘hệ thống’, trong khi vẫn thực hiện phần lớn các yêu cầu của nó.”
Không phải tất cả các nhà lãnh đạo Liên Xô đều nhận ra những ảnh hưởng có tính cách phá hoại như thế. Tháng 12 năm 1980, một tháng sau khi Reagan được bầu làm Tổng thống, Andropov, người đứng đầu KGB lúc ấy đã gửi cho Ban Chấp hành Trung ương một báo cáo mật. Đấy không phải là báo cáo về cuộc bầu cử mà là báo cáo về vụ sát hại John Lennon. Andropov nói rằng “Trong nhiều trường đại học ở Moskva đã xuất hiện những tờ rơi kêu gọi tổ chức diễu hành tưởng niệm cựu thành viên Beatles”. “KGB đã thi hành những biện pháp cần thiết nhằm xác định danh tính những kẻ tổ chức vụ tụ tập và vẫn kiểm soát được tình hình”, ông ta hứa với lãnh đạo Đảng như thế.
Nhưng hoá ta KGB không kiểm soát được tình hình. Cuối những năm 1980 các sân khấu rock bí mật bắt đầu xuất hiện trên mảnh đất của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Sau khi toàn bộ ngôi nhà xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, những nhân vật đối lập cũ trong khối Warszawa, như Vaclav Havel đã chào đón (và đôi khi dựng tượng) cho những người như Frank Zappa, Pink Floyd, Lou Reed và James Dean.
Reagan đã xô những bức tượng vốn đã rung rinh của Marx và Lenin, nhưng có lẽ ông không đóng vai trò chính, ông chỉ có vai trò phụ trợ. Vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì một cách chắn chắn. Việc ca ngợi quá đáng vai trò của Reagan trong vụ đạp đổ con rồng Liên Xô nói về ông thì ít mà nói về chúng ta thì nhiều. Hỗn hợp tình cảm, tâm trạng hân hoan sau Chiến tranh Lạnh, quá nhiều thông tin về sự kiện chỉ chứng tỏ thói quen coi thường sự phức tạp của thế giới, thói quen đưa các vấn đề thế giới vào các sơ đồ đơn giản, đấy cũng là một thói quen nguy hiểm của người Mĩ chúng ta.
Ông Yegor Ligachev, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũ, một trong những nhân vật hàng đầu đã khởi xướng công cuộc cải tổ (perestroika), có buổi trò chuyện với bảo Pravda, tóm tắt nội dung thế này
“Mùa xuân năm 1985 khi Bộ chính trị LX khởi xướng ra công cuộc cải tổ họ không thể hình dung ra chỉ sau 6 năm đã sụp đổ hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân làm công cuộc cải tổ bị phá sản là do vụ nổ của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Vụ nổ này làm chi phí giải quyết hậu quả vô cùng lớn. Nhưng Liên xô đã tìm ra đủ nguồn lực để hoàn thành mọi chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Vì thế Ông Yegor Ligachev không cho rằng Chernobyl đã làm suy sụp nền kinh tế Liên Xô. Sự suy thoái kinh tế đã chỉ bắt đầu vào năm 1989 và đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong những năm 1990 – 1991. Khi đó thì lại do những yếu tố khác gây nên.
Việc phá hủy khởi nguồn kế hoạch trong nền kinh tế. Đã có động thái chuyển toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia khổng lồ sang cơ chế thị trường khi mà không hề có bất cứ một sự chuẩn bị trước nào.
Cuối năm 1987, Bộ Chính trị đã thảo luận kế hoạch cho năm 1988. Quyết định cho phép các nhà máy bán một phần nhất định các sản phẩm của mình theo giá tự do. Phần còn lại phải bán theo giá nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng đưa ra đề nghị: để bắt đầu hãy cho bán theo giá tự do 5% lượng sản phẩm. Thế nhưng, Gorbachev và đặc biệt là Yakovlev (Aleksandr Yakovlev, lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng) và Medvedev (Vadim Medvedev, cũng là Bí thư Trung ương) đã phản đối kịch liệt. Họ bảo, cho bán ngay 30 – 40% chứ việc gì phải chờ đợi? Họ bảo, cần phải chuyển ngay sang cơ chế thị trường, đó là phát tài, đó là tiến bộ!
Thế nhưng, rốt cục lại là rối loạn, hỗn độn, suy giảm và tan vỡ nền kinh tế và quốc gia nói chung. Vì sao các thợ mỏ lại bắt đầu bãi công khi đó? Vì mọi thứ cần thiết cho sản xuất như dây chuyền, máy xúc… họ đều phải mua theo giá tự do. Rất đắt! Còn sản phẩm làm ra thì họ lại phải bán theo giá thấp như cũ. Và thế là họ bị lỗ, lương bị giảm. Điều này tác động rất mạnh tới thợ mỏ và họ tràn vào trung tâm Moskva phản đối.
Làm suy giảm nền kinh tế theo kế hoạch – đó mới chỉ là cú đánh đầu tiên. Cú đánh thứ hai – phá hủy một cách thô bạo mối tương quan giữa năng suất lao động với tiền lương, làm suy giảm thị trường hàng tiêu dùng. Trong những năm 1989 – 1990, mức lương đã tăng khoảng từ 8 tới 12%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng từ 2 tới 4%. Hiển hiện rõ sự không tương xứng giữa lượng tiền và lượng hàng hóa.
Cuối năm 1988, tôi tới gặp Gorbachev: “Xin chúc mừng năm mới! Nhưng đồng chí có hiểu không, đang có tới 40 tỉ rúp phải thanh toán!”. Ông ấy im lặng một hồi: “Phải, thực là tai họa!”. Thế nhưng, sang năm 1990 đã có tới 100 tỉ rúp không thể thanh toán được. Năm 1991 – con số này lên tới gần 200 tỉ. Dù rằng trước kia, mức chênh lệch tối đa giữa hàng hóa và tiền tệ chỉ tối đa là ở mức 10 tỉ! Các cửa hàng sạch nhẵn như chùi. Mọi sự đều bị vô tổ chức. Bắt đầu từ sự rối loạn của thị trường hàng tiêu dùng, rồi trong lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là cả trong quản lý nhà nước. Đấy, chính từ lúc đấy chứ không phải do ảnh hưởng của Chernobyl mà bắt đầu quá trình tự hủy của nền kinh tế Liên bang Xô viết.
Đến đầu những năm 80 Liên Xô đã là một người khổng lồ trên trường quốc tế. Nhưng cũng chính vào thời điểm này nền kinh tế Xô Viết đã nhiễm 2 loại virus chết người. Loại virus thứ nhất chính là luật Jackson-Vanik (của Mỹ) năm 1974 hạn chế thương mại, trước hết là các mặt hàng lưỡng dụng và các sản phẩm công nghệ cao.
Về lý do công khai, bộ luật này được áp dụng chống lại các nước gây khó khăn cho sự di cư của công dân nước mình – cụ thể đối với Liên Xô thì đó là việc nước này ngăn trở người Do thái xuất cảnh hoặc đi định cư ở nước khác. Dĩ nhiên, đây chỉ là cái cớ.
Trước đó, ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh năm 1949 Mỹ đã đưa ra sáng kiến cùng các nước Phương Tây thành lập Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu (Coordinating Committee for Multilateral Export-CCMEC), có nhiệm vụ hạn chế các giao dịch buôn bán với Liên Xô. Đây chính là một cuộc chiến tranh thương mại công khai.
CCME với thành phần gần như tất cả các nước NATO, thường xuyên lập và chốt danh mục các công nghệ và sản phẩm “chiến lược” cấm xuất khẩu vào các nước “Khối phía đông” đồng thời kiểm soát việc thực hiện các lệnh cấm này.
Trong những năm 70, trong bối cảnh Liên Xô đạt được sự tăng trưởng đáng kể tiềm lực kinh tế và quân sự (Phương Tây đang bị khủng hoảng liên quan đến tăng giá dầu mỏ), các danh mục cấm của CCMEC luôn được bổ sung thêm, và việc thực hiện lệnh cấm được kiểm soát nghiêm ngặt.
Hậu quả của chính sách này đối với Liên Xô là các ngành kinh tế “phi quân sự” của nước này chỉ nhập khẩu được từ Phương Tây các trang thiết bị và công nghệ “hạng hai”. Và đây là một nguyên nhân rất quan trọng làm cho các ngành công nghiệp “hòa bình” Xô Viết ngày càng tụt hậu về công nghệ.
Loại virus chết người thứ hai chính do nền kinh tế Xô Viết gây ra và tự viêm nhiễm. Vấn đề là ở chỗ, ngoài nguyên tắc “đầu tư những gì còn lại” cho lĩnh vực dân sự của nền kinh tế, giới lãnh đạo Liên Xô cũng đồng ý với các tổ hợp nghiệp quốc phòng không áp dụng các công nghệ công nghiệp quốc phòng cho lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Trong khi đó Phương Tây rất chú trọng kết nối các Tổ hợp công nghiệp quốc phòng với các ngành sản xuất hàng dân dụng: những phát minh trong lĩnh vực này ngay lập tức được ngành khác ứng dụng và thành quả thường là luôn xuất hiện những công nghệ và mặt hàng mới từ sự kết nối như vậy.
Liên Xô đã không làm như thế và hậu quả là: do không có đủ nguồn lực để tự phát triển công nghệ (trong đó có cả việc đầu tư cho các công tác nghiên cứu khoa học và công tác nghiên cứu khoa học – thiết kế – thử nghiệm) các ngành kinh tế dân dụng của Liên Xô buộc phải hoặc là sao chép công nghệ Phương Tây hoặc là mua trang thiết bị của Phương Tây.
Mà như đã nói ở trên, việc nhập khẩu trang thiết bị cũng như bị điều chỉnh rất chặt chẽ bởi CCME và luật Jackson-Vanik.
Vì lý do đó mà khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu Liên Xô (trừ nguyên liệu, sản phẩm quân sự và một số sản phẩm công nghệ cao khác như một số máy móc và máy công cụ) bắt đầu sụt giảm.
Và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Liên Xô không chỉ sụt giảm trên thị trường “tư bản”, mà ngay cả trên thị trường các nước “anh em” trong khối SEV. Liên Xô dần dần thua thế giới tư bản trong cuộc cạnh trạnh thương mại toàn cầu.
Trong những năm 50, 80% thu nhập từ ngoại thương của Liên Xô là từ các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó 55% là với các nước thành viên khối SEV. Đến “triều đại” Khrushov, nền kinh tế Xô Viết có hai đặc điểm nổi bật: một mặt – đó là mối quan hệ thương mại với các nước Phương Tây mà trước hết là Mỹ được tăng cường. Mặt khác – đây cũng chính là thời kỳ mà nền nông nghiệp Xô Viết bắt đầu xu hướng đi xuống, trước hết là trong sản xuất ngũ cốc – dẫn tới tình trạng thiếu lương thực tại Liên Xô.
Liên Xô đã không thể giải quyết được tình trạng này cho đến tận khi sụp đổ và giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải nhập khẩu một số lượng lớn ngũ cốc, và sau đó là các mặt hàng lương thực thực phẩm khác (Nga hiện nay cũng vậy).
Tháng 6/1982, Tổng thống R.Rigan công bố quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tất cả các công ty và các nước sử dụng giấy phép sản xuất cũng như trang thiết bị, máy móc và vật liệu được sản xuất có ứng dụng công nghệ Mỹ nếu hợp tác với Liên Xô.
Quyết định này của Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Châu Âu, nhưng lần này ít có nước nào dám chống lại. Và không lâu sau đó các dự án công nghiệp Xô Viết (trước hết là dự án đường dẫn khí đốt) đối mặt với nguy cơ Phương Tây cắt giảm cung cấp các mặt hàng công nghệ cao đã được thỏa thuận từ trước.
Nếu như vào cuối những năm 70 tỷ lệ hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Mỹ vào Liên Xô vượt 30%, thì đến năm 1982, tỷ lệ này chỉ còn 7%. Xu hướng như vậy cũng bắt đầu xuất hiện trong quan hệ kinh tế với Châu Âu.
Một cuộc chiến tranh thương mại- công nghệ cao quy mô lớn giữa Mỹ và Liên Xô lại bắt đầu. Giới lãnh đạo Liên Xô cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp đáp trả như: mua các mẫu trang thiết bị và công nghệ cần thiết qua “các nước thứ ba”, sử dụng gián điệp công nghiệp để thu thập các thông tin công nghệ.
Các nhà khoa học Xô Viết bắt đầu tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học bí mật, dựa vào các mẫu và tài liệu công nghệ thu thập được tiến hành nghiên cứu nhanh chóng để chế tạo các loại trang thiết bị của Liên Xô có tính năng tương tự như các trang thiết bị- máy móc vật liệu của Phương Tây.
Mỹ đáp trả bằng cách tiến hành một chiến dịch cung cấp các thông tin giả bằng nhiều phương thức khác nhau mà đỉnh điểm chính là cho công bố “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) hay còn được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” vào đầu năm 1983.
Mục đích của chương trình nói trên – theo các tuyên bố công khai là: thiết kế một hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn diện bố trí cả trên vũ trụ để có thể vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa-hạt nhân của Liên Xô. Chương trình này, có thể nói ngay là hoang đường vào thời điểm đó: những phương hướng cơ bản của nó nếu như có thể thực hiện được về mặt nguyên tắc công nghệ thì cũng còn phải trong một tương lai rất xa nữa.
Tuy nhiên, Liên Xô đã tỏ ra cực kỳ quan ngại trước chương trình này của Mỹ. Giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải cắt giảm các khoản đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế để dành một nguồn lực rất lớn về tài chính, vật liệu, khoa học và công nghệ để tìm “biện pháp đáp trả cuộc chiến tranh giữa các vì sao”.
Đòn tiếp theo của Mỹ giáng vào Liên Xô là trong lĩnh vực tiền tệ. Các khoản thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô đều từ thị trường dầu mỏ, nơi mà mọi giao dịch thanh toán đều được thực hiện bằng đồng đôla Mỹ. Từ mùa thu năm 1984, trong vòng một năm Mỹ đã phá giá đồng đôla tới 25%.
Từ thời gian đó, Liên Xô nhận được từ xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng đôla đã giảm giá tới 1/4 và vẫn nhập khẩu hàng tiêu dùng và trang thiết bị từ Châu Âu bằng các đồng tiền đang lên giá của các nước này. Thặng dư thương mại Liên Xô ngày càng giảm.
Chính vào thời điểm “nhạy cảm” này Casey và “các đồng nghiệp” tiến hành “vòng thuyết phục” tiếp theo nhằm thuyết phục lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất trên thế giới là kinh tế Xô Viết trước sau “sẽ sụp đổ” và việc cấp cho Liên Xô các khoản tín dụng dài hạn mới- là một quyết định chứa đựng nhiều rủi ro không thể biện minh được.
Tháng 3/1985, M.Gorbachev giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 4/1985, Hội nghị Trung ương ĐCS Liên Xô họp và đưa ra các mục tiêu của chiến lược “cải tổ”. Nguyên nhân dẫn đến việc giới lãnh đạo Xô Viết đồng ý thay đổi là những khó khăn kinh tế mà Liên Xô đang phải đối mặt.
Việc quá tập trung các nguồn lực chủ yếu để đối đầu với Mỹ đã làm tổn hại nặng cho nền kinh tế: Liên Xô phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu ngũ cốc, bơ và thịt bắt đầu phải cấp theo tem phiếu, giá các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng.
Nhưng điều quan trọng nhất – khoảng cách tụt hậu công nghệ so với Phương Tây ngày càng tăng. Lại cũng chính vào thời điểm này, Mỹ đã thành công trong việc gây sức ép với Saudi Arabia để đánh sụp “chỗ dựa” của nền kinh tế Xô Viết. Mùa hè năm 1985, Saudi Arabia đã mở kho dự trữ dầu và tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.
Đến cuối năm 1985, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia tăng từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày – giá dầu trên thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 đôla/thùng. Chỉ riêng thiệt hại do giá dầu giảm của Liên Xô trong những tháng đó đã là hơn 10 tỷ đôla.
Lại cũng trong khoảng thời gian này Liên Xô mất gần 2 tỷ đôla tiền xuất khẩu vũ khí –lý do: Iran, Iraq và Lybia do khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu bị suy giảm đột ngột nên đã không thể thanh toán khoản tiền nhập khẩu vũ khí cho Liên Xô.
Người dân Liên Xô đã bắt đầu không thể mua được một số mặt hàng Phương Tây (lương thực – thực phẩm, chi tiết máy, hàng tiêu dùng) vì giá quá cao. Mùa hè năm 1986, Liên Xô đã phải tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ lên 5 lần nhưng cũng chỉ mua được một khối lượng trang thiết bị của Tây Đức như cách đó một năm trước.
Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990, trong khi tổng thu ngân sách hơn 400 tỷ rúp một chút). Thực tế đó buộc chính phủ lại phải tìm các khoản vay mới từ bên ngoài. Đây là thời điểm Liên Xô đã rơi vào cái “bẫy lương thực”.
Nước này ngập sâu vào nợ nần để trả các khoản nhập khẩu lương thực nhưng cũng không đủ thỏa mãn hoàn toàn các nhu cầu trong nước. Các quầy hàng trồng rỗng đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.
Vì bị cấm vận, những chiến lược phát triển kinh tế bảo thủ không linh hoạt chủ yếu dựa vào tài nguyên, những chương trình tốn kém trong cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây khiến Liên xô kiệt quệ về kinh tế cộng với những yếu tố về địa chính trị trên thế giới và ngay bản thân trong đất nước Liên Bang đã làm sụp đổ Liên xô. Sự sụp đổ của Liên xô là cơn địa chính trị tồi tệ nhất trong thế kỷ hai mươi. Sự sụp đổ của Liên xô kéo theo những vùng đất đóng băng trong những cuộc xung đột và chưa ai biết thời điểm những vùng này sẽ tan băng trừ khi Liên hợp quốc công nhận họ là những quốc gia độc lập hoặc Nga sẽ sáp nhập hoặc Nga ngừng can thiệp và hai vùng ly khai đang kiểm soát tại miền Đông Ukraina cũng nằm trong tình trạng đó.
Dương Chuyên (tổng hợp)
Trả lời