Chính sách mới để giải cứu Ukraine

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga sau khi nước này can thiệp vào Ukraine đã phát huy tác dụng nhanh và gây nhiều thiệt hại hơn cho nền kinh tế Nga so với dự đoán. Các biện pháp trừng phạt này có mục đích ngăn các ngân hàng và công ty Nga tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Thiệt hại đối với Nga tăng lên chủ yếu là do giá dầu giảm mạnh, nếu không thì các biện pháp trừng phạt kể trên sẽ kém hiệu quả hơn nhiều. Nga cần giá dầu duy trì quanh mức 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách. (Giá dầu hiện nay đang ở mức 55 USD/thùng.) Giá dầu giảm cộng thêm các biện pháp trừng phạt đã đẩy Nga vào một cuộc khủng hoảng tài chính mà phần nào đó tương tự như cuộc khủng hoảng năm 1998.

Năm 1998, Nga lâm vào tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại tệ trầm trọng và vỡ nợ, gây hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Khi đó đồng rúp trượt giá hơn 50%, lạm phát leo thang, lãi suất tăng đến mức đẩy nền kinh tế Nga lâm vào suy thoái. Lợi thế lớn của Nga hiện nay so với năm 1998 là nó vẫn có dự trữ ngoại tệ đáng kể. Điều này cho phép Ngân hàng Trung ương Nga làm một cú lội ngược dòng nâng 30% giá trị đồng rúp bằng cách chi khoảng 100 tỉ USD và dàn xếp một thỏa thuận hoán đổi nợ trị giá 24 tỉ USD với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Nhưng chỉ có khoảng 200 tỉ USD dự trữ còn lại là khả dụng và cuộc khủng hoảng vẫn đang manh nha.

Bên cạnh tình hình tháo chạy vốn (capital flight) tiếp diễn, hơn 120 tỉ USD nợ nước ngoài của Nga cũng sắp đến kỳ đáo hạn trong năm 2015. Nhưng khác với hồi năm 1998, phần lớn khoản nợ của Nga nằm ở khu vực tư nhân, và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu trước khi số nợ này đáo hạn, cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc với việc Nga vỡ nợ. Viễn cảnh ấy sẽ đi xa hơn nhiều những gì mà Mỹ và châu Âu mong đợi. Trong bối cảnh áp lực giảm phát đang trở nên cực kỳ cấp bách ở khu vực đồng euro cộng thêm các cuộc xung đột quân sự gia tăng, chẳng hạn như với ISIS, việc Nga vỡ nợ sẽ gây biến động đáng kể trong hệ thống tài chính toàn cầu, khi đó tương lai của khu vực đồng euro sẽ trở nên vô cùng mong manh.

Vì vậy, việc tái định hướng những chính sách hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và Ukraine là vô cùng bức thiết. Tôi đã lập luận về một cách tiếp cận theo hai hướng giúp cân bằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga với sự hỗ trợ dành cho Ukraine trên quy mô lớn hơn nhiều. Việc tái cân bằng này cần được thực hiện trong quý đầu 2015 vì những lý do tôi sẽ giải thích sau đây.

Các biện pháp trừng phạt là tai hại nhưng cần thiết. Chúng cần thiết là bởi lẽ cả EU lẫn Mỹ đều không muốn mạo hiểm gây chiến với Nga, điều đó có nghĩa là các biện pháp trừng phạt kinh tế là cách duy nhất để ngăn chặn thái độ hung hăng của Nga. Chúng tai hại là bởi chúng không chỉ ảnh hưởng đến nước bị trừng phạt mà còn ảnh hưởng đến cả những nước áp đặt trừng phạt. Cái hại hóa ra lại lớn hơn nhiều so với dự đoán của mọi người. Nga đang lâm vào khủng hoảng tài chính, điều đó giúp bóng ma giảm phát ở khu vực đồng euro trở thành hiện thực.

Ngược lại, giúp Ukraine sẽ mang lại nhiều hệ quả tích cực. Với việc giúp Ukraine tự phòng vệ, châu Âu cũng gián tiếp bảo vệ chính mình. Hơn nữa, một liều hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ giúp ổn định nền kinh tế nước này và cũng gián tiếp tạo động lực cần thiết cho nền kinh tế châu Âu bằng cách khuyến khích đầu tư và xuất khẩu vào Ukraine. Hy vọng rằng những vấn đề nội tại của Nga cùng với sự tiến bộ của Ukraine sẽ khiến Tổng thống Vladimir Putin từ bỏ những nỗ lực nhằm gây bất ổn cho Ukraine.

Nhưng không may là cả dư luận và giới lãnh đạo châu Âu đều không có vẻ gì là lay động trước những tính toán này. Châu Âu dường như không hề ý thức được nguy cơ gián tiếp bị tấn công quân sự từ Nga và vẫn tiếp tục làm ăn như thường. Châu Âu chỉ coi Ukraine như một nước đang cần hỗ trợ tài chính, thậm chí không phải là một nước có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng euro, như Hy Lạp hay Ireland.

Thách thức của Ukraine

Theo những quan niệm phổ biến hiện nay thì Ukraine đang phải gánh chịu một dạng khủng hoảng cán cân thanh toán cổ điển đã biến thành một cuộc khủng hoảng nợ công và ngân hàng. Có rất nhiều thể chế tài chính quốc tế chuyên xử lý những cuộc khủng hoảng như vậy, nhưng chúng lại không phù hợp để giải quyết những khía cạnh chính trị trong trường hợp của Ukraine. Để vực dậy nền kinh tế Ukraine, Liên minh châu Âu đã bắt đầu chuẩn bị một Hiệp định Liên kết (Association Agreement) với Ukraine vào năm 2007 và hoàn thành nó vào năm 2012, khi nó phải đối phó với chính phủ Viktor Yanukovych. Châu Âu đã xây dựng một lộ trình chi tiết chỉ ra những bước chính phủ Ukraine cần làm trước khi châu Âu mở rộng trợ giúp. Kể từ đó Ukraine đã trải qua một cuộc chuyển đổi mang tính cách mạng. Lộ trình ấy cần được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, nhưng các thủ tục hành chính rườm rà của Ủy ban châu Âu không cho phép điều đó xảy ra.

Theo đó, các vấn đề của Ukraine được nhìn nhận từ những góc độ truyền thống như sau:

  • Ukraine cần sự hỗ trợ quốc tế vì nước này vừa trải qua những biến động gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Những biến động ấy là tạm thời; một khi Ukraine phục hồi, nó sẽ có thể trả nợ. Đó là lý do vì sao Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được trao nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
  • Do Ukraine chưa phải là thành viên EU nên các thể chế của châu Âu (như Hội đồng Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu) chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc hỗ trợ Ukraine. IMF cũng muốn tránh những rắc rối đi cùng với sự giám sát của một ủy ban ba bên gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và IMF – cơ chế từng được thành lập để giải quyết tình hình của Hy Lạp và nhiều nước châu Âu khác.[1] Sự dàn xếp mới này cũng lý giải vì sao gói cứu trợ của IMF được đưa ra dựa trên những dự đoán quá lạc quan và vì sao phần đóng góp trị giá gần 17 tỉ USD tiền mặt của IMF dành cho Ukraine lại lớn hơn nhiều so với khoảng 10 tỉ USD đến từ nhiều cam kết khác của EU và con số thậm chí còn nhỏ hơn từ Mỹ.
  • Do Ukraine có quá khứ không tốt với các chương trình trước đây của IMF nên các bên cho vay chính thức khẳng định Ukraine chỉ được nhận hỗ trợ một khi có những bằng chứng rõ ràng rằng nước này đã cải cách cấu trúc sâu sắc, chứ không phải dùng tiền hỗ trợ để tiến hành cải cách.
  • Từ quan điểm truyền thống này, cuộc phản kháng thành công với chính phủ Yanukovych trên Maidan (Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev – ND) và sau này là việc Nga sáp nhập Crimea và việc thành lập những cộng đồng ly khai miền Đông Ukraine chỉ là tình cờ. Những sự kiện này chỉ được xem là những biến động đơn giản, tạm thời từ bên ngoài.

Quan điểm này cần phải thay đổi. Sự ra đời của một Ukraine mới và thái độ hung hăng của Nga không chỉ đơn thuần là những biến động tạm thời mà là những sự kiện lịch sử. Thay vì những tàn tích của một Liên Xô hết thời, châu Âu hiện phải đối mặt với một nước Nga đang trỗi dậy, đã chuyển từ đối tác chiến lược thành kẻ thù chiến lược. Để thay thế chủ nghĩa cộng sản, Tổng thống Putin đã phát triển một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dựa trên nền tảng sắc tộc, chủ nghĩa bảo thủ xã hội, và đức tin tôn giáo – đó là tình huynh đệ của các chủng tộc Slav, chứng kỳ thị đồng tính luyến ái (homophobia), và nước Nga thần thánh (holy Russia). Ông đã nhào nặn nên cái mà ông gọi là sự thống trị của thế giới Anglo-Saxon như kẻ thù của nước Nga và của cả thế giới. Putin đã rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến với Gruzia dưới thời tổng thống Mikheil Saakashvili năm 2008. Nga đã giành được chiến thắng về mặt quân sự nhưng về mặt tuyên truyền thì không mấy thành công. Từ đó Putin đã phát triển một chiến lược hoàn toàn mới chủ yếu dựa vào các lực lượng đặc nhiệm và tuyên truyền mị dân.

Tham vọng của Putin hòng tái lập một đế chế Nga đã vô tình tạo nên một Ukraine mới đối nghịch với Nga và tìm cách đối lập với nước Ukraine cũ đầy tham nhũng và chính phủ yếu kém. Ukraine mới được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa của xã hội dân sự: thanh niên, nhiều người trong số đó từng đi du học và từ chối làm việc cho nhà nước hay doanh nghiệp khi trở về vì họ thấy cả hai đều đáng ghê tởm. Nhiều người trong số họ làm việc trong các tổ chức giáo dục, các viện nghiên cứu chính sách (think tank), và các tổ chức phi chính phủ. Một phong trào tình nguyện rộng khắp với quy mô chưa từng có và sức mạnh chưa từng thấy ở các quốc gia khác đã giúp Ukraine đứng lên chống lại cuộc xâm lược của Nga. Các thành viên của phong trào này sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ trên Maidan vì một tương lai tốt đẹp hơn, họ quyết tâm không lặp lại những sai lầm trong quá khứ, trong đó có cuộc đấu đá chính trị nội bộ làm suy yếu Cách mạng Cam. Một xã hội dân sự gắn kết với chính trị sẽ là sự bảo đảm tốt nhất ngăn nước Ukraine cũ quay trở lại: các nhà hoạt động sẽ trở lại Maidan nếu đám chính trị gia sa vào cãi cọ lặt vặt và tham nhũng, những điều đã hủy hoại nước Ukraine cũ.

Phe cải cách trong chính phủ Ukraine mới đang ủng hộ một chương trình cải cách triệt để kiểu “vụ nổ lớn” (Big Bang) nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn. Chương trình này nhằm mục đích đập tan sào huyệt của tham nhũng bằng cách thu hẹp bộ phận hành chính đồng thời trả lương cao hơn cho các nhân viên còn lại, và xóa sổ Naftogaz, tập đoàn độc quyền khí đốt là nguồn gốc chính của tham nhũng và thâm hụt ngân sách ở Ukraine.

Nhưng nước Ukraine cũ còn lâu mới sụp đổ. Nó thống trị công vụ và tư pháp, và vẫn hiện diện trong khu vực tư nhân (những kẻ chính trị đầu sỏ – oligarchic và lãnh đạo đạo tặc – kleptocratic) của nền kinh tế. Làm sao nhân viên nhà nước lại chịu làm việc với đồng lương chết đói nếu họ không thể dùng vị trí của mình để ăn hối lộ? Và làm sao một lĩnh vực kinh doanh từng được tham nhũng và hối lộ dung dưỡng lại có thể tiếp tục hoạt động mà không có gì đổi chác? Những yếu tố phản tiến bộ ấy bị buộc vào thế đối đầu với những nhà cải cách.

Chính phủ mới phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cắt giảm triệt để số lượng công chức đồng thời tăng lương cho họ. Những người ủng hộ cải cách triệt để cho rằng việc tinh giảm các bộ ngành là khả dĩ và cần thực hiện, miễn là đại đa số dân chúng không phải hứng chịu khả năng mức sống bị cắt giảm nghiêm trọng. Điều đó cho phép những công chức bị tinh giảm kiếm việc trong khu vực tư nhân và những người còn lại được trả lương cao hơn. Điều đó giúp xóa bỏ nhiều trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh, nhưng nó cũng cần sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đáng kể từ phía EU. Không có nó, những cải cách triệt để kiểu “vụ nổ lớn” mà Ukraine cần sẽ không thể thành công. Thật vậy, khả năng thất bại thậm chí còn có thể khiến chính phủ thôi đề xuất cải cách.

Độ lớn của sự hỗ trợ từ châu Âu và mong muốn cải cách mãnh liệt của nước Ukraine mới đang tự củng cố lẫn nhau. Cho đến nay, châu Âu đã kìm kẹp Ukraine tương đối sát sao và chính phủ Arseniy Yatsenyuk đã không dám bắt tay vào cải cách cấu trúc triệt để. Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Pavlo Sheremeta, một nhà cải cách triệt để, đã đề xuất cắt giảm số nhân viên trong bộ ông từ 1.200 xuống còn 300 người nhưng vấp phải sự phản đối từ các cơ quan công quyền nên đã phải từ chức. Không nỗ lực cải cách hành chính nào được đưa ra thêm nữa, nhưng công chúng đang kêu gọi một cuộc cải cách như thế.

Đó chính là điểm mà các nhà chức trách châu Âu có thể đóng vai trò quyết định. Bằng cách cung cấp gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tương xứng với quy mô của các cải cách, châu Âu có thể gây ảnh hưởng lên chính phủ Ukraine và khiến họ bắt tay vào các cải cách và tạo điều kiện cho các cải cách đó thành công. Nhưng không may là các chính phủ châu Âu đang bị cản trở bởi các quy định về ngân sách, thứ hạn chế chính EU và các nước thành viên. Đó là lý do vì sao phần lớn nỗ lực quốc tế đổ dồn vào các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga trong khi hỗ trợ tài chính cho Ukraine chỉ dừng lại ở mức tối thiểu.

Cách hỗ trợ tài chính cho Ukraine

Để chuyển trọng tâm sang hỗ trợ cho Ukraine, các cuộc đàm phán cần phải chuyển từ cấp độ hành chính sang cấp độ chính trị. Các cơ quan quản lý tài chính châu Âu thấy khó khăn ngay cả việc góp 15 tỉ USD, mức mà IMF coi là tối thiểu. Đến nay, Liên minh châu Âu chỉ có 2 tỉ euro từ chương trình Hỗ trợ Tài chính Vĩ mô, và các nước thành viên nói riêng không sẵn sàng đóng góp trực tiếp. Đây chính là điều đã khiến Ukraine phải thông qua ngân sách tạm thời cho năm 2015 vào ngày 30 tháng 12 năm ngoái với phân bổ chi tiêu phi thực tế và những cải cách hết sức khiêm tốn. Đây mới chỉ là bước mở màn trong một loạt thương lượng. Luật được phép điều chỉnh cho đến ngày 15 tháng 2 (năm 2015), còn tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán.

Các nhà lãnh đạo chính trị của châu Âu phải tận dụng khả năng vay vốn lớn chưa được sử dụng của chính EU và tìm những nguồn lực phi truyền thống khác để cung cấp cho Ukraine gói tài chính lớn hơn gói hiện tại. Điều đó sẽ giúp chính phủ Ukraine bắt đầu tiến hành cải cách triệt để. Tôi đã chỉ ra một số nguồn như thế, đáng chú ý là:

  1. Quỹ Hỗ trợ Cán cân Thanh toán (Balance of Payments Assistance) (dành cho Hungary và Romania) có 47,5 tỉ USD và Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (European Financial Stability Mechanism) (dành cho Bồ Đào Nha và Ireland) có khoảng 15,8 tỉ USD khả dụng. Cả hai cơ chế này hiện nay chỉ giới hạn cho các nước thành viên EU nhưng có thể dùng để giúp Ukraine bằng cách điều chỉnh một số quy định do Ủy ban châu Âu đề xuất và được đa số hợp lệ thông qua. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng có thể sử dụng và mở rộng Quỹ Hỗ trợ Kinh tế Vĩ mô, vốn đã được sử dụng ở Ukraine. Thực sự có rất nhiều giải pháp kỹ thuật và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nên đề xuất một phương án ngay khi chính phủ Ukraine đưa ra một loạt ưu tiên đầy tính thuyết phục.
  2. Những quỹ đối ứng lớn hơn của EU có thể cho phép IMF nới rộng số tiền cho Ukraine vay lên 13 tỉ USD và biến Thỏa thuận Dự phòng (SBA) hiện có thành Chương trình cho vay dài hạn (EFF). Điều này sẽ đưa tổng số tiền của chương trình của IMF lên gấp 15 lần con số hạn ngạch mà hiện nay IMF dành cho Ukraine, đây là một con số lớn bất thường nhưng đã có tiền lệ, chẳng hạn như với trường hợp của Ireland.
  3. Trái phiếu dự án của Ngân hàng Đầu tư châu Âu có thể có 10 tỉ euro hoặc hơn. Số tiền này có thể dùng để kết nối Ukraine với thị trường khí đốt châu Âu thống nhất và phá vỡ Naftogaz, tập đoàn khí đốt độc quyền ở Ukraine. Những thay đổi này sẽ nâng cao tính hiệu quả của ngành năng lượng Ukraine đồng thời đem lại những khoản lợi nhuận đầu tư lớn. Nó sẽ giúp tạo ra một thị trường khí đốt thống nhất ở châu Âu và giảm sự phụ thuộc của Ukraine và cả châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga. Sự sụp đổ của Naftogaz là trung tâm các kế hoạch cải cách của Ukraine.
  4. Nguồn cung tiền dài hạn từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu để tái cơ cấu ngành ngân hàng. Nguồn này có thể mang lại khoảng 5 tỉ USD. Sáng kiến Vienna cho các nước Đông Âu năm 2009, vốn đã rất thành công trong việc hạn chế tháo chạy vốn và ổn định hệ thống ngân hàng, nên được mở rộng tới Ukraine. Hội nghị khai mạc Diễn đàn Tài chính Ukraine hồi tháng 6 năm 2014 đã đặt nền móng cho một sự mở rộng như thế.
  5. Việc tái cơ cấu nợ công của Ukraine sẽ giải phóng hơn 4 tỉ USD dự trữ ngoại hối khan hiếm. Ukraine có gần 8 tỉ USD nợ công sắp đáo hạn ở thị trường trái phiếu tư nhân trong 3 năm tới. Thay vì một vụ vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả tai hại, Ukraine nên đàm phán với các trái chủ (tình cờ là số này tương đối ít) về một vụ trao đổi tự nguyện dựa trên thị trường cho các công cụ nợ (debt instrument) dài hạn mới. Để trao đổi thành công, một phần của sự hỗ trợ tài chính mới sẽ được dùng để cải thiện tín dụng cho các công cụ nợ mới. Sự hỗ trợ nước ngoài cần thiết cho mục đích này phụ thuộc vào những gì các trái chủ đòi hỏi để tham gia trao đổi, nhưng nó có thể giải phóng ít nhất hai lần trao đổi ngoại tệ trong 3 năm tới.
  6. Ukraine cũng phải đối phó với khoản 3 tỉ USD trái phiếu do chính phủ Nga phát hành cho Ukraine sẽ đáo hạn năm nay. Nga có thể sẽ sẵn sàng gia hạn thanh toán cho Ukraine để giành điểm cộng cho việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Ngoài ra, số trái phiếu đó có thể được xếp vào loại nợ giữa các chính phủ và có thể được tái cơ cấu bởi một nhóm các quốc gia có tên chính thức là Câu lạc bộ Paris,[2] để tránh cho số trái phiếu còn lại của Ukraine khỏi những điều khoản vi phạm chéo (cross-default provision – những điều khoản đưa người vay vào tình trạng vỡ nợ nếu không đáp ứng được nghĩa vụ khác). Các chi tiết về mặt pháp lý và kỹ thuật cần được xây dựng.

Có lẽ không thể huy động toàn bộ những nguồn lực kể trên, nhưng chừng nào các nhà lãnh đạo chính trị còn muốn thì còn có cách. Thủ tướng Đức Angela Merkel, có lẽ là nhà lãnh đạo châu Âu thực sự quan tâm đến tình hình Nga và Ukraine, là người nắm chìa khóa. Các nguồn tài chính bổ sung mà tôi vừa nêu ra trên đây đủ để tạo ra một gói hỗ trợ 50 tỉ USD hoặc hơn. Không cần phải nói, IMF vẫn chịu trách nhiệm giải ngân trên thực tế và do đó sẽ không có chuyện mất kiểm soát. Nhưng thay vì cùng dè xẻn ở mức tối thiểu thì các bên cho vay chính thức nên tiếp tục hứa hẹn ở mức tối đa. Đó sẽ là con bài thay đổi tình thế. Ukraine sẽ bắt tay vào cải cách và thay vì chơi vơi bên bờ vực phá sản, nó sẽ trở thành một miền đất hứa, thu hút đầu tư tư nhân.

Lựa chọn của châu Âu

Châu Âu cần thức tỉnh và nhận thức được rằng mình đang bị Nga tấn công. Giúp Ukraine nên được coi là một khoản chi tiêu quốc phòng của các nước EU. Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng này thì số tiền châu Âu hiện đang dự tính trở nên nhỏ nhoi đến vô nghĩa. Nếu các tổ chức quốc tế không đưa ra một chương trình trợ giúp ấn tượng tương xứng với chương trình cải cách đầy tham vọng của Ukraine thì Ukraine mới sẽ có thể sẽ sụp đổ, châu Âu sẽ phải đơn thương độc mã tự bảo vệ mình trước sự bành trướng của Nga, và sớm muộn châu Âu sẽ phải từ bỏ các giá trị và nguyên tắc làm nền tảng cho Liên minh châu Âu. Đó sẽ là một sự mất mát không thể bù đắp.

Cách biện pháp trừng phạt đối với Nga nên được duy trì sau khi chúng bắt đầu hết hạn vào tháng 4 năm nay cho đến khi Tổng thống Putin ngừng quấy rối Ukraine và đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng ông sẵn sàng tuân theo các quy tắc ứng xử chung. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga và những xác chết ở Ukraine đã khiến số phận chính trị của Putin trở nên mong manh. Chính phủ Ukraine mới đây đã thách thức Putin bằng cách bác bỏ nghĩa vụ của Ukraine với các nhóm ly khai ở miền Đông Ukraine, theo thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk, với lý do Nga không tuân thủ thỏa thuận ngay từ đầu. Sau thách thức của Ukraine, Putin đã dừng tay và trực tiếp ra lệnh ngừng bắn. Người ta kỳ vọng rằng quân đội sẽ rút khỏi lãnh thổ Ukraine và thỏa thuận ngừng bắn sẽ được thực thi hoàn toàn trong tương lai gần. Sẽ rất đáng tiếc nếu để các biện pháp trừng phạt hết hạn sớm trong khi chúng đã gần đạt được thành công.

Nhưng điều quan trọng là trước tháng 4 năm 2015, Ukraine nên tiến hành một chương trình cải cách triệt để khả thi. Nếu không, Tổng thống Putin có thể lập luận một cách thuyết phục rằng các vấn đề của Nga là do sự thù địch của các cường quốc phương Tây. Ngay cả nếu Putin không còn tại vị thì một kẻ có đường lối thậm chí còn cứng rắn hơn như Igor Sechin hay một kẻ mị dân dân tộc chủ nghĩa nào đó cũng sẽ kế nhiệm ông.

Trái lại, nếu châu Âu chấp nhận thách thức và giúp Ukraine không chỉ tự vệ mà còn trở thành một miền đất hứa thì Putin sẽ không thể đổ lỗi những vấn đề của Nga cho các cường quốc phương Tây. Khi đó, Putin rõ ràng phải chịu trách nhiệm và hoặc phải thay đổi chính sách, hoặc bám víu quyền lực bằng cách đàn áp dã man, dẫn dụ người dân quy phục. Nếu Putin mất ghế, một nhà cải cách kinh tế và chính trị rất có thể sẽ lên thay. Dù là viễn cảnh nào thì nước Nga của Putin cũng sẽ không còn là một mối đe dọa nguy hiểm đối với châu Âu. Lựa chọn nào thắng thế sẽ làm thay đổi không chỉ tương lai của nước Nga và quan hệ của nó với Liên minh châu Âu mà còn cả tương lai của chính Liên minh châu Âu. Bằng cách giúp Ukraine, châu Âu có thể giành lại những giá trị và nguyên tắc nền tảng thành lập nên Liên minh châu Âu. Đó là lý do mà tôi hết lòng cho rằng châu Âu cần phải thay đổi tư duy của mình. Thời điểm đó đã đến. Hội đồng IMF dự kiến sẽ đưa ra quyết định định mệnh của mình đối với Ukraine vào ngày 18 tháng 1.

George Soros (1930-) là tỉ phú người Mỹ gốc Do Thái Hungary, và là ông chủ của tập đoàn Soros Quantum Fund.Ông là người giàu thứ 30 thế giới với tổng tài sản khoảng 23 tỉ USD, theo Bloomberg 2015.


[1] Thuật ngữ “troika” (ủy ban ba bên) từng được sử dụng rộng rãi ở Hy Lạp, đảo Síp, Ireland, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha để chỉ sự hiện diện của Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở các quốc gia này kể từ năm 2010 cũng như các biện pháp tài chính mà các thể chế này áp dụng – NHĐ.

[2] Câu lạc bộ Paris là một nhóm không chính thức gồm 19 quốc gia (Anh, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ, Na Uy, Nga, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Úc, và Ý) chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay, hoãn nợ, xoá nợ cho các nước mắc nợ khó trả – NHĐ.

Nghiên cứu Quốc tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề