Chỉ cần đặt câu hỏi về một ngày bất kỳ trong năm, Tuấn Minh sẽ biết chính xác ngày đó là thứ mấy và quy đổi sang ngày âm chỉ trong vài giây.
Thần đồng có bộ óc máy tính
Giữa năm 2013, dư luận xôn xao về cậu bé thần đồng Phạm Tuấn Minh (sinh năm 2008, Từ Sơn, Bắc Ninh) với trí nhớ siêu phàm. Lên 4 tuổi, Minh đã ghi nhớ lịch vạn niên.
Trước đó, khi 2 tuổi, Minh có thể thuộc lòng quốc kỳ các quốc gia trên thế giới và có khả năng ghi nhớ các dãy số dài. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người từng đánh giá: “Tuấn Minh có bộ óc như máy tính”, trong hàng triệu người mới có được một người như thế”.
Sau hai năm được dư luận và giới truyền thông biết đến, cuộc sống của Tuấn Minh không có nhiều thay đổi. Thần đồng Bắc Ninh là con của người mẹ đơn thân, hiện đang sống cùng mẹ và ông bà ngoại tại khu tập thể trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Chị Phạm Thị Hà (mẹ Tuấn Minh), đang là giảng viên dạy Thể dục – trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, khả năng của Minh hoàn toàn do tự nghiên cứu, mày mò mà có được.
Chị Hà nhớ lại, khi hơn 1 tuổi, Tuấn Minh đã được mẹ mua những tấm đề-can in hình chữ số, chữ cái, con vật về làm đồ chơi.
“Dưới sự hướng dẫn của ông ngoại, Minh nhận biết con vật rất nhanh. Chữ số 0 và số 1 ông dạy hồi lâu mà Minh không nhớ được. Nhưng chỉ sau ngày sinh nhật 2 tuổi, vừa biết nói con đã nhớ được hết mặt chữ số, chữ cái. Đến năm 3 tuổi con có thể đọc sách, báo rành mạch, nhớ hết tên hiệu hãng điện tử của hàng xóm, thuộc hàng trăm số điện thoại, cờ của hơn 200 quốc gia trên thế giới” – chị Hà kể lại.
Đặc biệt, khả năng nội trội nhất của Tuấn Minh là ghi nhớ lịch vạn niên. Chỉ cần đặt câu hỏi về một ngày bất kỳ trong năm, Tuấn Minh sẽ biết chính xác ngày đó là thứ mấy và quy đổi sang ngày âm chỉ trong vài giây.
Khả năng này của Minh được chị Hà phát hiện tình cờ vào năm 2012. “Tiếng lành đồn xa” nên ngay sau đó nhiều sinh viên trong trường Sư phạm Thể dục Thể thao đã biết đến và thường hỏi chuyện Minh.
Trước trí nhớ đặc biệt của con, chị Hà cũng rất ngạc nhiên và không thể lý giải được tại sao. Chị Hà kể lại: “Minh chú ý đến lịch là từ cuối năm 2012 khi trong đại gia đình có em bé mới sinh, mọi người thường nói đến tuổi. Tết dương lịch năm 2013, tôi mua lịch về, con chăm chú xem và thường đặt câu hỏi: “Mẹ ơi tại sao lại là năm Nhâm Thìn, tại sao lại là năm Quý Tỵ?”.
Chị Hà giải thích cho con một lần, rất sơ lược về can chi. Sau đó Minh tự tính được chính xác ngày, tháng, năm khi được hỏi của cả quá khứ và tương lai. Những tờ lịch trở thành đồ chơi quý giá của Minh.
Mong muốn có môi trường
Trước những khả năng đặc biệt hiếm có của Tuấn Minh, chị Hà chia sẻ: “Đó đều là do những gì con tự mày mò, học hỏi. Cách giáo dục của tôi không khác gì so với những ông bố bà mẹ khác. Tôi chỉ nhanh nhạy hơn khi biết mua sách, tài liệu thao khảo cho con trước những vấn đề yêu thích. Ví dụ, Minh rất thích lịch nên tôi đến nhà ai cũng xin những tờ lịch cũ về cho con”.
Tuấn Minh thường đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mẹ khi luôn khao khát kiến thức và quan tâm về mọi vấn đề. Chị Hà đã mua 3 quyển từ điển để hỗ trợ đưa ra câu trả lời cho con.
Hiện tại, Tuấn Minh đang là học sinh lớp 1 trường tiểu học Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Cậu bé sinh năm 2000 đang tham gia đội tuyển giải Toán Olympic của trường. Cuối tuần chị thường tranh thủ thời gian đưa Minh lên Hà Nội chơi. Cậu bé chỉ thích vào hiệu sách, tự chọn lựa những cuốn mình yêu thích. Mới đây, chị Hà mua cho Minh 2 quyển lịch lớn là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Doanh nhân.
Chị Hà kể về việc học tập hiện tại: “Trên lớp, con được giáo viên nhận xét là ngoan, hăng hái phát biểu, khi về nhà cũng tự giác học tập. Tiếng Việt đối với Minh không khó, bởi con đã biết đọc từ trước, tuy nhiên chữ còn hơi xấu. Minh tỏ ra yêu thích môn Toán. Mỗi quyển sách bài tập mẹ mua về, con tự làm trong 2-3 ngày là hết”.
Có khả năng học nhanh nhưng chị Hà không mua thêm sách lớp 2,3 dạy con mà để Minh tự học theo trình tự của nhà trường.
Sau hơn 1 năm từ ngày “tỏa sáng”, khi được hỏi về can chi, Minh vẫn trả lời chính xác. Chị Hà cho biết: “Từ lâu rồi tôi cũng không hỏi con về lịch, vì không muốn con suy nghĩ, tính toán nhiều nên bây giờ con tính toán có phần chậm hơn. Minh học tất nhanh nên khi đã biết hết rồi con cũng nhanh chán vì… không còn gì để học nữa. Sau lịch tôi có mua cho con tài liệu về thiên văn học, địa lý. Nhưng cũng chỉ một thời gian là Minh hiểu và ghi nhớ hết kiến thức. Tôi lại không có điều kiện giúp con tìm hiểu sâu”.
“Giá như Minh có đầy đủ cả mẹ, cả cha. Giá như tôi có nhiều sách vở hơn, có điều kiện hơn…” – nói đến đây chị Hà ngậm ngùi.
Trước đó, Tuấn Minh đã nhận được lời mời học với mức hỗ trợ hoàn toàn học phí 12 triệu đồng/tháng tại trường Newton Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình chỉ có hai mẹ con nên chị Hà không thể xoay sở cuộc sống tại thành phố. Hiện tại, chị vẫn đi đi về về giữa Bắc Ninh – Hà Nội, mỗi ngày 70 km bằng xe máy để vừa đảm bảo việc dạy, vừa gần con.
Người mẹ hi vọng ở môi trường nào Tuấn Minh cũng phát triển được khả năng của mình. Tuy nhiên, chị Hà cũng mong muốn về một môi trường giáo dục dành riêng cho trẻ em có tố chất “thần đồng”, tạo điều kiện phát triển toàn diện nhất.
Theo Zing.
- Tại sao trẻ con đương thời không thiết học tập, không kiên nhẫn và rất khó khăn để vượt qua sự buồn chán.
- SỰ NGỘ NHẬN CỦA NGƯỜI VIỆT- NGƯỜI VIỆT TỐT?
- Phổ thông trung học Ukraina theo cách mới
- Bảy trường đại học Ukraina đã dành được tài trợ từ EU
- 'Văn hóa quay cóp' - lỗi của học sinh hay lỗi của nền giáo dục?
- Vì sao các ông bố bà mẹ Hà Lan không bao giờ quát con?
Trả lời