Văn hóa cổ điển Nga đặt trọng tâm vào văn học: Nhiều thập niên sau khi xuất hiện, các tác phẩm của Alexander Pushkin, Nikolai Gogol, Fyodor Dostoevsky, Leo Tolstoy, Vladimir Nabokov, và Mikhail Bulgakov vẫn thường xuyên được trích dẫn, là nền tảng của nghệ thuật đương thời và thậm chí đôi khi còn ảnh hưởng đến cả các quyết định chính trị.
Song nghịch lí là ngày nay, câu cửa miệng căn bản của văn học Nga đã trở thành “Ai là người có lỗi?” và “Bây giờ phải làm gì?” Nghịch lí nằm ở chỗ những câu hỏi này thật ra là nhan đề của hai cuốn sách hồi thế kỉ 19 đặc trưng cho thể loại báo chí hơn là văn học cổ điển.
Câu hỏi “Ai là người có lỗi?” là nhan đề cuốn sách của Alexander Herzen xuất bản năm 1846. Một năm sau khi xuất bản, Herzen chịu số phận rất hợp với tình hình hiện nay. Không hài lòng với giọng lưỡi sắc sảo của kẻ đã di cư, Nga hoàng Nicholas Đệ nhất tìm cách tịch thu tài sản của Herzen ở Nga, nhưng nhà băng Rothschild (của Anh) cảnh báo sẽ chỉ cho chính phủ Nga vay tiền một khi rút lại ý định đó. Sau đó, các quyền dân sự của Herzen được khôi phục hoàn toàn nhưng ông đã không trở về Nga.
Câu hỏi “Bây giờ phải làm gì?” là nhan đề cuốn tiểu thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng của Nikolai Chernyshevsky, viết năm 1863 trong khi đợi bị kết án vì tội viết các tuyên ngôn chính trị, những tác phẩm khiến tác giả bị tù khổ sai biệt xứ 20 năm.
Cả hai đều là những tác phẩm bắt buộc phải đọc trong mọi lớp học văn thời Xô viết, và được giới thiệu là những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của tư duy giai cấp. Các tác phẩm này chán ngắt đối với không chỉ học sinh mà còn đối với cả người dạy.
Thật ra, cả Herzen và Chernyshevsky là những nhân vật chính trị hơn là văn chương – mặc dù hai lĩnh vực này thường khó tách biệt – và tách biệt khỏi dòng văn học chính thống Nga ở mức độ nào đó.
Hai tác giả có quen biết nhau, và nhan đề hấp dẫn mà họ đã đặt cho các tác phẩm của mình – nghe như một cuộc bút chiến lẫn nhau – còn sống dai hơn nội dung của chính tác phẩm. Câu hỏi “Ai là người có lỗi?” và “Bây giờ phải làm gì?” có lẽ là những nội dung được trích dẫn nhiều nhất từ văn học Nga thế kỷ 19.
Thực ra là ngày nay, mỗi khi người Nga phải quyết định một việc gì đó, họ lại hỏi hai câu hỏi này. Lý do là vì cho dù có đọc Chernyshevsky và Herzen hay không thì người Nga khi cần quyết định đều đánh giá tình hình và các nhân tố liên quan để xây dựng chiến lược đối phó.
Tuy nhiên, xã hội Nga hiện đại chỉ sẵn sàng trả lời một trong hai câu hỏi đó: “Ai là người có lỗi?” Mọi người đang bị chia rẽ khi đi tìm câu trả lời, một số cho rằng Vladimir Putin đã gây ra mọi vấn đề của đất nước, nhưng số đông hơn lại lên án phương Tây xảo quyệt và bất chính phải chịu trách nhiệm cho mọi việc, từ sự mất cân bằng sức mạnh trên thế giới đến việc… vợ chồng người bạn thân ly dị gần đây.
Giữa hai luồng ý kiến đó là vô số thuyết âm mưu, nhưng trên hết, người Nga từ trước tới nay luôn sẵn sàng đổ lỗi cho người khác vì những thất bại của mình. Do đó, câu hỏi nóng bỏng của Herzen luôn được hâm nóng. Trái ngược lại là câu hỏi của Chernyshevsky.
Khi một người Nga bất kỳ ngồi xuống với tách cà phê sáng, bật máy tính và lướt qua những tin mới nhất trên các mạng xã hội, anh ta thấy đủ lời buộc tội những người gây ra những khó khăn hiện tại: “Obama muốn lấy Ukraine khỏi tay nước Nga,” “Putin đã đẩy đất nước vào tình thế bị cô lập,” “Stalin đã phá hủy nguồn gene của chúng ta,” “Gorbachev và Yeltsin phá hỏng và trộm cắp mọi thứ,” “Bằng việc quay sang phương Tây, Pyotr Đại đế đã hủy hoại tinh thần truyền thống của Nga,” vân vân và vân vân.
Và vì đổ lỗi cho người khác về cơ bản là một hành vi xấu, mọi phản ứng đóng khung trong tinh thần đó sẽ làm cho tương lai nước Nga thêm tiêu cực. Như thường lệ, hầu hết các nhà bình luận đều cho rằng nước Nga hoặc sẽ hoàn toàn không có tương lai, hoặc triển vọng là rất mờ mịt.
Ngay cả các cán bộ xào xáo thông tin chuyên nghiệp của Điện Kremlin cũng cảm thấy xấu hổ khi phải vẽ ra tương lai tươi sáng của nước Nga trong khi lãnh đạo của họ ra lệnh tiêu hủy thực phẩm bị cấm[1] ở một đất nước vẫn chưa quên nạn đói và tình trạng thiếu hàng tiêu dùng trầm trọng trong những năm cuối thời kỳ Xô viết. Và khi lệnh cấm nhập khẩu dược phẩm đang đe dọa tính mạng hàng triệu người dân nước Nga – tất cả là vì những lý thuyết đáng ngờ cho rằng điều đó sẽ giúp ích cho các nhà sản xuất trong nước – thì việc vẽ ra tương lai tươi sáng của đất nước này cũng là điều khó khăn ngay kể cả với những kẻ đang kiếm bộn tiền từ nghề xào xáo thông tin này.
Trong khi người Nga không thiếu kịch bản tồi tệ thì việc thiếu tinh thần lạc quan càng khiến họ không thể tìm ra bất cứ kế hoạch thực tế nào cho tương lai. Câu hỏi “Bây giờ phải làm gì?” với họ là chưa phải lúc.
Thật là kì quặc. Tựa như một đoàn leo núi đang mắc kẹt trên cây cầu treo sắp đứt, trong khi lẽ ra phải tìm cách thoát khỏi tình huống hiểm nghèo đó thì họ lại mất thời gian vào việc tranh cãi xem ai có lỗi – người dẫn đường thì đổ cho người làm cầu, còn những người leo núi thì đổ lỗi cho người dẫn đường đã đưa họ vào tình huống nguy hiểm.
Không ai đưa ra được ý tưởng nào để thoát khỏi tai họa hoặc sau đó thì phải làm gì để khắc phục – hay làm sao để có những sửa chữa về mặt chính trị cho vấn đề này. Làm sao để nước Nga lấy lại được lòng tin của thế giới? Làm sao để thu hút được các nhà đầu tư một lần nữa? Làm sao để xây dựng được hạ tầng cơ sở thiết yếu?
Làm sao Nga có thể tránh không rơi vào cùng cái bẫy của 20 năm qua khi lợi ích thiển cận hẹp hòi và tham nhũng lấn át lợi ích chung? Làm sao Nga tránh được tụt hậu và bị gạt ra ngoài rìa tới mức đến chính dân Nga cũng không thèm quan tâm đến đất nước nữa?
Ngay cả những người trẻ có tư duy rõ ràng và năng động về chính trị, trước câu hỏi “Bây giờ phải làm gì?” cũng không tìm ra được câu trả lời khá hơn câu “Chúng ta phải thay Putin đi.” Câu hỏi là làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ đó thì gần như chưa ai bàn đến. Cũng chưa ai giải thích tại sao một người mang cái họ khác thay vì Putin thì sẽ hành động khác đi trong những hoàn cảnh chính trị tương tự.
Nhưng nếu có câu trả lời thì nó lại ngây thơ đến đáng thất vọng: “Bởi vì bất cứ ai cũng sẽ hơn Putin.” Và chẳng ai chú ý đến những đảm bảo về mặt thể chế để ngăn chặn ngay cả một nhà cải cách có dụng ý tốt khỏi trở thành kẻ độc đoán, chuyên quyền và thao túng tham nhũng ở cấp cao như hiện nay.
Tôi tin rằng người Nga chưa có “kế hoạch đào thoát” khỏi những rắc rối của mình vì họ đã quen với bất hạnh. Sau khi trải qua hai quốc gia sụp đổ trong cùng một thế kỷ – 1917 và 1991 – hai cuộc thế chiến và nhiều thập niên với một chính phủ tiến hành chiến tranh chống lại chính người dân của mình, người Nga giờ đây đang mặc nhiên chuẩn bị cho ngày tàn của thế giới mà không hề có dấu hiệu bất an. Dĩ nhiên, ngày tàn của thế giới thì thật là khủng khiếp, nhưng ít nhất thì nó cũng không bắt người ta phải nghĩ đến tương lai sau đó.
Nước Nga thực sự có rất ít hi vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng cũng không nhất thiết phải đâm đầu vào ngày tận thế. Đã đến lúc chúng ta gạt sang một bên những vương vấn về buồn đau quá khứ và buộc tội lẫn nhau mà phải tập trung sức lực để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Bây giờ phải làm gì?”
Ivan Sukhov là nhà báo Nga chuyên viết về các xung đột ở Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) trong 15 năm qua.
—————
[1] Chính quyền Putin ra lệnh cấm tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu từ những nước phương Tây đang cấm vận Nga. Chính phủ đã cho xe ủi tiêu hủy hàng tấn thực phẩm như phô mai, đồ hộp…, gây nên sự tranh cãi lớn ở trong nước (NBT).
Nguồn: Ivan Sukhov, “Russians Must Forget the Past and Think Ahead,” The Moscow Times, 05/08/2015.
Biên dịch: Phương Nguyễn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
theo Nghiên Cứu Quốc Tế
- Ukraina đã tiết lộ "Kế hoạch B" trong trường hợp chấm dứt vận chuyển khí
- Poroshenko đã troll Duma Quốc gia: Đó là căn bệnh khi nghĩ rằng chúng ta là "một dân tộc"
- VỀ HUYỀN THOẠI MỘT TỔNG THỐNG MỚI CỦA UKRAINA CÓ THỂ ĐÀM PHÁN ĐỂ ĐI ĐẾN HOÀ BÌNH VỚI PUTIN
- Sự xâm lược của Nga đang đe dọa không chỉ đối với Ukraina
- Nga đã mất đòn bẩy "khí đốt" ảnh hưởng lên Ukraina
- Kravchuk: Chúng ta cần phải kiên nhẫn - một sự kiện bất ngờ sẽ sớm diễn ra ở Nga
Trả lời