03/04/1948: Kế hoạch Marshall được thông qua

Ngày mùng 3 tháng 4 năm 1948, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman thông qua Đạo luật Viện trợ Nước ngoài 1948, được biến đến rộng hơn với tên gọi Kế hoạch Marshall. Đạo luật này cuối cùng đã cung cấp hơn 12 tỉ đô la Mỹ (theo thời giá khi đó, có tài liệu cho rằng con số tổng thể là 17 tỉ đô la, tương đương với khoảng 160 tỉ đô la hiện nay – ND) để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của Tây Âu.

Trong những năm đầu sau khi Thế chiến II kết thúc, nền kinh tế của nhiều quốc gia Tây Âu rơi vào suy thoái. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, tiền mặt khan hiếm, và tình trạng vô gia cư và nạn đói hoành hành trên khắp  các nước bị chiến tranh tàn phá. Giới hoạch định chính sách Mỹ coi đây là tình hình đầy nguy hiểm. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang phát triển, một số người nhận ra tình trạng kinh tế thiếu thốn ở Tây Âu đã trở thành một mảnh đất màu mỡ phì nhiêu cho công tác tuyên truyền của cộng sản.

Yếu tố quan trọng nhất trong chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô là sự phục hồi của Tây Đức (Đông Đức đã bị quân đội Xô viết chiếm đóng), và sự phục hồi đó cần sức sống mới của những thị trường tự nhiên của Đức ở Tây Âu. Ngoài ra, việc củng cố nền kinh tế các nước Tây Âu khác sẽ trang bị cho họ tốt hơn để chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, cả từ sự bành trướng của Liên Xô lẫn từ các đảng cộng sản trong nước. Vào tháng 6 năm 1947, Ngoại trưởng Mỹ George C. Marshall đã đứng lên đề xuất một chương trình phục hồi kinh tế lớn, thứ sẽ cung cấp hàng tỉ đô la cho các nền kinh tế trì trệ của Tây Âu. Lời kêu gọi hành động của Marshall đã mang lại Đạo luật Viện trợ Nước ngoài 1948, được đa số trong Quốc hội thông qua. Khi phê chuẩn đạo luật này, Tổng thống Truman đã tuyên bố rằng nó “có lẽ là sự đầu tư vào quản trị quốc gia mang tính xây dựng lớn nhất mà bất cứ quốc gia nào từng thực hiện.” Ngoại trưởng Marshall chúc mừng Quốc hội vì đã “xử lý một cuộc khủng hoảng lớn bằng lòng can đảm và sự khôn ngoan.”

Đạo luật này cung cấp khoản viện trợ ban đầu trị giá 4 tỉ đô la cho Tây Âu. Đến khi kế hoạch này kết thúc hồi cuối năm 1951, hơn 12 tỉ đô la đã được đóng góp. Cho dù Kế hoạch Marshall không hoàn toàn thành công (dòng đô la Mỹ khổng lồ đổ vào đã dẫn đến lạm phát tràn lan ở một số khu vực), nó đã giúp ổn định và khôi phục các nền kinh tế Tây Âu khi đó. Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin tuyên bố rằng Kế hoạch Marshall là “dây cứu sinh cho những người đang đuối nước” (“a lifeline to sinking men”).

Nguồn:Truman signs Foreign Assistance Act,” History.com (truy cập ngày 02/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “03/04/1948: Kế hoạch Marshall được thông qua”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề