Tại sao Fed nên hoãn tăng lãi suất?

Nguồn: Anders Borg, “Why the Fed Should Postpone Rate Hikes”, Project Syndicate, 28/08/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tuần này, khi các thống đốc ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới họp mặt tại Jackson Hole trong Hội nghị chuyên đề hàng năm về Chính sách kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận sẽ là thị trường chứng khoán toàn cầu đang bất ổn hiện nay. Có nhiều lý do, nhưng một trong số chúng rõ ràng là kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất – có lẽ vào khoảng tháng 9.

Các căn cứ cho việc tăng lãi suất là xác đáng. Nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng hàng năm là 3% trong năm 2015 và 2016, tương ứng là tỷ lệ lạm phát 0,1% và 1,5%. Khi một nền kinh tế dần ổn định, giảm bớt các biện pháp mở rộng là điều hợp lý, chẳng hạn như các biện pháp được áp dụng sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Vì Fed rõ ràng đã tuyên bố sẽ đi theo các chính sách ít mở rộng hơn, nên uy tín của họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không thực hiện việc tăng lãi suất.

Nhưng vẫn có những lý do mạnh mẽ để Fed hoãn tăng lãi suất và giữ chính sách tiền tệ mở rộng trong quý tới. Đầu tiên là sự phục hồi của Mỹ vẫn còn yếu. Trong lịch sử, tăng trưởng 3% trong khoảng thời gian phục hồi thì chẳng có gì là ấn tượng. Trong những lần phục hồi khác gần đây, tốc độ tăng trưởng thường là 4% hoặc thậm chí 5%, khi việc tăng tận dụng công suất đã thúc đẩy năng suất và đầu tư.

Trong ba thập niên vừa qua, Mỹ đã có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 2,5%. Một vài người quy sự tăng trưởng tương đối chậm là do các yếu tố nhân khẩu học, những yếu tố đã làm giảm lực lượng lao động, cũng như do mức độ năng suất lao động yếu và vốn cũng đã thấp.

Nhưng sản lượng tiềm năng của Mỹ có thể đang bị đánh giá thấp, còn xu hướng lạm phát thì lại bị thổi phồng. Thị trường lao động Mỹ đang hoạt động tốt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5%, mà không có dấu hiệu tăng trở lại. Chỉ số chi phí lao động cho thấy việc tăng lương cho đến nay vẫn thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Một nguyên nhân là do sự linh hoạt của thị trường lao động đã tăng lên trong thời gian phục hồi. Lao động tự do, hợp đồng ngắn hạn, hoặc bán thời gian góp phần tạo nhiều việc làm trong vài năm qua. Công việc toàn thời gian với các phúc lợi đầy đủ hiện nay đã hiếm hơn nhiều. Quá trình “Uber hóa” (Uberization) của thị trường lao động Mỹ hiện nay có nghĩa là sự cân bằng trong quá trình thiết lập tiền lương đã thay đổi. Kết quả là sẽ mất nhiều thời gian để cầu tác động đến tiền lương và lạm phát hơn so với trong quá khứ.

Hơn nữa, nền kinh tế đang trải qua một sự chuyển dịch về mặt công nghệ, bắt nguồn từ việc số hóa và toàn cầu hóa. Ước tính từ Citigroup chỉ ra rằng gần một nửa số việc làm sẽ bị gián đoạn trong những thập niên tới. Cụ thể là các công việc đòi hỏi ít kỹ năng và ít đào tạo sẽ rất dễ bị ảnh hưởng; nhưng rõ ràng là nhiều nhóm ngành khác – gồm quản trị, kế toán, hậu cần, ngân hàng, và các hoạt động dịch vụ – cũng có khả năng bị tác động. Các công ty sẽ có thể cắt giảm nhân viên và chi phí sản xuất mà vẫn cải thiện được dịch vụ khách hàng, và điều này, cũng giống như “Uber hóa,” sẽ ảnh hưởng đến quá trình thiết lập tiền lương.

Tôi tin rằng các thống đốc ngân hàng trung ương đang đánh giá thấp tác động của sự thay đổi cấu trúc này. Ở các nền kinh tế theo định hướng công nghệ cao, như Mỹ, Anh, và các nước Bắc Âu, có nguy cơ là các mô hình kinh tế vĩ mô truyền thống sẽ đánh giá quá cao áp lực từ chi phí lao động.

Một lý do khác khiến Fed nên hoãn tăng lãi suất là khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có vài tác động rõ ràng đến nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, giá năng lượng và hàng hóa thấp hơn có khả năng làm giảm nhẹ áp lực lạm phát. Khi lạm phát thấp trong một thời gian dài, kỳ vọng lạm phát cũng có xu hướng giảm xuống. Thêm vào giá cả hàng hóa và năng lượng thấp sẽ dẫn đến nguy cơ là các kỳ vọng lạm phát sẽ quá thấp đến mức không thể duy trì một sự phục hồi cân bằng.

Tác động toàn cầu của việc hạ giá đồng tiền của các thị trường mới nổi cũng có thể gây giảm phát. Tác động trực tiếp là đồng đô la mạnh hơn sẽ làm giảm chi phí của hàng nhập khẩu. Tác động gián tiếp, nhưng có thể trở nên đáng kể, là chi phí sản xuất vốn rất cạnh tranh ở các thị trường mới nổi sẽ tăng lên. Điều đó sẽ củng cố thêm áp lực giảm phát do toàn cầu hóa trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, nguy cơ biến động thị trường tiền tệ sẽ lớn hơn nếu Fed tăng lãi suất. Các chính sách tiền tệ phi truyền thống của Fed là cần thiết đối với Mỹ. Nhưng vì chúng làm cho thanh khoản tràn ngập thị trường toàn cầu, các dòng chảy vốn đầu tư lớn đã chuyển sang các thị trường mới nổi, nơi mà đồng tiền thường không có nhiều thanh khoản như đồng đô la. Khi đầu tư quay lại đồng đô la, biến động tiền tệ ở các thị trường ít thanh khoản hơn này có thể trở nên quá mức.

Fed rõ ràng có trách nhiệm xem xét những quyết định chính sách của họ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu như thế nào. Biến động tiền tệ quá mức sẽ không có lợi cho Mỹ, nhất là vì đồng tiền giảm giá tại các thị trường mới nổi sẽ khuếch đại tác động của toàn cầu hóa lên việc làm, tiền lương, và lạm phát ở Mỹ, nhất là các ngoại tệ yếu sẽ khiến việc thuê ngoài (outsourcing) trở thành giải pháp khả thi hơn về mặt kinh tế.

Một lý do khác để Fed xem xét lại việc tăng lãi suất là tính chính đáng của Hệ thống Bretton Woods phụ thuộc vào một hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động tốt. Trọng tâm kinh tế toàn cầu đang di chuyển sang châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, nhưng IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dường như vẫn chỉ phản ánh thực tế của những năm 1950. Nếu Fed được cho là gây ra một cuộc khủng hoảng lớn tại các thị trường mới nổi, điều này gần như chắc chắn sẽ làm tổn hại lâu dài đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Fed nên xem mức giá hàng hóa cơ bản thấp, áp lực lạm phát giảm, các thay đổi trong thị trường lao động, và các dịch chuyển công nghệ gây nhiều tác động là những lý lẽ thuyết phục để trì hoãn việc tăng lãi suất. Nếu tính đến cả các nguy cơ gây biến động quá mức trong hệ thống tài chính toàn cầu thì càng có thêm lý do để trì hoãn.

Còn nhiều thời gian để Fed đưa ra tín hiệu cho thấy lập trường chính sách của họ đã thay đổi, và Hội nghị ở Jackson Hole là một cơ hội tuyệt vời để bắt đầu điều đó. Nếu tình thế thay đổi, chính sách cũng phải thay đổi. Cần nhớ rằng việc mất uy tín lớn nhất luôn xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng làm ngơ những thay đổi trong thực tế.

Anders Borg, cựu Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, hiện là Chủ tịch của Sáng kiến Hệ thống Tài chính Toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Why the Fed Should Postpone Rate Hikes

Hình: Chủ tịch Fed Janet Yellen. Nguồn: Afr.com.

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề