10 cuộc chiến bùng nổ vì lý do ngớ ngẩn trong lịch sử

Hai bộ lạc Ả rập giao chiến tới 40 năm vì một con lạc đà lọt vào giữa bầy cừu, trong khi Anh và Iceland xung đột vì quyền khai thác cá tuyết.

Chiến tranh vì một con lạc đà

Chiến tranh Al Basoos là cuộc chiến kéo dài 40 năm, từ năm 494 đến năm 534, giữa hai bộ lạc Ả rập – Thaglib và Bakr. Người ta gọi cuộc chiến theo tên của một cụ bà.

Xung đột nổ ra khi một con lạc đà gần nhà cụ Al Basoos lọt vào giữa bầy cừu của Kulyab, thủ lĩnh bộ lạc Thaglib. Kulyab giết nó. Cháu của bà Al Basoos, thủ lĩnh bộ lạc Bakr, biết chuyện và giết Kulyab để trả thù, gây ra cuộc chiến giữa hai bộ lạc. Cuộc chiến chìm dần vào quên lãng và không ai biết bên nào giành chiến thắng.

Tuyên chiến vì phân chim

Từ năm 1879 đến năm 1883, Chiến tranh Thái Bình Dương, còn gọi là Đại chiến Guano, nổ ra giữa Peru, Bolivia và Chile. Trong tiếng Tây Ban Nha, Guano nghĩa là phân chim. Do đó, đây là cuộc chiến giành phân chim – thành phần chủ yếu trong sản xuất phân bón và thuốc súng nhờ hàm lượng photpho và nito cao. Người ta tính giá trị của nó tính bằng vàng.

Phân chim phân bố chủ yếu ở vùng ven biển sa mạc Atacama thuộc quyền kiểm soát của Peru và Bolivia. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn lực và nhân lực, Bolivia ký hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác với các công ty Chile.

Sau đó, Bolivia liên tục tạo sức ép để nâng cao doanh thu dẫn tới nhiều cuộc tranh chấp. Peru và Chile ký thỏa thuận bí mật để chính phủ Peru có thể kiểm soát đầu ra bằng cách mua lại và điều hành hoạt động khai thác mỏ phân chim. Liên minh Peru – Chile yêu cầu Bolivia giải phóng các thợ mỏ Chile. Do đó, năm 1879, Bolivia tăng thuế đối với ngành khoáng sản. Để bảo vệ lợi ích của các công ty, Chile chiếm quyền kiểm soát khu vực khai thác mỏ. Ngay lập tức Peru và Bolivia tuyên bố chiến tranh.

Chile giành chiến thắng nhờ vào lực lượng hải quân hùng mạnh, đồng thời giành quyền kiểm soát toàn bộ đường bờ biển sa mạc đang tranh chấp. Thất bại trong Đại chiến Guano để lại hậu quả lớn đối với xã hội Peru và Bolivia. Nó thậm chí dẫn đến bạo loạn khí đốt ở Bolivia năm 2004.

Chiến tranh 40 năm vì tranh chấp trong đua ngựa

Một cuộc chiến tranh kéo dài trong 40 năm đã nổ ra giữa hai bộ tộc Ả rập sau một tranh chấp trong đua ngựa.

Cuộc đua diễn ra khi thủ lĩnh tộc Abs thách thức thủ lĩnh tộc Dhubhiyan. Tộc trưởng Abs cưỡi con ngựa Dahis (một giống ngựa nổi tiếng chạy nhanh) còn tộc trưởng Dhubhiya cưỡi ngựa Ghabra. Chặng đua có chiều dài bằng một trăm lần chiều dài đường tên bắn. Tiền cược là một trăm con lạc đà.

Ban đầu, ngựa của tộc trưởng Dhubhiya dẫn trước. Sau đó, ngựa của thủ lĩnh tộc Abs vượt qua và có khả năng giành chiến thắng. Tuy nhiên, người tộc trưởng Dhubiyan phục kích Dahis và loại nó khỏi cuộc đua. Vì tộc Dhubiyan chơi xấu, tộc Abs tuyên bố chiến thắng. Tộc Dhubyanites từ chối trả tiền cược. Vì sự bội ước ấy, tộc trưởng Abs giết anh trai của thủ lĩnh Dhubiyan. Để trả thù, tộc Dhubiyan giết chết anh trai tộc trưởng Abs. Cuộc chiến giữa hai tộc nổ ra vào kéo dài 40 năm.

Mặc dù tộc Dhubiyan gây chiến trước, họ vẫn không đủ lợi thế để giành thắng lợi quyết định trong cuộc chiến.

Cuộc chiến bánh ngọt

Năm 1828, nội chiến nổ ra ở thành phố Mexico. Một đầu bếp bánh ngọt gốc Pháp tuyên bố rằng một số sĩ quan Mexico đã phá hoại tiệm bánh của ông và yêu cầu chính quyền thành phố Mexico bồi thường thiệt hại nhưng không thành. 10 năm sau, ông cầu xin vua Louis Philippe của Pháp giúp đỡ.

Lúc đó, Mexico đang nợ Pháp hàng triệu USD. Vua Louis lấy đó làm cớ và buộc Mexico bồi thường 600.000 peso cho người thợ bánh ngọt. Đây là một số tiền lớn khi thu nhập bình quân của người lao động ở Mexico là 1 peso/ngày. Mexico từ chối yêu cầu của Pháp. Năm 1838, Pháp lấy đó làm cớ gây chiến.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Pháp khống chế hải quân Mexico và chiếm pháo đài ở bang Veracruz. Năm 1839, người Anh can thiệp, buộc Mexico thanh toán 600.000 peso cho thợ bánh ngọt. Cuộc chiến kết thúc.

Pháp xâm lược Algieria vì quan cai trị dùng quạt đánh viên lãnh sự

Trước năm 1830, Algeria là một phần của Đế quốc Ottoman (quốc hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ thời đó). Thời kỳ đó, quan hệ giữa Pháp và Ottoman rất căng thẳng. Quan cai trị của Ottoman ở Dey Hussein, một đô thị ở Algeria, yêu cầu lãnh sự quán Pháp trả nợ nhưng lãnh sự quán Pháp từ chối. Tức giận, ông ta dùng quạt đánh viên lãnh sự.

Vua Charles X của Pháp coi sự kiện ấy là cơ hội để tăng sức ảnh hưởng của ông đối với dân chúng. Vì thế Charles X ra lệnh phong tỏa các cảng ở Algeria. Cuộc phong tỏa kéo dài 3 năm. Sau đó, Algeria đánh bom tàu chở lãnh sự đến Dey Hussein để đàm phán. Pháp coi đây là hành động chiến tranh và phát động một cuộc xâm lược quy mô lớn. Năm 1834, Pháp chiếm giữ toàn bộ Algeria.

Cuộc chiến 3 thế kỷ vì vua cạo râu

Năm 1137, Eleanor, nữ công tước xứ Aquitaine, kết hôn với vua Louis VII của Pháp và dâng hai tỉnh lớn cho Pháp để làm của hồi môn. Sau đó, nhà vua tham gia cuộc Thánh chiến. Khi trở về, ông cạo sạch bộ râu. Hoàng hậu Eleanor không thích bộ dạng đó của nhà vua và yêu cầu ông để râu trở lại. Louis VII giận dữ và từ chối. Sự oán hận cay đắng giữa hai người dẫn đến cuộc ly hôn của họ. Eleanor đến Anh, kết hôn với vua Henry II và yêu cầu Louis VII trả lại của hồi môn. Một lần nữa, vua Pháp từ chối. Năm 1152, vua Henry II tuyên bố chiến tranh với Pháp.

Cuộc chiến kéo dài 301 năm. Năm 1453, nước Pháp giành thắng lợi nhưng gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Chiến tranh vì cá

Chiến tranh Cá tuyết là tên mang tính châm biếm của cuộc đối đầu giữa Iceland và Anh về quyền khai thác cá. Năm 1958, cuộc xung đột đầu tiên nổ ra khi Iceland mở rộng phạm vi đánh cá từ 6,4 km lên 19,3 km. 14 năm sau, Iceland mở rộng đường biên giới biển lên 80,5 km. Quyết định ấy dẫn đến xung đột lần thứ hai. Iceland muốn độc quyền đánh bắt cá vì đây là nguồn thu duy nhất của cả nước. Hai nước ký một thỏa thuận mà theo đó, Iceland cho phép tàu Anh đánh cá tại một số vùng biển nhất định nhưng phải trả thuế khai thác. Tháng 10/1975, thỏa thuận hết hạn. Iceland tiếp tục mở rộng lãnh hải lên 322 km và cấm tàu Anh đánh cá tại vùng biển thuộc chủ quyền Iceland. Anh huy động hơn 20 tàu khu trục bảo vệ lợi ích của ngư dân của họ khiến xung đột lần thứ ba nổ ra.

Iceland đe dọa đóng cửa căn cứ Keflavik, một căn cứ chiến lược của NATO trong Chiến tranh Lạnh, buộc NATO và Mỹ can thiệp vào cuộc tranh chấp. Anh cũng như các nước khác chấp nhận nhượng bộ trong các cuộc xung đột với Iceland.

Chiến tranh mật ong

Chiến tranh mật ong là cuộc tranh chấp đường biên giới với chiều dài 15 km giữa Iowa và Missouri – hai bang của Mỹ – trong năm 1830. Nguyên nhân sâu xa của xung đột là sự mập mờ của Hiến pháp bang Missouri. Sau khi bang Iowa giam một cảnh sát trưởng thuộc bang Missouri đang cố thu thuế ở khu vực tranh chấp, Thống đốc hai bang ra lệnh lực lượng dân quân tăng cường tuần tra biên giới. Người ta gọi đây là chiến tranh mật ong vì khu vực tranh chấp có 3 cây chứa mật ong giá trị cao.

Xung đột kéo dài đến khi Tòa án Tối cao can thiệp, tuyên bố bang Iowa giành chiến thắng.

Cuộc chiến giành ngai vàng

Trong giai đoạn từ cuối thế ỷ XIX tới đầu thế kỷ XX, người dân châu Phi nổi dậy chống Anh. Với ưu thế của súng, Anh nhanh chóng dập tắt các cuộc nổi dậy, bao gồm cuộc đấu tranh của vương quốc Ashanti (ngày nay là Ghana).

Sau cuộc giao tranh ban đầu, quân đội Anh lưu đày vua Premeph I của Ashanti. Năm 1900, tướng chỉ huy quân Anh, Frederick Mitchell Hodgson, đòi ngồi lên ngai vàng trong hội đồng vương quốc Ashanti, theo African Globe. Đây là một sự xúc phạm khủng khiếp đối với người dân vì họ luôn coi ngai vàng là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc và chỉ thuộc về nhà vua. Để bảo vệ di sản nước nhà, một phụ nữ tên Yaa Asantewaa tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Anh.

Mặc dù cuối cùng Anh thành công trong việc chiếm Ashanti nhưng người dân đã chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ ngai vàng.

Chiến tranh Ruốc

Chiến tranh Ruốc là cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng giữa hai công ty kinh doanh lông thú của Anh tại Canada, công ty Vịnh Hodson (HBC) và công ty North West (NWC). Mâu thuẫn nảy sinh vào năm 1811, khi Thomas Douglas, Bá tước xứ Selkrik, Anh, triển khai dự án di dân tới Thuộc địa Sông Hồng trên vùng đất rộng 193.121 km2 thuộc HBC.

Douglas muốn dành quyền kinh doanh lông thú cho HBC nên ông cấm tất cả người Métis (những người châu Âu kết hôn với người Canada) giao dịch thương mại với NWC. Năm 1814, Thống đốc khu vực Thuộc địa Sông Hồng cấm người Métis giết trâu. Người Métis vô cùng tức giận nên đua nhau xẻ thịt trâu để làm ruốc.

Thống đốc lại ban hành lệnh cấm xuất khẩu ruốc, rồi tịch thu 400 túi ruốc thuộc NWC và buộc công ty này chấm dứt kinh doanh trên Thuộc địa Sông Hồng. NWC cùng người Métis tuyên chiến với HBC và Sông Hồng. Họ cướp bóc, đốt phá các đồn thuộc HBC. Cuộc cạnh tranh thương mại giữa hai công ty trở thành chiến tranh khi HBC trả đũa bằng lực lượng dân quân.

Cuối cùng, Hoàng gia Anh cảm thấy hổ thẹn trước hành động của HBC và NWC, buộc hai công ty sáp nhập với nhau.

Trí Lê (Theo Zing News)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề