Một sự giải phóng về tư tưởng của người lớn – dù khá lâu nhưng cũng chưa muộn. Đừng gắn huy chương lên tuổi thơ của các con mình.
Sáng ra, thấy trên facebook của một thầy giáo dạy toán nổi tiếng hân hoan thông báo về cái Chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT. Mọi người thở phào nhẹ nhõm “vậy là lũ trẻ đã được tự do”…
Bọn trẻ, chắc hẳn sẽ còn hân hoan và thở phào nhẹ nhõm hơn nữa…
Thực ra quy định về việc cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đã có từ trước. Tôi vốn có con đang học tiểu học tại một trường dân lập nổi tiếng tại Hà Nội, đã từng thắc mắc tại một buổi họp phụ huynh toàn trường tại sao con tôi vẫn phải làm bài tập về nhà nhiều thế thì nhận được những ánh nhìn rất khác lạ từ chính nhà trường và các bậc cha mẹ khác. Là vì đa số họ vẫn yên tâm hơn khi thấy bọn trẻ tối về cắm mặt vào các loại làm bài tập sau hai buổi học tại trường…
Than vãn về nền giáo dục nặng tính thành tích, than vãn về bệnh bằng cấp nhưng thử hỏi có mấy bậc cha mẹ không coi trọng đến thành tích học tập và bằng cấp của con mình. Những gia đình càng có điều kiện thì sự kỳ vọng vào thành tích và bằng cấp học hành của con càng lớn.
Bọn trẻ, cứ thế mỗi ngày đeo lên vai mình chiếc cặp sách ngày càng nặng trịch những kỳ vọng huy chương của người lớn, của xã hội. Cứ thế, chúng nó cũng quen dần…
Thế mới có chuyện, nhiều gia đình có điều kiện chỉ đến khi cho con ra nước ngoài học mới ngỡ ngàng nhận ra, hóa ra bằng tuổi bọn trẻ con tây mà con mình đã được nhồi nhét nhiều kiến thức quá.
Báo cáo thẩm tra Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sau quá trình khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố đã chỉ rõ: “Chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh”.
Lấy môn toán là môn học phổ quát toàn cầu với nền tảng kiến thức chung cho mọi nền giáo dục có thể chỉ ra, những trường hợp cụ thể như chương trình lớp 4 của Việt Nam đã phải học những phép toán nhân chia số có 2, 3 chữ số mà đến lớp 7, học sinh Vương quốc Anh mới bắt đầu học. Hoặc những môn như Tích phân được đã được giảng dạy cho học sinh cấp 3 Việt Nam, trong khi đó lại là kiến thức chỉ được đưa vào ở bậc đại học Hoa Kỳ…
Những người ủng hộ chương trình giáo dục hiện tại có thể lập luận rằng, việc học sinh Việt Nam được học nhiều kiến thức hơn, sớm hơn học sinh cùng lứa tuổi ở các nước khác là chuyện tốt, chứng tỏ học sinh Việt Nam có năng lực học tập cao hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ, kiến thức bậc học phổ thông phần nhiều không phải là dạng kiến thức để làm việc. Ngoại trừ một số tương đối ít những kiến thức cơ bản phải biết theo đòi hỏi của xã hội hiện đại (mà phần lớn đang nằm ở bậc giáo dục tiểu học), đa số các nội dung được dạy trong nhà trường phổ thông chủ yếu thuộc dạng kiến thức mang tính phổ quát, khuyến khích nên biết, nhưng không mang tính bắt buộc đối với tất cả mọi người khi trưởng thành.
Một giám đốc doanh nghiệp có thể không còn nhớ chút gì về phép tính đạo hàm hay chu kỳ sinh trưởng của động vật thân đốt hoặc một lập trình viên không thể phân biệt được sự khác nhau giữa tầng đối lưu hay bình lưu trên bầu khí quyền… những kiến thức họ đã được học trong 12 năm phổ thông. Còn những ông bố bà mẹ bằng cấp đầy mình nhưng lại vò đầu bứt tai không biết hướng dẫn đứa con giải toán lớp 3, lớp 4 như nào cho đúng phương pháp là một tình huống rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Những chuyện đó chẳng có gì lạ ở nước mình!
Tuổi thơ với 12 năm học phổ thông đang ngày một nặng nhọc giống như một cuộc chạy marathon đối với bọn trẻ. Mà có khi nó còn nặng nhọc hơn chạy marathon, vì ở cuộc thi đường trường dài hơn 42km dành cho người trưởng thành đó, các vận động viên cũng không ai phải tăng tốc chạy hết sức lực ngay từ những mét đầu tiên, như cái cách người lớn chúng ta đang buộc những đứa trẻ của chúng ta phải ra sức học ngày học đêm từ trước cả ngày khai giảng đầu tiên trong đời.
Một sự giải phóng về tư tưởng của người lớn – của cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh – dù khá lâu nhưng cũng chưa muộn. Các vị, xin đừng gắn huy chương lên tuổi thơ của các con mình.
Theo Phunutoday.
- Tại sao trẻ con đương thời không thiết học tập, không kiên nhẫn và rất khó khăn để vượt qua sự buồn chán.
- SỰ NGỘ NHẬN CỦA NGƯỜI VIỆT- NGƯỜI VIỆT TỐT?
- Phổ thông trung học Ukraina theo cách mới
- Bảy trường đại học Ukraina đã dành được tài trợ từ EU
- 'Văn hóa quay cóp' - lỗi của học sinh hay lỗi của nền giáo dục?
- Vì sao các ông bố bà mẹ Hà Lan không bao giờ quát con?
Trả lời