Việt Nam sẽ “vươn mình” trở thành “con hổ” tiếp theo của Châu Á?

Việt Nam sẽ trở thành “con hổ” tiếp theo của Châu Á với những lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và và tốc độ tăng trưởng ấn tượng, theo hãng tin Bloomberg.

Hãng tin Bloomberg cho hay, việc những tập đoàn lớn như Samsumg, Intel đổ tiền vào các nhà máy ở Việt Nam đã đưa quốc gia Đông Nam Á này vươn lên trở thành “con hổ” tiếp theo tại châu Á. Sau đổi mới từ những năm 1980, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, vượt quá 7% trước khi chững lại trong những năm gần đây do sự gia tăng của nợ xấu từ khu vực quốc doanh.

Theo hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP, từ nay đến năm 2050, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới. Không chỉ có lợi thế về chi phí gia công rẻ hơn so với công xưởng của thế giới – Trung Quốc, Việt Nam còn có trở thành một điểm đến lý tưởng của các tập đoàn Nhật Bản.

Ông Vikram Nehru – chuyên gia cấp cao nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á của Carnegie Endowment bình luận: “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Chỉ cần giải quyết được những vấn đề trong khu vực quốc doanh, quốc gia này có đủ khả năng để vươn lên mạnh mẽ”.

Bloomberg cũng nêu ra hàng loạt những chỉ báo cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2014, Việt Nam đã trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ trong khối ASEAN, vượt qua cả những đối thủ có truyền thống lâu đời như Thái Lan, Malaysia.

Giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh suốt 14 năm, riêng năm 2014 đạt mức 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với 2013 và cao hơn nhiều so với mức 2,4 tỷ USD của năm 2000. Hoạt động của Samsung tại Việt Nam mạnh mẽ tới mức Chính phủ đã cho phép tập đoàn này có một cảng vận chuyển hàng không riêng tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Các nhà sản xuất khác cũng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sản xuất máy in đến từ Nhật Bản Kyocera Document Solutions có dự định tăng gấp 4 sản lượng ở Việt Nam, lên 2 triệu chiếc vào năm 2018. Một phần cơ sở sản xuất của hãng ở Trung Quốc sẽ được chuyển về Hải Phòng, biến Việt Nam thành “cứ điểm” sản xuất máy in lớn nhất của hãng.

Frederic Neumann – chuyên gia đến từ ngân hàng HSBC – nhận định Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh do lương tăng và đồng nhân dân tệ tăng giá.

Trước khi yếu đi trong năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã tăng 4 năm liên tiếp và là đồng tiền tăng mạnh nhất trong số 24 loại tiền tệ từ các thị trường mới nổi mà Bloomberg đang theo dõi.

Năm nay, Vn-Index đã tăng 5,5% trong khi các chỉ số chứng khoán tại các thị trường như Indonesia, Malaysia, Thái Lan chỉ lần lượt tăng 4,1%, 2,4% và 2,2%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP bình quân năm thực tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2050 dự kiến đạt 5,3%. Theo PwC, đây là mức tăng trưởng chỉ đứng sau Nigeria. Ngược lại, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm xuống dưới 4%.

Trên tất cả, theo Bloomberg, nguồn lao động mới là lực lượng hỗ trợ lớn cho kinh tế Việt Nam, nếu so với Trung Quốc. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2012, 13% dân số Trung Quốc ở độ tuổi từ 60 trở lên, trong khi tỷ lệ ở Việt Nam là 9%. Hơn 40% dân số Việt Nam trong số 90 triệu người (năm 2013) nằm trong độ tuổi lao động.

Việc những tập đoàn lớn như Samsumg, Intel đổ tiền vào các nhà máy ở Việt Nam đã đưa quốc gia Đông Nam Á này vươn lên trở thành "con hổ" tiếp theo tại châu Á. (Ảnh minh họa)

Việc những tập đoàn lớn như Samsumg, Intel đổ tiền vào các nhà máy ở Việt Nam đã đưa quốc gia Đông Nam Á này vươn lên trở thành “con hổ” tiếp theo tại châu Á. (Ảnh minh họa)

Năm 2013, mức lương trung bình ở Việt Nam là 197 USD, so với mức 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc. Sự chênh lệch này còn tiếp tục doãng rộng. Theo ước tính của Economist Intelligence Unit, đến năm 2019, chi phí lao động sản xuất mỗi giờ của Trung Quốc sẽ cao hơn 177% so với Việt Nam trong khi con số này năm 2012 là 147%.

“Tôi vẫn nhớ vài năm trước, đôi giày tôi mua ở Trung Quốc hóa ra nó được sản xuất tại Việt Nam”, chuyên gia John Hawksworth của PwC nói.

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động được chuyển sang Việt Nam đều nằm ở phần mang lại giá trị gia tăng thấp như dệt may, đồ nội thất và gia công hàng điện tử. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc đang dịch chuyển lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, nợ xấu và năng suất lao động vẫn là những điểm yếu của nền kinh tế mà Bloomberg gọi là “con hổ thứ hai” của châu Á này. Trong khi các ngân hàng vẫn phải vật lộn để xử lý những khoản nợ dưới chuẩn thì bản thân Chính phủ cũng đang phải đương đầu với những vấn đề từ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả. Không chỉ vậy, những vấn đề về cơ sở hạ tầng, tình trạng tham nhũng vẫn còn tồn tại. Việt Nam đứng thứ 119 trong 175 nước trên bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng 2014. Chưa kể đến sức ép từ những cạnh tranh giành các hợp đồng sản xuất cho tập đoàn lớn từ các nước láng giềng như Philippines, Malaysia cũng khiến Việt Nam gặp khó khăn.

“Dẫu biêt là nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa chắc Việt Nam đã tận dụng được tất cả để vươn lên”, John Hawksworth nói.

Nếu nhìn từ góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng hầu hết những đầu việc được dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam có giá trị thấp. Ngược lại, Trung Quốc đang tham vọng nâng giá trị các chuỗi sản xuất của mình.

Theo Karel Eloot, Giám đốc chi nhánh Thượng Hải của McKinsey & Co, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và có thể là cản trở lớn nhất cho việc phát triển kinh tế của đất nước này.

Các ngân hàng ở Việt Nam đang ráo riết xử lý nợ xấu và chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cơ sở hạ tầng không đồng bộ, khoảng cách về kỹ năng và tham nhũng là những rủi ro chính đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tim Condon – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ING – cho rằng Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành “ngôi sao sáng” của vùng Mekong (bao gồm Campuchia, Lào, Myanamar, Thái lan và Việt Nam, cùng với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc).

Xuất khẩu của Thái Lan – một trong những nước từng được các chuyên gia phân tích và giới truyền thông gọi là “con hổ” của châu Á trước khi khủng hoảng 1997 – 98 xảy ra – đã sụt giảm trong 2 năm liên tiếp. Ngược lại, năm 2014, Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng gần 14%.

Ngân hàng ANZ cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 và 2015 lên 6,5%. ANZ cho rằng doanh số bán lẻ được củng cố, sản lượng công nghiệp tăng tốc và thị trường bất động sản ấm dần lên là những tín hiệu rất tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

Đời sống & Pháp Luật


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề